Dienstag, 11. September 2012

Những tín đồ của Marx đã ‘giết’ Marx

Sau văn hóa Trung Quốc và văn hóa Pháp, chủ nghĩa Marx đã từng là một hệ tư tưởng có ảnh hưởng lớn tới xã hội Việt Nam. Thế nhưng, kể từ khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, và đặc biệt trong thời kỳ đổi mới – hội nhập, thì lòng tin vào chủ nghĩa Marx đã bị suy sụp trên một đất nước mà Chủ nghĩa Cộng sản thắng thế. Mặc dù chủ nghĩa Marx vẫn được rao giảng đều đặn từ nhà trường tới xã hội, nhưng liệu nguyên nhân của hiện tượng suy giảm lòng tin này có phải chỉ đơn thuần vì chủ nghĩa Marx sai lầm?

Chân lý tối thượng?

Nhìn lại thế kỷ 19 và thế kỷ 20, ta không thể phủ nhận những hiệu quả mà chủ nghĩa Marx và Quốc tế Cộng sản đã làm được. Họ là một miếng ghép không thể thiếu trên bức hình hoàn hảo của nền tảng dân chủ. Trong khi giai cấp tư sản đang thắng thế và những người công nhân, nông dân phải chịu đựng một cuộc sống khốn khó về vật chất, không được đảm bảo các quyền làm người tối thiểu, thì Chủ nghĩa Marx đã giúp những người này ý thức được nhân quyền mà họ gần như đã lãng quên.

Trải qua quá trình phát triển của Quốc tế Cộng sản thứ 2 với chủ trương thỏa hiệp quyền lợi do Enghen đề xuất cho tới Quốc tế Cộng sản thứ 3 do Lenin đề xướng với chủ trương bạo động, Chủ nghĩa Marx đã đi đến đường lối cực đoan. Nhưng một hiệu ứng không ngờ, vượt ra khỏi suy tính của “ba vị thánh” Cộng sản này, đó là Chủ nghĩa Cộng sản đã đạt được thành công lớn ở đa số các nước thuộc địa. Tại đây, Chủ nghĩa Cộng sản đã cổ vũ người dân thuộc địa đứng dậy đòi chủ quyền cho dân tộc, chấm dứt hoàn toàn chế độ thực dân. Nhưng đáng nực cười là Chủ nghĩa cộng sản của Marx lại không hề thành công trong tiến trình xây dựng đất nước, mà cụ thể là ở Việt Nam. Tại sao vậy? Có phải vì Chủ nghĩa Marx là không đúng đắn?

Như đã nhận định ở trên, Chủ nghĩa Marx chỉ là một mảnh ghép của sự dân chủ hoàn hảo. Chủ nghĩa của một cá nhân hay một nhóm cá nhân, cho dù có xuất sắc thế nào cũng không phải là chân lý tối thượng để áp dụng ở mọi hoàn cảnh. Chủ nghĩa Marx có thể bảo vệ quyền lợi của người dân lao động chân tay, người nghèo, những người tận cùng xã hội… nhưng còn tầng lớp quý tộc, tầng lớp tư sản, tầng lớp trí thức…thì thế nào? Việc tước bỏ quyền lợi của các tầng lớp khác bằng bạo lực cách mạng chẳng khác nào như chặt tất cả các cây trong rừng cho bằng với nhau! Phải chăng các tín đồ của Quốc tế Cộng sản thứ 3 quá thần tượng việc làm cướp người giàu chia cho người nghèo của vua trộm Robinhood? Việc làm ấy có thể đòi quyền lợi cho người lao động chân tay nhưng đồng thời cũng khiến họ trở nên lười biếng. Vậy thì, ngay chính với người vô sản, Chủ nghĩa Marx vẫn không hoàn toàn đặt đúng quyền lợi vào tay họ. Điều đó chứng tỏ, chủ nghĩa này cho đến sự phát triển của Lenin, không phải tối thượng.

‘Chủ nghĩ’ và ‘phi chủ nghĩa’

Ngược lại, ở Việt Nam và một số các nước cộng sản khác, Chủ nghĩa Marx lại được xem như chân lý tối thượng. Nhớ lại lịch sử Châu Âu, đã từng có thời người ta coi Kinh thánh như chân lý tối thượng, và cũng từng có thời họ hạ nhục Kinh thánh, suy sụp lòng tin vào Thượng đế và Jesus. Lấy gì để đảm bảo rằng Marx đúng, Jesus sai hay ngược lại? Jesus không sai, Marx cũng không sai nhưng họ không đúng hoàn toàn. Việc mặc nhiên coi một chủ nghĩa hay tư tưởng nào đó là chân lý và cưỡng chế về mặt giáo dục của các tín đồ cực đoan đã giết chết những tên tuổi vĩ đại ấy.

Thứ nhất, thái độ giáo dục cực đoan và cưỡng chế đã kích thích cuộc chống đối mạnh mẽ hơn. Bản tính con người rất hay nghi ngờ, nhất là khi họ không được đảm bảo về quyền lợi. Những tư tưởng này, cho dù đúng đắn, nhưng rõ ràng không thể đảm bảo một đời sống hạnh phúc cho họ. Bởi vậy, họ bắt đầu nảy sinh nghi ngờ và phản biện. Họ lập tức gặp phải sự chống đối của số đông cực đoan vùi dập và ngăn chặn tư duy mới mẻ của họ. Họ quên rằng quá trình phát triển của triết học chính là sự phản biện.

Hãy xem bài học của Thiên chúa giáo, những Galileo, Darwin, Nietzches, Freud… đều bị gọi là những kẻ chống Chúa và thực tế là họ đã làm suy sụp đức tin ở khắp thế giới phương Tây. Nếu như thời điểm ấy Thiên chúa giáo chấp nhận tư tưởng của “những kẻ chống Chúa” và bổ sung vào hệ tư tưởng của Thiên chúa giáo thì chắc chắn rằng không xảy ra hiện tượng này. Từ đó, ta có thể suy ra luận điểm thứ hai.

Chính việc giáo dục cực đoan đã ngăn trở sự phát triển của Chủ nghĩa Marx và nó chấm dứt ở Lenin. Và cũng như bài học của Thiên chúa giáo, những nhà phản biện của Chủ nghĩa Cộng sản được gán cho hai tính từ “phản động”.  Và như vậy, vẫn còn nguyên mãi sự bất toàn của Chủ nghĩa Marx. Những tín đồ của Marx đã quên rằng không có Heghen và Chủ nghĩa Xã hội không tưởng của Phurier – Owen thì không thể có Chủ nghĩa Marx. Và không có Enghen, Lenin thì Chủ nghĩa Cộng sản đã chẳng phát triển mạnh bạo trong lịch sử, vậy thì hà cớ gì lại chặn đứng sự phát triển bằng việc coi đó như chân lý tối thượng?

Giáo sư kinh tế David L. Prychitko đã bình luận rằng, “Marx đã không hiểu được điều này. Và các môn đệ của ông ta cũng vậy. Lý thuyết về giá trị của Marx, triết học của ông về bản chất con người, và tuyên bố của ông về sự phát minh ra quy luật của lịch sử chỉ phù hợp với nhau nhằm cung cấp một tầm nhìn phức tạp và quy mô về trật tự trong một thế giới mới. Nếu trong ba quý đầu tiên của thế kỷ hai mươi cung cấp nền tảng cho việc thử nghiệm về những tầm nhìn đó, thì cuối thế kỷ hai mươi chúng đã chứng tỏ bản chất không tưởng thực sự và không thể thực hiện được”.1

Đứng trước một địa cầu mà đường biên giới dường như bị xóa nhòa và mở cửa nhìn ra thế giới là hàng nghìn thứ giáo lý, chủ nghĩa, tư tưởng… Giống như rất nhiều quốc gia theo Chủ nghĩa Cộng Sản khác, nước ta sẽ có hai lựa chọn: Hoặc là chấp nhận Chủ nghĩa Marx là một miếng ghép của bức tranh toàn cảnh và chấp nhận bắt tay với các nhóm phản biện khác; hoặc là xây dựng một nước Việt Nam phi chủ nghĩa, một nước Việt dân chủ thực sự. Bởi người ta có thể gán cho nhiều phương pháp hai chữ “chủ nghĩa”, nhưng chưa thấy ai gọi dân chủ là một “chủ nghĩa”. Dân chủ là một hình thái xã hội hoàn hảo mà bất cứ chủ nghĩa nào từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều hướng tới.

N.T.
© 2011 TCPT số 50

____

1. Chủ nghĩa Mác, David L. Prychitko. Library of Economics and Liberty. http://www.econlib.org/library/Enc/Marxism.html


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen