Dienstag, 18. September 2012

Thư Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức gởi Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Kinh Tế Dr. Roesler


10/09/2012 (DĐVN21). Nhân dịp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức, Bác sĩ Phlipp Rösler, sẽ thăm viếng Việt Nam từ 17 đến 19 tháng chín, Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức đã gửi thư cho ông Rösler nhằm trình bày tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng, đàn áp đối lập nặng nề của chính quyền CSVN và yêu cầu ông Rösler lưu ý nhà cầm quyền cộng sản về khía cạnh này.

Dưới đây là nguyên văn bức thư bằng tiếng Đức:

Brief von Lien Hoi an BM Rösler




Diễn Đàn Việt Nam 21
ngày 03/09/2012


Ông Bộ trưởng Kinh tế
Dr. Philipp Rösler
10115 Berlin


Thưa ông bộ trưởng,

Chúng tôi rẩt quan tâm ghi nhận tin tức về chuyến công du Việt Nam của ông trong thời gian từ 17 đến 21 tháng 9 năm 2012.

Chúng tôi đau lòng khi nghĩ đến quê hương của chúng tôi nơi mà hiện nay người dân có không có tiếng nói trong các vấn đề dân chủ, công lý, tự do, an sinh và phát triển của đất nước.

Từ 37 năm qua, chế độ Hà Nội đã từng hứa hẹn với người dân "độc lập, tự do và hạnh phúc", nhưng những điều này vẫn chưa thành sự thật. Thay vì gìn giữ độc lập, nhà cầm quyền càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc, để cho Bắc Kinh chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà không có một sự phản kháng nào. Hà Nội đã đè nén mọi khát vọng tự do của người dân, bắt giữ những người bất đồng chính kiến như tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, linh mục Nguyễn Văn Lý, thượng tọa Thích Quảng Độ, luật sư Lê Công Định, Blogger Điếu Cầy... cũng như cấm đoán các cuộc biểu tình. Về mặt hạnh phúc, đằng sau một bộ mặt kinh tế bề ngoài được đánh bóng là phồn thịnh thì thực tế phần lớn dân chúng phải chịu đựng nghèo đói, lạc hậu và tham nhũng thay vì hạnh phúc. Các quan chức lũng đoạn công quỹ trong đó gồm cả tiền viện trợ phát triển. Trong lãnh vực môi trường Hà Nội theo đuổi một chính sách thù địch thiên nhiên và con người. Trong khi nước Đức sẽ đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân thì Hà Nội lại nhập khẩu các lò phản ứng từ Nga, Nhật Bản và xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại các khu vực nhạy cảm của Việt Nam.

Đứng trước những vấn đề bất cập nêu trên, chúng tôi rất hoan nghênh nếu ông không chỉ đàm phán với chính phủ Việt Nam về thương mãi và chính trị tại Việt Nam mà còn dành thì giờ để trao đổi với đại diện của xã hội dân sự và các cộng đồng tôn giáo. Chúng tôi hy vọng rằng ông sẽ đề cập đến số phận của các tù nhân chính trị bất bạo động tại Việt Nam và can thiệp cho họ sớm được tự do.

Chúng tôi đánh giá cao việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế giữa Đức và Việt Nam. Mối quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ giữa quê huơng cũ và quê huơng mới của chúng tôi sẽ khuyến khích mọi người tại Việt Nam thêm can đảm dấn thân vì tự do, công lý để chuyển hóa đất nước.

Chúng tôi tin vào lời tuyên bố của bà thủ tướng liên bang: "trong đời sống chính trị hằng ngày tại châu Âu và trên thế giới như cũng ở phạm vi riêng tư, chúng ta thường đi đến sự dung hòa, ngay cả những dung hòa đầy khó khăn, nhưng những việc đó mang lại nhiều lợi điểm hơn là nhược điểm. Tuy nhiên, sẽ không thể có thỏa hiệp dựa trên sự thiếu hiểu biết về những điều dân chủ cơ bản như đã quy dịnh trong hiến pháp" (Bài phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm "60 năm Tòa Án Hiến pháp Liên Bang"). Chúng tôi hy vọng rằng ý nghĩa phát biểu này của bà Merkel sẽ là căn bản góp phần tích cực trong các cuộc hội đàm của ông tại Việt Nam.

Kính chúc ông cùng phái đoàn một chuyến đi thoải mái và thành công.

Dr. Hong-An Duong
Diễn Đàn Việt Nam 21
www.vietnam21.info
E-Mail: forumvietnam21@googlemail.com




Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen