Dienstag, 11. September 2012

Những bóng ma của Marx – I


Ngô Văn Tao
Nguồn: Gió-O

Something is rotten in the state of Danmark
The time is out of joint. O cursed spite
That ever I was born to set it right

(Shakespeare “Hamlet”)

Vương quốc này có gì thối nát
Thời bất ổn. Ôi! nghiệt ngã và oan trái
Tôi phải sống và lập chính đạo

Tháng 4 năm 1993, ở một đại học Hoa Kỳ có cuộc hội thảo với đề tài: Chủ nghĩa Marxit đi về đâu? (Whither Marxism?). Jacques Derrida (1930-2004) trình bày trong hai buổi một thuyết trình: Những bóng ma của Marx (Spectres de Marx, edit. Galilée-Paris 1993).

Những bóng ma của Marx” là một thảo luận chứ không phải là một văn bản luận đề học thuyết có hệ thống chặt chẽ. Mà thật, J.Derrida là triết gia nhưng là triết gia theo truyền thống Heidegger. Vấn đề của tư tưởng gia, theo Heidegger, không phải là đưa ra một thuyết lý hay một giáo điều mà xác định nhân sinh là “thử tại” (Dasein=Being), “trong cõi hiện hữu với bốn chân trời luôn luôn di động”. Tỉ như đối với nhà thơ Bùi Giáng, cái cõi đó là vũ trụ thi ca và ngôn từ. Còn đối với J.Derrida, nổi danh với ý niệm giải cấu (déconstruction), trong thế giới hiện hữu mà ở đó ta thử tại, không có gì là một tổng thể cố định, chúng ta phải biết cảm nhận tất cả là những tổng thể bản chất hỗn hợp (brownien) mà chúng ta luôn luôn giải thể và với ý thức tái cấu tạo. Và như thế ngay khi ta suy tư trên một vấn đề hiện sinh nào đó, nên những văn bản của J.Derrida đều là những ý tưởng tạp hợp đột phá, buộc người đọc phải tự tạo một hệ thống suy luận để không rơi vào mê đồ, cái mê đồ của thế giới tư duy nhân sinh thực tại.

Những bóng ma? Bóng ma Liễu Trai, bóng ma linh hồn người đã chết? Cuộc hội thảo nói trên với đề tài: Chủ nghĩa Marxit đi về đâu?, thật hàm ý, sau cuộc đổ vỡ ở Đông Âu, sự cáo chung của  Xã Hội Chủ Nghĩa; J.Derrida thấy cần phải nói tới bản Tuyên Ngôn Của Cộng Sản (le manifeste du communisme), Cộng Sản Đệ Nhất Quốc Tế, mà  Friedrich Engels và Karl Marx soạn năm 1848, trong đó có câu: “Trên Lục Địa Âu Châu này, một bóng ma đã tới phủ đầy, bóng ma Cộng Sản!” (Ein Gespent geht um in Europa – das Gespent des Kommunismus!). Vậy bóng ma đây là một sự ám ảnh, một linh tính khắc khoải chờ đợi, dù rằng mỗi khi ta nói tới bóng ma là ta nghĩ tới một cái gì quá cố trở về vật vờ trước nhãn quan, trong tiềm thức.

J.Derrida nói đến bóng ma, không phải để bàn luận về “những ám ảnh áp chế”, như trong phân tâm học freudian, mà trước hết nhìn lại khái niệm thời gian, sự liên tục quá khứ, hiện tại, tương lai. Đặc biệt hiện tại đang sống (le présent vivant), sự liên đới giữa quá khứ và tương lai, hàm chứa trong cái bây giờ những gì đã qua, bóng ma của những hiện tượng, cùng với những gì sẽ đến, không biết nội dung ra sao nhưng hiện đấy.

Nhưng có thể nói trong nhân sinh văn hóa của con người hiện đại, cái “bây giờ” chỉ là “ngày mai”, ngày mai của đồng tiền, của tiện nghi, ngày mai triển khai cơ giới, súng đạn tân tiến…ngày mai của những cái biết. Con người hiện đại không cần đến quá khứ, chỉ cần đến trí nhớ của những bộ óc điện tử (computers). Chúng ta không nghĩ về quá khứ, chúng ta biết rất nhiều, ghi nhớ tất cả với bộ óc điện tử, tưởng lúc nào cần cũng có thể lôi ra những tư liệu để thiết kế tối ưu những công trình cho ngày mai, ngày mai này con người sống lâu hơn, điều kiện vật chất luôn luôn cải tiến, không ưu phiền thiếu thốn…Với sự khống chế của khoa học và kỹ thuật, con người hầu như chỉ biết sống với siêu hình học, siêu hình học của cái biết khoa học, của khả năng kỹ thuật. Tâm thức toàn khối là hướng về ngày mai, ngày mai huy hoàng mà loài người sẽ đi chinh phục những vì sao, chúa tể cả vũ trụ…

Siêu hình học “ngày mai huy hoàng” thâm nhập vào tư duy của đại chúng, trong chính trị cũng như trong cuộc sống mỗi ngày. Nhưng đó chỉ có thể là sự phiến diện của tâm linh trí tuệ, một sự kiện của “thời gian trật bản lề”(the time is out of joint), với cái “bây giờ” là một cánh cửa gẫy chỉ cho phép đi về tương lai. Thời gian thật phải là giòng sông, con người trôi theo giòng nhưng luôn luôn bồng bềnh giữa xoáy lốc, long đong xuôi ngược giữa tương lai và ý niệm của những gì minh đã sống. Tất cả những gì mà người ta làm được cho sự hiện thành của con người, phải là những nhớ nhung, những hồi tưởng quá khứ, cùng một lúc hướng về tương lai phủ đầy bởi những khắc khoải, những nghi vấn và mang mang những hứa hẹn, những hoài bão không cùng vô định.

J.Derrida nghĩ làm người phải là con người tổng thể trong giòng thời gian, tổng thể như  “người trí thức Âu Châu”, người trí thức mà Paul Valéry xác định: “người trí thức Âu Châu có  Kant đến trước Hegel, có Hegel đến trước Marx, có Marx đến trước bản thân”. Vậy con người tổng thể phải là con người lịch sử, lịch sử của một dân tộc, của một nền văn học, của một giòng tư tưởng. “Người trí thức Âu Châu” , giòng văn học tư tưởng Âu Châu, mang mãi gia tài thừa kế, những suy tư của Kant, ý niệm “vật tự thân, Tự do, Đạo đức”, những luận trình của Hegel, phạm trù khái niệm và biện chứng pháp, “sự thật chỉ là một cuộc truy hoan mà các tân khách đều say mềm không đứng vững”…Còn Karl Marx? Đó là đề tài J.Derrida thấy cần phải thuyết trình.

Tuy nhiên, J.Derrida không luận trình theo kiểu kinh viện trường quy rằng ta phải thừa hưởng thế nào gia  tài để lại của Karl Marx. Bản thuyết trình của J.Derrida là gồm những ý tưởng phức tạp đột phá, rối ren đan kết. Đặc biệt nói tới những bóng ma của Marx, bản thuyết trình của J.Derrida trước hết là một cái nhìn lịch sử, thời gian hiện tại và tương lai đang sống, và cả tương lai xa xôi với những lời hứa và mệnh lệnh. Một phần nào là cái nhìn luận chiến vào thời cuộc thế giới, đưa ra một lập trường chính trị nhân sinh.

Cuộc hội thảo: “Chủ nghĩa Marxit đi về đâu?”, tháng 4/1993, là để cùng nhận định sự xụp đổ của những chính thể chuyên chế xã hội chủ nghĩa Liên Xô và ở Đông Âu, sự cáo chung của xã hội chủ nghĩa Marxit, nền móng của những chính thể đó, và rằng nếu xã hội chủ nghĩa Marxit còn độc tôn ở những nước như Trung Hoa hay Việt Nam thì chỉ là một thứ xã hội chủ nghĩa Marxit đã bị “giải tỏa” (perestoika) hay đã bị tha hóa trong “đổi mới”. Nhưng không phải vì thế, J.Derrida vội nhấn mạnh, mà chúng ta có thể theo Francis Fukuyama (tác giả của quyển xã luận văn: The end of history and the last man”) kết luận rằng chúng ta đương đi đến sự cáo chung của lịch sử, trong cái nghĩa nhân loại, con người xã hội chung cục, chỉ còn biết đi tới “xã hội tự do dân chủ”(?); tiến tới xã hội tự do dân chủ âu tây, như tiến tới “miền đất hứa của thời hậu thế của chúa Cứu Thế”.

Tự do dân chủ, ngọn cờ chiêu bài của những nước tư bản Âu Mỹ, người dân phải có quyền bằng lá phiếu tự chọn những người thay mặt mình điều khiển đời sống xã hội, tổng thống, thủ tướng, quốc hội, hội đồng nhân dân xã và huyện…Nhưng cái quyền tự do có thật được thực hành trên thế gian? Không nói gì ở Trung Quốc hay ở Việt nam, có quốc hội, có hội đồng nhân dân, nhưng công khai dưới độc tài đảng trị cộng với những hỏa đầu bè phái, mà ngay ở Mỹ Quốc, mệnh danh tiền phong dân chủ, chúng ta không thể quên sức mạnh đen tối của hệ thống máy móc truyền thông, những guồng máy nằm trong tay những tập đoàn tài phiệt, công ty sản xuất vũ khí, những chủ dầu mỏ ở Trung Đông…Những bè phái, những guồng máy nhũng loạn, gian lận méo mó ước vọng chân chính của người dân. Nguyên nhân bất tận hung triệu của thời bất ổn trong những cái tương lai hiện tại.

J.Derrida luận chứng lời phản biện trên. J.Derrida thấy cần phải xác định chúng ta đã thừa hưởng gì, những bóng ma của Marx để chúng ta có thể trung trực phê phán và giải cấu thực tại xã hội, thế giới và lịch sử. Năm 1993, có sự cáo chung của Xã hội Chủ nghĩa Marxit, thì là sự cáo chung của chủ nghĩa giáo điều tập đoàn bè phái đảng trị chuyên chế đã xụp đổ ở Đông Âu. Cái chủ nghĩa khô cứng phi nhân tính, mà chắc chắn Marx phủ nhận, mang thảm họa cho nhân loại với Staline tàn bạo, với Pol Pot điên rồ giết hại dân tộc của chính mình, với Mao Trạch Đông thần thánh hóa hung bạo của phong trào “quyển sách đỏ”. Karl Marx không phải là Marx của chủ nghĩa đó. Karl Marx là nền tảng triết lý đưa chúng ta nhìn ra cái “hố thẳm của xã hội con người” (cf. Michel Henry, triết gia người Pháp). J.Derrida nói lên những bóng ma, những bóng ma mà theo Marx nằm ngay cả trong xã hội dân chủ tư bản: bóng ma của đồng tiền, bóng ma của hàng hóa thị trường, bóng ma của những nhu cầu nhân gian càng ngày càng lớn phủ đầy xã hội tư bản và làm điên đảo lịch sử.

Karl Marx (1818-1883) đã không sống để thấy cái hưng thịnh của xã hội tư bản, cùng những thành tựu hầu như bất tận của khoa học kỹ thuật. Chắc chắn K.Marx có những nhận định lỗi thời về xã hội và thế giới – sự đấu tranh giai cấp trong bối cảnh kinh tế hiện tại không còn là động cơ lịch sử. Nhưng J.Derrida nhấn mạnh, tinh thần của Marx –“cái hồn ma triết lý”- vẫn ở bên chúng ta để cùng biết triệt để giải cấu hay phản biện. Đi theo bóng của K.Marx, ta luôn luôn có ý niệm hiển nhiên, mọi sự đều mang sẵn mầm ung độc, tha hóa và suy đồi, không bao giờ có sự cáo chung của lịch sử, con ma cách  mạng tuyệt nhiên ẩn chìm đâu đó sẵn sàng đột phát giải tỏa những mâu thuẫn của thực tại (cơn xoay lốc của Hegel trong phạm trù của khái niệm và biện chứng pháp). Và ta nên ghi nhớ rằng K.Marx không ngừng tuyên dương tinh thần khoa học của khoa học, can đảm phản biện đến tận cùng, không dùng những sáo ngữ nhàm chán, những mặt nạ, những  bóng che vĩ nhân giấy bồi, để che đậy những sai lầm, những phản bội, những mâu thuẫn, đẩy tất cả vào tủ kín đồ thải dù vẫn biết rằng những tội lỗi, những phản bội,  những tội ác sẽ không tan biến, rồi sẽ trở về cho sự diệt vong (lịch sử) của chính mình và của bè đảng mình.

J.Derrida xác định phải là một tín đồ của một Phúc âm mới, che dấu  một siêu hình học thần bí Do-Thái-Cơ-Đốc đạo kín nào để tin rằng trong thế kỷ thứ 21 này,  thế giới sẽ hòa đồng đi tới xã hội tư bản toàn thịnh, hội nhập tự do kinh tế toàn cầu, chia chung một dân chủ chủ nghĩa, một nhân bản chủ nghĩa khoa học kỹ thuật máy móc cơ giới.. Đó là sự mù quáng phủ nhận “những bóng ma của Marx”  và điên loạn chìm trong những áp chế của tiềm thức, không nhìn nhận ra sự tao loạn của lịch sử hiện tại (“Chủ nghĩa khủng bố” . Chiến tranh tôn giáo. Nhà nước Do Thái ở Palestine và Đế quốc kỳ thị chủng tộc…)  Phải làm sao, có thể nghĩ rằng chúng ta tới sự cáo chung của lịch sử, tới thời con người chung cục với những nhu cầu tăng tiến và đồng đều thỏa mãn?

J.Derrida nghĩ rằng cuộc hội thảo tháng 4 năm 1993 đúng ra phải có đề tài: “Thế giới đi về đâu?” , “Nhân loại đi về đâu?”. Thế giới đang đi tới thời xao động, cục diện địa lý đổi thay, xác nhận lại thế nào là nhân quyền và thế nào là chính nghĩa. Hay là chúng ta tất cả cùng đi vào thế giới hư vô của những người Anh Cả (the Big Brothers), đầu óc máy móc điện tử nắm trong tay hệ thống tuyên truyền thông tin đại chúng  chỉ đạo từng giây từng phút tư duy của mỗi người. Đặt câu hỏi và suy luận, cũng là trở về suy ngẫm trên gia tài mà chúng ta thừa kế từ Karl Marx: những bóng ma của Marx! Vấn đề không phải là sự cáo chung của chủ nghĩa Marxit, mà là bây giờ hơn bao giờ hết trước sự phá sản của giáo điều chính trị mệnh danh Marxit, những triết gia, những nhà nghiên cứu học giả phải đọc lại Marx, đúng theo ý niệm praxis của Marx , giải cấu với ngôn ngữ thích ứng với thời hiện đại…”Triết gia tìm hiểu xã hội, vấn đề chính yếu cũng là vạch ra những lệch lạc bất tất của xã hội xung quanh…Thuốc phiện làm ngu muội người dân, chính là những giáo điều khô cứng, đường lối chinh trị độc tài phiến diện một chiều”

Tháng 3/2012

N.V.T.

___________

[*] Bài thảo luận của J.Derrida :Spectres de Marx, Nhà xuât bản Chinh Trị Quốc Gia, Tổng Cục II Bộ Quốc Phòng-Việt Nam đã phát hành bản dịch ra tiếng Việt, năm 1994. Tiện dịp, cũng có những cuộc hội thảo (của Đảng Cộng sản Việt Nam) dưới nhan đề: Chống diễn biến hòa binh!, tiếp thu từ J.Derrida duy nhất một câu: “Không có tương lai nếu không có Marx, không có di sản của Marx” .

Bài tản văn trên côt yếu trích lược từ bài tản văn “Những bóng ma của Marx” ký tên Cao Tôn đã đưa lên mạng Talawas.org vào năm 2005.

Bài tản văn này mong có phần II, tương đối trường quy hơn, chủ trương nêu được rõ thêm nên tìm hiểu Marx  sao trong hiện thành lịch sử xã hội hiện tại.


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen