Dienstag, 11. September 2012

Marx vẫn sai


Peter Coy, PVLH dịch
Blog lên đông xuống đoài

Khủng hoảng kinh tế khiến những ý tưởng của Karl Marx lại trở nên hợp thời, nhưng thế giới không nên quên những gì Marx đã nhận định sai.

Xã hội thường tiến lên nhờ rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình.  Bác sĩ không còn rút hết máu từ bệnh nhân.   Phi công không gắng bay bằng cách buộc cánh vào tay mình.  Chẳng còn ai vẫn còn nghĩ rằng nạn nô lệ là điều hay.  Tuy nhiên, Karl Marx dường như là một ngoại lệ của quy tắc sống và học hỏi.  Những tiên đoán nổi tiếng nhất của Marx đã thất bại; không có chế độ độc tài của giới vô sản, và nhà nước cũng chẳng lụi tàn.  Môn đồ của ông có một số kẻ sát nhân hàng loạt tàn bạo nhất của thế kỷ 20: Lenin, Stalin, Mao, Pol Pot.  Thế nhưng triết gia thích tranh luận và bi quan này dường như vẫn có nhiều người ủng hộ trong mỗi thế hệ mới của những bạo chúa và những kẻ mơ mộng.

Thậm chí ta có thể nói rằng Karl Marx hiếm khi nào có vẻ đúng hơn.  Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay đã làm xuất hiện một lớp người ngưỡng mộ mới ít ai nghĩ tới.  Năm 2009, tờ báo chính thức của Vatican, L’Osservatore Romano, đăng một bài ca tụng lời chẩn đoán của Marx về bất bình đẳng thu nhập; quả là một kiểu tán thành đáng kể, nếu biết rằng Marx tuyên bố tôn giáo là “á phiện của nhân dân”.  Ở Thượng Hải, trung tâm siêu tư bản chủ nghĩa của nước Trung Quốc chỉ có mỗi cái tên là Cộng sản, khán giả đổ tới xem một vở nhạc kịch năm 2010 dựa trên Tư Bản, tác phẩm nổi tiếng nhất của Marx.  Ở Nhật, Tư Bản giờ có cả ấn bản hoạt họa manga.  Năm ngoái, dân Brazil bầu một cựu du kích quân Marxist, Dilma Rousseff, làm tổng thống.

Chuyện Marx trở thành mốt thời thượng chẳng có gì lạ ở thời điểm mà các ngân hàng Châu Âu đang đứng bên bờ vực sụp đổ và tình trạng nghèo đói ở Mỹ đã đạt tới những mức chưa từng thấp trong gần hai thập niên.  Các chính khách biết họ có thể lấy điểm với cử tri của mình bằng cách công kích những nhà tư bản tạo công ăn việc làm như những tên vô lại bẩn thỉu.

Nhưng điều đáng ngạc nhiên là thế này.  Ta không cần mặc áo Che Guevara đi ngủ hay ném đá vào tiệm McDonald mới công nhận rằng tư tưởng của Marx là đáng nghiên cứu, đáng trăn trở, và có thể thậm chí áp dụng cho những thách thức hiện nay của chúng ta.  Suy cho cùng, nhiều nhà tư tưởng tư bản chủ nghĩa vĩ đại cũng đã từng bàn về Marx.  Joseph Schumpeter, bậc thầy về “sự hủy diệt mang tính sáng tạo” (creative destruction) và là anh hùng của nhiều người ủng hộ thị trường tự do, dành bốn chương đầu trong cuốn sách của ông in năm 1942, Capitalism, Socialism and Democracy (Chủ nghĩa Tư bản, Chủ nghĩa Xã hội và Dân chủ), để khám phá Marx Nhà tiên tri, Marx Nhà xã hội học, Marx Nhà kinh tế học, và Marx Nhà thuyết giáo.  Ông viết tiếp với nhận xét rằng Marx đã sai lầm, nhưng ông không thể bỏ qua Marx.

Dù Marx lạc lối về nhiều điều, và dù có ảnh hưởng nguy hại ở những nơi như Liên Xô và Trung Quốc, trong khối tác phẩm (đồ sộ) của ông có những bài viết tinh tường sâu sắc đáng ngạc nhiên.  Một trong những luận điểm quan trọng nhất của Marx là chủ nghĩa tư bản vốn dĩ bất ổn.  Ta chỉ cần đọc tít thời sự từ Châu Âu – hiện bị ám ảnh bởi bóng ma Hy Lạp có thể vỡ nợ, một thảm họa ngân hàng, và sự sụp đổ của khu vực đồng tiền chung euro – là đủ thấy ông đúng.  Marx chẩn đoán tính bất ổn của chủ nghĩa tư bản ở thời điểm mà những người cùng thời và những người đi trước ông, như Adam Smith và John Stuart Mill, hầu như mê mẩn với khả năng của chủ nghĩa tư bản trong việc phục vụ những ước muốn của con người.

Gần đây, Marx thu hút sự quan tâm nghiên cứu thấu đáo từ những người như kinh tế gia Nouriel Roubini thuộc Đại học New York, và George Magnus, cố vấn kinh tế cao cấp của Ngân hàng Đầu tư UBS ở London.  Chủ lao động của Magnus, ngân hàng UBS có trụ sở chính ở Thụy Sĩ, là một cột trụ của thế giới tài chính, với văn phòng ở hơn 50 nước và giá trị tài sản hơn 2 ngàn tỉ đô-la.  Tuy nhiên, trong một bài viết ngày 28/8 cho Bloomberg View, Magnus nói rằng “nền kinh tế toàn cầu hiện nay có một số điểm tương đồng kỳ lạ” với những gì Marx đã tiên liệu. (Ông ghi chú đó chỉ là ý kiến cá nhân.)

Thử bàn cụ thể xem sao.  Theo Magnus, Marx tiên đoán rằng các công ty sẽ cần ít công nhân hơn khi họ cải tiến năng suất, tạo ra một “đội quân dự trữ công nghiệp” của những người thất nghiệp; sự tồn tại của đội quân này gây áp lực giảm lương cho những người có việc làm.  Thời buổi này với tỉ lệ thất nghiệp Mỹ vẫn cao hơn 9 phần trăm, khó mà tranh cãi với điều đó.  Hôm 13/9, Cơ quan Điều tra Dân số Mỹ công bố số liệu cho thấy mức thu nhập ở điểm giữa đã giảm từ năm 1973 cho tới 2010 đối với nam công nhân từ 15 tuổi trở lên, có việc làm toàn thời gian quanh năm, sau khi đã tính trượt giá.  Thân phận của người lao động chân tay ở Mỹ vẫn khác xa với mức lương bèo bọt đủ sống và bóng ma “bất hạnh chồng chất” mà Marx gọi hồn kêu về.  Nhưng cũng chưa phải tương lai tươi sáng.

Marx thích chỉ trích nhà kinh tế học người Pháp Jean-Baptiste Say, người đã lập luận rằng tình trạng thừa thải hàng hóa chung không thể tồn tại bởi vì thị trường luôn khớp cung với cầu.  Marx lập luận rằng tình trạng sản xuất thừa mứa là bản chất cố hữu của chủ nghĩa tư bản vì giai cấp vô sản không được trả lương đủ để mua hàng hóa do giai cấp tư sản sản xuất.   Một lần nữa, gần đây khó mà phản bác lý thuyết đó.  Cách duy nhất mà giới lao động Mỹ có thể duy trì tiêu dùng trong thập niên vừa qua là bằng cách vay mượn quá mức.  Khi thị trường nhà sụp đổ, nhiều người lụn bại vì nợ ngập đầu.  Cơn ác mộng vỡ nợ tiếp sau đó vẫn còn chưa dứt.

Những người ái mộ Marx nhìn nhận tất cả những vấn đề với một thái độ “đã bảo mà” đầy thương hại.  Nhà địa lý David Harvey, 75 tuổi, đã dạy cuốn Tư Bản của Marx trong 40 năm ở những trường bao gồm Đại học Oxford, Đại học Johns Hopkins, và hiện nay tại Trung tâm Cao học thuộc Đại học City University of New York.  Văn phòng của Harvey, cách tòa nhà Empire State Building một con phố, được trang trí bằng một bức chân dung màn lụa vẽ Marx, từ trên tủ sách trừng mắt nhìn xuống.  Cũng như Marx, Harvey tin rằng giới tư sản có khuynh hướng gieo mầm mống cho sự tự hủy diệt.  Theo lập luận của vị giáo sư này, chủ nghĩa tư bản không kiềm chế có xu hướng đưa tới thặng dư vô độ, vì vậy việc hoàn toàn xóa bỏ quản lý điều tiết thực sự có tác hại cho chủ nghĩa tư bản về lâu dài.  “Đảng Cộng hòa đang trên đường hủy diệt chủ nghĩa tư bản,” Harvey nói với giọng thích thú, “và họ có thể làm điều đó tốt hơn tầng lớp lao động.”

Nhưng hượm đã.  Điều mà Marx và các đồ đệ đánh giá thấp là khả năng tự lành bệnh của chủ nghĩa tư bản.  Đó có thể là sai lầm trí tuệ tai hại của ông.  Tuyên ngôn Cộng sản nói rằng khi cách mạng của giai cấp công nhân diễn ra, nó sẽ mang lại giáo dục công cộng miễn phí cho trẻ em và xóa bỏ “lao động trẻ em trong công xưởng như hiện nay”.  Thế nhưng, hóa ra là thế giới không cần đến một cuộc cách mạng vô sản để những cải cách xã hội đó diễn ra; chỉ cần có chủ nghĩa tư bản được khai sáng.

Những nhà Marxist giáo điều thích nói rằng “cơ sở hạ tầng” kinh tế quyết định và kiểm soát “kiến trúc thượng tầng” chính trị xã hội, nhưng điều ngược lại cũng có thể đúng.  Các lãnh tụ chính trị đã nhiều lần khắc phục những thặng dư của chủ nghĩa tư bản, như trong chiến dịch chống độc quyền của Tổng thống Teddy Roosevelt, chương trình phục hồi kinh tế New Deal [sau thời kỳ Đại Khủng hoảng 1929-1933, N.D.]  của Tổng thống Franklin Roosevelt, và chương trình cải cách xã hội Great Society [xóa bỏ nghèo đói và bất công chủng tộc, N.D.] của Tổng thống Lyndon Johnson’

Hiện nay, một lần nữa chủ nghĩa tư bản không kiềm chế đang đe dọa phá hoại chính mình.  Những ngân hàng lớn nhất thế giới, yếu về tài chính nhưng mạnh về chính trị, đang siết chặt với người đi vay trong nỗ lực cứu vãn bảng cân đối kế toán của chính họ.  Tương tự như thế, các nước chủ nợ như Trung Quốc và Đức đang cố gắng đổ gánh nặng tái cân đối lên vai các nước con nợ, mặc dù việc siết chặt họ quá mức có nguy cơ dẫn tới một thảm họa kinh tế và tài chính. 

Đã đến lúc cần có một đợt bùng nổ khai sáng khác.  Trước kia, John Maynard Keynes của Anh, và Hyman P. Minsky của Mỹ (tác giả cuốn Stabilizing an Unstable Economy [Ổn định Một Nền Kinh tế Bất ổn]) đã giúp ích cho chủ nghĩa tư bản bằng cách chẩn đoán khuynh hướng sa vào khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản và kê toa bốc thuốc để hồi phục.  Các nhà hoạch định chính sách hiện nay càng sớm “nhận ra rằng chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngàn năm một thuở của chủ nghĩa tư bản,” như Magnus viết, “thì họ càng được trang bị tốt hơn để tìm được lối thoát ra khỏi khủng hoảng.”  Thấu hiểu những khía cạnh Mark đã nhận định đúng là bước đầu tiên để tiến tới bảo đảm rằng những tiên đoán của ông về sự suy tàn của chủ nghĩa tư bản vẫn còn sai lầm.

Coy là trưởng biên tập Kinh tế của Bloomberg Businessweek.

Dịch từ bản tiếng Anh “Marx to Market“, Bloomberg Businessweek, 14/9/2011


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen