Cho đến nay nhiều người vẫn còn tin rằng những cuộc diễu võ dương oai và phô trương của Trung Quốc chỉ là trò bịp chẳng có nguy hiểm thật sự nào.
Một số là do không có ý thức và không biết bản chất thật của bọn diều hâu Trung Hoa. Một số người khác là vì điều đó biện minh cho trạng thái khó chịu do thái độ thụ động tội lỗi của họ. Một số khác nữa vì là những kẻ bảo thủ cố cựu, dù không có chút ý thức hệ đã tiêu tán hết rồi, họ dính chặt với Bắc Kinh về mặt chính trị quá lâu và theo thói quen. Số nữa do những vụ áp phe khổng lồ đủ loại, công khai hay ám muội, trước đây hay hiện nay, đã bị cột chặt vào "Ông Anh lớn"... Tất cả đều nhìn thấy mối hiểm nguy nhưng không còn biết làm thế nào để lùi lại.
Nhưng hôm nay gây hấn đã cụ thể, rõ rệt và dấn sâu tới mức không ai có thể giả vờ không biết đến nữa. Tới mức đã thấy một sự lo lắng nào đó ngay trong những đám người vốn ủng hộ Bắc Kinh vô điều kiện. Thôi thì muộn còn hơn không. Hãy tha thứ cho cái bệnh cận thị chính trị và dối trá do sợ sệt hay thiển cận con buôn.
Ý đồ thật sự
Sự thật là, ngay từ lúc khởi đầu của mọi khởi đầu trong cuộc tấn công của họ, cần phải nhận rõ ý đồ thật sự của những người lãnh đạo Trung Quốc muốn thôn tính hầu hết không gian biển đảo trên vùng biển Đông Nam Á.
Hành động đó, được chuẩn bị từ rất lâu bằng các bản đồ, các cuộc tuyên truyền dựa trên một thái đồ mềm yếu, thậm chí đồng lõa công khai của các thế lực thực dân và tân thực dân, đã bắt đầu một cách cụ thể bằng việc chiếm đóng đẫm máu Hoàng Sa năm 1974. Rồi chiếm đóng, cũng đẫm máu như vậy, Gạc Ma và các đảo khác của Việt Nam ở Trường Sa, năm 1988. Năm 2009, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên 80% biển Đông Nam Á tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, khẳng định về chính trị, thiết lập về pháp lý từ Bắc Kinh, về hành chính từ Hải Nam, tăng cường quân sự cả bằng nhân lực và bằng trang bị kỹ thuật cao và siêu cao, gần đây hơn là rao mời thầu 9 lô có tiềm năng dầu lửa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gửi đến Trường Sa các tàu tuần tra vũ trang “ sẵn sàng chiến đấu “ đã bắt đầu truy đuổi một tàu của Việt Nam...
Chẳng còn nghi ngờ gì nữa: rất đồng bộ và đều chứng tỏ Bắc Kinh không chơi trò bịp, rằng họ đã lao vào vòng cuốn của một tấn công mù quáng mà họ không còn biết đâu là chỗ dừng. Toàn bộ cuộc leo thang đó chỉ có thể dẫn đến đổ máu, tàn phá, đổ nát và đau khổ. Chắc chắn, trước máu và đau khổ của nhân dân, tất cả cái đám lãnh đạo "cộng sản", "xã hội chủ nghĩa", "quốc tế vô sản" vĩ đại tỷ phú đôla Mỹ kia đã nhiều lần chứng tỏ chúng không hề đắn đo: đè nát các sinh viên của nhân dân dưới xích xe tăng, xả súng vào những người bảo vệ các đảo của mình đang sắp chìm giữa biển khơi, quay phim và cho phát đi một cách vô liêm sĩ tội ác đó, đầu độc, tra tấn, bỏ tù chung thân hàng trăm nghìn đồng bào của họ ... Đấy là chuyện thường ngày của chính quyền của họ, chỉ dựa trên một đạo luật trung cổ duy nhất: giết sạch những kẻ yếu hơn mình và những ai chống cự lại...
"Từ khi kinh tế của họ tăng trưởng mạnh, họ gào thét đòi hải chiến trên khắp các vùng biển mà lại bắt chước một loài chim khác: con đà điểu. Ai cũng biết cái con chim to sụ ấy, giữa sa mạc mênh mông, dấu đầu sau một hòn sỏi mà cứ tưởng không ai nhìn thấy mình vì chính nó không nhìn thấy ai cả ... Trong khi, làm thế, nó càng phơi cái mông to tướng của nó ra trước mắt mọi người."
Được rồi, nhưng hãy xem: cái nước Trung Hoa muốn tự coi là hiện đại ấy không phải là thế giới. Chỉ là một bộ phận. Và cái bộ phận ấy, dù lúc này có đông và mạnh về kinh tế đến mấy, vẫn phải phụ thuộc một cách sinh tử vào bộ phận khác đông hơn và mạnh hơn nhiều. Bọn diều hâu Bắc Kinh cứ nhìn mãi vào mỗi cái rốn của mình đã hóa thành cận thị. Từ khi kinh tế của họ tăng trưởng mạnh, họ gào thét đòi hải chiến trên khắp các vùng biển mà lại bắt chước một loài chim khác: con đà điểu. Ai cũng biết cái con chim to sụ ấy, giữa sa mạc mênh mông, dấu đầu sau một hòn sỏi mà cứ tưởng không ai nhìn thấy mình vì chính nó không nhìn thấy ai cả ... Trong khi, làm thế, nó càng phơi cái mông to tướng của nó ra trước mắt mọi người. Và dư luận công chúng toàn cầu ngày càng không thể chịu đựng được cảnh tượng cái mông to sụ của đám lãnh đạo Bắc Kinh, cái ngạo mạn trần trụi lông lá cùng những cái nhọt sưng phù của nó.
Ngây thơ
Ngày càng nhiều người, như kẻ đầy tớ của các vị là tôi đây, đã quyết liệt chiến đấu chống xâm lược của Mỹ, vì nền độc lập thật sự của Việt Nam, và do vậy, về khách quan đã từng đứng bên cạnh nước Trung Hoa của Mao và Chu Ân Lai mà chúng tôi từng coi là những người tiến bộ, những đồng minh trung thành của cuộc chiến đấu giải phóng các dân tộc. Ngày ấy chúng tôi ngây thơ biết bao!
Nhiều người trong chúng tôi vẫn mãi ngưỡng mộ tất cả những đóng góp của nền văn minh Trung Quốc cho nhân loại. Nhưng nhiều người trong chúng tôi vốn cũng say mê thư pháp, hôm nay rất mong ước được vung tay phóng bằng lôi chữ thảo lên bức tường Trung Nam Hải, dinh thự của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh, một dòng này: “Thật may là có người Mỹ!" Vâng, tôi lặp lại lời đó, dù là với đắng cay và một đau nhói thật trong lòng khi tôi nghĩ đến những đau khổ mà Johnson, Nixon, Mac Namara với Kissinger đã bắt hàng triệu người Việt Nam phải chịu đựng. Nhưng tôi nói lên và viết lên điều đó chẳng chút ngập ngừng dưới ánh sáng trần trụi của ngày hôm nay: “Rất may là có người Mỹ, và cả người Nhật, ngưới Ấn, người Úc, người Nga, người châu Âu, người Philippin và các dân tộc khác của ASEAN đang ngẩng cao đầu!"
Chỉ có một đám cận vệ già cỗi chậm trễ và cố chấp còn dám bênh vực cho sự xâm lược của Trung Quốc, như cái bà nhà báo của tờ Nhân Đạo, trong một bài viết dối trá thảm hại. Chẳng chút khách quan bà lần theo dòng các sự kiện để nói rằng Trung Quốc chống lại một cuộc bao vây do Hoa Kỳ gây ra. Mọi người đều thấy rằng hoàn toàn trái ngược lại, Hoa Kỳ đã kiên nhẫn hy vọng, trì hoãn sự can thiệp của họ, hy vọng một thái độ biết điều của Trung Quốc.
"Nhiều người trong chúng tôi vẫn mãi ngưỡng mộ tất cả những đóng góp của nền văn minh Trung Quốc cho nhân loại. Nhưng nhiều người trong chúng tôi vốn cũng say mê thư pháp, hôm nay rất mong ước được vung tay phóng bằng lôi chữ thảo lên bức tường Trung Nam Hải, dinh thự của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh, một dòng này: “Thật may là có người Mỹ!""
Họ đã cố thương lượng trong một tình thế mà các công ty dầu lửa của họ bị đe dọ, các tàu của họ bị tấn công trên đường biển quốc tế (UNSS Impeccable), rất nhiều lần họ đã khẳng định sự trung lập của họ về các “vùng tranh chấp", và làm điều đó khi đồng minh của họ bị tấn công.
Bắc Kinh không cho họ có chọn lựa nào khác ngoài cách triển khai một lực lượng chiến lược nhằm bảo vệ tự do lưu thông quốc tế - tức cũng là của nước Pháp – trong không gian biển sống còn đối với nhiều nước. Hoàn toàn hợp pháp, họ cũng phải cứu giúp các đồng minh của họ là nạn nhân của cuộc cướp bóc kinh khủng của Trung Quốc dưới hình thức “đường lưỡi bò" được Bắc Kinh thông báo rất chính thức từ năm 2009 tại Liên Hiệp Quốc.
Những sự kiện mới đây ở Scarborough hẳn đã tạm thời làm giảm nhuệ khí săn mồi của Bắc Kinh. Đơn độc, chắc chắn người Philippines không thể ngăn chặn Trung Quốc lấn tới và máu đã có thể đổ. Thật may là người Mỹ đã có mặt ở đấy bên cạnh Philippines và đã chứng tỏ đàng hoàng. Không có họ và khẳng định quyết tâm của họ ở lại trong khu vực, có thể luật biển được Quốc hội Việt Nam thông qua còn chưa ra đời, dù nó là kết quả của nhiều năm đấu tranh nội bộ và dũng cảm của những người yêu nước Việt Nam.
Bài học lịch sử
Còn về cái lý lẽ hàng đầu, thực tế là duy nhất và lố bịch của Bắc Kinh là uy hiếp bằng quân đội, hung hăng tung ra cái bóng ma của một cuộc tràn ngâp bằng đoàn quân khổng lồ và được siêu trang bị của họ, thì này Bắc Kinh, hãy suy nghĩ lại một chút đi.
Dù chẳng có chút lương tri nào, các nhà chiến lược bàn giấy lạnh lùng ấy quá biết rằng khó nhất không phải là đưa các binh đoàn, với xe tăng và máy bay vào một nươc láng giềng. Họ đã thấy rõ điều đó hồi 1979 rồi. Khó nhất thậm chí không thể làm được là ở lại đấy. Họ quá biết một quả lựu đạn đơn giản thôi, một quả bom tự tạo thôi cũng có thể phá tan một chiếc máy bay, một kho quân sự. Chỉ cần một bàn tay, thậm chí bàn tay trẻ em đặt thôi, nó có thể phá tan một chiếc tàu, một căn cứ quân sự, một giàn khoan dầu ... Kỹ thuật tàn phá tinh vi phức tạp nhất cũng chẳng là gì cả trước ý chí kháng chiến của một nhân dân ở tại quê hương mình, trên đất đai của tổ tiên mình, ý thức về quyền chính đáng và về nền văn hóa của mình.
Đấy là bài học của Lịch sử, luôn luôn giữ nguyên giá trị và riêng dành cho bọn háu chiến tranh ở Bắc Kinh suy nghiệm... Nếu bọn hiếu chiến điên cuồng Trung Hoa chơi với lửa thì chúng sẽ bị thiêu cháy bởi ngọn đuốc Việt Nam. Và các ngọn đuốc khác nữa. Và toàn bộ nước Biển Đông cũng không đủ để dập tắt đâu!
"Tình thế đang ngày càng nghiêm trọng chẳng còn chừa chỗ cho những bào chữa, cho chỉ những tuyên bố về nguyên tắc, cho những chần chừ tránh né, cho những cuộc thăm viếng hữu nghị dối trá. Gỡ mặt nạ xuống đi mà chọn lấy chỗ đứng rõ ràng và tỏ rõ mình là ai. Xác định rõ ranh giới không thể vượt qua, với phẩm cách và quả quyết. Ở cấp độ chính trị cũng như trên thực địa."
Nếu bọn hiếu chiến điên dại Bắc Kinh đẩy tới nữa những hành động tấn công và cướp bóc có tính nhà nước của chúng, một ngày nào đó chúng sẽ đổ máu. Chắc chắn. Và ngày đó Bắc Kinh sẽ mất sạch tất cả kể cả an ninh nội địa của họ trong một sự suy sụp quốc gia không đường quay lại, đau đớn và ô nhục. Đến lúc đó bầy diều hâu sẽ phải ra quầy thanh toán mà trả nợ cho nhân dân của chúng. Những kẻ đã ủng hộ chúng hay cúi đầu quá lâu trước chúng, do vậy mà khuyến khích cuộc cướp mồi, cũng phải thanh toán trong đất nước của mình. Cái cơn ham muốn thống trị điên cuồng bằng nanh và vuốt đó quá hiểm nguy đối với chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc và với nhân dân của họ, quá chắc chắn sẽ thất bại, đến mức nó mang màu sắc tự sát.
Trong khi có thể có một dường lối khác. Đường lồi thương lượng. hòa bình, trung thực, đa phương, tôn trọng chặt chẽ luật pháp quốc tế. Đó là đường lối của một cường quốc xứng đáng với danh xưng ấy như Trung Quốc có thể là vậy. Một đường lối cơ sở trên sự tôn trọng hoàn toàn đối với các láng giềng của mình trong hợp tác lành mạnh, không thiên vị và cùng có lợi. Trong sự tôn trọng quyền của các dân tộc, tôn trọng các nền văn minh và các quyền của con người.
Đấy là cách tốt nhất cho Bắc Kinh để gìn giữ an toàn biên giới, tăng cường sức mạnh quốc gia, bảo đảm ổn định chính trị bằng một sự phát triển kinh tế vững chắc và tạo ra một tình thế công bằng xã hội êm thấm. Sức mạnh và uy tín của Trung Quốc nhờ đó sẽ được tăng cường và sẽ phát triển bền vững. Khi đó Trung Quốc sẽ có thể trở thành một cực hấp dẫn không chỉ đối với châu Á mà cả toàn cầu chứ không phải, như hiện nay, là một kẻ xấu xí nguy hiểm chẳng bao lâu sẽ là mục tiêu của các liên minh tự vệ hùng mạnh. Chọn con đường bạo lực, bành trướng, đe dọa chiến tranh, Bắc Kinh đã chọn con đường ngược lại: con đường đơn độc, tự cô lập, chắc chắn sẽ chặn đứng phát triển, rất nhanh chóng đưa đến suy thoái.
Lãnh đạo Việt Nam?
Còn đối với một số lãnh đạo Việt Nam, đã đến lúc để họ chọn con đường của họ trước cuộc tấn công đang tăng lên của Trung Quốc vào đất nước và các tài nguyên của nó, chống lại nhân dân và tương lai của dân tôc.
Tình thế đang ngày càng nghiêm trọng chẳng còn chừa chỗ cho những bào chữa, cho chỉ những tuyên bố về nguyên tắc, cho những chần chừ tránh né, cho những cuộc thăm viếng hữu nghị dối trá. Gỡ mặt nạ xuống đi mà chọn lấy chỗ đứng rõ ràng và tỏ rõ mình là ai. Xác định rõ ranh giới không thể vượt qua, với phẩm cách và quả quyết. Ở cấp độ chính trị cũng như trên thực địa.
Nếu những người lãnh đạo không làm điều đó, thì nhân dân sẽ tự mình đảm nhiệm lấy mà làm khi cuộc leo thang của Trung Quốc khiến cho việc đàn áp các hành động kháng cự lành mạnh và hợp pháp của nhân dân trên đường phố, trên báo chí, ở Quốc hội, kể cả trong một bộ phận quân đội cảm thấy bị sỉ nhục, sẽ ngày càng không thể thực hiện được nữa.
Hợp tác với Bắc Kinh hôm nay đã phơi bày rõ diện mạo của một liên minh với ma quỷ trong một sự quy phục không thể chấp nhận. Và những ai còn nán lại trong hợp tác mang tính khổ dâm ấy rất có nguy cơ chẳng bao lâu nữa đâu sẽ phải chia sẻ nổi cô độc đắng cay của những kẻ mà họ bám theo và đã đưa họ đến ngõ cụt.
Andre Menras (tên tiếng Việt: Hồ Cương Quyết), một người Pháp, nhập quốc tịch Việt Nam năm 2009. Bài viết này được tác giả viết bằng tiếng Pháp, được nhà văn Nguyên Ngọc dịch sang tiếng Việt. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.