Asia Times
Tác giả/ Hiệu đính: David Brown
Người dịch: Huỳnh Phan
20-09-2012
Từ đầu tháng này, báo chí phương Tây đã nghe phong thanh về cuộc đấu đá trong nội bộ đảng đang diễn ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, đa số đã bỏ lỡ phần quan trọng của câu chuyện này. Các phóng viên đã cho ra một loạt bài tường thuật, cho rằng Việt Nam đã tiến hành một đợt đàn áp mới về truyền thông, làm sôi động thế giới blog tiếng Việt.
Vụ việc tiêu biểu là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 12 tháng 9 cho “các cơ quan chức năng” điều tra và trừng phạt các blogger đã đăng những tin tức chống chế độ. Trên trang web của chính phủ, chỉ đạo của ông Dũng đã điểm danh ba blog chính trị: Dân Làm Báo, Quan Làm Báo, và Biển Đông vì đã đăng các bài viết “vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống đảng và nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội”.
Chỉ thị của Thủ tướng nêu tiếp: “Đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch“. Thông điệp này quá nặng nề.
Ông Dũng chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, và bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Ban Tuyên Giáo của Đảng Cộng sản, bảo đảm cung cấp “thông tin khách quan, đúng sự thật về tình hình các mặt của đất nước ta… và xử lý nghiêm việc thông tin, tuyên truyền không đúng sự thật”.
Cuối cùng, các quan chức và cán bộ đảng được chỉ đạo không được đọc hay phổ biến thông tin từ các trang web “phản động”.
Đào sâu một chút cho thấy rằng, hai trong số các blog này mới được các tay chân của các đối thủ trong đảng lập cách đây vài tháng, như là phương tiện tấn công theo kiểu phe nhóm vào các nhà lãnh đạo chóp bu của Việt Nam.
Quan Làm Báo bắt đầu xuất hiện vào đầu tháng 6, trong bài viết đầu tiên thề sẽ “quét sạch bè lũ tham nhũng độc quyền đời sống kinh tế và chính trị của đất nước”. Vào giữa tháng 7, tin tức cho biết, QLB có khoảng 10.000 “khách mới” mỗi ngày. Giọng điệu của blog này là khá mị dân, không khác như tờ Daily Mail của Anh hoặc ‘talk radio’ của cánh hữu ở Mỹ. Chủ đề chính của nó là chĩa mũi dùi vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các cộng sự gần gũi của ông Dũng, cáo buộc tham nhũng, “gia đình trị” và lơ là nhiệm vụ.
QLB là nơi đầu tiên tung ra tin tức việc bắt giữ đại gia ngân hàng thân cận của ông Dũng là Nguyễn Đức Kiên về tội “hoạt động kinh doanh bất hợp pháp”, trước thông báo của Công An 12 tiếng đồng hồ. Trong 10 ngày sau đó, số lượng truy cập hàng ngày trên trang web này tăng lên khoảng gần một triệu, mức độ chưa từng có trong thế giới blog của Việt Nam.
Blog Biển Đông chỉ có mặt từ ngày 3 tháng 7 với một thông tin dài, nhàm chán về tuyên bố chủ quyền lịch sử của VN đối với biển Đông. Nhưng, gần như ngay lập tức blog ấy chuyển qua tấn công cá nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đưa ra nhiều suy đoán việc Trung Quốc khống chế quan điểm biên tập của Quan Làm Báo. Tuy nhiên, không giống như trang web chống ông Dũng, Biển Đông gần như không được các độc giả Việt Nam chú ý cho đến khi nó bị điểm tên trong công văn của Chính phủ ngày 12 tháng 9.
Trang mạng thứ ba trong 3 trang “vu khống” bị chỉ thị trỏ vào là Dân Làm Báo, trang này khá phẳng lặng so với hai trang kia. Trong giới blog chính trị, đó là một blog chính thống đã xây dựng nhóm độc giả và nổi danh qua việc đề cập những mối quan ngại chung của các nhà bất đồng chính kiến ngoài đảng, đặc biệt là những điều mà người đóng góp của nó coi là phản ứng nhu nhược của chế độ đối với sự cao ngạo và bắt nạt của Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn trực tuyến với phóng viên AP, một biên tập viên DLB tự nhận là vui mừng với “tai tiếng” mới của blog. Ông nói là vào ngày công bố chỉ thị của chính phủ, số lượng truy cập hàng ngày tăng gấp đôi, lên tới hơn nửa triệu.
Trong khi đó, dường như không bối rối bởi sự đe dọa trừng phạt, biên tập viên của QLB tiếp tục đăng các bài thô bỉ nhắm vào thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các tay chân của ông. Mặt khác, Biển Đông, trang web chống ông Sang, lại im lặng.
Có lẽ để nhấn mạnh tính trung lập của mình trong cuộc ẩu đả nội bộ đảng, ngày 14 tháng 9, DLB đăng một bài phân tích, lập luận rằng nếu ông Dũng chiếm ưu thế, Việt Nam sẽ tiếp tục đắm mình trong tham nhũng và gia đình trị, và nếu bị đối thủ lật đổ, một chính phủ do ông Sang điều khiển sẽ chỉ là con rối của Bắc Kinh.
Phương tiện truyền thông chính thống của Việt Nam đã nghiêm túc tuân theo chỉ đạo của Chính phủ với những bài viết phân tích những nguy hiểm gây ra bởi các blog chính trị nếu không kiểm soát. Nhiều bài chỉ đơn thuần là bản sao chép do Thông Tấn xã Việt Nam cung cấp. Dường như các tờ báo không ai dám ám chỉ rằng, trên thực tế chỉ thị nhằm mục đích đàn áp việc tung tin về những chuyện thâm cung bí sử dơ bẩn của chế độ.
Theo tờ Quân Đội Nhân Dân (QĐND), một tờ báo không bao giờ đi chệch đường lối của đảng, vấn đề là “các nhà trí thức, các nhà phê bình xã hội, kể cả các quan chức và các đảng viên đã về hưu hoặc đang công tác” có ý tốt, bị ngấm ngầm lôi kéo bởi bàn tay vô hình của các “tổ chức ở nước ngoài”. Theo các nguồn tin ở Cục An ninh Quốc gia, có hơn 400 tổ chức phản động trong và ngoài nước đã đăng tải những bài viết bóp méo và nói xấu trên internet, QĐND kết luận rằng việc loại bỏ những hành vi xấu như vậy, thực sự là một nhiệm vụ của Hercules (khó gánh nỗi). Giống như con thú mình rắn Hydra thần thoại, mỗi khi bị Hercules chặt đứt đầu, nó lại mọc ra đầu mới, thế giới blog vốn không thể kiểm soát được, tờ báo quân đội nói — nghĩa là, trừ khi chính phủ tăng cường các cơ quan an ninh với nhiệm vụ rõ ràng hơn, đầu tư nhiều hơn và luật pháp gắt gao hơn.
Việc tăng cường đó có thể làm được mà cũng có thể không. Có nhiều điều quan trọng hơn cho tương lai của Việt Nam thay vì cố gắng hoài công để giám sát Internet là sự thách thức giữa Chủ tịch nước Sang và Thủ tướng Dũng.
Hai người đã là đối thủ trong nhiều năm. Ông Sang, theo các nhà quan sát Đảng Cộng sản Việt Nam, đã cố lật ông Dũng xuống trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng hồi tháng 1 năm 2011. Ông Sang đã thất bại. Mặc dù bị cáo buộc quản lý nền kinh tế kém và nhẹ tay với bê bối, ông Dũng đã nắm chắc thêm một nhiệm kỳ thủ tướng 5 năm nữa. Ông Sang được an ủi bằng chức Chủ tịch nước, một vai trò chủ yếu có tính nghi thức. Vị trí thứ ba trong bộ ba lãnh đạo Việt Nam là Tổng bí thư Đảng Cộng sản, rơi vào tay ông Nguyễn Phú Trọng, một chuyên gia tư tưởng đã từng giữ chức vụ đáng tin cẩn là lèo lái Quốc Hội.
Điều đó lẽ ra đã sắp xếp hoàn tất mọi việc cho thêm 5 năm nữa, nhưng không được như vậy. Lập luận của đa số các nhà phân tích rằng chính ông Sang đã thuyết phục ông Trọng khởi động “chiến dịch xây dựng đảng” vào tháng 2 vừa qua. Ông Sang được cho là đã lợi dụng mối quan ngại sâu sắc của ông Trọng rằng việc tham ô và hối lộ của các đảng viên đã xói mòn mạnh sự nễ trọng của dân chúng đối với các lãnh đạo. Chiến dịch này, một cách thực hành kiểu Lenin cổ điển về “phê bình và tự phê bình” từ trên xuống dưới, đang đạt tới cao trào.
Ông Dũng được coi là bị suy yếu. Ngoài bầu Kiên ra, một số doanh nhân khác có dính dáng đến Thủ tướng đã bị bắt giữ trong những tuần gần đây. Phải mất gần ba tháng để có được sự đồng thuận của Ban Bí thư đảng đối với động thái của ông Dũng hồi tuần trước chống lại Quan Làm Báo, và như đã nói ở trên, QLB vẫn tiếp tục tấn công mạnh vào Thủ tướng, chính phủ và các cộng sự của ông.
Quan trọng là các quy tắc của chiến dịch cải cách đảng đề ra việc lấy phiếu tín nhiệm các đảng viên để xác định và loại bỏ các quan chức làm việc không hiệu quả. Hơn nữa, tin đồn đang lan ra rằng Trung ương Đảng sẽ có phiên họp đặc biệt vào tháng 10.
Trong quá khứ, rất ít có khả năng Trung ương Đảng sẽ bỏ phiếu loại Chủ tịch Sang hoặc Thủ tướng Dũng khỏi chức vụ. Nhiều người trong số 170 uỷ viên này có thể sẽ muốn hai người bắt tay nhau và trở lại công việc của mình. Tuy nhiên, việc kình chống giữa ông Sang và ông Dũng là có thật, nó công khai và nằm trên các khác biệt thật sự trong tính cách và quan điểm về chính sách. Bây giờ khó có thể nào nhét ông thần vào chai trở lại.
Nguồn: Asia Times
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen