Vì sao các nhà lãnh đạo muốn giữ kín bệnh tình của họ?
Tác giả: Bruce Bueno de Mesquita & Alastair Smith
Người dịch: Thủy Trúc
18-9-2012
Chẳng ai thích đi bác sĩ. Nhưng đối với một nhà lãnh đạo, ngay cả thông tin về một chuyến đi khám như thế cũng giống như hồi chuông báo tử đối với sự nghiệp chính trị của ông ta. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi mà sức khỏe của lãnh đạo là bí mật quốc gia quan trọng nhất ở nhiều nước, và lý do của điều ấy cũng không đáng ngạc nhiên.
Ví dụ về loại bí mật này thì có đầy rẫy. Trong mấy tuần vừa qua, truyền thông thế giới đã tập trung vào khai thác địa điểm bí ẩn mà Tập Cận Bình – người được nhận định sẽ giữ chức chủ tịch kế tiếp của Trung Quốc – đang ở. Tập biến mất khỏi công chúng nhiều tuần, trong thời gian điều trị một căn bệnh gây đau lưng, hoặc đau tim, tùy vào việc bạn tin theo báo nào.
Ở Venezuela, các cử tri đang chờ đến ngày 7-10 để bỏ phiếu về việc có tái bầu Tổng thống Hugo Chávez không. Ông này chưa từng nói hết sự thật về bệnh ung thư của mình, chỉ đưa ra các tuyên bố rất đáng ngờ về một loạt lần phục hồi kỳ diệu, trong khi vẫn thường xuyên bay sang Cuba để điều trị. Hồi tháng tư, tin đồn về cái chết của vị Tổng thống Zimbabwe 88 tuổi, ông Robert Mugabe, hóa ra là sai sự thật, nhưng các công dân chắc chắn là vẫn không an lòng trước những nỗ lực vụng về của chính quyền nhằm kiểm soát tin nhắn.
Năm nay cũng là năm chứng kiến những cái chết trong lúc đương nhiệm của bốn nhà lãnh đạo châu Phi khác, ở Ethiopia, Ghana, Guinea-Bissau, và Malawi. Tất cả đều từng đi chữa trị ở nước ngoài và trước khi chết, đều biến tình trạng sức khỏe của mình thành một thứ bí mật quốc gia được gìn giữ cẩn thận. Mặc dù các lãnh đạo mới chết gần đây có tuổi từ khá thấp, 57, đến tương đối cao là 78, nhưng nhiều nghiên cứu kỹ càng cho thấy lãnh đạo, đặc biệt ở các nước phi dân chủ, đều sống lâu hơn tuổi thọ trung bình của đất nước họ một khoảng thời gian đáng kể. Tuy nhiên, con số tuổi thọ quốc gia đó vốn dĩ cũng đã ngắn rồi – hậu quả của đường lối lãnh đạo gây khổ đau cho dân ở các nước đó. Có lẽ, tất cả các lãnh đạo đều có thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế tốt nhất, nhưng nếu để phải hưởng dịch vụ đó, tức là về mặt chính trị, đã chạm cái hôn của tử thần.
Đối với các nguyên thủ, cũng có một mối căng thẳng cố hữu giữa việc phải gìn giữ sức khỏe tốt và việc phải tiết lộ với bạn bè đồng chí hoặc với công chúng rằng mọi sự đều không tốt. Vấn đề, nhất là ở những hệ thống chuyên quyền, là chỉ có thể được chăm sóc y tế tốt nhất khi cái ghế lãnh đạo phải chịu rủi ro – rủi ro chỉ đáng chấp nhận vào những thời điểm cực đoan.
Suy cho cùng, những người ủng hộ “trung thành” – kể cả người thân trong gia đình – cũng chỉ trung thành cho đến chừng nào nhà lãnh đạo của họ được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục ban phát quyền và tiền cho họ. Một khi sự thật nghiệt ngã được đưa ra ánh sáng, nội bộ bắt đầu tìm kiếm, nịnh bợ ai đó có khả năng là người kế nhiệm. Thảo nào khi cần chăm sóc y tế thì các vị lãnh đạo đất nước như Mugabe hay Meles Zenawi quá cố của Ethiopia đều có xu hướng ra nước ngoài, thường là ở nước nào tôn trọng tuyệt đối quyền lợi của bệnh nhân-khách hàng. Dùng bác sĩ trong nước rất rủi ro – họ có thể tán chuyện với bạn bè và làm lan ra ngoài cái tin rằng lãnh đạo đang mắc trọng bệnh, từ đó, đẩy nhanh hơn cái chết về chính trị, chưa nói về thể xác, của người đang có chức quyền. Bất kỳ vị lãnh đạo có năng lực nào đều phải biết giấu nhẹm bệnh tật giai đoạn cuối của mình trước con mắt công chúng, giấu càng kín càng tốt. Bệnh tật giai đoạn cuối, hoặc thậm chí tuổi quá cao – suy cho cùng đó là giai đoạn cuối của mọi thứ bệnh – là những chỉ dấu tuyệt vời cho thấy nhà lãnh đạo kính yêu sẽ không còn được tin tưởng bao lâu nữa. Khi đó quan điểm sẽ là: cũ đi, mới đến.
Chính trị, đặc biệt ở các thể chế độc tài, đòi hỏi sự cộng sinh giữa lãnh đạo và những người ủng hộ lãnh đạo. Để đổi lấy quyền thế, miếng ăn, lợi ích, và ưu đãi, những người ủng hộ lãnh đạo phải hậu thuẫn cho ông ta chống lại các đối thủ cạnh tranh, và khi cần, phải đàn áp nhân dân, phải đập vỡ mặt những đối thủ có thực và tưởng tượng, và làm cho cuộc sống của tất cả mọi người phải khổ sở, trừ một số ít được bầu (nhưng không phải là do được bầu cử mà lên). Những nhiệm vụ này có thể rất khó chịu, đấy là lý do tại sao một lãnh đạo thành công phải biết trọng thưởng phe ủng hộ mình, cũng là lý do tại sao tham nhũng, quà cáp biếu xén, lại phổ biến đến thế trong các chế độ chuyên quyền.
Sự cộng sinh đó sẽ thất bại khi một trong phía bên trong mối quan hệ không còn có thể nuôi bên kia nữa. Nếu lãnh đạo không còn chăm lo được cho những người trung thành với mình, thì lúc đó ông ta có thể tin rằng họ sẽ âm mưu làm đảo chính để lật đổ ông. Nếu phe ủng hộ không còn trấn áp được nhân dân thay cho lãnh đạo nữa, thì lúc đó biểu tình và cách mạng sẽ đe dọa cả chế độ. Phe ủng hộ biết rằng lãnh đạo của họ, cho dù có hào phóng và đáng kính đến đâu, nếu đã chết rồi thì cũng không thể ban phát gì được cho họ. Một khi các đặc quyền đặc lợi và miếng ăn gặp nguy nan, thì nội bộ bắt đầu tìm kiếm mảnh phiếu thịt tiếp theo. Khi sự cộng sinh thiết yếu sụp đổ, nhất là do phát hiện ra rằng lãnh đạo đang lâm trọng bệnh, thì chắc chắn sẽ có chuyển biến, và trong một số điều kiện thích hợp, điều đó có thể có lợi cho xã hội. Xét cho cùng, thậm chí nhiều nhân vật cao cấp, bình thường cực kỳ tồi tệ, cũng cảm thấy miễn cưỡng khi phải chĩa súng vào nhân dân khi những nhà lãnh đạo mới, mang tính cách mạng, có thể xuất hiện chính từ đám đông đó.
Do vậy, sẽ khôn ngoan khi tìm cách bảo hiểm cho canh bạc của mình, như điều quân đội Ai Cập đã làm trong cuộc nổi dậy năm ngoái ở nước này. Nhận thấy Tổng thống Hosni Mubarak đã quá già yếu, nghe đồn đang ốm nặng, và sẽ không ra được lệnh kiểm soát đối với khoản viện trợ mà Mỹ duy trì, quân đội Ai Cập bèn quyết định tìm kiếm xem họ có thể chi phối được ai trong số những người có khả năng kế nhiệm. Nếu nhìn nhận từ các sự kiện gần đây, sẽ thấy không thể biết chắc liệu chiến lược này cuối cùng có đúng cho tất cả các vị tướng ở Ai Cập không, nhưng dù thế nào, cũng có thể thấy khá rõ là họ đã có một nỗ lực có phối hợp nhằm tìm kiếm, dự phòng, và thắng lợi, thay vì tiếp tục chính sách ủng hộ Mubarak, kéo dài đã hàng thập kỷ.
Ngược với quan điểm chung, các cuộc cách mạng xoay quanh vấn đề lựa chọn tầng lớp đứng đầu hơn là hướng đến dân chúng. Trong các xã hội chuyên quyền, số phận của người dân thường rất bi thảm, cho nên khát vọng có những thay đổi cách mạng luôn tồn tại. Chi phối được nhà nước là một cơ hội nói chung luôn thiếu. Chừng nào liên minh chủ chốt hậu thuẫn cho lãnh đạo – gồm quân đội, công chức cao cấp, và lực lượng an ninh – vẫn còn thống nhất, thì chừng đó, bất đồng chính kiến còn bị đáp trả bằng bạo lực, và chỉ có một thiểu số can đảm hoặc dại dột thì mới chống đối chế độ. Cách mạng là vấn đề cơ hội, và cơ hội thể hiện rõ nhất là khi dân chúng thấy người cầm quyền đang gõ cửa nhà thần chết, và họ tin rằng những người bảo vệ cho ông ta cũng thấy điều đó cho nên có thể sẽ tìm cách dự phòng, bảo hiểm cho quyền lợi của mình.
Dân chúng biểu tình và cách mạng sẽ thành công khi những người có khả năng chấm dứt các cuộc nổi dậy của dân chúng quyết định không làm việc đó. Khoảng thời cơ rất ngắn ngủi mà tình trạng sức khỏe ốm yếu của lãnh đạo mang lại làm tăng khả năng những kẻ ủng hộ chế độ sẽ tỏ ra thụ động trước biểu tình. Và cơ hội thành công cao nhất chính là cái cớ người ta cần để khiến cho rủi ro xuống đường trở thành xứng đáng. Các nhà lãnh đạo cố gắng giữ gìn sức khỏe bởi họ nhìn thấy cơ hội mà bệnh tình của họ có thể tạo ra cho cách mạng hoặc đảo chính. Chắc chắn, do có quá nhiều quyền lợi liên quan, những người có xu hướng thiên về bạo loạn sẽ theo dõi rất chặt chẽ để phát hiện ra các dấu hiệu sức khỏe suy yếu ở đám lãnh đạo, để nhận ra – chúng ta cũng có thể suy luận ra như thế – rằng ngay cả những người ủng hộ trung thành cũng sẽ dao động trước một lãnh tụ đang hấp hối, trừ phi họ nghĩ họ có thể không còn tương lai nào sau khi ông ta ra đi.
Mùa xuân Ảrập là một trường hợp điển hình, và không chỉ có ông già Mubarak 84 tuổi ốm yếu. Mặc dù ngọn lửa tự thiêu của Mohamed Bouazizi vào ngày 4-1-2011 đóng vai trò như trung tâm điểm của những người dân Tunisia bất mãn, nhưng nhớ lại, cũng không chắc là cách mạng có thể bị trì hoãn lâu hơn nữa. Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali vốn đã bị đồn là đang ốm nặng rồi (và, theo một số thông tin, ông ta đã hôn mê sau khi bị đột quỵ ở Ảrập Xêút vài tuần sau khi từ chức). Nền kinh tế Tunisia đã ở thời điểm rất tồi tệ, càng làm tăng thêm độ lung lay (cho chiếc ghế) của ông ta. Sức khỏe suy yếu của lãnh đạo cộng với sự bất mãn của người dân là một hỗn hợp nguy hiểm cho bất cứ nhà cầm quyền trong chế độ độc đoán nào. Những hoàn cảnh đó như mời gọi người ta xuống đường. Ở một nơi khác trong thế giới Arập, vết thương của Tống thống Yemen, ông Ali Abdullah Saleh, do những người nổi dậy chống chính phủ gây ra vào tháng 6-2011, và việc ông sơ tán sang Ảrập Xêút để chữa bệnh, là bước ngoặt quyết định trong việc ông ta bật khỏi nhiệm sở. Nói chung, các nhà lãnh đạo mà khỏe mạnh thì sẽ duy trì được những người ủng hộ trung thành – ngược lại về phần họ, những người đó cũng duy trì chiếc ghế của lãnh đạo; còn lãnh đạo ốm yếu thì chịu.
Một ngoại lệ có thể là Muammar al-Qaddafi ở Lybia. Chẳng có dấu hiệu nào cho thấy Qaddafi ốm, và nhiều người trong số những kẻ hậu thuẫn (được trả lương rất khá) của ông ta, trên thực tế, vẫn tiếp tục trung thành với ông ta cho đến phút cuối. Sự sụp đổ của chế độ Qaddafi là một ngoại lệ chứng minh quy tắc chung. Do rất nhiều trong số những người trung thành với Qaddafi đã theo ông ta, nên các cuộc không kích của NATO thật sự là cần thiết, để ngăn chặn, không cho họ đàn áp lực lượng nổi dậy.
Tầm quan trọng của tình trạng sức khỏe lãnh đạo đối với thành công của cách mạng chẳng phải điều gì mới. Vào năm 1997, quân nổi dậy của Laurent Kabila đã tràn khắp Zaire (nay là nước CHDC Congo), khi thấy rõ rằng Mobutu Sese Seko đang ốm rất nặng. Mobutu đã phạm sai lầm là công khai việc đi chữa bệnh ở châu Âu và huy động người dân tổ chức mừng ông ta trở về nước sau đợt điều trị – ở Zaire, chăm sóc y tế không đạt nổi chất lượng tối thiểu! Ferdinand Marcos ở Philippines cũng có số phận tương tự. Khi căn bệnh Lupus của ông ta tiến triển xấu, những người trung thành với chế độ bắt đầu bỏ rơi ông ta, và ông ta rớt khỏi quyền lực vào năm 1986, ba năm sau chết khi lưu vong ở
Hawaii. Đây cũng là câu chuyện của vua Iran, Mohammed Reza Pahlavi. Như tờ New York Times đưa tin ngày 17-5-1981, sau khi chính quyền của ông ta sụp đổ: “Chẳng hạn, có một dấu hiệu từ chuyên gia trị bệnh ung thư cho ông ta ở Bệnh viện New York, ám chỉ rằng nếu nhà vua mà được điều trị giống như một bệnh nhân bình thường, với cùng các bác sĩ đó, ngay từ những ngày đầu phát hiện bệnh, thì có lẽ giờ ông ta vẫn sống”.
Nhưng tất nhiên đức vua đã không làm thế. Vấn đề của ông ta, cũng như của rất nhiều nhà độc tài khác vẫn phải cố mà làm hài lòng những người trung thành với mình, rất đơn giản và chết người: Nếu người ngoài biết về tình trạng bệnh ung thư của nhà vua, khi đó phe ủng hộ gần như chắc chắn sẽ bỏ rơi ông ta, và tiền ủng hộ từ nước ngoài có thể cạn ngay – bản án tử hình đó. Tuy nhiên, nếu không được điều trị thích hợp, bệnh ung thư sẽ – và cuối cùng là đã – giết ông ta. Câu chuyện của vua Mohammed Reza Pahlavi là câu chuyện buồn của một người tuyệt vọng vì bệnh tật, len lén mời các bác sĩ Pháp vào Iran và bí mật đi khám dưới những tên giả khác nhau. Nhưng, như cuối cùng mọi chuyện đã xảy ra, thông tin về cái chết sắp đến đã làm ách cai trị của ông ta tan tành. Người Iran xuống đường biểu tình, và Ayatollah Ruhollah Khomeini, sau một thời gian dài lưu vong, nay trở lại quê hương để cầm đầu cuộc nổi dậy, thiết lập chế độ nhà nước Hồi giáo, năm 1979. Rất nhiều, có lẽ hầu hết, những người trong phe quân đội mà trước đó từng trung thành với nhà vua, đã đứng sang một bên, hầu như không chống đỡ gì hết, khi họ tính toán thấy rằng chuyển giao quyền lực là việc không thể tránh khỏi.
Các nhà lãnh đạo cần phải tỏ ra hùng dũng và khỏe mạnh. Ngay cả trong một nền dân chủ, điều này cũng vẫn đúng. Phe của Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã giữ bí mật về tình trạng bệnh đường hô hấp rất nghiêm trọng của ông suốt Thế chiến I; Franklin D. Roosevelt giấu bệnh bại liệt; John F. Kennedy không để ai biết mình phụ thuộc vào corticosteroids, và danh sách còn kéo dài. Ở các nước kém dân chủ hơn, sự cần thiết phải tỏ ra khỏe mạnh, tràn đầy sinh lực, còn mang tính sống còn hơn thế.
Nói về việc ông Tập gần đây biến mất và rồi trở lại trước công chúng, phải nói bất kỳ ai ở một tuổi nào đó đều không thể không nhớ đến thời kỳ dài ở Trung Quốc trong những năm 1990, khi người ta không biết được Đặng Tiểu Bình còn sống hay đã chết, hoặc tương tự, vào những năm trước đó, khi dân chúng không biết Mao Trạch Đông chết rồi hay vẫn sống. Đảng và sự ổn định nối tiếp ở Trung Quốc, cũng giống như ở rất nhiều nền độc tài khác, cần ít nhất một chút niềm tin tưởng, rằng nhà vua chưa chết chừng nào chưa chỉ định được vua mới làm người kế tục.
Đối với những nhà lãnh đạo kém dân chủ – những người muốn duy trì quyền lực trong thời gian dài hơn thế nữa – thì sức khỏe tốt còn quan trọng hơn nhiều. Do đó, bên cạnh việc tỏ ra cực kỳ mạnh mẽ, nam tính, cũng có một logic chính trị trong những trò hề của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông ta thường xuyên để phanh ngực áo, đi săn trong rừng, lái máy bay siêu nhẹ bay qua Bắc cực, hoặc tham gia các hoạt động thể lực rất mất sức khác. Việc thể hiện sự dũng mãnh như thế cũng là trình diễn biểu tượng mạnh mẽ của sức mạnh quốc gia trước các cử tri – những người vốn vẫn còn nhớ chuyện một loạt thủ tướng cao tuổi nối tiếp nhau chết trong lúc đương nhiệm, vào những năm suy thoái của Liên Xô, hay vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế những năm 1990, thời ông Boris Yeltsin to béo, nghiện rượu, còn đang cầm quyền.
Lãnh đạo, quá ý thức được về rủi ro mà họ phải đối diện ngay lập tức khi bị đồn là đang ốm, xử lý khủng hoảng sức khỏe theo những cách khác nhau. Trên lý thuyết, họ có thể tận dụng việc mình sắp chết làm một cơ hội để thay đổi xã hội, để lại một đất nước dân chủ, nhưng thật không may là chúng ta rất khó mà tìm ra dù chỉ một ví dụ như thế. Họ có thể, như đã nói, đơn giản là giữ bí mật. Và khi điều đó thất bại, thì phản ứng chung là chối tuốt. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa Internet, công nghệ di động, và nhiều tiến bộ trong công nghệ chẩn đoán bệnh từ xa, đã khiến cho các lãnh đạo ngày càng khó giấu giếm tình trạng sức khỏe. Chẳng hạn, có cả một blog chuyên theo dõi tình hình căn bệnh ung thư của Chávez, nơi mà bên cạnh các phát ngôn mơ hồ của ông ta rằng mình đã chiến thắng bệnh tật – “Tạ ơn Chúa đã cho phép tôi vượt qua khó khăn, nhất là về sức khỏe, cho tôi cuộc sống và sức khỏe để ở cùng các bạn trong cả chiến dịch này” – là thảo luận chi tiết về từng phát ngôn, từng phương án điều trị, sự xuất hiện và ra đi của các bác sĩ, thay đổi trong lịch sinh hoạt, và ảnh chụp. Những thứ này có vẻ rất vụn vặt, nhưng trong bối cảnh sắp bầu cử ở Venezuela, mọi dấu hiệu về tiên lượng bệnh của tổng thống, về mặt chính trị, đều quan trọng hơn nhiều so với các tuyên bố về chính sách này nọ của ông.
Khi bí mật và chối bỏ sự thật không còn ích gì nữa, thì các vị kế tiếp sẽ trao cho nhà lãnh đạo một phương tiện để duy trì lòng trung thành chính trị. Giải quyết sớm vấn đề người kế nhiệm sẽ bảo đảm nối tiếp được chế độ cộng sinh giữa lãnh đạo với những người giúp lãnh đạo giữ ghế. Phe ủng hộ sẽ trung thành hơn với một nhà cầm quyền ốm yếu, nếu họ biết tài sản cũng như đặc quyền đặc lợi của mình chắc chắn vẫn tiếp tục ngay cả sau khi lãnh đạo chết. Gia đình họ Kim ở Bắc Triều Tiên, Hafez al-Assad ở Syria, và Fidel Castro ở Cuba, tất cả đều dùng xảo thuật này để làm giảm bớt rủi ro chính trị phát sinh từ tình trạng sức khỏe suy yếu của họ.
Cuối cùng, sức khỏe tốt là một tài sản cực kỳ giá trị đối với các lãnh đạo, và lại càng có giá trị hơn với những lãnh đạo phi dân chủ. Các chuyến viếng thăm của những bác sĩ ngoại quốc nổi tiếng, những chuyến đi nước ngoài của lãnh đạo để tới bệnh viện giải quyết các vấn đề nho nhỏ về sức khỏe (giống như việc điều trị thường xuyên “bệnh ở lưng” của vua Ảrập Xêút Abdullah), những biến đổi về ngoại hình, thể chất – tăng trọng chẳng hạn, có thể được liên hệ đến việc sử dụng steroid – và sự vắng mặt kéo dài trước công chúng, đều là những chỉ dấu rất giá trị, có tác dụng cảnh báo sớm về bất ổn chính trị. Cũng vậy, tuổi quá cao và quá non trẻ trong công việc đều là cảnh báo sớm về các rắc rối tiềm ẩn. Người non trẻ quá thì chưa biết tiền để đâu, người già yếu thì chẳng còn đáng tin cậy.
Đó là lý do gần như chắc chắn vì sao ngày nay chúng ta thấy xu hướng ngày càng gia tăng của việc độc tài kế nhiệm độc tài. Những Kim Jong Ils của thế giới đều biết tiền để chỗ nào và có lẽ đều rất sung sướng được nói điều đó với đám con cháu đáng tin cậy của họ. Trong thời đại của những phép màu về y tế, cũng rất đáng chú ý một điều: Các triều đại của vua chúa đang trở lại, nhưng chắc chắn không phải do trùng hợp.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen