Mittwoch, 26. September 2012

Người Việt và Tầu tại Wólka Kosowska ‘nuôi’ công an?



Ảnh Wyborcza
Các quầy hàng và kho bãi trong khu trung tâm thương mại Wólka Kosowska đã bị cháy 3 lần kể từ năm 2009. Kể từ đó, những người buôn bán tại đây bắt đầu trả tiền cho công an để họ nhận được sự bảo vệ tốt hơn. Điều này liệu có hợp pháp không?
Sự việc này vừa được đăng tải trên tuần báo Wprost, phóng sự do 2 phóng viên điều tra là Michał Majewski và Paweł Reszka thực hiện.
Các doanh nghiệp tại vùng Wólka Kosowska do lo lắng về hoạt động kinh doanh cũng như an toàn hàng hóa, nên đã quyết định tìm cách tăng cường sự bảo vệ từ phía công an. Việc nhận tiền là vi phạm pháp luật, công an không thể kiếm tiền nhờ sự khoản đãi của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mọi quy tắc đều có thể bị phá vỡ.
Điều đó đã xảy ra như thế nào? Các nhà báo của tờ Wprost giải thích: “Những người Việt Nam, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đưa tiền cho quận chủ quản dưới dạng các khoản cho, tặng. Sau đó quận chi tiền cho công an. Trưởng đồn công an chia cho các nhân viên như khoản thù lao làm việc thêm giờ và không quên nhắc họ lưu ý tới những người tài trợ. Rất đơn giản.”
Và đây không phải là số tiền nhỏ. Năm 2011, các doanh nghiệp tại đây đã chuyển vào ngân sách của quận [Lesznowola] 67.300 Zua-ty dưới dạng hiến tặng. Năm 2012 là 120.000 Zua-ty cũng theo hình thức tương tự.
Hai nhà báo dẫn lời chủ tịch Lesznowola- nơi trung tâm buôn bán Wólka tọa lạc- như là bằng chứng cho việc nhận tiền này: “Dân cư vùng Wólka biết ơn các trung tâm của người Trung Quốc, Thổ [và Việt Nam] đã giúp đỡ sửa chữa lại Trung tâm Giáo dục Thanh thiếu niên và tài trợ cho các hoạt động làm thêm giờ của công an. Điều này giúp cải thiện tình hình an toàn xã hội của khu vực”.
Ông chủ tịch nói tiếp: “Ở khu vực này [Wólka Kosowska] tình trạng phạm tội cũng cao hơn những vùng khác. Như đã đề cập, các thương gia cố gắng giảm thiểu tình trạng này bằng cách tài trợ để tăng thêm tần suất tuần tra của cảnh sát”.
Phát ngôn viên của công an quận, ông Mariusz Sokołowski phủ nhận điều này: “các nhà tài trợ không thể trả tiền cho cảnh sát được”.
Trong khi đó, người phát ngôn của công an thành phố là Mariusz Mrozek nhấn mạnh: “Việc làm thêm giờ vào các ngày nghỉ được trả từ ngân sách của quận, chứ không phải từ tiền của các công ty tư nhân”. 
Tại sao những người nước ngoài tại đây lại sợ hãi? Ở Wólka Kosowska họ đã tạo ra những vương quốc riêng của mình. Cách không xa khu vực buôn bán là khu nhà ở với cung cách thẩm mỹ riêng. Những ngôi nhà 1 tầng được sơn mầu vàng nhạt. Trước nhà thường có những ô tô sang trọng, đôi khi cả xe tải. Gần đó là các quán hàng ăn châu Á. Vì vậy họ chẳng cần đi đâu xa ra ngoài khu vực. Ở đây cũng không thiếu những sản phẩm đến từ các quốc gia của các di dân này. Wólka thực sự là thiên đường, nếu như ở đó thỉnh thoảng không cháy.
Hỏa hoạn xảy ra lần đầu vào ngày 2 tháng Tám năm 2009. Mặc dù 25 đơn vị cứu hỏa đã cố gắng dập lửa nhưng một khu vực bán hàng đã bị thiêu rụi.
Sự việc được lặp lại 2 năm sau vào ngày 10 tháng Năm năm 2011. Cột khói bốc lên từ khu kho thậm chí có thể nhìn thấy từ khoảng cách vài chục km. Lần này 36 đơn vị cứu hỏa cũng phải bó tay. 26/8/2012 tại khu vực buôn bán khác lại bốc cháy và còn tệ hại hơn cả đợt hỏa hoạn năm 2009.  Báo chí nói rằng, thiệt hại thậm chí có thể tới 10 triệu đô-la.
Mặc dù thường xuyên hỏa hoạn và ít người tin rằng đó là ngẫu nhiên, nhưng các doanh nghiệp, lần nào cũng vậy, lại đứng dậy từ đống tro tàn.
Nhưng nỗi lo của họ vẫn còn đó.
Lược dịch theo Wyborcza
© Đàn Chim Việt

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen