Freitag, 13. Juli 2012

Vụ nổ súng đã biến tranh chấp đất đai thành mối ưu tiên của Việt Nam


BusinessWeek

Tác giả: Nick Heath

(Với sự trợ giúp của Nguyen Kieu Giang, Diep Ngoc Pham, Nguyen Dieu Tu Uyen và K. Oanh Ha ở Hà Nội. Biên tập viên: Adam Majendie, Lars Klemming)

Người dịch: Thủy Trúc

11-07-2012

Nguyen Thi Thuong, vợ của nông dân Doan Van Vuon, đứng cạnh ngôi nhà của gia đình bị phá tại Hải Phòng, nơi xảy ra vụ tranh chấp kết thúc bằng bạo lực vào ngày 04-02-2012. Photographer: Nguyen Hung, VnExpress/AP Photo

Đầu tiên là cảnh sát và những người đàn ông mặc đồng phục, sau đó tới màn đấm đá và xe ủi đất – bà Nguyen Thi Kiem nói. Trong vài giờ, nhà của bà và 165 người nữa đã bị san bằng – bốn đời nông trang trồng lúa bị san phẳng.

“Bọn họ đến đây đuổi chúng tôi đi” – bà Kiem nói về cảnh sát và những quan chức khác, những người đã đuổi dân làng đi để dọn đường cho một khu đô thị ngoại ô mới ở ngoại thành Hà Nội, ngày 24-4. “Nhà tôi họ cũng cướp mất. Bây giờ tôi chẳng còn gì”.

5 tuần sau, Kiem cùng hàng trăm nông dân mất đất trên toàn đất nước dựng trại, cắm lều dưới mưa, trước cổng các cơ quan nhà nước ở thủ đô Hà Nội, đấu tranh chống những cuộc giải phóng mặt bằng mà họ không được biết và thường dính líu đến nhằng nhịt những lời buộc tội tham nhũng và đền bù không thỏa đáng. Các cuộc biểu tình đã trở thành mối ưu tiên phải giải quyết đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lấn át cả các vấn đề lao động đình công, lạm phát giá cả và phá sản doanh nghiệp, vốn đã làm đồng tiền mất giá tới 20% trong bốn năm.

“Đó là vấn đề mấu chốt, lấn át cả chuyện lạm phát và mất giá tiền tệ, vốn là các tồn đọng lớn nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính xảy ra” – ông Carl Thayer, một giáo sư ở Học viện Quốc phòng Australia ở Canberra, từng nghiên cứu chính trị Việt Nam suốt 45 năm, nói. “Các nhà đầu tư nên lo ngại về tình trạng mất ổn định nói chung. Đối đầu đã bắt đầu”

Sau khi vụ tranh cãi ở Hải Phòng chấm dứt một cách bạo lực, ngày 10-2, website của Chính phủ trích lời Thủ tướng cho rằng quản lý đất đai không được tốt, và ông kêu gọi xét duyệt lại toàn bộ quy trình, thủ tục. Ngư dân (Người nuôi cá) Đoàn Văn Vươn và gia đình ông đã bắn vào sáu sĩ quan công an và kích nổ một quả mìn tại nhà ông hôm 5-1, khi chính quyền địa phương cố gắng trục xuất họ.

Lao động đình công

Tranh chấp đất đai lại là một bước lùi nữa đối với Đảng Cộng sản, sau khi cuộc lạm phát với tốc độ trượt giá nhanh nhất châu Á năm ngoái làm nổ ra những cuộc đình công của người lao động tại các chi nhánh địa phương hoặc các đơn vị phân phối của hãng Honda Motor (7267), Panasonic (6752) và Adidas AG. Tăng trưởng kinh tế thấp dưới 4,5% trong hai quý đầu – thấp nhất kể từ năm 2009 – trong khi thị trường chứng khoán sụt giảm 17% tính từ đỉnh điểm ngày 8-5 năm nay.

“Là bộ phận cốt lõi của Đảng Cộng sản, nông dân có thể làm cho Bộ Chính trị phần nào lo sợ” – Ernest Bower, giám đốc chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế học ở Washington, nói. “Vụ mâu thuẫn về đất đai bùng nổ gần Hải Phòng vào đầu năm nay làm Đảng thực sự lo ngại. Đây là một tình huống không ai thắng, về mặt chính trị. Họ phải tiến lên, phải tiếp tục phát triển để củng cố năng lực cạnh tranh”.

Những hỗn loạn về kinh tế-xã hội đã góp phần vào đà sụt giảm 28% đầu tư trực tiếp nước ngoài trong nửa đầu năm 2012, từ hẳn một năm trước đó. Khi tiền công gia tăng ở Trung Quốc, Việt Nam bắt đầu cạnh tranh với Campuchia, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến những nơi chi phí sản xuất rẻ.

Thương vụ mua bán gỗ

Tháng 5. Tran Ngoc Anh, 46 tuổi, đi 1700 km từ tỉnh duyên hải miền Nam Bà Rịa Vũng Tàu ra Hà Nội để đấu tranh chống vụ cưỡng chế đất nhà bà xảy ra cách đây hai thập kỷ. Bà nói bà bắt đầu phản đối từ năm 2001, sau khi phát hiện ra rằng một số quan chức địa phương đã đem một phần đất cho một công ty gỗ quốc doanh thuê, và bán nhiều phần đất cho các hộ dân khác.

Bà Anh bảo, bà từng bị công an đánh và bắt giam, sau một lần bà định tự thiêu trước cổng nhà thủ tướng vào năm 2009 “để cho ông ta thấy nỗi đau đớn mà người dân phải chịu”.

Ngày 13-6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội, cho các đại biểu biết rằng Thủ tướng Dũng đã yêu cầu các cơ quan chính phủ trong năm nay phải giải quyết tất cả 500 đơn thư khiếu nại đất đai còn tồn đọng. Theo ông Hùng, khoảng 80% số đơn từ khiếu nại gửi đến chính quyền là có liên quan đến tranh chấp đất đai. Bộ Ngoại giao phát biểu trong một bản fax trả lời phỏng vấn, rằng họ “chưa có thông tin gì” về bất kỳ vụ ngược đãi người biểu tình/ khiếu nại liên quan đến đất đai nào.

Bong bóng bất động sản

Theo số liệu của chi nhánh Việt Nam của Tập đoàn CBRE (CBG) – công ty môi giới bất động sản thương mại lớn nhất thế giới – nhiều vụ tranh chấp xoay quanh vấn đề đền bù, trong một thị trường nơi giá trung bình của các chung cư cao cấp ở Hà Nội, kể từ năm 2004 đến nay, đã bị tăng hơn ba lần.

Đền bù giải phóng mặt bằng là vấn đề gây sức ép nhất đối với các cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam, theo một khảo sát năm 2010 do World Bank tiến hành, cho thấy hơn 80% dân số không hài lòng với các cách tính toán đang được áp dụng.

“Luật đất đai hiện nay không điều tiết nổi thị trường bất động sản đang biến động quá nhanh ở Việt Nam” – ông Eddy Malesky, phó giáo sư trường Quan hệ Quốc tế và Nghiên cứu Thái Bình Dương trực thuộc ĐH California, San Diego, nói. “Chỉ là người ta không có cách nào làm cho cái mức giá mà chính phủ ấn định (và bồi thường cho người dân dựa trên đó) phù hợp với giá cả thị trường”.

Mảnh đất từng làm ra lúa gạo cho bà Kiem và hàng xóm láng giềng của bà ở tỉnh Hưng Yên rồi sẽ bước vào giai đoạn tiếp theo là trở thành Ecopark, một khu đô thị với 20.000 biệt thự (villa) và căn hộ, trường học, cửa hàng, sân gôn, trên một diện tích lớn hơn cả Công viên Trung tâm New York.

Giá đền bù gia tăng

Năm nay bà Kiem 60 tuổi. Bà cho biết lúc đầu, bà được hứa hẹn đền bù mức giá tương đương 2,63 USD một mét vuông, sau đó giá tăng gấp ba lần, lên 7,18 USD.

“Họ không thể ép chúng tôi chấp nhận giá đó” – bà nói khi đứng ngoài cổng Trụ sở Tiếp dân Trung ương ở Hà Nội. “Giá như thế thấp quá. Rồi sau đó họ lại bán đất với giá cao gấp 100 lần”.

Theo thông tin trên một website, hồi tháng 5 năm ngoái, các căn hộ ở Ecopark được rao giá tối thiểu 886 USD/mét vuông, nhằm khuyến khích những người mua sớm. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng, nhà đầu tư của Ecopark, từ chối trả lời phỏng vấn về dự án.

Báo Lao Động hôm nay đưa tin, công ty sẽ trả tới 200 tỷ đồng cho các gia đình tự nguyện giao đất cho dự án, ở khu làng gần nhà bà Kiem. Bài báo cho biết, toàn bộ tiền mặt, cộng với số tiền mà dân làng sẽ nhận được từ đền bù giải phóng mặt bằng, sẽ được dùng để giúp đỡ 2.397 hộ dân tái định cư, ổn định lại tài sản và mùa vụ.

World Bank (Ngân hàng Thế giới) cho biết, một số dự án đã không đền bù thỏa đáng và minh bạch, điều này làm tăng chi phí xây dựng, tăng rủi ro cho nhà đầu tư.

Website của World Bank viết: “Những tồn đọng rất lớn trong vấn đề giá đền bù đã dẫn tới tình trạng dự án bị trì hoãn, đẩy chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng lên rất cao. Khiếu kiện gây ra bất ổn xã hội kéo dài và làm giảm độ hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam”.

Những vụ biểu tình liên quan tới đất đai ở Việt Nam cũng phản ánh các vụ việc tương tự ở  Trung Quốc. Ông Carl Thayer nhận định như vậy tại Học viện Quốc phòng Australia trực thuộc ĐH New South Wales ở Canberra.

Mâu thuẫn với Trung Quốc

Tháng 12 vừa qua, Tân Hoa Xã đưa tin Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố Trung Quốc “không thể tiếp tục hy sinh quyền sở hữu đất đai của người nông dân”. Đình công, biểu tình và các hình thức phản đối khác ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi, thành ít nhất 180.000 vụ trong thời gian từ năm 2006 tới năm 2010 – theo thống kê của Sun Liping, một giáo sư xã hội học ở ĐH Thanh Hoa (Bắc Kinh). Tranh chấp đất đai là nguyên nhân hàng đầu gây bất ổn xã hội ở Trung Quốc, theo một nghiên cứu chính thức hồi năm ngoái.

“Việt Nam theo dõi rất, rất thận trọng những gì đang diễn ra tại Trung Quốc” – ông Carl Thayer nói.

Tuy nhiên, năng lực của chính quyền Trung Quốc trong việc di dời người dân đi nơi khác để xây đường xá, đê đập và nhà máy đã góp phần tạo đà phát triển kinh tế nhanh chóng trong hai thập niên qua. Ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của Mekong Economics ở Hà Nội, nhận xét như vậy.

“Ở Trung Quốc, trong vòng ba năm họ có thể hoàn thành một dự án lớn về cơ sở hạ tầng và dẹp tất cả các hộ dân nằm trong khu vực đó đi nơi khác” – McCarty nói. “Ở Việt Nam thì việc ấy phức tạp và chậm chạp hơn rất nhiều”.

Nguồn: BusinessWeek

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen