Nhân dân Thập Phương dũng cảm đứng lên! Nhân dân Trung Quốc dũng cảm đứng lên!
Tác giả: Bành Đào
Người dịch: Băng Tâm
11-07-2012
Vào đầu tháng 7 năm nay, để phản đối Nhà máy luyện đồng molypden HTC ở Đức Dương Tứ Xuyên, hàng vạn học sinh và dân chúng địa phương đã xuống đường biểu tình. Nhà cầm quyền đã huy động một lượng lớn cảnh sát chống bạo động, xịt đạn hơi cay và đạn gây choáng để xua đuổi người biểu tình. Nhưng, học sinh và dân chúng biểu tình đã không sợ sự bạo hành của nhà cầm quyền, tiếp tục phản đối trên đường trong tiếng hô vang khẩu hiệu “Thập Phương dũng cảm đứng lên”, cuối cùng buộc nhà cầm quyền phải từ bỏ kế hoạch xây dựng và điều Bí thư thành ủy tới. Sự kiện phản kháng bạo lực Thập Phương là phong trào phản kháng của học sinh và dân chúng trên quy mô lớn chỉ có kể từ “Phong trào 4.6.89” đến nay, đồng thời cũng là sự tiếp tục và đi vào chiều sâu của các hoạt động phản kháng với hàng vạn người ở Vạn Huyện và Song Kiều Trùng Khánh, Trung Sơn Quảng Đông và Hongkong…, là một lần dự diễn thành công cho sự chuyển đổi hình thái chế độ chính trị trong nay mai của Trung Quốc.
Chỉ có kể từ “Phong trào 4.6.89” đến nay
Phong trào phản kháng bạo lực Thập Phương Tứ Xuyên là phong trào phản kháng do học sinh phát động lần đầu tiên kể từ “Phong trào 4.6” đến nay. Tinh thần không sợ hi sinh và chiến đấu ngoan cường của những học sinh thế hệ 9X này cũng là điều hiếm gặp từ sau “Phong trào 4.6”. Họ không sợ bị bắt, không sợ bị đuổi học, không sợ bị cảnh sát đánh đập, xịt đạn hơi cay và đạn gây choáng, miệng lại còn hô to “Chúng tôi có thể hi sinh, chúng tôi là thế hệ 9X!”.
Cũng giống như “Phong trào 4.6.89”, phong trào phản kháng bạo lực Thập Phương đã giành được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi từ học sinh và dân chúng xung quanh cho đến các nhân sĩ thuộc các lĩnh vực khác nhau trong cả nước, khiến cho phong trào đã vượt khỏi ranh giới vùng và tỉnh, đồng thời tạo thành sức ảnh hưởng mang tính toàn quốc, nhiều người nổi tiếng đã tới tấp bình luận trên mạng, bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ đối với cuộc thị uy của người dân Thập Phương, lên tiếng trách cứ những hành vi bạo lực của chính quyền. Một số lãnh tụ dân ý và nhà hoạt động nhân quyền (như Lý Thành Bằng, Vương Khắc Cần, Trần Vân…) cũng công khai tỏ thái độ ủng hộ phong trào phản kháng bạo lực Thập Phương, đồng thời đích thân tới Thập Phương tham gia cuộc phản kháng của học sinh và dân chúng Thập Phương. Nhà văn nổi tiếng của đại lục là Hàn Hàn còn viết bài lên án chính quyền, nói rằng “những người sẵn sàng chống đỡ được cả động đất cấp 8 sẽ chống đỡ được sự truy đánh”. Sự tàn bạo của quân đội và cảnh sát cũng đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích và phản đòn mạnh mẽ từ giới truyền thông đại lục. Một số phóng viên đã dũng cảm đứng ra lên tiếng đỡ đòn cho cư dân mạng. Rất nhiều báo chí đã lợi dụng các bài bình luận để chỉ trích sự trấn áp bằng bạo lực của chính quyền, như “Thanh niên báo” ngày 4.7 đã đăng bài “Có những chuyện không thể giả bộ như không thấy” để biểu thị sự bất bình trước sự trấn áp bằng bạo lực của chính quyền đối với Thập Phương. Trên mạng lại càng dồn dập hết đợt này đến đợt khác những tiếng nói bình luận và lên án sự tàn bạo của quân đội và cảnh sát. Trước tình hình ấy, chính quyền đã không thể ngăn chặn được hết những thông tin được lan truyền và những tiếng nói bất đồng chính kiến trên các phương tiện truyền thông. Sự can thiệp và tham dự của nhiều nhân vật nổi tiếng cùng giới truyền thông đã tạo nên sức ảnh hưởng cực lớn trong phạm vi toàn quốc, đóng vai trò tiếp thêm dầu vào lửa cho phong trào phản kháng Thập Phương.
Cũng giống như “Phong trào 4.6.89” và “Mùa xuân Arập”, lực lượng quân đội và cảnh sát tham gia trấn áp Thập Phương đã bị dân chúng phỉ nhổ và chống trả, rất nhiều cửa hàng và cửa hiệu đã từ chối không cho cảnh sát đặc nhiệm được vào, từ chối không phục vụ cho cảnh sát đặc nhiệm, dành cho cảnh sát đặc nhiệm những đồ bán ế, ăn không nổi và uống không nổi, khiến cho cảnh sát đặc nhiệm bị rơi vào tình cảnh “chuột chạy cùng sào”. Trước sức ép của dân chúng và dư luận, cảnh sát đặc nhiệm ở Miên Dương, Thập Phương và Thành Đô đã đổ vấy cho nhau và phủ nhận việc họ đã sử dụng đạn hơi cay và đạn gây choáng để xua đuổi dân chúng, có những cảnh sát đặc nhiệm thậm chí còn từ chối không chấp hành mệnh lệnh trấn áp dân chúng, cởi bỏ quân trang, đứng bên cạnh học sinh và dân chúng biểu tình.
Nhưng có một hiện tượng mới, đó là một vài báo chính thống (như xinhuanet.com và people.com.cn, …), về sự kiện Thập Phương, cũng đã thay đổi truyền thống tránh né trước đây, đã “đưa tin mạnh mẽ” và chỉ trích cảnh sát đặc nhiệm Thập Phương xua đuổi dân chúng bằng bạo lực. Ngoài ra, các cư dân mạng còn phát hiện, ở đại lục, một vài tiểu blog về sự kiện Thập Phương đã không bị xóa trong một thời gian, hơn nữa những hành vi bạo lực của cảnh sát đặc nhiệm lại còn bị sự chỉ trích và chửi rủa của dư luận.
Sự kiện Thập Phương với phong trào cải cách xã hội
So với sự kiện biểu tình phản kháng với hàng vạn dân ở Vạn Thịnh và Song Kiều Trùng Khánh, phong trào phản kháng của học sinh và dân chúng Thập Phương có nhiều điểm giống hơn với sự chuyển đổi hình thái dân chủ ở Liên Xô cũ, Đông Âu và “Mùa xuân Arập”. Những phong trào cải cách chính trị thành công ấy hầu như đều xuất phát từ những vấn đề mang tính cấu trúc chế độ và xã hội nghiêm trọng của quốc gia (như chính phủ thối nát, chính trị cầm cố, xã hội bất công và ngu dân…), đều chủ yếu do những người trẻ tuổi dẫn đầu, đều được sự ủng hộ của xung quanh và các vùng khác cùng hầu hết dư luận xã hội, những người tham gia trấn áp đều trở thành mục tiêu công kích của dân chúng và giới truyền thông, cuối cùng đều buộc chính quyền địa phương hoặc nhà cầm quyền phải khuất phục, v.v…
Kinh nghiệm cho thấy, tất cả mọi cuộc cải cách xã hội hoặc phong trào xã hội thành công về cơ bản đều hội tụ được mấy điều kiện sau: Một, do một sự kiện đột phát nào đó (trong hoặc ngoài đảng cầm quyền) dẫn đến, dân chúng xuống đường biểu tình (bất kể là do nguyên nhân gì gây nên, động cơ thực sự của nó đều là do dân chúng bất bình và phẫn nộ với chế độ và tình trạng đời sống hiện tồn, còn bản thân vụ việc chỉ là một ngòi nổ hoặc chỗ trút tức giận mà thôi); hai, sự chống đối nhận được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi từ các tầng lớp khác trong xã hội, sự tham dự và làm chủ đạo của các bậc tinh anh trong xã hội (trước là ngoài đảng sau là trong đảng); bốn, sự tiếp bước và thông tin rộng rãi của giới truyền thông (tạo thành phản ứng liên hoàn trong xã hội); năm, sự đón nhận và tham dự của các nhân vật lãnh đạo cao cấp (đầu cơ cũng được, thực tâm cũng được); sáu, sự chống lệnh, đào ngũ hoặc làm binh biến của cảnh sát và quân đội; bảy, tình hình hoàn toàn mất kiểm soát, chính quyền hiện tồn cuối cùng bị sụp đổ.
Phong trào phản kháng của học sinh và dân chúng Thập Phương đã hội tụ được một phần trong số những điều kiện nói trên: Một, chính quyền làm ngơ và ép buộc dân chúng, cương quyết xây dựng Nhà máy luyện đồng molypden HTC, dẫn đến sự phản đối của học sinh và dân chúng địa phương; hai, cuộc biểu tình bị sự đàn áp đẫm máu của quân đội và cảnh sát, làm dấy lên sự phẫn nộ và phản đòn mạnh mẽ của dư luận cùng những người thuộc mọi tầng lớp, dẫn đến những tiếng nói ủng hộ và sự hỗ trợ từ mọi phương diện trong xã hội đối với cuộc phản kháng ở Thập Phương; ba, bạo lực của quân đội và cảnh sát đã hoàn toàn bị mất đi sự hỗ trợ đạo nghĩa, trấn áp bằng bạo lực đã thất bại, một số quân nhân và cảnh sát thậm chí còn từ chối trấn áp dân chúng; bốn, nhà cầm quyền cuối cùng buộc phải khuất phục trước ý kiến dân chúng, hủy bỏ phương án vốn có, thay đổi kế hoạch chiến lược.
Mặc dù phong trào phản kháng Thập Phương vẫn còn chưa có đủ mọi điều kiện cần thiết của các phong trào như sự chuyển đổi hình thái dân chủ ở Liên Xô cũ, Đông Âu và “Mùa xuân Arập”…, nhưng sự kiện Thập Phương đã triển hiện một mẫu hình cho sự cải cách chính trị xã hội của Trung Quốc, cung cấp một ví dụ điển hình và làm một cuộc diễn tập trước cho phong trào dân chủ sau này của Trung Quốc. Tinh thần và mô hình Thập Phương sẽ trở thành một hòn đá tảng cho phong trào phản kháng vì nhân quyền của dân chúng đại lục trong nay mai, đồng thời sẽ không ngừng được lan tỏa rộng hơn. Nhân dân Thập Phương dũng cảm đứng lên, nhân dân Tứ Xuyên dũng cảm đứng lên, nhân dân trên toàn Trung Quốc cuối cùng rồi cũng sẽ dũng cảm đứng lên.
Gợi ý từ phong trào phản kháng Thập Phương
Cũng giống như các hoạt động biểu tình ở Vạn Huyện và Song Kiều Trùng Khánh…, phong trào chống bạo lực của học sinh và dân chúng Thập Phương cho thấy những thông tin sau: Chính quyền và thế chế của Đảng cộng sản Trung Quốc ngày càng mất lòng người và bị mất đi tính hợp pháp của mình, ý thức về quyền con người cùng ý chí đấu tranh của dân chúng không ngừng nâng cao, cách thức giữ ổn định bằng trấn áp mạnh và trấn áp bằng bạo lực của chính phủ đã bị mất hiệu lực, dân chúng đã không còn sợ và không khuất phục trước sự cường bạo của quân đội và cảnh sát, ngày càng có nhiều nhân vật tinh anh lên tiếng dưới các hình thức khác nhau để bày tỏ sự bất bình của mình với nhà cầm quyền, giới quan chức cũng ngày càng phải bó tay khi ứng xử với sự phản kháng của dân chúng, nên đã xuất hiên sự chia rẽ nội bộ, các hoạt động phản kháng vì nhân quyền của quần chúng ngày càng tăng lên và không ngừng lan rộng, một phong trào cải cách chính trị xã hội lan tỏa tới toàn bộ Trung Quốc sẽ bùng nổ trong nay mai không lâu, thời gian cho thể chế chuyên chế của Đảng cộng sản Trung Quốc không còn nhiều, tiếng chuông báo tử cho nền chính trị chuyên chế và bạo lực của Trung Quốc đã vang lên.
Những người có ý thức cải cách (cái gọi là phái cải cách) trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc cần chớp lấy cơ hội từ các phong trào như Thập Phương… để phát huy trí tuệ của mình, thuận bước theo con đường của dân chúng, can đảm bắt tay với các lực lượng dân chủ tự do trong dân chúng, cùng nhau thúc đẩy sự chuyển đổi hình thái của chế độ chính trị Trung Quốc, đóng góp sức mình vào việc nhanh chóng kết thúc sự chuyên chế một đảng của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Gợi ý từ sự kiện Thập Phương cho các lực lượng dân chủ ở Trung Quốc là: Động lực cho cải cách chế độ chính trị Trung Quốc là từ nhân dân, niềm hi vọng cho nền dân chủ Trung Quốc là ở nhân dân, việc thực hiện sự chuyển đổi hình thái xã hội Trung Quốc là dựa vào nhân dân, dân chủ hóa ở Trung Quốc là một tiến trình đi từ dưới lên trên, từ dân chúng đến các nhân vật tinh anh và từ phong trào cơ sở đến cải cách thượng tầng, các lực lượng dân chủ ở Trung Quốc cần tung hết lực lượng của mình vào việc tham gia, tổ chức, hỗ trợ và tuyên truyền những hoạt động phản kháng vì nhân quyền của dân chúng trong khắp đại lục, liên kết mọi lực lượng để thúc đẩy sự chuyển đổi hình thái của chế độ chính trị Trung Quốc. Xin tóm gọn một câu: Tham gia tham gia nữa tham gia mãi, tuyên truyền tuyên truyền nữa tuyên truyền mãi, thúc đẩy thúc đẩy nữa thúc đẩy mãi, cho đến cái ngày nền dân chủ tới.
Nhân dân Thập Phương dũng cảm đứng lên! Nhân dân Trung Quốc dũng cảm đứng lên! Người Tứ Xuyên dẫn đầu, người cả nước tiếp bước.
Nguồn: Boxun
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen