Samstag, 7. Juli 2012

Death By China-Chết bởi tay Tàu 15


Peter Navarro: Giáo sư kinh tế đại học UC Irvine

Greg Autry: Thương gia

(Người dịch: Vĩnh Nguyên)

 

(Tiếp theo)

 

Phần V 

Cẩm Nang Sống Còn và Lời Kêu Gọi Hành Động

 

 

15. 

Chết Dưới Tay Kẻ Bênh Tàu: Fareed Zakaria Trôi Ra Chỗ Khác 

 

Thật là rõ ràng và tuyệt vời, sự lớn mạnh của Tàu có lợi cho thế giới, đặc biệt là cho nước Mỹ. 

—Fareed Zakaria 

 

Này Fareed, ông có muốn thêm phần sắc bén vào lời nói ngoa đó không? Và sau khi ông phun xong câu nói về Tàu, thì làm ơn trả lời câu hỏi này: 

 

Làm sao mà một nhà báo Mỹ, một tổng giám đốc công ty, người tiêu thụ, chính trị gia, học giả dỏm, hoặc học giả thật có thể bào chữa cho một chế độ độc tài đang cố ý bán những sản phẩm gây thương tật hoặc giết chúng ta, đột nhập máy vi tính của chúng ta để ăn cắp tài sản trí tuệ, dùng chính sách kinh tế chỉ huy tấn công nền kinh tế của chúng ta để cướp việc làm, coi quả đất này như cái gạt tàn thuốc lá khổng lồ, và đang trang bị vũ khí tận răng để đánh chìm Hải Quân của chúng ta và bắn rơi vệ tinh của chúng ta và lộng hành trên thế giới? 

 

Đó là một câu hỏi rất hay. Và không thể có câu trả lời thỏa đáng. Vậy mà hàng ngày ở khắp nước Mỹ vẫn có một số đông Kẻ Bênh và Kẻ Nịnh—từ những người như Fareed Zakaria, James Fallows, Tom Friedman, và Fred Hiatt đến Nicholas Kristof, David Leonhardt, và Joseph Stiglitz—đang hùng hổ bảo vệ Tàu chống lại những người đang cố gắng thực hiện các sự cải tổ cần thiết. 

 

Sự hiện hữu của “Liên Minh Bênh Tàu” này trong nước Mỹ có một ý nghĩa quan trọng: Quốc gia chúng ta không thể đối phó hữu hiệu với chính phủ Tàu cho đến khi chúng ta điểm rõ mặt những Kẻ Bênh và rồi phản bác toàn bộ lập luận chống lại sự thay đổi cần thiết trong liên hệ Mỹ-Tàu. 

 

Đó là mục đích bao quát của chương này, và để bắt đầu, đây là danh sách sáu tay chơi trong “Liên Minh Bênh Tàu,” không theo thứ tự nào: 

 

• Chủ trương “Dùng Dân Chủ Để Thuần Hóa con Rồng” của những Người Phóng Khoáng • Chủ trương “Gạt Thủy Lôi Kinh Tế Chỉ Huy Qua Một Bên, Tiến Tới Mậu Dịch Tự Do với Bất Cứ Giá Nào” của những Người Bảo Thủ • Những tay xuyên tạc tài chính ở Wall Street • Những tay nịnh hót quyền thế ở Washington • Những chuyên gia Toàn Cầu Hóa “Thế Giới Phẳng” • Những bể tư duy vỗ về Panda 

 

 

Chủ Trương “Dùng Dân Chủ Để Thuần Hóa con Rồng” Của Những Người Phóng Khoáng

 

Tổng Thống Clinton sẽ kết thúc nhiều năm bàn thảo về chính trị và kinh tế với một thành quả quan trọng cho nội các của ông bằng cách ký văn bản bình thường hóa thương mại với Tàu…Điều này sẽ mở cửa thị trường khổng lồ của Tàu cho các công ty Mỹ và dọn đường để Tàu gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới…Clinton cho rằng đưa Tàu vào thể chế thương mại toàn cầu sẽ giúp Bắc Kinh trở nên có trách nhiệm hơn và sẽ là thành viên có uy tín của cộng đồng thế giới. —CNN 

 

Cốt lõi của chủ trương “Dân Chủ Hóa con Rồng” do những Người Phóng Khoáng đề xướng để ủng hộ sự vươn lên của Tàu là: Chúng ta phải “giao tiếp” với con Rồng để thuần hóa nó. 

 

Nhìn theo cách này thì Tàu Độc Tài chỉ cần thời gian và một liều thuốc mạnh kinh tế là sẽ trở thành Tàu Dân Chủ. Và khi khá giả thì “chúng” sẽ trở thành giống như “chúng ta,” tức là một chế độ dân chủ văn minh tôn trọng quyền tự do ngôn luận, nhân quyền, tài sản trí tuệ, điều lệ mậu dịch tự do, và sự thiêng liêng của thùng phiếu. 

 

Chính sự sai lầm của lý luận này là nguồn gốc cho những vấn nạn kinh tế của Mỹ với Tàu. Bởi vì nội các Clinton đã liên tục dùng lý luận này vào những năm cuối thập niên 1990 để ủng hộ chính sách “giao tiếp” với Tàu và thúc đẩy các đạo luật ở Quốc Hội để cố nhét Tàu vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới năm 2000. 

 

Dĩ nhiên chuyện này đã trở thành người tình khó chịu của Tổng Thống Clinton. Vì trong hơn một thập niên qua, nước Mỹ đã chỉ nhận được những điều trái ngược với những gì nội các của ông đã hứa hẹn qua chính sách “giao tiếp” với Tàu. 

 

Khi kinh tế Tàu càng tạo được tài sản cho tầng lớp trung lưu thì dân Tàu càng sẵn sàng tin rằng chế độ độc tài là cần thiết và cần có để giữ phép lạ. Giáo sư Ming Xia cho rằng những Người Phóng Khoáng Mỹ đã hoàn toàn hiểu sai tâm lý tân-bảo thủ Á Châu: 

 

Ở Phương Tây những người đảng Dân Chủ phóng khoáng thường hy vọng rằng nền kinh tế thị trường mới nổi sẽ tạo ra tầng lớp trung lưu đáng kể, rồi nhóm này sẽ trở thành cột trụ của một xã hội dân sự và là lực đẩy để tiến đến một nền dân chủ. Nhưng nhiều chuyên gia Á Châu đã khám phá ra rằng chó không sủa ở Đông Á, giới trung lưu thường dựa vào nhà nước để có việc làm (viên chức nhà nước và chuyên viên) và nguồn cung cấp (doanh nhân) và như vậy họ không tích cực chống lại nhà nước. Đây cũng là trường hợp của Tàu. Không có gì ngạc nhiên khi tầng lớp trung lưu đã ủng hộ nhóm tân-bảo thủ ở Tàu từ những năm 1990. 

 

Nói một cách dễ hiểu, quá nhiều người ở Tàu có vẻ sẵn sàng đổi tự do ngôn luận và nhân quyền để được mua BMW và ăn Big Macs. Đó là lý do tại sao giáo sư Samuel Huntington của đại học Harvard đã cảnh báo những Người Phóng Khoáng vào giữa thập niên 1990 là đừng tin hẳn vào khái niệm giao tiếp. Lời cảnh báo của Huntington đã được nhắc lại trong Taiwan Review như sau: 

 

Thực chất của nền văn minh Tây Phương là Magna Carta không phải Magna Mac*. Thực ra thì người Tàu có thể ăn Big Macs hoặc ngay cả lái xe hơi, nhưng vẫn không quan tâm đến việc đưa chủ quyền vào chính trị, nhất là khi họ được phát đạt dưới nền kinh tế tư bản do nhà nước độc tài điều hành. 

 

Khi suy nghĩ về vấn đề này, chúng tôi muốn nói thật rõ một điều: Độc tài không là bản chất của Tàu và không có gì ngăn cản người Tàu phát đạt trong những xã hội tự do. Đài Loan, Hồng Kông, Tân Gia Ba, và những cộng đồng người Tàu khắp thế giới đã chứng minh rất rõ ràng. 

 

Sự thành công của người Tàu trong những môi trường dân chủ là kết quả của niềm tự hào, làm việc chăm chỉ, và rất coi trọng việc học. Nhưng đáng buồn là cỗ máy tuyên truyền của Đảng Cộng Sản đã thuyết phục được nhiều người Tàu—và nhiều người trên thế giới—một cách sai lầm rằng “lãnh đạo anh minh” của Đảng Cộng Sản đã tạo ra sự phồn vinh cho nước Tàu. 

 

Vậy thì khi bạn nghe những người phóng khoáng khăng khăng bảo rằng chúng ta phải “giao tiếp” với con Rồng để thuần hóa nó, bạn hãy nhắc cho họ biết rằng sự giao tiếp chỉ có kết quả khi Tàu sẵn sàng chơi theo luật của Tây Phương—chứ đừng tự chế ra luật mới. 

 

* Chú thích của người dịch: Magna Carta: Đại Hiến Chương Anh Quốc 1215. Magna Mac: Tác giả đùa, ý nói Big Mac, bánh mì thịt của McDonald. 

 

 

Chủ Trương “Gạt Thủy Lôi Kinh Tế Chỉ Huy Qua Một Bên, Tiến Tới Mậu Dịch Tự Do Với Bất Cứ Giá Nào” của Những Người Bảo Thủ 

 

Làm như thể kinh tế thế giới chưa đủ tệ, các chính trị gia ở Mỹ và ở Tàu có vẻ như muốn tranh chấp tiền tệ theo kiểu cổ điển. Ở đây Mỹ sai nhiều hơn Tàu, và ta cần phải hiểu lý do tại sao, để tránh việc hai nước này đưa thế giới trở lại thời đại đen tối khiến tất cả đều nghèo qua việc bảo vệ đồng tiền. 

—The Wall Street Journal 

 

Để không ai nghĩ rằng chúng tôi chỉ nhắm vào Cánh Tả mà chỉ trích, bạn thử đoán xem, ít nhất một phần của Cánh Hữu ở Mỹ cũng có tội tương tự. 

 

Dấu ấn của chủ trương “Gạt Thủy Lôi Kinh Tế Chỉ Huy Qua Một Bên, Tiến Tới Mậu Dịch Tự Do Với Bất Cứ Giá Nào” của Những Người Bảo Thủ là niềm tin mù quáng vào nguyên tắc mậu dịch tự do không cần biết các nước khác xử dụng những cách chỉ huy kinh tế hay bảo vệ mậu dịch như thế nào. Như chúng ta đã biết ở Chương 4,”Cái Chết Của Ngành Sản Xuất Ở Mỹ,” mậu dịch tự do chỉ có lợi cho cả hai bênkhi cả hai bên đều tuân thủ luật lệ. Nếu không thì như tình trạng mậu dịch khập khiễng giữa Tàu và Mỹ, một nước có lợi trong khi nước kia bị thiệt hại về lương bổng, việc làm, nền sản xuất, và sự thịnh vượng. 

 

Có lẽ điều khó khăn nhất về những Người Bảo Thủ với chủ trương “Mậu Dịch Tự Do Bằng Mọi Giá” là gần như không thể nào lý luận với họ. Những tay lý thuyết này lúc nào cũng tự cho mình đúng, và có vẻ như chấp nhận bất cứ sự vi phạm điều lệ mậu dịch tự do nào của Tàu nhưng lại đòi hỏi Mỹ phải tuân theo những điều lệ đó. Đúng là mấy cái đầu óc lý thuyết hoàn toàn không có sự suy nghĩ linh hoạt để phân biệt, chẳng hạn như, giữa việc xấu là thuế bảo vệ hay hạn ngạch để cản trở hàng nhập cảng và những phương pháp hợp lý để tự vệ như thuế để cân bằng việc Tàu trợ giá bất hợp pháp. 

 

Vậy thì chúng ta đang nói về ai đây? Ta hãy bắt đầu với ban biên tập của The Wall Street Journal. Như câu trích ở trên cho thấy, bất cứ khi nào vấn đề cải tổ mậu dịch được đưa ra, The Wall Street Journal, chuồng biên tập viên, và những tay viết thuần giống nhào ra tấn công bằng một công thức tuyên truyền cũ nhưng hiệu quả. 

 

Công thức này luôn luôn bắt đầu bằng cách gán cho những hành động tự vệ đối với Tàu là “chủ nghĩa bảo hộ.” Tiếp theo đó The Wall Street Journal cảnh cáo rằng cuộc chiến mậu dịch với Tàu là không thể tránh khỏi nếu nước Mỹ cố gắng tự vệ trước sức xâm lấn của Tàu. 

 

Dĩ nhiên, nếu cuộc cải tổ thực sự có cơ hội thành công, The Wall Street Journal sẽ hù dọa chúng ta bằng cách bảo rằng thuế nhập cảng Smoot-Hawley đã tạo ra cuộc Đại Suy Trầm. Mấy trò này đều là phân bò, nhưng không thể chối cãi rằng đây là một sự tuyên truyền rất hiệu quả, đã phục vụ tốt cho chủ trương “Mậu Dịch Tự Do Bằng Mọi Giá” của The Wall Street Journal trong nhiều năm qua. 

 

Nhưng không phải chỉ có The Wall Street Journal đả kích những người muốn cải tổ với Tàu. Trong số những hội viên cao cấp của ngành báo chí tài chính còn hai tay chơi quốc tế khác—nhật báo Financial Times và tạp chí tuần Economist—cũng bị bệnh lý thuyết tương tự, phớt lờ những hành động mậu dịch bất công của Tàu vì sợ đụng đến thì vì lý do nào đó, chế độ mậu dịch tự do toàn cầu có thể bị ảnh hưởng không tốt. 

 

Thật là thiếu sót nếu chúng tôi không nhắc đến vài học giả bảo thủ và hội viên của vài bể tư duy cũng bảo thủ trong nước. Chẳng hạn như Dan Griswold ở Cato Institute và Ed Feulner của Heritage Foundation thường hay ca bản nhạc mậu dịch tự do này. Ngoài ra, Greg Mankiw của đại học Harvard và Ronald McKinnon của đại học Stanford chắc chắn sẽ giương cao ngọn cờ mậu dịch tự do ngay khi Quốc Hội bàn về những đề tài như cải tổ tiền tệ. Những lý thuyết gia không thực tế và mong manh này có vẻ không nhận ra rằng: 

 

Là kẻ đi ngược lại thế giới, về lâu về dài Tàu gây hại cho nền mậu dịch tự do rất nhiều lần hơn sự thiệt hại có thể đến do bất cứ hành động tự vệ nào để phá vỡ chủ trương chỉ huy kinh tế và bảo hộ mậu dịch của Tàu. 

 

 

Những Tay Xuyên Tạc Tài Chính Ở Wall Street 

 

Tiềm lực của Goldman Sachs, GSGH, và Gao Hua kết hợp thành một nhóm lớn nhất trong các ngân hàng đầu tư quốc tế ở Tàu. 

—Trang nhà của Goldman Sachs 

 

Chúng ta không đặt câu hỏi về sự ngay thẳng hay mục đích của những người phóng khoáng với chủ trương “Dùng Dân Chủ Để Thuần Hóa Con Rồng” hoặc của những người bảo thủ với chủ trương “ Tiến Tới Mậu Dịch Tự Do Bất Kể Tổn Thất,” vì họ thực sự tin tưởng vào những chủ thuyết đó. Nhưng sự thông cảm không thể áp dụng với Nhóm Bênh Tàu thứ ba. Những Tay Xuyên Tạc Tài Chính Ở Wall Street gồm tất cả những ngân hàng và công ty tài chính lớn đang mọc rễ ở Tàu và đang kiếm được nhiều tiền đếm không xuể—mà thường thì phần thiệt hại về phía nước Mỹ. Dĩ nhiên chiến lược của nhóm này là dùng những lập luận có vẻ như quan tâm đến lợi ích chung nhưng thực ra là để có lợi cho riêng họ về mặt tài chính. 

 

Có thể nói những tay khổng lồ như Goldman Sachs và Morgan Stanley là những kẻ tệ nhất trong nhóm này. Họ đã mở những chi nhánh thuộc hàng lớn nhất ở Tàu, thường xuyên đàn đúm với các viên chức chính quyền Tàu, và chỉ chăm lo bảo vệ để không gì có thể gây sóng gió lắc lư chiếc thuyền vàng của họ. 

 

Để đạt mục đích, họ mướn hai tay súng bắn thuê thuộc loại nổi tiếng nhất trong các cuộc tranh luận về Tàu—Jim O‘Neill, chủ tịch ban Quản Lý Tài Sản của Goldman Sachs, và Stephen Roach, cựu chủ tịch của Morgan Stanley phân bộ Á Châu. Giống như các chủ biên của báo The Wall Street Journal, cả hai đều nhanh nhẹn chụp mũ bất cứ ai muốn cải tổ sự liên hệ với Tàu là “chủ trương bảo hộ” hoặc “chống Tàu”—và cả hai được giới truyền thông của nhà nước Tàu ca tụng như sao ca nhạc. Nhưng điều khiến hai tay nặng ký này đặc biệt không giống như những người khác là tài khéo léo dùng các lập luận kinh tế và tài “tra tấn” méo mó những thống kê. 

 

Thí dụ như Jim O‘Neill. Buổi tối hôm Bộ Ngân Khố họp để quyết định về việc Tàu ma-nớp hối suất, báo Financial Times cho O‘Neill một cột và hắn phát ngôn điều không thể tin được rằng, “trị giá đồng renminbi (nhân dân tệ) rất gần với giá trị thật.” Đúng rồi Jim. Và Mao Trạch Đông là tay tư bản. 

 

Hoặc lời đe dọa trích từ báo China Daily của Bắc Kinh. Báo này rất sốt sắng cho Stephen Roach vài dòng mực máu như sau: 

 

Hôm thứ sáu chủ tịch Stephen Roach của Morgan Stanley nói rằng thật là mỉa mai khi nước Mỹ cho rằng tiền Tàu đã gây ra thất nghiệp ở Mỹ và thâm thủng mậu dịch, và việc cấm vận mậu dịch với Tàu sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng cho nước Mỹ…Sự thâm thủng mậu dịch giữa Mỹ và Tàu gần như chẳng liên quan gì đến đồng renminbi. Đó là vì mước Mỹ không chịu tiết kiệm và nước nào không tiết kiệm thì phải nhập tiền tiết kiệm từ nước khác. 

 

Á chà. Chỉ trong một đoạn, Roach đã đổ hết mọi tội lỗi về việc thâm thủng mậu dịch lên nước Mỹ, dùng lời đe dọa để tăng sự sợ hãi về điều mơ hồ “hậu quả nghiêm trọng,” và đáng ngờ nhất là lời cho rằng trị giá thấp của tiền Tàu không phải là một yếu tố. 

 

Khi Paul Krugman, giáo sư kinh tế được giải Nobel, chỉ trích gắt gao việc Tàu cố ý định giá thấp đồng renminbi, phản ứng của Roach cũng chẳng có vẻ gì là tế nhị: “Tôi nghĩ chúng ta nên lấy cây gậy bóng chày đập Paul Krugman một trận.” 

 

Dĩ nhiên khi chúng ta đọc những điều như thế này chúng ta phải đặt câu hỏi là tại sao Tàu không chịu định lại tiền theo giá thị trường, vì nếu đúng như Roach nói, thì giữ tiền ở giá thấp chẳng có lợi cho Tàu bao nhiêu. Còn chuyện “nước Mỹ không chịu tiết kiệm” thì Roach không chịu nhìn nhận rằng việc Tàu ma-nớp tiền tệ khiến phân lời ở Mỹ phải chịu áp lực thấp xuống, và vì vậy ảnh hưởng đến tiền tiết kiệm. 

 

Có lẽ điều khó chịu nhất về những kẻ như O‘Neill và Roach là họ sẵn sàng tra tấn méo mó những thống kê để hỗ trợ cho luận điệu của họ. Đây là lời của Roach trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí tài chính Barron’s: 

 

Năm ngoái nước Mỹ bị thâm thủng mậu dịch với 90 quốc gia. Tàu là lớn nhất, nhưng tổng số thâm thủng với 89 quốc gia kia lớn hơn mức thâm thủng với Tàu nhiều. 

 

Ồ, thiệt vậy sao ông Roach. Thực tế là Tàu một mình chiếm trọn 45% thâm thủng mậu dịch của Mỹ tính theo hàng hóa, và 89 quốc gia kia chia nhau 55% còn lại, tức là chưa đến 1% cho mỗi quốc gia. 

 

Hơn nữa, Tàu chiếm 75% thâm thủng mậu dịch của Mỹ tính theo hàng hóa nếu không kể dầu hỏa. Vậy mà với tư cách là “Lee Atwater”* của Kinh Tế Rồng, Roach vẫn có người nghe khi hắn bảo rằng những nước khác mới là thủ phạm chính làm cho Mỹ bị thâm thủng mậu dịch. Không có gì xa sự thực hơn thế nữa. 

 

Nói chung thì khi bạn nghe những kẻ ủng hộ báo The Wall Street Journal như O‘Neill và Roach chống lại những cải cách với Tàu, thì hãy nhớ họ đang làm việc cho ai và cơm của họ được chiên ở đâu. 

 

* Chú thích của người dịch: Lee Atwater đã có thời là cố vấn chính trị của đảng Cộng Hòa. Ông đã làm những cuộc thăm dò ý kiến giả và thực hành nhiều thủ đoạn bất chính. 

 

 

Những Tay Nịnh Hót Quyền Thế Ở Washington 

 

Tôi tin rằng chúng ta đang sống trong hòa bình.

—Neville Chamberlain 

 

Tôi tin chắc rằng sự phát triển ôn hòa của Tàu có lợi cho thế giới, và có lợi cho nước Mỹ. 

—Barack Obama 

 

Có vẻ như dù ai ngồi ở Tòa Bạch Ốc, điều hành Bộ Ngân Khố, hoặc chiếm đa số ở Capitol Hill trong thập niên qua, Tàu vẫn tiếp tục thao túng nền kinh tế Mỹ. Không cần biết đảng nào nắm quyền, tiếng nói chung của Nhóm Quyền Thế ở Wahington là nịnh con Rồng thay vì đối diện. 

 

Với Tổng Thống Bush thì vấn đề đơn thuần là hệ tư tưởng—vì tin thuần lý vào sự mậu dịch tư do, ông đã không thể tưởng tượng được sự thiệt hại cho nền sản xuất của Mỹ gây nên bởi chính sách chỉ huy kinh tế và bảo hộ mậu dịch của Tàu. Thêm vào đó Bush bị chia trí với cuộc chiến ở Iraq, cuộc chiến chống khủng bố, và bị ám ảnh bởi “những kẻ làm điều ác,” để rồi người nhiều quyền lực nhất hành tinh lại không thấy chính sách của “Tàu ác” trong suốt tám năm. 

 

Và xin thú nhận rằng cả hai chúng tôi đã hy vọng rất nhiều với sự “thay đổi chính thể” ở Wahington trong cuộc bầu cử năm 2008, và mong nước Mỹ sẽ nhanh chóng tiến tới cuộc cải tổ có ý nghĩa đối với Tàu. Nhưng với Tổng Thống Barack Obama, bây giờ đã quá rõ là chúng ta chỉ có đổi người nịnh hót ở Washington. 

 

Điều khó chịu nhất là có vẻ như Tổng Thống Obama không thấy được sự liên hệ quá rõ ràng giữa nền kinh tế lụn bại của nước Mỹ và Vũ Khí Hủy Diệt Việc Làm của Tàu. Có lẽ vì ông nghĩ là ông cần vay tiền Tàu để tài trợ cho kế hoạch kích thích kinh tế vĩ đại và trám vào sự thiếu hụt ngân sách. Cũng có lẽ vì ông đã chọn toàn những người thân Tàu vào nội các hoặc làm cố vấn như Jason Furman ở Phủ Tổng Thống, Lael Brainard ở Bộ Ngân Khố, Chủ Tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Jeffrey Bader, và các viên chức Bộ Ngoại Giao James Steinberg và Kurt Campbell. 

 

Đáng ngại nhất có lẽ là Tổng Thống Obama thực sự không hiểu những rắc rối của nền kinh tế vĩ mô toàn cầu và hoàn toàn tin rằng sự phát triển của Tàu là “ôn hòa” và “có lợi cho nước Mỹ.” Nhưng dù sao thì hai nhân vật vừa rồi ở Tòa Bạch Ốc đã không phục vụ tốt người dân Mỹ. 

 

Cũng như hai vị tổng thống, không có gì ngạc nhiên với hai Bộ Trưởng Ngân Khố—Henry Paulson của Bush và Timothy Geithner của Obama. Mặc dù có nhiều cơ hội—và những chứng cớ rất rõ ràng!—cả hai đã nhiều lần từ chối thi hành những bước cực kỳ quan trọng để tiến tới việc cải tổ mậu dịch với Tàu, tức là gọi đích danh Tàu là kẻ ma-nớp tiền tệ. 

 

Dĩ nhiên không ai kỳ vọng Hank Paulson sẽ đập tan bom tiền tệ của Tàu. Vì trước khi trở thành Bộ Trưởng Ngân Khố, Paulson đã là một trong những trùm quan trọng nhất của Những Tay Xuyên Tạc Tài Chính ở Wall Street. Khi còn là chủ tịch ở Goldman Sachs, Paulson đã qua Tàu hơn 70 lần, và qua sự liên hệ với Tàu công ty của hắn kiếm được nhiều trăm triệu đô la. Không có lý do gì tay trong của Wall Street này lại cắn bàn tay Bắc Kinh vì bàn tay đó đã đút cho các đồng chí của hắn ăn quá ngon. 

 

Còn tại sao Timothy Geithner đổi chiều nhanh chóng thành kẻ bênh vực Tàu thì là điều bí ẩn. Ái chà, thật là nhanh. Với thao tác “thấy đó, rồi biến mất ngay đó,” Geithner đổi từ người chủ trương cải tổ với Tàu, hứa sẽ gọi Tàu là kẻ na-nớp tiền tệ khi tuyên thệ nhậm chức thành kẻ nịnh Tàu ngay khi ngồi xuống chiếc ghế Bộ Trưởng Ngân Khố. 

 

 

Những Chuyên Gia Toàn Cầu Hóa “Thế Giới Phẳng” 

 

Cho đến giờ sự liên hệ kinh tế với Tàu là thành công và có lợi—và có lợi cho cả hai bên... 

 

Một ca làm việc (ở Tàu) là 12 giờ, thường có hai lần nghỉ để ăn (được giảm giá hoặc miễn phí), sáu hay bảy ngày một tuần. Bất cứ khi nào có cơ hội—dây chuyền sản xuất bị ngưng vì lý do nào đó, hoặc nếu còn chút thời giờ sau bữa ăn—nhiều người gục đầu xuống bàn trước mặt và có vẻ như ngủ được ngay tức khắc. 

—James Fallows 

 

Làm sao mà một người Mỹ trí thức như James Fallows lại có thể phát biểu câu đầu hoàn toàn không ăn khớp với sự quan sát sau đó? Đây cũng là một câu hỏi hay; nhưng nếu Những Chuyên Gia Toàn Cầu Hóa người Mỹ có giỏi về điều gì, thì đó là khả năng quét những điều mâu thuẫn xuống dưới thảm với huyền thoại rằng việc Tàu bóc lột lao động có lợi cho nước Mỹ và công nhân Tàu. 

 

Còn Những Chuyên Gia Toàn Cầu Hóa là ai, thì họ là những ông (và thỉnh thoảng cũng có bà) viết những bài hoa mỹ trên các trang báo hay tạp chí uy tín trong nước như Atlantic Monthly, The New York Times, và Time. Ngoài Fallows họ còn có những tên như Tom Friedman, Nicholas Kristof, và Fareed Zakaria như đã nhắc đến ở trên. 

 

Những Pied Pipers thời đại với khả năng mê hoặc trong Thế Giới Phẳng Tuyệt Vọng đều có niềm tin sai lầm rằng các công ty và công nhân Mỹ không còn khả năng cạnh tranh về giá cả với những quốc gia đang phát triển như Tàu. 

 

Cái hội đồng tuyệt vọng này vừa gây thắc mắc vừa nghịch lý vì trong quá khứ nước Mỹ lúc nào cũng có thể cạnh tranh với những nước lương thấp qua ưu thế về năng suất. Với ưu thế này thì dù lương công nhân ở Thâm Quyến hoặc Sài Gòn chỉ có 50 xu một giờ trong khi lương công nhân Mỹ nhiều gấp 30 lần, nhưng công nhân Mỹ có kỹ thuật tối tân và thiết bị máy móc tốt hơn, nên năng suất có thể cao gấp 30 lần. 

 

Dĩ nhiên vấn nạn của Mỹ với Tàu ngày nay không phải chỉ là cạnh tranh về lương bổng. Như chúng ta đã bàn kỹ ở chương 4, các công ty và công nhân Mỹ còn phải vượt qua sự trợ giá bất hợp pháp của Tàu, chuyện ma-nớp tiền tệ, và nhiều Vũ Khí Hủy Diệt Việc Làm khác. Không bao giờ người Mỹ nên hoài nghi sự thực kinh tế này: 

 

Trong sân chơi bình đẳng với Tàu hay với bất cứ ai, các công ty và công nhân Mỹ có thể cạnh tranh với bất cứ người nào trên thế giới. 

 

Vì sự thực không thể chối cãi này nên cuộc cải tổ mậu dịch và cải tổ tiền tệ với Tàu-gian là rất cấp bách ở thời điểm lịch sử này. Vậy mà các Chuyên Gia Toàn Cầu Hóa vẫn từ chối không chịu nhìn nhận sự thực và còn bảo công nhân Mỹ đừng phí công tìm việc làm trong ngành sản xuất vì những việc này đang bị chuyển qua các nước khác như Tàu, không thể tránh được. 

 

Chúng tôi bực mình không phải chỉ vì các Chuyên Gia Toàn Cầu Hóa hoàn toàn sai lầm, mà vì họ còn dùng vị thế cao của họ trong ngành báo chí truyền thông để hướng dẫn sai lạc, và trong một số trường hợp, nói dối trắng trợn với quần chúng Mỹ để đạt mục đích toàn cầu hóa của họ. Chẳng hạn Fareed Zakaria hót huyênh hoang chống lại việc cải tổ tiền tệ với Tàu trên cành cây hắn đang đậu ở tạp chí Time: 

 

Ngày 29 tháng 9, Hạ Viện thông qua dự luật phạt Tàu vì Tàu cố ý ghìm giá tiền Tàu thấp hơn giá trị thực, bằng cách đánh thuế nhập cảng trên hàng của Tàu. Tất cả mọi người có vẻ đồng ý là đã đến lúc. Nhưng không phải vậy. Nhìn theo cách nhân nhượng nhất thì luật này chỉ là một hành động làm dáng vô nghĩa, còn nếu nhìn khe khắt hơn thì đây là cách mị dân nguy hiểm. Luật này sẽ chẳng thay đổi được gì. Đáng lo hơn vì đây là một phần của tâm lý chống Tàu đang lớn dần ở Mỹ, mà không thấy được sự thách đố thực sự khi Tàu bước qua giai đoạn phát triển mới. 

 

Đúng là là cỗ máy tuyên truyền của Tàu không thể nào nghĩ ra được cách tránh đòn đẹp hơn. Bằng cách bảo rằng dự luật cải tổ tiền tệ với Tàu là để “phạt Tàu,” Zakaria tạo ra hình ảnh nạn nhân tội nghiệp Tàu bị “đánh” thuế nhập cảng, thay vì đúng ra Tàu là kẻ tiêu diệt người khác và nước Mỹ bị bắt buộc phải tự vệ. Này Fareed, đây là điều rất thật và rất giản dị: Cố ý định giá đồng tiền của bạn 40% thấp hơn giá trị thực để biến các đối tác thương mại thành người ăn xin là phạm luật thương mại tự do.

 

Sau đó Zakaria cho rằng việc áp dụng thuế nhập cảng để bù vào chỗ tiền Tàu được cố ý định giá thấp “sẽ chẳng thay đổi được gì.” Ồ, thiệt vậy sao? Nếu mục đích là để nâng giá trị tiền Tàu lên giá trị thật, thì dĩ nhiên phương pháp đối phó như vậy sẽ có kết quả, và thuế đó sẽ tạo thêm ngân sách mà nước Mỹ đang cần cho đến khi Tàu chịu từ bỏ trò ma-nớp tiền tệ và chơi đàng hoàng. 

 

Cũng ghi nhận là Zakaria đã thông minh tìm cách dán nhãn hiệu “mị dân” lên những ai ủng hộ việc cải tổ mậu dịch. Và lời hót bênh Rồng sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu thiếu sự lên án hành động tấn công Tàu và sự nổi dậy của “tâm lý chống Tàu đang lớn dần.” 

 

Đây đúng là một bậc thầy tuyên truyền, và số tiền lớn Time Warner trả cho Zakaria thật xứng đáng. Nhưng vấn nạn lớn hơn với những “bình luận gia” như Zakaria là họ chẳng chịu nghiên cứu tìm hiểu để củng cố những lời bênh Tàu của họ. 

 

Chẳng hạn như trong cùng một bài ở báo Time, Zakaria liệt kê những yếu tố khiến Tàu có lợi thế hơn những công ty sản xuất Mỹ. Ngoài lương thấp còn có những điều như “thân thiện với các cơ sở thương mại, các nghiệp đoàn chịu hợp tác, và đội ngũ công nhân làm việc chăm chỉ.” 

 

Dĩ nhiên có đủ thứ sai “lặt vặt” trong sự phân tích của Zakaria. Khi bảo Tàu “thân thiện với các cơ sở thương mại” chắc hẳn Zakaria tin rằng việc hối lộ tràn lan ở Tàu giúp môi trường kinh doanh tốt đẹp hơn. Còn việc “các nghiệp đoàn chịu hợp tác” thì đúng là trang điểm cho heo; nghiệp đoàn của Tàu chỉ là hình thức. Những ai thực sự muốn tranh đấu cho quyền lợi công nhân thì phải cần Thượng Đế (và một đoàn bác sĩ túc trực) giúp. Nếu ý ông muốn nói rằng công nhân Mỹ không chịu làm 12 giờ một ngày, 6 ngày một tuần trong xưởng nóng điên người, và đi tiêu đi tiểu phải đúng giờ quy định, thì chúng tôi phải đồng ý. 

 

Nhưng trên đây chỉ là những lý sự vụn. Điều quan trọng là Zakaria hoàn toàn không nhắc đến những lợi thế thật sự của Tàu trong việc cạnh tranh. Đây là những vũ khí hủy diệt việc làm hoàn toàn vi phạm tất cả các luật lệ trong sách mậu dịch tự do. Một lần nữa, như đã nói ở chương 4, đó là việc Tàu ồ ạt trợ giá bất hợp pháp cho hàng xuất cảng, ma-nớp tiền tệ dữ dội, làm hàng giả và ăn cắp tài sản trí tuệ tràn lan, chính sách bất hợp pháp bắt công ty ngoại quốc phải chuyển giao kỹ thuật, vân vân và vân vân. Và trong cái “vân vân” này đừng quên lợi thế về giá cả các công ty Rồng được hưởng nhờ được thoải mái đổ chất thải xuống những sông suối Tàu và vào bầu khí quyển thế giới. 

 

Tại sao Zakaria đã không nhắc đến những lợi thế cạnh tranh cực kỳ quan trọng này của con Rồng ngoài lương lao động thấp? Chỉ có hai trường hợp. 

 

Một là, Zakaria hiểu sức mạnh của các Vũ Khí Hủy Diệt Việc Làm nhưng đã cố ý bỏ qua. Điều này đặt câu hỏi về sự ngay thẳng, liêm chính. 

 

Hai là, Zakaria thực sự không hiểu những điều thuộc kinh tế trong liên hệ mậu dịch Mỹ-Tàu. Điều này đặt câu hỏi về tính khả tín—và rất có thể “bình luận gia” đầy hơi nóng hạng cực nhẹ này có thể bay bổng trôi xa vào một ngày nào đó. 

 

Có thể là bạn đang nghĩ chúng tôi chọn riêng Fareed Zakaria để chỉ trích, nhưng đó chỉ là vì chúng tôi tin rằng không những ông ta là người có ảnh hưởng nhiều nhất trong số các Chuyên Gia Toàn Cầu Hóa, mà ông ta còn là người vô trách nhiệm nhất. Để chứng minh điều vô trách nhiệm, ta hãy đánh giá lập luận sau cùng của các Chuyên Gia Toàn Cầu Hóa mà Zakaria đã giúp phổ biến. Đây là lập luận của Zakaria với tất cả sự hời hợt của Marie Antoinette trong bài “Hãy để Bombay ăn bánh huy hoàng” (Let Bombay eat cake glory): Ngay cả nếu Tàu từ bỏ chính sách chỉ huy kinh tế, giá hàng xuất cảng của Tàu sẽ tăng nhưng thâm thủng mậu dịch của Mỹ vẫn không giảm và số việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ vẫn không tăng. Thay vào đó, sân chơi bình đẳng như vậy chỉ “giúp những nước lương thấp như Việt Nam, Ấn Độ, và Bangladesh, mà họ cũng làm những mặt hàng như Tàu.” 

 

Dĩ nhiên, theo sự phân tích kinh tế của chúng tôi, chúng tôi tin là Zakaria chắc chắn sai. Như đã nói, chúng tôi tin rằng các công ty và công nhân Mỹ có thể cạnh tranh với bất cứ ai trên thế giới trong sân chơi bình đẳng, đặc biệt trong lãnh vực sản xuất, vì ở đó máy móc tự động và tài khéo léo quan trọng hơn sức lao động tay chân. 

 

Nhưng giả sử rằng Zakaria đúng đi. Zakaria đang bảo rằng nước Mỹ không nên đập tan chính sách chỉ huy kinh tế của Tàu vì làm vậy chẳng có lợi cho chúng ta, chỉ giúp những nước thuộc Thế Giới Thứ Ba mà chẳng ai (ít nhất là Fareed) thèm để ý. Đó là những nước khắp nơi đang là nạn nhân của chính sách biến-hàng-xóm-thành-người-ăn-xin của Tàu, chẳng hạn như người hàng xóm tốt Mễ Tây Cơ của chúng ta hoặc quê hương cũ Ấn Độ của Zakaria. Chà, Fareed, ông thật quá lạnh lùng. Ông quên nguồn gốc và những khu ổ chuột ở Bombay rồi sao? 

 

 

Những Bể Tư Duy Vỗ Về Panda 

 

Những người muốn xây Vạn Lý Trường Thành ở Mỹ để ngăn sự ảnh hưởng của Tàu có thể gây hại cho nền hòa bình trường cửu và sự thịnh vượng của mọi người, mà chẳng tăng thêm hy vọng là Tàu sẽ thay đổi chính trị. 

—Albert Keidel, Atlantic Council 

 

Thành viên sau cùng của Liên Minh Bênh Tàu là Những Bể Tư Duy Vỗ Về Panda trong và ngoài vành đai thủ đô, họ thường xuyên nhảy xổ vào cuộc tranh luận về Tàu. Chúng tôi không dám chắc tại sao những bể tư duy này lúc nào cũng bênh Tàu; và chúng tôi không đặt câu hỏi về sự ngay thẳng hay động lực của họ. Nhưng chúng tôi muốn liệt kê những “nghi can thường lệ” trong nhóm này để khi bạn gặp những lời phát biểu của họ trên các phương tiện truyền thông thì bạn có thể giảm mức độ tin cậy tùy theo nguồn gốc của những dữ liệu hay ý kiến. 

 

Sau đây là một danh sách ngắn các phân tích gia và các bể tư duy không theo thứ tự nào. Chúng tôi chọn đưa lên đây vì các bài viết về Tàu của họ có sự trong sáng và có chiều sâu. 

 

• Albert Keidel của Atlantic Council 

• Peter Bottelier và Doug Paal của Carnegie Endowment 

• Kenneth Lieberthal, Bob Rubin, và John Thornton (và gần như tất cả các thành viên) của Brookings Institute 

• Charles Freeman (và gần như tất cả các thành viên) của Center for Strategic and International Studies 

• Gần như tất cả các thành viên (ngoại trừ Elizabeth Economy) của Council on Foreign Relations • Ed Gresser của Progressive Policy Institute 

 

Một lần nữa, chúng tôi không muốn đả kích động lực của những phân tích gia này hoặc các cơ quan của họ. Chúng tôi chỉ muốn nói, “Bạn đọc hãy cẩn thận!” 

 

 

Tóm Tắt Cẩm Nang Của Liên Minh Bênh Tàu 

 

Để kết thúc chương này, ta cần tóm tắt những điểm chính trong lập luận của Liên Minh Bênh Tàu. Bất cứ khi nào bạn thấy một hoặc vài lập luận sau đây trong các bài phản biện, bài của chủ biên, diễn văn, tranh luận trên TV, hay bản tường trình của bể tư duy, bạn có thể chắc chắn rằng thủ phạm đang muốn ngăn chặn những cuộc cải tổ cần thiết với Tàu. Và đây là vài mánh phổ thông của những kẻ bênh Tàu: 

 

• Si qua non — Chụp mũ bất cứ ai chỉ trích Tàu là “kẻ tấn công Tàu.” 

• Bắt chước Joe McCarthy — Dán nhãn hiệu “kẻ bảo hộ mậu dịch” lên bất cứ ai muốn cải tổ mậu dịch. 

• Hù Dọa — Cảnh cáo rằng bất cứ nỗ lực tự vệ nào trước chính sách Chỉ Huy Kinh Tế và Bảo Hộ Mậu Dịch của Tàu sẽ dẫn đến “chiến tranh mậu dịch.”

• Bắt chước truyện kinh dị của Stephen King — Nhắc lại thuế nhập cảng Smoot-Hawley trong cuộc Đại Khủng Hoảng để tạo ra sự sợ hãi rằng cuộc chiến tranh mậu dịch với Tàu sẽ tàn phá nền kinh tế toàn cầu. 

• Tâm lý lui, lui nữa — Cảnh cáo rằng nếu cố ép Bắc Kinh phải cải tổ, sẽ bị phản ứng ngược. 

• Trì hoãn mãi mãi — Nhất định rằng “bây giờ” không phải là lúc cải tổ—và cứ lập lại năm này sang năm khác.

• Chơi trò “dân nghèo” của Walmart — Cho rằng dù nền sản xuất của Mỹ bị thiệt hại nhưng tính ra thì người tiêu thụ được hưởng lợi nhiều hơn nhờ hàng rẻ của Tàu. 

• Chơi trò trốn của Stephen Roach — Cho rằng sự thâm thủng mậu dịch của chúng ta là “đa phương” với nhiều nước trên thế giới chứ không phải là vấn nạn “song phương” với Tàu. 

• Tự ghét mình — Đổ tội cho dân Mỹ là không chịu tiết kiệm nên cán cân mậu dịch mất quân bình chứ không phải do chính sách chỉ huy kinh tế của Tàu gây nên. 

• Muốn mua cầu Brooklyn không? — Cho rằng tiền Tàu được định giá không thấp lắm—hoặc không thấp chút nào. 

• Dùng cách tự vệ kiểu Marie Antoinette-Fareed Zakaria — Cho rằng cải tổ mậu dịch với Tàu không có lợi cho nước Mỹ mà chỉ di chuyển mậu dịch qua các nước phí tổn thấp như Bangladesh hay Việt Nam. 

 

Nếu chúng ta bị những luận điệu này lừa một lần thì lỗi ở những kẻ bênh Tàu. Nhưng cứ bị lừa hoài thì lỗi ở chúng ta. 

 

 

Kỳ tới: Sống Với Tàu: Làm Sao Để Sống Còn và Phát Triển Trong Thế Kỷ Rồng

 

____________________________________________________________

 

 

16.

Sống Với Tàu: Làm Sao Để Sống Còn và Phát Triển Trong Thế Kỷ Rồng 

 

Một thuyền về hướng Đông Thuyền khác về hướng Tây Với cùng một ngọn gió. Chính những cánh buồm Chứ không phải gió Cho biết ta đi về đâu

—Ella Wheeler Wilcox, bài thơ “Ngọn Gió Định Mệnh” (The Wind of Fate) 

 

Chúng tôi đã hứa ở đầu sách là sẽ đề nghị cách sống còn và kế hoạch hành động. Bây giờ trong chương này chúng tôi sẽ trình bày những sự chọn lựa cá nhân, những quyết định của các tổng giám đốc công ty, và những chính sách công quyền có thể dùng để bảo vệ gia đình của chúng ta đối với những sản phẩm độc hại của Tàu và để mang đến những sự thay đổi xây dựng cần thiết hầu sự liên hệ của chúng ta với Tàu trở thành thịnh vượng thay vì nguy hiểm. 

 

Niềm tin căn bản của chúng tôi là sự thay đổi thực sự trong liên hệ Mỹ-Tàu sẽ bắt đầu từ người dân. Đây là lý do tại sao mục đích chính của chúng tôi là trình bày với tất cả các công dân của thế giới về những sự nguy hiểm đến từ Tàu. Chúng tôi hy vọng mãnh liệt rằng một khi quần chúng hiểu rõ “vấn nạn Tàu” của thế giới, hoàn cảnh sẽ thuận lợi cho những thay đổi chính trị một cách ôn hòa để mang lại những cải tổ hữu ích ở Washington—cũng như ở Berlin, Tokyo, Sao Paulo, và các thủ đô khác trên thế giới. 

 

Trước khi liệt kê những đề nghị về sự chọn lựa cá nhân, quyết định của tổng giám đốc, và sự cải tổ chính sách, chúng tôi muốn nhắc đến lời khuyên của vài nhà tư tưởng nổi tiếng thế giới. Đối với những nhà hoạch định chính sách, chúng tôi lập lại lời nhắc nhở của Betty Williams về sự thụ động: “Trong buổi họp này đừng nói những điều trống rỗng, hãy làm việc cụ thể.” 

 

Đối với những ai nghĩ rằng chúng tôi quá khắt khe với Tàu hoặc những ai quá lạc quan về việc “Dân chủ hóa” Tàu mà quên bản chất độc tài của chế độ này, thì xin làm ơn nhớ lại lời nói khẩn thiết về đạo đức của Albert Camus: “Người có đầu óc biết suy nghĩ không đứng chung với kẻ giết người.” 

 

Sau cùng, đối với những công dân Mỹ nào nghĩ rằng mình quá yếu không có khả năng chống trả, xin nhớ nằm lòng lời của William James: “Hãy hành xử như bạn có thể thay đổi sự việc. Sự việc sẽ thay đổi.” Và mỗi ngày, hãy cố gắng làm theo châm ngôn của Theodore Roosevelt: “Làm được gì cứ làm, với những gì bạn có, ở nơi bạn đang ở.” 

 

 

Tránh Bị Chết Bởi Đồ Phế Thải Và Chất Độc Tàu 

 

Chúng ta đến các tiệm lớn như Costco, Target, hay Walmart hoặc các cửa hàng bán lẻ như Walgreens hay CVS hoặc các chợ như Kroger hay Safeway, gần như không thể nào mua được những sản phẩm hoàn toàn không có Tàu dính vào. Đây không phải chỉ là đáng chán, mà còn là điều điên khùng. Như đã trình bày, quá nhiều đồ phế thải và chất độc Tàu đang được nhồi nhét trên kệ của các cửa hàng Mỹ là đồ chết người. Sau đây là những bước chắc chắn để chúng ta tự bảo vệ mình: 

 

#1: Đầu tiên, Hãy Thay Đổi Thái Độ— “Rẻ” Không Phải Lúc Nào Cũng Là Rẻ Nhất 

 

Chúng ta không thể thay đổi thói quen mua sắm cho đến khi chúng ta hoàn toàn tin rằng những sản phẩm có vẻ “rẻ” của Tàu thực ra không rẻ. Ngoài số tiền ghi trên món hàng bạn còn phải tính đến những rủi ro thương tật hay mất mạng, người quen biết có thể bị mất việc vì những hành động giao thương bất chính của Tàu, lại còn những luật lệ và phí tổn người đóng thuế phải chịu vì nhà sản xuất Tàu không phải chịu. Vậy thì, nếu món hàng ghi “Made in China” thì hãy để lại xuống kệ trừ khi bạn chắc chắn cần không có không được và không thể tìm món khác thay thế. 

 

#2: Tìm Nhãn—Và Đọc Kỹ 

 

Chúng ta cũng không thể ngừng mua hàng Tàu trừ khi chúng ta biết rằng hàng đó đã được làm ở Tàu. Cho nên chúng ta phải đọc kỹ các nhãn. 

 

Tiếc là dù Sở Quan Thuế Mỹ đòi hỏi nhãn phải ghi “quốc gia gốc” trên tất cả các món hàng, việc tìm chữ “Made in China” trên món hàng có thể cũng khó như chơi trò “Waldo đâu rồi?”—và trong một số trường hợp cần phải có kính hiển vi (thật, không phải đùa.) Vì vậy nhãn phải có tiêu chuẩn, dễ tìm, dễ đọc, tương tự như nhãn dinh dưỡng trên thực phẩm. 

 

Nhãn mù mờ không phải là vấn nạn duy nhất mà chúng ta gặp phải khi chúng ta muốn tránh mua hàng Tàu. Điều này dẫn đến hành động kế tiếp. 

 

#3: Siết Chặt Lỗ Hổng Trên Mạng Về Nhãn “Quốc Gia Gốc” 

 

Ở các tiệm bình thường người tinh mắt có thể tìm được nhãn “Made in China” để quyết định khi mua sắm. Nhưng ngày nay khi nhiều người chuyển qua mua hàng trên mạng, họ bị mất khả năng chọn lựa, khiến các xưởng sản suất bất lương của Tàu được hưởng lợi. 

 

Để thấy rõ vấn nạn, chỉ cần lướt qua trang nhà của Amazon. Bạn có thể thấy đủ hết các chi tiết cho từng món hàng ngoại trừ nơi món hàng được sản xuất. Đây rõ ràng là một lỗ hổng cần được xiết lại. Luật liên bang cần phải đòi hỏi tất cả các cửa tiệm bán lẻ trên mạng phải ghi rõ quốc gia gốc cho mỗi món hàng. 

 

#4: Đòi Hỏi Phải Ghi “Quốc Gia Gốc” Cho Từng Thành Phần Trên Nhãn 

 

Như chúng ta đã biết, một số sản phẩm không được làm hoàn toàn ở Tàu, nhưng trong đó có chứa vài hay nhiều thành phần của Tàu. Chẳng hạn như thuốc bổ multivitamin được bào chế ở Tàu rồi đưa qua Mỹ đóng gói, các nhà sản xuất vẫn có thể ghi “Made in USA” mặc dù nhiều thành phần trong đó là của Tàu. Nhiều sản phẩm khác cũng có vấn đề tương tự. Xe được coi là “Mỹ” có thể có những cơ phận cực kỳ quan trọng như thắng hay vỏ bánh xe làm ở Tàu. 

 

Vì những lỗ hổng về nhãn như thế này, chúng ta cần gấp luật khắt khe hơn cho từng thành phần của sản phẩm. Thí dụ Quốc Hội cần đòi hỏi tất cả các nhà sản xuất thuốc phải ghi rõ quốc gia gốc của tất cả các thành phần chính trong sản phẩm—và phải ghi theo một tiêu chuẩn nhất định và phải dễ đọc. Jerome Krachenfelser đã nói rất súc tích: “Nếu bạn cho món đó vào người bạn, bạn cần được biết món đó từ đâu đến.” 

 

#5: Nói Cho Tiệm Bán Lẻ Biết Bạn Muốn Sản Phẩm Hoàn Toàn Không Có Tàu 

 

Nếu những tiệm bán lẻ như Walmart, Target, và Nordstrom biết bạn muốn sản phẩm hoàn toàn không có Tàu, họ sẽ thay đổi những hàng bày trên kệ. Vậy thì hãy bỏ chút thời giờ để nói chuyện với tất cả những nhân viên bán hàng và giám đốc của những tiệm mà bạn thường hay lui tới, và cho họ biết rằng bạn sẽ là khách hàng trung thành hơn nếu họ cho bạn những sự lựa chọn khác. 

 

Để thêm áp lực lên các tiệm lớn và các cửa hàng bán lẻ đang bị nghiện hàng rẻ giả tạo của Tàu để được lời nhiều, bạn có thể lên mạng và tìm những nơi bán sản phẩm hoàn toàn không có Tàu. 

 

Tương tự, bạn cứ tự nhiên viết thư hay gởi email đến trung tâm giao dịch khách hàng của những nhà sản xuất hay tiệm bán lẻ. Hãy nói với Apple và Best Buy rằng nhãn “Thiết kế ở California” không thể mập mờ với “Làm ở Quảng Đông.” Khi các tiệm bán lẻ biết khách hàng thích sản phẩm hoàn toàn không có Tàu, họ sẽ cạnh tranh không phải chỉ trên giá cả mà còn cạnh tranh về nguồn gốc món hàng. 

 

Sau cùng, cần nhấn mạnh rằng không phải chúng ta muốn “Made in the USA” mà là chúng ta muốn “Made in Thế Giới Tự Do.” Mậu dịch tự do thật sự, không có kiểu chỉ huy kinh tế và bảo hộ mậu dịch của Tàu, là một điều tốt. Những sản phẩm tuyệt vời từ những đối tác mậu dịch tự do thật sự của chúng ta như Nhật Bản, Mễ Tây Cơ, và Đức Quốc đang cải thiện đời sống của chúng ta và góp phần vào sự thịnh vượng chung. Chúng ta cần những quốc gia này chung sức cho mục đích phát triển “mậu dịch tự do thật sự” và chia xẻ gánh nặng chế tài kẻ chi huy kinh tế và bảo hộ mậu dịch Tàu khi cần thiết. 

 

#6: Coi Chừng Những Sản Phẩm Đắt Tiền Từ Tàu Mang Thương Hiệu “Ngoại Quốc” 

 

Một phương pháp quan trọng Tàu đang áp dụng để xâm nhập thị trường Mỹ—đặc biệt những sản phẩm đắt tiền như xe hơi chẳng hạn—là bán những sản phẩm Tàu dưới các thương hiệu ngoại quốc quen thuộc để tạo ảo tưởng không có Tàu. Trường hợp điển hình là Volvo. Công ty xe hơi mang danh “Thụy Điển” này bây giờ hoàn toàn do công ty Geely Automobile của Tàu làm chủ, và tổng giám đốc Stephan Jacoby mới đây đã nói rằng công ty này đang dự định xuất cảng xe hơi Tàu qua Mỹ dưới thương hiệu uy tín Volvo. Cũng xin ghi nhận rằng Honda đã bán xe Jazz của Tàu qua Âu Châu từ năm 2005. Vậy thì một lần nữa, người mua hãy cẩn thận. Những công ty Tàu nhiều tiền—đặc biệt các tổ hợp quốc doanh—đang chụp giật những thương hiệu lớn của Tây Phương như thể không có ngày mai, và bạn phải để ý những tin tức tài chính để biết những vụ này. 

 

#7: Cải Tổ Luật Để Bắt Tàu Và Trung Gian Phải Chịu Trách Nhiệm 

 

Chúng tôi hoàn toàn không thích những vụ kiện lớn. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng việc các hãng xưởng Tàu không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Mỹ và quốc tế là hoàn toàn sai. 

 

Cũng vô lý tương tự khi các công ty Mỹ nhập cảng thuốc, thực phẩm, và hàng hóa độc hại nguy hiểm từ Tàu không phải chịu trách nhiệm nhiều hơn. Tình trạng hiện tại cho phép các công ty Mỹ thoát được qua lỗ hổng Tàu: Đưa việc sản xuất đến một nhà thầu bí ẩn nào đó ở Quảng Châu, rồi giả vờ như không biết sản phẩm từ đâu đến. Đừng cười, đây là chuyện có thật. Vì vậy chúng ta cần luật khắt khe hơn, bắt những nhà bán sỉ hay bán lẻ ở Mỹ phải chịu trách nhiệm về những sản phẩm Tàu gây hại ở Mỹ. Trách nhiệm này sẽ buộc những nhà bán lẻ phải tìm cách đẩy trách nhiệm trở về đúng nguồn gốc hoặc họ phải tìm những nguồn hàng khác để chất lên kệ. Vậy thì, hãy nói cho Tòa Bạch Ốc, Capitol Hill, và Quốc Hội Tiểu Bang biết rằng cần phải dẹp tan các trung gian Mỹ đang phổ biến đồ phế thải và chất độc Tàu. 

 

 

Tước Vũ Khí Hủy Diêt Việc Làm Của Tàu 

 

Các chính trị gia Mỹ cần phải tỉnh táo hơn về việc chính sách chỉ huy kinh tế và bảo hộ mậu dịch của Tàu đã dồn chúng ta vào hộp—và hộp này càng ngày càng giống chiếc quan tài! Đó là lý do tại sao Quốc Hội và Tổng Thống phải nói thật rõ không mập mờ với Tàu là nước Mỹ sẽ không dung thứ cuộc tấn công bất chính vào nền sản xuất của chúng ta nữa. 

 

Nếu Tàu không chịu từ bỏ các Vũ Khí Hủy Diệt Việc Làm—chúng vi phạm tất cả luật lệ trong sách mậu dịch tự do—Tổng Thống và Quốc Hội sẽ không còn sự chọn lựa nào khác, và phải hành động quyết liệt. Sau đây là cách nước Mỹ có thể tự làm để tước những vũ khí này của Tàu. 

 

#1: Thông Qua “Luật Mậu Dịch Tự Do Và Công Bình” 

 

Phương thuốc luật pháp giản dị và hữu hiệu nhất để chữa bệnh chỉ huy kinh tế và bảo hộ mậu dịch của Tàu—và cũng là cách tránh trực diện đối đầu với Tàu vì không cần phải ghi rõ Tàu—là Quốc Hội thông qua “Luật Mậu Dịch Tự Do Và Công Bình” (American Free and Fair Trade Act.) Luật này sẽ đặt những điều lệ căn bản như sau—với biện pháp chế tài mạnh mẽ thích ứng nếu vi phạm: 

 

Bất cứ quốc gia nào muốn trao đổi hàng hóa tự do với Mỹ phải từ bỏ mọi sự trợ giá bất hợp pháp cho hàng xuất cảng, giữ giá trị tiền tệ hợp lý, bảo vệ tài sản trí tuệ, tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và an toàn, không cản trở thị trường thế giới về năng lượng và nguyên liệu thô, mở cửa thị trường nội địa, kể cả lãnh vực truyền thông và internet. 

 

Bằng cách thông qua luật này, Quốc Hội có thể vừa bảo vệ hệ thống mậu dịch tự do trên thế giới vừa bảo đảm được sự thịnh vượng lâu dài cho nước Mỹ. Luật như vậy không phải là “bảo vệ mậu dịch”—mà những kẻ bênh Tàu chắc chắn sẽ nhảy vào để chụp mũ. Thay vì vậy, luật này chỉ giản dị là điều bình thường dễ hiểu, mọi người dễ chấp nhận, và là cách tự vệ hợp lý để chống lại sự hung hăng kinh tế của Tàu. 

 

#2: Hợp Tác Và Phối Hợp Toàn Cầu Là Câu Nằm Lòng 

 

Trích lời nhân vật yêu nước vĩ đại Ben Franklin: “Tất cả chúng ta phải đoàn kết, nếu không chắc chắn chúng ta sẽ bị treo cổ từng người một.” Vì vậy, để phối hợp với luật Mậu Dịch Tự Do và Công Bằng, chúng ta cần hợp tác với Âu Châu, Ba Tây, Nhật Bản, Ấn Độ, và các nạn nhân khác của chính sách chỉ huy kinh tế và bảo hộ mậu dịch của Tàu để đệ đơn lên Tổ Chức Thương Mại Toàn Cầu đòi hỏi Tàu phải tuân thủ tất cả các điều lệ. Chỉ bằng cách dựa vào số đông nước Mỹ và các quốc gia khác mới thành công đưa cái xứ “biến hàng xóm thành kẻ ăn xin” Tàu vào cộng đồng mậu dịch tự do thật sự. 

 

#3: Sứ Mạng Ma-Nớp Tiền Tệ Bí Mật 

 

Nếu chúng tôi phải chỉ ra vấn nạn lớn nhất trong sự liên hệ Mỹ-Tàu, thì đó là việc đồng quan bám chặt vào đồng đô la Mỹ. Tiền thả nổi là điều căn bản để sự mậu dịch tự điều chỉnh và để tránh sự thặng dư mậu dịch quá nhiều mà Tàu đang thu về từ nhiều đối tác thương mại. 

 

Dù sao thì chúng tôi cũng đồng ý với những người bênh Tàu là Tàu không thích bị áp lực trực tiếp. Đây là lý do mà tối thiểu trong vấn đề tiền tệ, cách tốt nhất để nâng tiền Tàu lên đúng giá trị thực có lẽ là dùng phương pháp “ngoại giao con thoi” bí mật. 

 

Để đạt mục đích—mà đây là điều cực kỳ khẩn cấp!—Tòa Bạch Ốc nên gửi ngay một phái đoàn bí mật để nói với Đảng Cộng Sản Tàu rằng: Nước Mỹ không còn sự chọn lựa nào khác mà phải chính thức gọi Tàu là kẻ ma-nớp tiền tệ trong cuộc họp sắp đến của Bộ Ngân Khố (hai năm một lần để duyệt xét tình hình) và sẽ áp dụng những thuế nhập cảng thích ứng để quân bình lại, trừ khi Tàu tự ý nâng giá đồng tiền. 

 

Trong cuộc bàn thảo này, phái đoàn Mỹ nên nói rất rõ rằng Mỹ rất mong muốn thấy sự cải tổ là “ý của Tàu” chứ không phải của Mỹ; và nước Mỹ hoàn toàn không muốn Tàu bị “mất mặt.” Đó là tại sao sứ mạng này cần phải tuyệt đối bí mật. 

 

Phái đoàn Mỹ cũng phải chuyển thông điệp rõ ràng rằng sau hơn bảy năm bàn thảo về vấn đề này, nước Mỹ không còn kiên nhẫn nữa về mặt chính trị, và thời gian cũng không còn về mặt kinh tế. Dĩ nhiên, nếu Tàu không hành động kịp thời, Bộ Ngân Khố sẽ theo kế hoạch chính thức gọi Tàu là kẻ ma-nớp tiền tệ và áp dụng thuế nhập cảng thích ứng để đưa đồng quan Tàu lên giá trị thực. 

 

#4: Nhận Diện Những Rủi Ro Thật Sự Cho Công Ty Khi Đưa Việc Làm Sang Tàu 

 

Quá nhiều tổng giám đốc Mỹ quyết định đưa phần vụ sản xuất và việc làm qua Tàu mà không lượng định các rủi ro một cách đầy đủ. Rủi ro dễ thấy nhất là mất tài sản trí tuệ vì bị ăn cắp trắng trợn hoặc vì chính sách của Tàu bắt họ phải chuyển giao kỹ thuật và phải chuyển cơ sở nghiên cứu và phát triển qua đất Tàu. 

 

Ngoài việc mất tài sản trí tuệ, các rủi ro khác gồm từ tham nhũng tràn lan, ô nhiễm trầm trọng, và sự thiếu nước đến việc phải trèo qua Vạn Lý Trường Thành Bảo Hộ Mậu Dịch. Trong bất cứ một sự lượng định đầy đủ nào, các tổng giám đốc còn phải để ý đến thực tế sau: 

 

Nếu nước Mỹ phải lâm chiến với một quốc gia nào trong vòng vài thập niên sắp đến, thì chắc chắn đó là nước Tàu vì Tàu đang quân sự hóa nhanh chóng. Và nếu bạn là tổng giám đốc công ty Mỹ đang có ý định đưa việc làm ra ngoài, bạn có thực sự muốn tất cả tài sản của công ty bị kẹt ở Tàu hay không, khi sự xung đột xảy ra vì những việc liên quan đến Đài Loan hay Tây Tạng hay chủ quyền trên vùng Nam Hải hay đường vận chuyển dầu từ Trung Đông? 

 

Vậy thì các tổng giám đốc Mỹ đang đưa việc qua Tàu cần phải tháo đôi kính màu hồng và thực hiện một cuộc lượng định rủi ro thật đầy đủ. Cái nhìn tỉnh táo vào những rủi ro trong hành động đưa việc qua Tàu sẽ góp phần vào làn sóng việc làm “trở về cập bến” Mỹ, Ba Tây, Nhật Bản, Âu Châu, và những thị trường đang lên ngoài Tàu. 

 

#5: Làm Giống Như Dan DiMicco Của Nucor Steel—Đừng Giống Jeffrey Immelt của GE 

 

Nếu những tổng giám đốc công ty Mỹ muốn biết nghệ thuật chống lại nền kinh tế chỉ huy và sự bảo hộ mậu dịch của Tàu, họ không cần phải nhìn đâu xa hơn công ty Nucor Steel và gương của CEO Dan DiMicco. Ngoài việc điều hành một trong những công ty thành công nhất và có tính sáng tạo kỹ thuật trên thế giới, DiMicco còn xử dụng nhiều thời giờ để vận động cải tổ mậu dịch thật sự với Tàu. DiMicco là hình ảnh tương phản của kẻ ngây thơ hoặc có hành động phản bội như hai tổng giám đốc Jeffrey Immelt của GE và Jack Allen của Westinghouse. 

 

#6: Hãy Ngưng Chuyển Giao Kỹ Thuật và Đừng Để Việc Nghiên Cứu và Phát Triển Của Mỹ Bị Cướp 

 

Như Ủy Ban Liên Hệ Mỹ-Tàu đã khẩn thiết đề nghị, chính phủ Mỹ phải “giúp các công ty Mỹ chống lại việc Tàu bắt ép các công ty ngoại quốc phải cung cấp tài liệu kỹ thuật về sản phẩm để được vào bán hàng ở Tàu.” Tương tự, chính phủ Mỹ cũng phải giúp các công ty chống lại việc Tàu bắt họ phải dời bộ phận nghiên cứu và phát triển sang Tàu để được vào thị trường. Quốc gia chúng ta đang tự giam mình vào vài thập niên đình trệ vì đã giao nộp kỹ thuật cho Tàu. Việc này phải chấm dứt! Và vì đây là vấn đề quan trọng, chúng ta phải nghĩ đến việc làm luật ngăn những công ty Mỹ chuyển giao kỹ thuật cho Tàu để được vào thị trường. 

 

#7: Ngưng Rào Cản Đội Lốt Kiểm Duyệt 

 

Nhiều hàng xuất cảng của Mỹ là những sản phẩm hay nhất thế giới, thuộc về ngành giải trí, truyền thông, và internet. Việc Tàu kiểm duyệt gắt gao phim ảnh, truyền hình, và Internet cùng với việc ngầm ủng hộ những vụ sao chép lậu, ăn cắp tài sản trí tuệ, và bắt chước là một cuộc đánh phá rầm rộ vào nền mậu dịch tự do. Trong khi Facebook bị cấm hoàn toàn ở Tàu thì RenRen của Tàu bắt chước Facebook lại được hân hoan chào đón ở Mỹ và được gia nhập thị trường chứng khoán NASDAQ và gây được số vốn ban đầu 500 triệu đô la. Đây là điều cực kỳ sai trái! 

 

Để bảo đảm Tàu không thể hưởng lợi nhờ dùng chiến tranh kinh tế kiểu tiêu diệt người khác, Quốc Hội cần thông qua luật mà theo đó, công ty truyền thông hay Internet nào của Tàu nếu áp dụng chính sách kiểm duyệt thì không được gây quỹ trên thị trường chứng khoán Mỹ. 

 

#8: Cấm Các Công Ty Quốc Doanh Tàu Mua Những Công Ty Tư Nhân 

 

Chúng ta phải chấm dứt tự dối mình rằng một đại công ty dầu hỏa, truyền thông, hay hầm mỏ với sự yểm trợ của nhà nước Tàu, khi mua một đối thủ ở Mỹ, Canada, hay Úc Châu sẽ tạo giá trị cho người tiêu dùng hay cho cổ đông. Thay vào đó, chúng ta phải nhìn ra rằng những công ty quốc doanh Tàu được nuôi dưỡng trong môi trường kinh doanh độc quyền, được hưởng lợi từ những trò giao thương bất chính, được trợ giá cực kỳ rộng rãi từ ngân hàng nhà nước, và tất cả đều được điều hành bởi những viên chức đảng cộng sản, chỉ với mục đích chiếm thị trường và chiếm tài nguyên khắp thế giới. Dù vậy, một số tổng giám đốc Mỹ đã vui vẻ bán tài sản quốc gia cho những nhóm tư bản quốc doanh ở Bắc Kinh để chụp giật ít tiền, và điều này hoàn toàn không phù hợp với quyền lợi quốc gia của chúng ta. 

 

Và cần thấy rõ một điều: Tàu không bao giờ cho phép công ty Tây Phương mua bất cứ công ty Tàu nào trong “những ngành chiến lược”—như máy bay, xe hơi, năng lượng, tài chính, kỹ thuật, nguyên liệu, và gần như tất cả những gì phức tạp hơn việc bán bánh mì thịt hay gà chiên. 

 

Vì mối nguy chiến lược khi các chính quyền ngoại quốc kiểm soát những ngành kỹ nghệ Mỹ, Quốc Hội Mỹ cần thông qua luật không cho các công ty tư nhân Mỹ được bán cho các công ty quốc doanh nước ngoài, dù là Tàu, Nga, hay ai khác. 

 

#9: Chúng Ta Cần Tổng Thống Vừa Có Óc Vừa Có Xương Sống 

 

Phần lớn tội lỗi của sự sụp đổ của nền sản xuất Mỹ là do Tòa Bạch Ốc. Hiển nhiên là từ 2001 đến 2008 Tổng Thống George W. Bush đã thẳng lưng đối diện với Tàu. Không may là lý tưởng mù quáng đã khiến ông không phân biệt được mậu dịch tự do và mậu dịch công bằng. Hậu quả là cái nội các tầm thường của Bush đã chẳng làm gì ngoài việc tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố trong khi chính sách chỉ huy kinh tế và bảo hộ mậu dịch của Tàu tuần tự tỉa dần nền kinh tế của chúng ta từng việc làm một và từng công ty một. 

 

Hoàn toàn ngược lại, Tổng Thống Barack Obama đủ thông minh để hiểu vấn nạn vì cuộc vận động tranh cử của ông đã dựa vào việc dẹp tan chính sách chỉ huy kinh tế của Tàu. Dù vậy, Obama có vẻ như không có xương sống để thực hành những điều cần thiết. 

 

Xin thứ lỗi cho sự bộc trực của chúng tôi, nhưng điều chúng ta cần bây giờ là một nhà lãnh đạo vừa có óc vừa có xương sống—một Winston Churchill, chứ không phải một Neville Chamberlain. Barack Obama có thể phù hợp nếu ông hiểu điều này—còn nếu không, cuộc bầu cử năm 2012 sẽ cho nước Mỹ cơ hội chọn một tổng thống khác để đưa chúng ta ra khỏi bãi hoang hậu kỹ nghệ vì cuộc tàn phá của các vũ khí hủy diệt việc làm của Tàu. 

 

 

Ngăn Gián Điệp Tàu và Cuộc Chiến Trên Mạng 

 

Chúng ta đã thấy Tàu đang điều hành một hệ thống gián điệp hung hăng nhất ở Mỹ và lữ đoàn Tin Tặc Đỏ thường xuyên tấn công các hệ thống máy vi tính của tư nhân, của các công ty, và của chính phủ chúng ta. Chúng ta phải nhận rõ được sự nguy hiểm của các hoạt động “chiến tranh không có lửa” này và sẵn sàng đối phó. Chúng ta cũng phải tự đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta lại buôn bán nhiều như vậy với cái xứ chuyên môn rình rập ăn cắp từ chúng ta? 

 

#1: Gia Tăng Nỗ Lực Chống Gián Điệp Tàu 

 

Phần lớn tài lực và nhân lực của khối tình báo Mỹ—CIA, FBI, và những cơ quan khác như Sở An Ninh Quốc Gia (National Security Agency)—vẫn còn đang tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố dường như không bao giờ dứt. Điều này dễ hiểu vì nếu một nhóm Hồi Giáo quá khích nào đó mà có được vũ khí hủy diệt hàng loạt thì đó là điều rất đáng sợ. 

 

Nhưng chúng ta cũng đang phải đối diện với sự thực không thể chối cãi: Lực lượng quân sự của Tàu đang lớn mạnh nhanh chóng với vài trăm vũ khí nguyên tử, đồng thời không ngừng tấn công quốc gia chúng ta trên mặt trận gián điệp và mạng internet. Để đối phó với sự nguy hiểm cũng trầm trọng này, chúng ta phải tăng cường đáng kể các nỗ lực chống gián điệp Tàu—và phối hợp với những đồng minh ở Á Châu, Âu Châu, và Mỹ La Tinh. 

 

Gia tăng chi phí trong thời đại thiếu hụt ngân sách sẽ khó khăn, nhưng chúng ta vẫn phải làm. Chúng ta cần nghĩ rằng thiệt hại cho nền kinh tế của chúng ta gây ra chỉ bởi gián điệp kinh tế Tàu không thôi là chắc chắn đã lớn hơn nhiều so với số tiền quá ít mà chúng ta đang dùng để đối phó với mối nguy từ Tàu này. 

 

#2: Mạnh Dạn Kết Án Và Phạt Nặng Điệp Viên Tàu 

 

Điệp viên góp phần vào việc phát triển vũ khí của Tàu cũng nguy hiểm y hệt như người lính Tàu khai hỏa những vũ khí đó. Đó là lý do tòa án, bồi thẩm đoàn, và công tố viên cần phải coi đây là việc rất quan trọng; và bất cứ hình thái gián điệp nào cũng đều phải bị kết án nặng nề. 

 

Về mức án phạt, công dân Mỹ làm gián điệp cho Tàu là phạm tội phản quốc—tội nặng nhất trong các tội chống lại quốc gia. Tội này phải bị phạt chung thân cấm cố, và trong trường hợp liên quan đến bí mật vũ khí hay bí mật quốc phòng, phải bị tử hình. 

 

Ngoài ra, các điệp viên Tàu bị bắt ở Mỹ phải bị nhốt rồi vứt chìa khóa đi—vì chỉ có những án phạt nặng như vậy mới giảm được hoạt động gián điệp trên đất của chúng ta. Và xin nhớ rằng bất cứ điệp viên Mỹ nào bị bắt ở Tàu sẽ gặp số phận tàn bạo hơn bất cứ hệ thống tòa án nào của chúng ta có thể thi hành. 

 

#3: Tăng Cường Kiểm Tra Chiếu Khán Và Du Khách Tàu 

 

Rõ ràng là chính quyền Tàu không cho du khách, sinh viên, hay giám đốc công ty tự do đi lại khắp nước Tàu, và còn hạn chế tối đa nhiều loại du khách, gồm nhà báo và nhà làm phim tài liệu. Vậy mà gần như bất cứ công dân Tàu nào nộp đơn xin chiếu khán vào Mỹ cũng đều được tự do tung hoành trong nước của chúng ta. 

 

Vậy thì, một phần của nỗ lực chống gián điệp là phải kiểm tra kỹ lưỡng bất cứ ai xin chiếu khán nhập cảnh từ Cộng Hòa Nhân Dân Tàu. Dù đại đa số du khách Tàu ôn hòa, nhưng trong số này vẫn có nhiều điệp viên nên cần phải gia tăng đáng kể việc kiểm tra. 

 

Phải chăng đây là “phân biệt chủng tộc”? Chắc chắn rằng không. Đây là sự “phân biệt dựa trên quốc gia gốc,” và là việc phải làm vì có chứng cứ Tàu là quốc gia xuất cảng nhiều gián điệp vào Mỹ nhất thế giới. 

 

#4: Tuyên Bố Tấn Công Mạng Là Hành Động Gây Chiến—Và Đáp Ứng Thích Đáng 

 

Nội các Obama đã kêu gọi phải có chính sách đầy đủ hơn về an ninh mạng, và đây là điều tốt. Điều quan trọng là chính sách này phải coi các cuộc tấn công mạng do nhà nước yểm trợ là hành động gây chiến, phải được phản công lập tức với các biện pháp kinh tế, chính trị, và nếu cần, ngay cả quân sự. Hơn nữa, chúng ta phải hoàn toàn thẳng thắn nhìn nhận nguồn gốc của các mối nguy trên mạng và trực diện đối phó. 

 

Về mặt này, chúng ta đã để Đảng Cộng Sản Tàu chối tội quá lâu rồi, rằng bọn tin tặc Tàu ở ngoài vòng kiểm soát của cái chế độ theo dõi chặt chẽ và kiểm duyệt mạng gắt gao nhất thế giới này. Hãy tin chúng tôi: Nếu tin tặc Tàu phát tán videos về tội ác của Tàu ở Tây Tạng hay cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Thượng Hải hay người theo Pháp Luân Công ở Thành Đô, công an mạng của Tàu chắc chắn sẽ tìm ra gốc và ngăn chặn vĩnh viễn. Vậy thì hãy ngưng trò chơi chữ và gọi bọn tin tặc Tàu là bọn tin tặc được chính quyền Tàu yểm trợ! 

 

Chúng tôi cũng tin rằng bồi thường kinh tế cho những nạn nhân của tin tặc Tàu phải là một phần của chính sách an ninh mạng. Vậy nên Quốc Hội Mỹ, Liên Hiệp Âu Châu, Nghị Viện Nhật Bản, và các cơ quan lập pháp khắp nơi trên thế giới cần thông qua luật bồi thường thiệt hại cho các công dân, công ty, và cơ quan chính phủ nạn nhân của những cuộc tấn công mạng từ ngoại quốc. Và để luật có hiệu quả, luật phải có cơ chế thu được tài sản của những công ty liên quan đến các vụ tấn công mạng—điển hình là vai trò của một công ty viễn thông lớn của Tàu trong vụ tấn công đã được nhắc đến ở chương 10. 

 

#5: Phát Triển “Nút Tắt Tàu” Cho Internet 

 

Từ căn bản chiến lược, không có sự khác biệt giữa việc một nhà máy điện bị tiêu diệt bởi hỏa tiễn Tàu hoặc bị làm cho bất khiển dụng bởi tin tặc Tàu. Cả hai mối nguy đều rất thật. Cả hai cần phải được quan tâm và đối phó. 

 

Trong “thời bình” ngày nay mà tin tặc Tàu còn đang tấn công và đột nhập liên tục vào các cơ sở Mỹ, nên chúng ta phải cấp bách phát triển “Nút Tắt Tàu” để tách mạng của Mỹ ra khỏi tất cả các địa chỉ giao thức mạng (Internet Protocol addresses) của Tàu trong trường hợp chiến tranh mạng toàn diện xảy ra. Nhưng vẫn chưa đủ. 

 

Các lữ đoàn Tin Tặc Đỏ còn hay bắt cóc những máy chủ và máy vi tính cá nhân ngoài nước Tàu để từ đó phát đi các cuộc tấn công mạng. Vậy có nghĩa là chúng ta còn cần nút tắt bậc hai để cách ly những bộ phận quan trọng của hạ tầng cơ sở—điện, nước, hơi đốt, ngân hàng, và công ty quốc phòng—hoàn toàn ra khỏi internet. 

 

Trong cuộc bàn thảo về hệ thống phòng vệ rất cần thiết này chắc chắn sẽ có những lập luận với ý tốt về quyền tự do ngôn luận và về những quyền tự do dân sự. Đương nhiên bất cứ giải pháp nào cũng cần phải giảm thiểu tối đa mức ảnh hưởng đến các liên lạc dân sự và hoàn toàn không giới hạn việc truy cập tin tức. Dù sao thì nguy cơ từ bên ngoài đối với sự tự do của chúng ta là rất thật so với âm mưu tưởng tượng nào đó trong nước; và nếu chúng ta tin tưởng chính phủ của chúng ta với kho vũ khí nguyên tử vĩ đại thì chúng ta cũng có thể tin tưởng rằng chính phủ này sẽ có những quyết định đúng đắn để bảo vệ quốc gia và để đối phó với một cuộc tấn công mạng vĩ đại từ bên ngoài. 

 

#6: Gọi Đích Danh Bắc Kinh Là Thủ Phạm Gián Điệp Và Ăn Cắp Trắng Trợn 

 

Giống như chúng ta cần gọi tin tặc Tàu là tin tặc Tàu, chúng ta cần gọi gián điệp là gián điệp và công khai trừng phạt Tàu về thái độ gây sự với hoạt động gián điệp. Chúng ta cũng phải tỏ rõ rằng nước Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Úc Châu, Ấn Độ, và Liên Hiệp Âu Châu sẽ không làm ngơ trong khi các điệp viên Bắc Kinh ăn cắp kỹ thuật của chúng ta, phá hoại cơ sở của chúng ta, và chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mạng tối hậu trong tương lai. Nếu Cộng Hòa Nhân Dân Tàu muốn giao dịch với chúng ta, họ phải hành xử đàng hoàng như một thành viên của câu lạc bộ mậu dịch tự do và công bằng. 

 

 

Đối Diện Và Đối Phó Với Sự Lớn Mạnh Của Quân Đội Tàu 

 

Chúng ta không thể quay lưng trốn sự thực: Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Tàu (dựa trên sự sụp đổ của nền sản xuất Mỹ) đang cung cấp tiền để Tàu phát triển quân sự còn nhanh hơn. Đây là một sự phát triển đa dạng gồm đủ loại vũ khí trên trời, dưới đất, trên biển, trên mạng internet, và ngoài không gian. Những vũ khí này sắp sửa đe dọa ưu thế tuyệt đối của quân đội Mỹ trên toàn cầu. Chúng ta phải nhận biết và đối diện sự đe dọa này; và đồng thời chúng ta phải tự hỏi: Tại sao chúng ta vẫn đang mua nhiều hàng Tàu để rồi tiền lời được Tàu dùng mua vũ khí nhắm vào chúng ta? 

 

#1: Chúng Ta Không Thể Áp Đảo Tàu Với Sức Mạnh Kinh Tế 

 

Nguyên tắc chiến lược đầu tiên nước Mỹ phải thấy là Tàu đang đưa nước Mỹ vào tình thế mà nước Đức đã lâm phải khi đối diện với Roosevelt của Mỹ hồi Thế Chiến Thứ Hai. Nước Mỹ đánh bại Nazis không phải với vũ khí tốt hơn mà với sức mạnh áp đảo của guồng máy sản xuất. 

 

Ngày nay thì chiếc giầy đang ở chân kia vì các xưởng của Tàu có thể cho ra lũ lượt tàu thủy, xe tăng, và máy bay. Vì số lượng vũ khí đông đảo của Tàu cuối cùng sẽ có thể chôn vùi vũ khí tối tân của Mỹ—giống như số lượng của Mỹ đã đè bẹp Nazis—chúng ta phải tỉnh táo hơn lúc nào hết khi lập kế hoạch chiến lược quân sự. 

 

Đầu tiên chúng ta bắt buộc phải cải tổ khu vực kỹ nghệ quốc phòng cho hiệu quả hơn. Hệ thống cung cấp vũ khí hiện nay gây quá nhiều tốn kém, lúc nào cũng vượt quá ngân sách dự trù, luôn luôn chậm trễ, và thường bị nhiều trở ngại. 

 

Đồng thời chúng ta phải biết rằng tình trạng hiện nay càng kéo dài thì càng bất lợi cho chúng ta vì Tàu đang tăng cường vũ trang nhanh chóng. Cho nên, nếu chúng ta muốn đối phó với Tàu trong cuộc chiến tranh lạnh đang leo thang này, thì bây giờ là lúc phải hành động. Chúng ta phải công bố rõ rằng sự phát triển của Tàu không phải cho mục đích hòa bình và chúng ta phải thành thật tự hỏi mình rằng Tàu có đáng được hưởng quy chế “tối huệ quốc” hay không, khi Tàu quyết tâm đe dọa chúng ta bằng quân sự. 

 

#2: Chúng Ta Không Thể Để Bị Kéo Vào Một Cuộc Chạy Đua Vũ Trang Và Sập “Bẫy Reagan” 

 

Từ căn bản chiến lược, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự cũng phải nhận biết rằng Tàu đang có nhiều tiền nên rất muốn đưa nước Mỹ vào tình thế của Liên Sô khi đối diện Tổng Thống Mỹ Ronald Reagan vào những năm 1980. Vì Tàu dư biết rằng nội các Reagan đã chôn vùi Liên Sô bằng cách dụ dỗ Liên Sô vào một cuộc chạy đua vũ khí khiến Sô Viết bị phá sản—và sau đó các chế độ cộng sản khắp nơi trên thế giới tan rã. 

 

Hiện nay chiếc giầy lại cũng ở chân bên kia. Tàu có nhiều ức (trillions) đô la trong quỹ dự trữ ngoại tệ, kinh tế bùng phát, và quân sự hóa nhanh chóng, trong khi kinh tế Mỹ đang tạm thời bị khó khăn. Vì vậy Tàu rất muốn khiêu khích Mỹ vào một cuộc chạy đua vũ khí khiến Mỹ có thể bị kiệt quệ tài chính. Một lần nữa, thực tế này đòi hỏi nước Mỹ phải tỉnh táo thông minh đối phó ở tầm chiến lược—đồng thời cũng phải hành động quyết liệt hơn để dành phần chủ động khi quân đội Tàu đang phát triển với tốc độ ánh sáng. 

 

#3: Lượng Định Trung Thực Những Yếu Kém Của Chúng Ta 

 

Theo khuyến cáo của Ủy Ban Liên Hệ Mỹ-Tàu, mỗi năm Ngũ Giác Đài cần phải tường trình về khả năng chống trả của quân đội Mỹ khi Tàu dùng máy bay và hỏa tiễn tấn công vào những căn cứ cấp vùng của Mỹ. Bản tường trình cũng cần có chi tiết những điều có thể làm để sống còn trong một cuộc tấn công như vậy. 

 

Ủy Ban cũng thúc giục quân đội chúng ta “củng cố liên hệ với những đồng minh trong vùng Tây Thái Bình Dương” và “mở rộng quan hệ với những quốc gia khác ở Á Châu để chứng tỏ nước Mỹ vẫn quan tâm và xem trọng khu vực này.” Xây dựng sự liên hệ đồng minh vững mạnh với ba mục tiêu tương lai của Tàu—Nhật Bản, Ấn Độ, và Việt Nam—là một phần quan trọng của chiến lược này. 

 

#4: Chúng Ta Phải Tước Vũ Khí Hủy Diệt Việc Làm Của Tàu Nếu Chúng Ta Muốn Ngăn Ngừa Một Cuộc Xây Dựng Quân Sự Vĩ Đại Của Tàu 

 

Lý thuyết gia quân sự người Prussia Karl von Clausewitz đã từng nói, “Chiến Tranh là một sự nối dài của chính trị, nhưng bằng những phương cách khác.” Tương tự, ngày nay ta phải thấy rằng cuộc xây dựng quân đội nhanh chóng của Tàu là một tiếp nối của sự phát triển kinh tế, và quá nhiều phần trong sự phát triển đó của Tàu đến từ sự thiệt hại của Mỹ. 

 

Đó là tại sao chúng ta phải hiểu rằng lý do chính trong việc tước vũ khí hủy diệt việc làm của Tàu không phải là để “giữ việc cho chúng ta”—mặc dù đó cũng quan trọng, mà lý do chính trong việc đối phó với những hành động giao thương bất chính của Tàu là vì an ninh quốc gia: 

 

Nếu chúng ta giao nộp nền sản xuất của chúng ta cho chính sách chỉ huy kinh tế của Tàu trong khi chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng sự trỗi dậy của Tàu bằng cách mua hàng Tàu và góp phần vào sự thâm thủng mậu dịch khủng khiếp, thì chúng ta những người tiêu dùng đang tự đào hố chôn mình. 

 

 

Đối Phó Với Con Rồng Thực Dân 

 

Như chúng tôi đã trình bày rất chi tiết, gót giầy Tàu đang dẫm khắp nơi ngang dọc Phi Châu và vào Mỹ La Tinh để chiếm lĩnh nguyên liệu thô và nguồn năng lượng cho cỗ máy kỹ nghệ của Tàu. Cho đến giờ đế quốc thực dân này hoàn toàn không bị cản trở. 

 

Việc ngăn chặn làn sóng thực dân Tàu này chắc chắn không phải dễ. Nhưng bất cứ một cuộc hành trình nào cũng đều phải bắt đầu bằng một bước chân, ít ra là có vài bước chúng ta có thể thực hiện để đối phó với sự thách thức toàn cầu của Tàu. 

 

#1: Ngưng Quyền Phủ Quyết Của Tàu Ở Liên Hiệp Quốc 

 

Đây là một trong những câu hỏi quan trọng nhất về đạo đức của thời đại mà mỗi người trong chúng ta với tư cách công dân Mỹ phải liên tục tự hỏi mình và hỏi những nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta: Làm sao mà Tổng Thống, Bộ Trưởng Ngoại Giao, và Đại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc có thể làm ngơ để Tàu dùng quyền phủ quyết của Liên Hiệp Quốc mặc cả đổi lấy tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu thô từ những xứ chẳng ra gì như Iran và độc tài như Sudan và Zimbawe? Thái độ đổi chác thô bỉ này của Tàu để xây dựng đế quốc thực dân phải bị lên án không phải chỉ bởi nước Mỹ mà còn bởi tất cả các nước khác trên thế giới—từ Âu Châu và Á Châu đến Châu Mỹ La Tinh và đặc biệt Phi Châu, là nơi bị gánh chịu nhiều hậu quả tai hại của chính sách man rợ máu me của Tàu. 

 

#2: Tái Lập Những Sứ Mạng Ngoại Giao Với Chủ Điểm “Đối Phó Với Tàu” 

 

Những cơ sở thường giúp nước Mỹ phát huy “quyền lực mềm” trên khắp thế giới cần phải được tăng cường và thêm nhân viên. Những cơ sở này gồm các cơ quan chính phủ như Dịch Vụ Ngoại Quốc (Foreign Service,) Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế, Đoàn Hòa Bình (Peace Corps,) và cả những chi nhánh của quân đội Mỹ đang cung cấp nhiều dịch vụ ở những nơi lực lượng Mỹ đang trú đóng. 

 

Một phần của việc gây dựng lại nền ngoại giao của Mỹ là cần phải cẩn thận quan sát những hoạt động của Tàu khắp thế giới. Sự quan sát này phải được thi hành ở mức hạ tầng; theo đó mỗi tòa đại sứ cần có ít nhất một chuyên gia về Tàu. Như vậy chúng ta sẽ có một nhóm phân tích gia cốt lõi chuyên về Tàu trong ngành ngoại giao và trong khối tình báo. 

 

Chúng ta không nên quên rằng các công ty cũng có thể đóng góp vào việc phát huy quyền lực mềm của nước Mỹ. Có nhiều tổng giám đốc Mỹ là người yêu nước, và các cơ sở ở ngoại quốc của họ có thể hành xử như đại sứ cho quốc gia chúng ta. 

 

#3: Đưa Thông Điệp Của Mỹ Đến Thế Giới 

 

Cả hai chúng tôi đã nghe tin tức từ đài Voice of America ở những nơi hẻo lánh trên thế giới, nên chúng tôi biết rõ sức mạnh của những tin này. Chúng tôi cũng biết rằng ở các nước đang phát triển, những cơ sở Mỹ phổ biến sách báo và tổ chức những chương trình văn hóa nghệ thuật là rất quan trọng trong việc thu phục nhân tâm. 

 

Về đài VOA, cũng cần ghi nhận rằng ở miền quê nước Tàu truyền hình qua vệ tinh rất phổ biến, ngay cả những nhà bằng đất cổ 200 năm cũng có ăng ten đĩa. Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng đài VOA cần phải mở rộng dịch vụ truyền hình vệ tinh chiếu vào nước Tàu; và điều này có thể thực hiện được với những vệ tinh có sẵn lúc nào cũng ở ngay phía trên Á Châu. Nếu Tàu phản đối thì ta bảo rằng đây là một trong những cách chúng ta tiếp cận thị trường mà Tàu đã đồng ý và ký tên khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. 

 

Tây Phương cũng nên điều nghiên phương cách cung cấp dịch vụ internet không bị kiểm duyệt miễn phí cho công dân Tàu. Những dịch vụ này sẽ cho phép người sử dụng internet đằng sau Vạn Lý Trường Thành Lửa của Tàu được tự do bước vào “thế giới ảo thật.” 

 

Cũng xin nhớ rằng nước Mỹ hiện đang là vua thế giới trong ngành truyền thông và tiếp thị. Và vì thế, thật là rất ngạc nhiên khi chúng ta đã hoàn toàn không lợi dụng ưu điểm này để phổ biến những giá trị dân chủ của chúng ta đến người nước ngoài. 

 

#4: Thay Pháp Ngữ Và Đức Ngữ Bằng Tiếng Quan Thoại Ở Bậc Trung Học 

 

Chúng tôi ủng hộ hết mình việc học ngoại ngữ trong thế giới hôm nay, nhưng chúng tôi nghĩ rằng thật là thiển cận khi ở thế kỷ 21 rồi mà nhiều trường trung học còn bắt học sinh học những lớp như Pháp ngữ hay Đức ngữ. Cần phải cho học sinh chọn thêm tiếng Quan Thoại, và tốt hơn nên bắt đầu ở bậc tiểu học. Vậy bạn hãy vận động với ban quản trị học khu của bạn. (Và tiện thể vận động thay môn tập viết bằng môn đánh máy.) 

 

 

Ngưng Cái Chết Tàu Bởi Chính Tay Tàu 

 

Ngay khi nhậm chức Bộ Trưởng Ngoại Giao, Hillary Clinton tuyên bố với thế giới là nước Mỹ sẽ thôi không gây áp lực với Tàu về nhân quyền. Từ đó không một lời thiếu tế nhị nào được nói đến về vấn đề này. 

 

Đúng ra thì chúng ta cần một “cuộc cách mạng hoa nhài” ở Tàu—ôn hòa hay gì gì khác—để dân Tàu thoát ách Cộng Sản hoặc để lãnh đạo Đảng Cộng Sản nới lỏng sự áp bức độc tài. Việc bớt lên án và bớt áp lực chỉ khiến Tàu tiếp tục đi sai chiều và khiến các nước đang phát triển có cảm tưởng—hy vọng không đúng—rằng Tây Phương ngầm ủng hộ chế độ Bắc Kinh với chính sách độc tài tư bản quốc doanh. 

 

#1: Tái Lập Nhân Quyền Trong Chính Sách Ngoại Giao Mỹ 

 

Nước Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới phải tiếp tục áp lực Tàu tôn trọng những quyền căn bản của người dân, như tự do ngôn luận, lập hội, tụ tập, và thờ phượng, cùng với quyền tự do tổ chức đoàn thể ở nơi làm việc và tự do sinh đẻ. 

 

Nước Mỹ cũng phải đứng lên bênh vực quyền lợi của những sắc tộc bản xứ như Tây Tạng, Nội Mông, và tỉnh Tân Cương (Xinjiang); và gồm cả việc kêu gọi ngưng tức khắc chiến dịch thanh tẩy chủng tộc đang được thi hành ở các vùng gọi là “tự trị” bên Tàu. 

 

#2: Rút Tiền Ra, Không Đầu Tư 

 

Cuộc rút tiền ra khỏi các công ty ở Nam Phi đã thành công trong việc hạ bệ nhóm đầu sỏ kỳ thị chủng tộc. Chúng tôi nghĩ rằng chiến thuật này cũng sẽ hiệu quả ở cái xứ đang cần nguồn đầu tư ngoại quốc như Tàu. Hãy làm phần vụ của bạn bằng cách không đầu tư vào các công ty Tàu, quỹ hỗ tương Tàu (mutual fund), hoặc ngay cả các quỹ gọi là lời nhiều của “các nước đang phát triển” mà trong đó đầy ứ cổ phiếu của Tàu. Thẳng thắn mà nói, việc này tốt cho chính bạn vì bạn sẽ đỡ bị thiệt hại bởi nền kinh tế bong bóng không minh bạch, tham nhũng và đầy rủi ro. Nếu bạn muốn lời nhiều, thì ít ra bạn nên tránh xa Tàu một chút bằng cách đầu tư vào các công ty và tiền của những nơi nhiều tài nguyên như Úc Châu và Ba Tây, họ cũng đang phát triển mạnh như Tàu. 

 

#3: Hạn Chế Xuất Cảng Phương Tiện Kiểm Duyệt Mạng 

 

Đại đa số “gạch” ảo Tàu đang dùng để xây dựng Vạn Lý Trường Thành Lửa đã được làm ở Mỹ bởi những công ty nổi tiếng nhất—với Cisco là tiêu biểu cho vấn nạn này. Đúng ra chúng ta đã phải chấm dứt việc đồng lõa và chơi trò hai mặt từ lâu, nên Quốc Hội cần ngay lập tức thông qua luật hạn chế xuất cảng bất cứ phần mềm hay thiết bị nào mà các chế độ độc tài có thể sử dụng để kiểm duyệt Internet và các hệ thống truyền thông. 

 

 

Đối Diện Sự Thách Thức Không Gian Của Tàu 

 

Trong tất cả các đề mục mà chúng ta đã bàn đến, sự cạnh tranh trong việc chiếm ưu thế ngoài không gian có thể có ảnh hưởng nhiều nhất vào tương lai của con cháu chúng ta. Để bảo đảm con cháu chúng ta sẽ không phải gặp ác mộng “ngủ dưới ánh trăng cộng sản” như Tổng Thống Lyndon B. Johnson, chúng ta cần phải cương quyết hành động ngay. Hiện nay chương trình không gian của Mỹ đang tan rã và ngân sách liên bang bị khủng hoảng nên chắc chắn cần phải có những ý kiến mới và táo bạo. 

 

#1: Dùng Lợi Thế Của Khu Vực Kỹ Nghệ Tư Doanh Để Giảm Chi Phí 

 

Sự nâng đỡ của chính phủ đã rất là quan trọng để khởi động chương trình không gian sau vụ Sputnik. Nhưng sau sự thành công của chương trình Apollo, cái tâm lý nguy hiểm chi tiêu quá mức cộng với các hành động đổi chác kiếm lợi trong chính trị (pork barrel politics) đã tạo ra những nhóm khổng lồ độc quyền vô luân không hiệu quả để giờ đây chúng ta bị kẹt với một guồng máy thám hiểm không gian quan liêu, chỉ dè dặt đi đến những nơi mà loài người đã qua lại nhiều lần—với chí phí khủng khiếp. 

 

Bây giờ đã đến lúc sự độc quyền không gian của chính phủ cần được trao cho khu vực kỹ nghệ tư doanh để dân sự và quân đội được hưởng lợi từ các tác động thị trường. Miền Tây nước Mỹ đã được chinh phục bởi thợ mỏ, chủ nông trại, xe ngựa, và xe lửa, chứ không phải bằng kỵ binh của Tướng Custer. Một vật chứa đầy phi hành gia của chính phủ trôi trên trời mà độ cao chưa bằng khoảng cách giữa Boston và New York không phải là cách chinh phục biên cương mới. 

 

Thực tế là đã có các công ty đầy triển vọng như SpaceX, Scaled Composites, Sierra Nevada, và XCOR đang thực hiện việc giảm chi phí thám hiểm không gian. Hơn nữa, mô hình suy nghĩ phóng khoáng, thiết kế táo bạo là điều các tổ hợp quốc doanh khổng lồ của Tàu không thể nào bắt chước được và đám lãnh đạo độc tài quái đản của Tàu không bao giờ cho phép—mặc dù gián điệp và tin tặc Tàu chắc chắn sẽ tìm mọi cách ăn cắp những kỹ thuật mới. Vậy thì chúng ta phải dùng lợi thế của khu vực kỹ nghệ tư doanh trong lãnh vực cực kỳ quan trọng này. 

 

Vì những lý do này mà Charles Bolden, người điều hành NASA, đã kêu gọi các công ty tư nhân hãy nhanh chóng nhận lấy phần việc nhàm chán “chuyên chở ngoài không gian,” cung cấp phương tiện đến vùng quỹ đạo thấp một cách đáng tin cậy và đều đặn. Như vậy NASA sẽ rảnh hơn để tập trung vào những việc thám hiểm nhiều thử thách. Mục tiêu này đã được Tổng Thống Obama ủng hộ với ngân sách 6 tỉ đô la dành để thuê dịch vụ phóng phi thuyền tư nhân. Những nỗ lực của Quốc Hội để nhận chìm kế hoạch này, đi ngược trào lưu, và đưa NASA trở về với những chương trình buồn ngủ phải được chấm dứt! 

 

#2: Đẩy Mạnh Chương Trình Giáo Dục STEM 

 

Tàu đang sản xuất số lượng kỹ sư và khoa học gia gấp mười lần nước Mỹ; và quốc gia chúng ta đang tụt xa phía sau. Chúng ta phải nỗ lực gấp đôi ở tầm mức cá nhân, gia đình, công ty, và chính phủ để thu hẹp khoảng cách này bằng cách khuyến khích những thế hệ trẻ trở thành kỹ sư và khoa học gia, và bằng cách cung cấp ngân sách, cơ sở, và cơ hội. 

 

Theo đó, học bổng, tiền cho sinh viên vay, và tiền trợ cấp cho giáo dục cần phải được tập trung vào các ngành Khoa Học (Science,) Kỹ Thuật (Technology,) Chương trình Kỹ Sư (Engineering,) và Toán (Math)—gọi tắt là STEM. Đồng thời các bậc cha mẹ cần khuyến khích con cháu theo đuổi những ngành nghề STEM. Các cơ quan truyền thông cũng có thể đóng góp bằng cách phổ biến những thông điệp tích cực và nêu gương thành công của những trẻ em có các đóng góp vào sự tiến bộ của nhân loại. Tương tự, các công ty có thể góp phần bằng cách công khai tưởng thưởng kỹ sư giỏi giống như họ đang tâng bốc nhân viên bán hàng giỏi với bữa ăn tối hoặc chuyến du lịch. 

 

#3: Xác Nhận Chủ Quyền Mặt Trăng Trước Tàu 

 

Sau khi đọc xong sách này, bạn có thực sự tin rằng chương trình không gian của Tàu là để góp phần làm tốt đẹp thế giới hay không? Sự thực là, chúng ta phải chuẩn bị cho việc Tàu sắp chụp giật các tài nguyên không gian y hệt như Tàu đang chiếm nguyên cả vùng Nam Hải, gọi đó là khu vực ảnh hưởng, và đòi vùng lãnh hải nhiều tài nguyên của Nhật Bản là của riêng Tàu. 

 

Chính vì vậy mà nước Mỹ phải bắt đầu xác nhận chủ quyền trên những tài nguyên không gian như mặt trăng khi chúng ta vẫn còn ở thế mạnh. Chúng ta cũng phải xác nhận chủ quyền trên những thiên thạch đầy tài nguyên như Eros và những nơi có thể làm thuộc địa như Ceres, Hỏa Tinh, và các điểm Lagrange. Khi các nước khác phản đối là chúng ta “chiếm đất” thì ta kéo họ vào thảo luận chung, đề ra một phương pháp công bằng trong đó mọi người đều có quyền tự do kinh doanh, tự do suy nghĩ, và con người tự do sẽ đưa nhân loại vươn xa tới những vì sao lạ thay vì cái chế độ độc tài áp bức thô bạo tư bản quốc doanh Tàu. 

 

 

Những Ý Nghĩ Cuối 

 

Dù những hành động cá nhân, những quyết định của tổng giám đốc, và các cuộc cải tổ của chính phủ được đề nghị trong chương này sẽ cải thiện đáng kể sự liên hệ Mỹ-Tàu và sẽ dẫn đến một tương lai phồn thịnh cho cả hai bên thay vì sự liên hệ ký sinh trùng như hiện nay, có lẽ điều cả thế giới cần nhất là một sự thay đổi thái độ toàn diện. 

 

Đã quá lâu rồi, chúng ta ở Phương Tây cứ chờ và mong rằng nền kinh tế phát triển của Tàu bằng cách nào đó sẽ tự động chuyển hóa cái chính quyền độc tài ác ôn thành một quốc gia dân chủ cởi mở. Chúng ta đã chờ qua nhiều biến động như: cuộc thảm sát ở Thiên An Môn; chiến dịch thanh tẩy chủng tộc ở Nội Mông, Tây Tạng, và Tân Cương; sự phát triển của bộ máy tuyên truyền tinh vi và kiểm duyệt gắt gao nhất thế giới; cơn lũ hàng độc hại chết người vào thị trường thế giới; cuộc bóc lột nền sản xuất của nước Mỹ; sự ô nhiễm toàn diện ảnh hưởng toàn cầu; hệ thống gián điệp rộng lớn liên tục tấn công vào các cơ sở quân sự và kỹ nghệ; và sự xuất hiện nhanh chóng của cỗ máy chiến tranh năm chiều đủ khả năng lấn chiếm môt cách thô bạo nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới—và dĩ nhiên ngoài không gian. 

 

Chúng ta phải thôi không chờ nữa. Đúng ra là chúng ta đã phải đối phó với Tàu từ lâu rồi—và phải chấp nhận rằng chúng ta đã sai lầm khi kỳ vọng sự vươn lên của Tàu là cuộc phát triển ôn hòa. 

 

Và cũng không cần nhắc rằng khi chúng ta giải quyết các vấn đề như chính sách chỉ huy kinh tế của Tàu, an toàn sản phẩm, sự thay đổi khí hậu, nhân quyền, và hợp tác quân sự, việc giao dịch với Tàu ở các cấp cần phải được thực hiện với tinh thần cảnh giác cao độ. Cũng cần phải tuân thủ chặt chẽ lời khuyên của cố Tổng Thống Ronald Reagan trong thời chiến tranh lạnh với Liên Sô. Vì cho đến nay Tàu có một thành tích tồi tệ nên đối với Bắc Kinh ta lúc nào cũng phải “không tin và kiểm chứng liên tục.” 

 

 

Kỳ tới: Lời Bạt của Dân Biểu Dana Rohrabacher

 

______________________________________________________

 

 

 

Lời Bạt

 

Năm 1984 tôi có nhiệm vụ viết diễn văn cho chuyến đi của Ronald Reagan sang Tàu. Đây là chuyến đi đầu tiên của một tổng thống Mỹ kể từ khi Richard Nixon thiết lập ngoại giao với Cộng Sản Tàu vào năm 1972. Đây là thời điểm đầy hy vọng và có nhiều tiến triển tốt đẹp trong các biến chuyển chính trị của Tàu. 

 

Vào lúc đó lãnh đạo Tàu Đặng Tiểu Bình có vẻ thực tâm muốn đưa cái xứ tù túng cô lập của Mao tiến về phía cộng đồng các quốc gia tiến bộ dân chủ, và ra khỏi cuộc xung đột với Tây Phương. Để đáp ứng, các công ty Mỹ như Coca Cola, KFC, và Proctor Gamble bắt đầu cắm rễ ở Tàu, và hàng xuất cảng của Tàu vào Mỹ tăng dần—nhưng lúc này chưa có gì phải lo lắng. 

 

Nếu tiến trình dân chủ và việc giải phóng kinh tế ở Tàu vẫn tiếp tục, thì nước Mỹ đã hành động đúng. Nhưng như bạn đã biết, tiến trình dân chủ đó đã đột ngột dừng lại vào tháng Sáu năm 1989 với hàng đoàn xe tăng và cuộc tàn sát đẫm máu ở Công Trường Thiên An Môn. 

 

Kể từ biến cố Thiên An Môn, Đảng Cộng Sản Tàu tàn ác đã làm đủ mọi cách để tiếp tục giữ chặt quyền lực. Ngày nay, vì Tàu núp đằng sau mặt nạ “phát triển ôn hòa” nên quá nhiều người Mỹ vốn dễ tin bị dụ dỗ vào một sự liên hệ mậu dịch tồi tệ với Tàu khiến nền sản xuất của chúng ta bị tiêu diệt và khả năng tự vệ của chúng ta bị xuống cấp trước sự đe dọa của quân đội Tàu đang lớn mạnh. 

 

Mặc dù sự đe dọa của Tàu đang tăng dần—và với sự ủng hộ đặt sai chỗ của cả hai đảng—các tổng thống Mỹ từ Bush I và Clinton đến Bush II và Obama vẫn tiếp tục giao hảo với Tàu như thể mọi việc vẫn bình thường. Và đó là điều sai lầm căn bản trong sự liên hệ Mỹ-Tàu: Các chính khách của chúng ta vẫn tiếp tục xem các lãnh tụ Tàu như những người bạn dân chủ từ Âu Châu hay Nhật Bản, trong khi thực tế thì đây là một chế độ băng đảng giết người chẳng khá gì hơn Ahmadinejad ở Iran hay Gadhafi ở Libya và tàn ác giống hệt Stalin ở Nga không khác tí nào. 

 

Tôi bảo đảm với bạn rằng nếu bây giờ Ronald Reagan là tổng thống, ông sẽ đứng thẳng đối đầu với những tay độc tài ở Bắc Kinh như ông đã từng làm với Sô Viết. Sẽ không có chuyện “tối huệ quốc” và cũng không có chuyện Tàu tài trợ ngân sách của chính phủ chúng ta. Gián điệp Tàu sẽ bị xử nhanh chóng, tội gây chiến trên mạng sẽ bị trừng phạt nặng nề, và các trò chỉ huy kinh tế như ma-nớp tiền tệ sẽ hoàn toàn không được dung thứ. Trên trường ngoại giao cũng sẽ có những bày tỏ phẫn nộ trước việc Tàu thô bỉ dùng quyền phủ quyết ở Liên Hiệp Quốc để đổi lấy tài nguyên từ những lãnh tụ đểu giả. Và cũng tương tự như trước kia Ronald Reagan đã thúc giục Gorbachev “đập đổ bức tường,” nay ông sẽ tuyên bố với nhân dân Tàu, “Chúng tôi đứng cùng với các bạn, không đứng chung với những kẻ đàn áp các bạn.” Và ông sẽ trấn an người lao động Mỹ rằng, “Chúng tôi sẽ không đưa việc làm của quý vị qua Quảng Châu để giá thành rẻ hơn vì nạn lao động nô lệ, nạn trợ giá bất hợp pháp, nạn căn cắp tài sản trí tuệ trắng trợn, và đồng quan được định giá thấp.” 

 

Thực tế là lịch sử đã cho chúng ta những bài học đắt giá về điều có thể xảy ra khi người dân ở các quốc gia dân chủ bị mê hoặc bởi “phép lạ kinh tế” của một chế độ độc tài. Trong thời gian Đại Suy Trầm vào những năm 1930, nhiều tổng giám đốc công ty Mỹ đã bị quyến rũ qua Đức bởi những thứ như kỹ thuật tiên tiến, chủ nghĩa quốc gia cực đoan, và kinh tế quốc doanh tương tự như ở Tàu ngày nay. 

 

Trong phiên bản “phát triển ôn hòa” của Đức trước đây, những thương gia thông minh nhưng ngây thơ như Henry Ford đã đầu tư những số tiền khổng lồ để xây dựng nhà máy ở Đức. Dĩ nhiên, chính phủ Đức trước tiên tước bớt quyền của Ford bằng cách bắt phải dùng bộ phận trong nước và bắt thanh lọc chủng tộc trong hàng ngũ quản trị. Rốt cuộc công ty bị đổi tên thành Ford-Werke, bị đặt dưới quyền điều hành của chính phủ, và bị sử dụng để phục vụ chiến tranh trong các cuộc chiến chớp nhoáng với các lân bang như Poland, Denmark, Norway, Netherlands, France, và Greece. 

 

Cũng vào khoảng thời gian này, những người phóng khoáng “giác ngộ” ào ạt đi thăm Liên Sô (mới được thành lập,) và nhà báo chủ trương cải cách xã hội Lincoln Steffens trở về tuyên bố, “Tôi đã thấy tương lai, thật tốt đẹp!” Quá hứng khởi, Henry Ford chạy qua dựng nhà máy ở Gorky để tham gia vào thị trường tốt đẹp này. Dĩ nhiên đây cũng lại là trò lừa độc tài, và Ford bị bóc lột thêm lần nữa. 

 

Dưới ánh sáng của lịch sử—và với chân dung rõ nét của Tàu ngày nay—những nhà lãnh đạo trong thương trường và trong chính trị từ Detroit và Washington đến Paris, London, và Tokyo có lẽ đang có cảm tưởng đang sống lại thời quá khứ. Vậy thì khi bạn sắp đọc xong sách này và chuẩn bị hành động, xin nhớ cho hai điều: 

 

Đầu tiên, hàng ngày nhiều chục triệu người Tàu thành công ở San Francisco, Toronto, Singapore, và Taipei đang chứng minh rằng người dân Tàu và văn hóa Tàu có thể phát huy trong xã hội tự do. Những hành động như đánh đập, tra tấn, hoặc giết người khác để giữ quyền lực; dối trá với những nhà đầu tư ngoại quốc và đối tác thương mại; hay ăn cắp kỹ thuật và tài sản trí tuệ của người khác, đều không phải “Tàu.” Giản dị chỉ là sai. 

 

Thứ nhì, mỗi người trong chúng ta cần suy nghiệm kỹ càng những ẩn ý đằng sau những lời đối thoại sau đây giữa Thủ Tướng Tàu Chu Ân Lai và Ngoại Trưởng Mỹ Henry Kissinger năm 1973 khi sự liên hệ giữa Mỹ và Tàu Cộng Sản đang bắt đầu được bình thường hóa. 

 

Chu: Hình như nói chung dân Mỹ dễ bị lừa bởi những kẻ có vẻ hiền lành tử tế. Kissinger: Vâng. Chu: Nhưng thế giới không giản dị như vậy… 

 

Đúng quá... 

 

—Dân Biểu Dana Rohrabacher Quận 46 (Rep, CA) 

 

 

--- HẾT ---


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen