Samstag, 7. Juli 2012

Death By China-Chết bởi tay Tàu 14



Peter Navarro: Giáo sư kinh tế đại học UC Irvine

Greg Autry: Thương gia

(Người dịch: Vĩnh Nguyên)

 

(Tiếp theo)

 

Phần IV

Cẩm Nang Đi Tắt Đến Gulag Tàu

 

 

14. 

Chết Dưới Tay Tàu Trên Đất Tàu: Dụ Dỗ Giống Tốt Và Những Chuyện Thực Tế Khác 

 

Nhấn vào nước cống, rút móng tay, không cho ngủ, dí thuốc lá, và đánh roi điện, là vài trong nhiều cách tra tấn mà cảnh sát và cai tù Tàu sử dụng để bắt tù nhân nhận tội và để giữ kỷ luật. Đây là kết quả của cuộc điều tra do Liên Hiệp Quốc thực hiện. 

—The Guardian of London 

 

Đảng Cộng Sản Tàu ngày nay đánh đập, tra tấn, vắt kiệt sức lao động, triệt sản, nhốt tù, và giết công dân của họ—và cả nhiều triệu người Tây Tạng, Mông Cổ, và Duy Ngô Nhĩ như thế nào? Chúng ta sẽ bàn về những cách đó trong chương này; và chỉ cần nhìn sơ qua sự tàn ác với bàn tay sắt của Bắc Kinh là đủ thấy rằng vấn đề không phải là người dân Tàu mà là cái nhà nước thường xuyên chà đạp công dân của chính mình. 

 

 

Không Bé Trai Nào Bị Bỏ Rơi—Trừ Đứa Bé Bị Vất Vào Bao Rác 

 

Nhấn nước cho chết ngộp hoặc bỏ rơi bé gái sơ sinh là phạm tội. 

—Khẩu hiệu trên tường bệnh viện làng Đãi Bổ (Daibu), tỉnh Vân Nam 

 

Số đàn ông độc thân ở Tàu—theo cách gọi của Tàu là “cành cây trơ trụi”—nhiều bằng tổng số thanh niên ở Mỹ. Ở bất cứ đâu thanh niên không gia đình đều dễ trở thành vấn nạn của xã hội…Tỉ lệ tội ác, mua bán cô dâu, bạo hành tình dục, và ngay cả việc phái nữ tự tử, tất cả đều đang tăng và sẽ còn tiếp tục tăng khi những thế hệ mất quân bình đến tuổi trưởng thành. 

—The Economist 

 

Điều rất thật là Tàu có quá đông dân và là quốc gia đông dân nhất hành tinh. Nhưng cái cách mà Tàu “chữa bệnh” này—chính sách “chỉ một con”—đã tạo ra nhiều vấn nạn còn tệ hơn. Các nước đang phát triển khác như Ba Tây, Ấn Độ, và Mễ Tây Cơ đã giảm dân số xuống mức kiểm soát được bằng những phương pháp nhân đạo hơn. Việc kiểm soát sinh đẻ của chính phủ Tàu thật là ghê rợn với những cách như ép buộc, bắt triệt sản, bắt phá thai, và giết trẻ sơ sinh. 

 

Nền tảng của chính sách không cho lựa chọn là tiền phạt nếu có đứa con thứ nhì, một số tiền thường lớn hơn thu nhập cả năm của gia đình. Vì tiền phạt nặng như vậy nên khi một cặp vợ chồng khám phá họ có thai lần thứ nhì, họ có thể bị sạt nghiệp nếu họ muốn giữ đứa con. Kết quả không có gì đáng ngạc nhiên là số ca phá thai ở Tàu nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại—gần 13 triệu ca mỗi năm, và đó là con số dè dặt do chính nhà nước cung cấp. 

 

Nhưng dù cặp vợ chồng có đủ khả năng nộp phạt hoặc được đặc miễn, vẫn không có nghĩa là họ sẽ có được đứa con thứ nhì. Các viên chức nhà nước thường hay đi lùng bắt những phụ nữ mang thai vì việc thăng thưởng của họ còn tùy thuộc vào việc địa phương của họ có đạt được chỉ tiêu hạn chế sinh đẻ hay không. 

 

Đây là vài thí dụ. Tạp chí Time tường trình việc 61 phụ nữ mang thai bị đưa đến bệnh viện ở Quảng Tây (Guangxi) và bị chích thuốc phá thai. Đài truyền hình Al Jeezera dù bình thường thân Tàu cũng đã tường trình vụ cô Xiao Ai Ying “mang thai 8 tháng nhưng vẫn bị bắt phá vì cô đã có bé gái 10 tuổi.” Và National Public Radio kể chuyện mục sư Cơ Đốc Liang Yage và vợ là Wei Linrong bị bắt phải đến bệnh viện dù họ sẵn sàng nộp phạt để có đứa con thứ nhì. Khi họ từ chối ký giấy đồng ý phá thai, các viên chức nhà nước giả mạo chữ ký của họ rồi chích thuốc bà vợ đang mang thai 7 tháng. Ngày hôm sau Wei phải trải qua 16 giờ đau đớn, và khi bà đẻ ra một bé trai đã chết, nhân viên bệnh viện quẳng xác bé vào bao rác. 

 

Wei Linrong bị mất con trai nhưng hầu hết bé gái mới là nạn nhân của chính sách một con của Tàu. Gần như tất cả các bé bị bỏ rơi là bé gái, nhiều thai nhi bị phá là bé gái, và nhiều trẻ sơ sinh bị giết cũng là bé gái. Vì Tàu cấm những cặp vợ chồng dưới 35 tuổi và những ai đã có con không được nhận con nuôi nên nhiều ngàn bé gái may mắn đã có được gia đình thương yêu ở Mỹ, Úc, và Âu Châu—và các cửa tiệm buôn bán trẻ em của chính phủ Tàu lại có thêm tiền. 

 

Theo nhà báo Joseph Farah, việc giết trẻ sơ sinh dựa trên giới tính ở Tàu là “một cuộc thảm sát lớn nhất trong lịch sử nhân loại.” Dù bạn đồng ý hay không thì sự thật là việc giết bé gái ở Tàu đã khiến xã hội mất quân bình giới tính. Ở Tàu cứ 119 bé trai mới có 100 bé gái, còn ở một số tỉnh thì tỉ lệ lên đến 130:100. 

 

Vì hậu quả sai lầm của chính sách một con của Tàu, hiện nay 100 triệu đàn ông Tàu không thể tìm được vợ. Những “cành cây trơ trụi” này bằng tổng số đàn ông ở Nhật và Nam Hàn hoặc bằng toàn thể số thanh niên ở Mỹ. 

 

Kết quả không tránh được là việc mua bán dâm gia tăng (kèm theo đủ thứ chuyện liên hệ), nô lệ tình dục, và ngay cả việc bắt cóc phụ nữ từ ngoại quốc mang về. Báo Washington Post cho rằng có đến 100,000 phụ nữ Bắc Hàn bị mang qua Tàu làm nô lệ tình dục. Đúng là việc xảy ra ở Tàu đã không ở lại Tàu. 

 

 

Ba Tỉnh Tự Trị Của Sự Khải Huyền 

 

Chúng tôi đã bị lừa, bị giết, bị hiếp dâm, bị xâm phạm, bị tước đoạt, bị phản bội, bị phế bỏ, bị bán và bị tra tấn quá lâu rồi! 

—Kekenus Sidik, Người Duy Ngô Nhĩ chống đối 

 

Không phải chỉ có phụ nữ Tàu muốn có đứa con thứ nhì mới bị bắt phải triệt sản, mà đây là một điều bình thường ở Tây Tạng, Nội Mông, và Đông Turkestan—ba nơi được gọi là những tỉnh “tự trị” của Tàu. Sau đây là chuyện thanh tẩy chủng tộc. 

 

Dù Bắc Kinh hay nói Tây Tạng, Nội Mông, và Đông Turkestan chịu ảnh hưởng và sự cai trị của Tàu đã lâu, nhưng thực tế là dân ở những vùng này đã tự hào giữ được bản sắc, văn hóa, và có luật lệ riêng cho đến khi xe tăng Cộng Sản tiến vào trong những năm 1950. Trong thời gian này, Hồng Quân đánh đuổi Đạt Lai Lạt Ma ra khỏi Tây Tạng và Mao Trạch Đông chia đôi Mông Cổ với Sô Viết. Nhờ sự giúp đỡ của Stalin, Mao đã dàn dựng một tai nạn máy bay để làm suy yếu ban lãnh đạo Đông Turkestan và sau đó đưa bù nhìn lên thay thế. 

 

Ngày nay, 50 năm sau, cả ba vùng một thời độc lập đang ở dưới gót giầy của Đảng Cộng Sản. Họ cũng là nạn nhân của một chiến dịch thanh tẩy chủng tộc không ngừng để thay thế những sắc dân bản xứ bằng người Tàu gốc Hán. Cuộc “Hán hóa” ở Tây Tạng, Nội Mông, và Đông Turkestan gồm nhiều phần, từ việc đưa qua nhiều triệu người Tàu gốc Hán để lấn (hoặc giết) người địa phương, triệt sản phụ nữ bản địa, đến việc pha loãng giống của dân bản địa bằng những chính sách khiến phụ nữ địa phương lấy chồng người Hán. 

 

Đến nay, cuộc thanh tẩy chủng tộc đã rất thành công ở Nội Mông, nơi đây người Hán chiếm 80% dân số. Theo Đảng Nhân Dân Nội Mông, để thực hiện cuộc Hán hóa, trên một phần tư triệu người Mông Cổ đã bị giết và hơn 15 triệu người Tàu đã được đưa đến Nội Mông để làm tan loãng nền văn hóa Mông Cổ. 

 

Còn ở Đông Turkestan—mà bản bản đồ Tàu ghi là Tân Cương—Rebiya Kadeer, một phụ nữ lãnh đạo người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị trục xuất sang Mỹ, đã cho Quốc Hội biết rằng 240,000 người Duy Ngô Nhĩ mà phần lớn là phụ nữ đã bị bắt phải rời quê. Nhiều phụ nữ đã bị ép phải lấy đàn ông Hán để lai giống, và nhiều phụ nữ khác bị bắt làm nô lệ lao động hoặc phục vụ tình dục. Còn nữa, dù dân thiểu số được đặc miễn với luật một con nhưng nhiều ngàn phụ nữ Duy Ngô Nhĩ vẫn “bị bắt phá thai, bị bắt triệt sản, và bị bắt phải đặt vòng xoắn.” 

 

Sự bất mãn ở Tân Cương lên cao điểm vào năm 2009 với những cuộc chống đối mà sau đó leo thang thành những vụ chạm trán giữa dân Duy Ngô Nhĩ và dân Hán. Theo thói quen hung bạo, công an Tàu bao vây và đánh đập vài trăm người biểu tình—và bắt đi mất tích vài chục đàn ông Duy Ngô Nhĩ. Một người dân ở Urumqi mô tả cuộc đàn áp dã man với tổ chức nhân quyền Human Right Watch như sau: 

 

Họ ra lệnh mọi người phải ra khỏi nhà. Phụ nữ và người già đứng qua một bên, còn tất cả người nam từ 12 đến 45 tuổi đứng dọc theo tường…Họ đánh bừa vào những người đàn ông bất kể già trẻ—ông hàng xóm 70 tuổi của tôi bị đấm bị đá nhiều lần. Chúng tôi không thể làm gì để họ ngừng đánh ông già—họ không chịu nghe chúng tôi. 

 

Tây Tạng cũng chẳng khá gì hơn Nội Mông và Tân Cương. Đường xe điện cao tốc đến Tây Tạng từ những thành phố như Bắc Kinh, Thành Đô, Quảng Châu, và Thượng Hải chỉ làm gia tăng số lượng người Hán ồ ạt tràn đến vùng Hi Mã Lạp Sơn. 

 

Ở Tây Tạng ngày nay, người Tàu Hán làm chủ hầu hết các cửa hàng ở thủ đô Lhasa và gần như chiếm phần lớn dân số thủ đô. Trong khi đó, ngôn ngữ Tây Tạng bị coi là “ngoại” ngữ, và ở trường trung học thì học sinh phải nói tiếng Quan Thoại. 

 

Miền quê Tây Tạng cũng đang ở vào tình trạng bị vây hãm tương tự. Trong một số trường hợp, cả làng bị lùa vào ở trong những trại bằng xi măng và gia súc bị tịch thu, để Tàu lấy đất xây đập. Một người trong trại giải thích tình trạng khốn khổ của đồng hương: “Họ không có việc làm và không có đất, cách duy nhất để có cái cho vào bụng là ăn cắp.” 

 

Và đây là tình trạng tiến thoái lưỡng nan của người Tây Tạng: Một số nông dân phải cho người Hán thuê đất của họ để lấy tiền trả nợ căn nhà mà họ bị bắt phải mua khi họ bị bắt phải dời chỗ ở. Dĩ nhiên nhà băng Tàu là người viết hợp đồng thuê đất. 

 

Vì những lý do này và những lý do khác nữa, sự nổi giận của người Tây Tạng đã trào lên cách đây vài năm với một số dân nổi loạn ném đá vào công an, tấn công người Hán, và đốt cửa tiệm của người Hán. Cũng đoán trước được là những người này đã bị đàn áp dã man—nhưng vài trăm nhà sư chỉ biểu tình ôn hòa cũng bị vây bắt và bị đánh đập. 

 

Trong khi đó để dấu kín việc đàn áp, Bắc Kinh ngăn trở gắt gao không cho phóng viên báo chí đến Tây Tạng. Hơn nữa, bất cứ du khách ngoại quốc nào muốn đến cũng cần phải có giấy phép đặc biệt, và trong vài năm gần đây, không ai được đến vào khoảng thời gian kỷ niệm cuộc biểu tình. Những ai lén đến được đều hãi hùng—như Jezza Neumann người Anh, nhà làm phim tài liệu Ẩn Mình ở Tây Tạng (Undercover in Tibet) ghi nhận, “Tôi chưa gặp ai bị bắt mà không bị tra tấn.” 

 

Những nhà làm phim cũng tường trình là Tàu đưa ào ạt vào Tây Tạng nhiều xe triệt sản di động, bắt và và đè phụ nữ Tây Tạng xuống nhét vòng xoắn ngừa thai cũng như cột ông dẫn trứng mà không có thuốc tê gì cả. Một nạn nhân mô tả sự việc như sau: 

 

Tôi không muốn nhưng vẫn bị bắt đi. Tôi đang bị ốm nên lảo đảo không ngước đầu lên được. Hiển nhiên là họ cắt ống dẫn trứng rồi khâu lại. Lúc đó đau cực kỳ. Họ không dùng thuốc tê. Họ chỉ bôi chất gì đó lên bụng tôi rồi làm tôi không sinh đẻ được nữa. 

 

Khi đó Đạt Lai Lạt Ma đang lưu vong ở Ấn Độ, cố gắng vận động để dân của Ngài được tự trị, thoát ách Tàu, nhưng không kết quả. Và trong công viên gần lâu đài Potala linh thiêng nơi Đạt Lai Lạt Ma đã có lần ở qua một mùa đông, nhiều tín đồ giấu ảnh bị cấm của Ngài trong túi và cầu nguyện, trong khi đó mấy cái loa tuyên truyền của nhà nước xa xả nhưng khẩu hiệu như: “Chúng ta là một phần của nước Tàu, góp phần vào tương lai tươi sáng—chúng ta là người Tàu.” 

 

Bây giờ đây là lời khen cho sự sốt sắng và chu đáo của mấy đôi giầy bốt ở Bắc Kinh: Họ đã cẩn thận thực hành hai bước để bảo đảm Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp sẽ là bù nhìn của họ chứ không phải là tiếng nói độc lập như Đạt Lai Lạt Ma hiện tại. Đầu tiên, cách đây đã lâu họ mang đi biệt tích hóa thân 6 tuổi của Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama), nhân vật cao cấp thứ nhì của Phật Giáo Tây Tạng. Không ai thấy tù nhân chính trị nhỏ nhất thế giới này từ năm 1996. 

 

Thứ nhì, và đây là điều khiến ta phải phá ra cười và cũng rất đáng buồn, Bắc Kinh cấm các sư Phật Giáo ở Tây Tạng không được đầu thai khi chưa có phép của nhà nước. Báo Huffington Post đã giải thích mục đích ngầm của cái luật có vẻ lố bịch này: “Khi cấm các sư Phật Giáo ở ngoài nước Tàu không được đầu thai, thì Tàu được quyền chọn Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp, mà theo truyền thống thì linh hồn của Ngài tái sinh làm người để tiếp tục công việc làm giảm nỗi khổ đau.” 

 

 

Charles Dickens Ở Đông Quan 

 

Doanh gia Tàu có những xưởng sản xuất 5 sao đủ tiêu chuẩn đạo đức như những đại công ty mà họ phục vụ. [Alexandra] Harney [trong quyển The China Price] kể chuyện một giám đốc của Walmart đi kiểm tra xưởng sản xuất hàng cho Walmart, “Việc của bà là xét xem xưởng này có theo đúng tiêu chuẩn đạo đức của Walmart hay không—tức là nghiêm cấm thuê lao động trẻ em và xử dụng nô lệ, an toàn nơi làm việc, giờ giấc và lương bổng hợp lý.” Xưởng mà giám đốc này kiểm tra…thuộc loại 5 sao…[nhưng] công việc sản xuất thực sự lại ở một xưởng u ám…” trong một khu thương mại, xưởng u ám này không có giấy phép hoạt động. 500 nhân viên làm việc không có thiết bị an toàn hay bảo hiểm và họ phải làm nhiều giờ hơn quy định. Họ được trả lương theo ngày thay vì theo tháng. Không ai ở Walmart thấy xưởng này dù Walmart mua nhiều hàng do xưởng này sản xuất.” 

—Daily News & Analysis 

 

Trong khi người Tây Tạng, Mông Cổ, và Duy Ngô Nhĩ bị chà đạp dưới gót giầy của Đảng Cộng Sản Tàu thì hoàn cảnh của người lao động cũng chẳng khá hơn nhiều. Các viên chức Tàu thích đưa người Tây Phương đi xem những xưởng kiểu mẫu 5 sao với những thiết bị an toàn và bảo vệ môi trường tối tân hiện đại. Người Tây Phương rất hiếm khi được thấy những xưởng u ám không thể chịu nổi sau hàng rào điện tử có bảo vệ canh gác ở các khu kỹ nghệ của Tàu, mà những xưởng này mới là nơi thực sự sản xuất. Một nhân viên của một xưởng sản xuất Xboxes cho Microsoft ở miền nam nước Tàu nói: “Chỉ khi nào có khách ngoại quốc đến thì ban quản đốc mới cho mở máy điều hòa không khí.” 

 

Lao động trong những xưởng mồ hôi nóng nực chỉ là một trong nhiều điều gần giống như nô lệ mà nhiều triệu nhân công Tàu phải chịu đựng; ngay cả khi những xưởng này có vẻ như chịu sự kiểm soát của những đại công ty Mỹ như Microsoft và Walmart. Chẳng hạn như công ty Yuwei ở phía nam thành phố Đông Quan. Yuwei sản xuất những vật bằng nhựa cho những cơ phận xe hơi như thắng, cửa, và hộp số, và hãng xe Ford là khách hàng chính chiếm 80% thương vụ của công ty này. Ngoài ra Yuwei còn phục vụ những hãng lớn như General Motors, Chrysler, Honda và Volkswagen; và Yuwei còn có văn phòng và nhà kho ở Ann Arbor tiểu bang Michigan, Mỹ Quốc. 

 

Và đây là điều kiện làm việc ở những xưởng sản xuất của Yuwei, theo bản tường trình “Cơ Phận Bẩn Thỉu/Ngón Tay Rẻ Tiền: Hãng Ford Ở Tàu” năm 2011. Cuộc điều tra này cho biết: Công nhân Yuwei lao động mỗi ngày 14 giờ, 7 ngày một tuần, với những máy móc mà bộ phận an toàn bị cố ý tắt hoặc tháo gỡ để tăng năng xuất. Cũng tăng theo đáng kể là tay chân bị cắt, tàn phế, và ngón tay bị đứt lìa. Bản tường trình “Ford ở Tàu” mô tả: 

 

Công nhân “A” 21 tuổi bị mất ba ngón khi bàn tay trái của anh bị kẹt trong máy dập. Lúc đó anh đang sản xuất “RT tubes” để xuất cảng cho hãng Ford. Ban quản đốc đã ra lệnh cho công nhân phải tắt cơ phận kiểm tra an toàn để làm nhanh hơn. Công nhân “A” nói, “Chúng tôi phải tắt cơ phận an toàn. Ông xếp không cho bật lên.” Anh ta phải dập 3,600 “RT Tubes” mỗi ngày, mỗi cái 12 giây. 

 

Vậy thì ba ngón tay bị mất đáng giá bao nhiêu ở Tàu? Khoảng 7,000 đô la, nhưng sau đó tương lai tìm việc khác thì mờ mịt.  

Ngoài ra, công nhân nào nghỉ một ngày thì bị trừ ba ngày lương. Bị đuổi việc sau khi bị thương tật là chuyện đương nhiên ở Tàu. Một người bạn của chúng tôi cung cấp hàng cho một công ty ở Thượng Hải kể, “Nếu tai nạn xảy ra, ngay cả chết người, không có ai điều tra. Tai nạn tương tự thứ nhì xảy ra, vẫn chẳng ai chịu điều tra. Đến tai nạn thứ ba may ra có người đến điều tra.” Xin nhớ những điều này khi bạn định mua xe Ford với nhãn “Made in America” nhưng thực ra là được ráp lại với cả đống bộ phận Tàu. 

 

 

Không Có Gì Là “Tương Tự” Về Lao Động Nô Lệ Này 

 

Khoảng 11.6% trẻ em trong độ 10-14 tuổi đang lao động ở Tàu. Nhiều công ty thích lao động trẻ em vì trẻ em rẻ, vâng lời, và nhanh nhẹn dễ luồn lách trong khu làm việc chật chội đầy máy móc. 

—HIS Child Slave Labor News 

 

Họ lợi dụng em tôi vì em bị bệnh tâm thần. Họ bắt em làm, đánh em, tra tấn em, rồi đến khi em yếu quá không chịu nổi nữa thị họ vất em ra đường. 

—Liu Xiaowei 

 

Không có gì ngạc nhiên khi khó tìm người làm, đặc biệt trong những công việc thuộc loại địa ngục trần gian như làm gạch hoặc nhàm chán lập đi lập lại hoài cùng một động tác như việc làm đồ chơi. Trong những ngành thiếu công nhân, nhiều giám đốc tìm nguồn lao động từ những kẻ buôn người, mà trẻ em và người bệnh tâm thần luôn luôn ở đầu bảng. 

 

Trong một số trường hợp trẻ em và người tâm thần bị những kẻ buôn người lừa hoặc dụ dỗ rồi bán cho các hãng xưởng. Trong những trường hợp khác họ bị bắt cóc, thường bởi chính chủ nhân của các xưởng. Dù trong trường hợp nào thì họ cũng phải làm việc trong điều kiện tệ hại không thể tả. 

 

Đó là số phận của Liu Xiaoping, thanh niên 30 tuổi bị tâm thần. Anh bị những kẻ buôn người thời đại mới đem bán cho một lò gạch—nổi tiếng là một trong những địa ngục lao động ở Tàu. 

 

Khi lò gạch không xài Liu được nữa vì Liu bị thương tật và quá yếu, họ vất Liu ra đường. Báo Los Angeles Time mô tả, “hai bàn tay đỏ như tôm hùm vừa luộc chín vì phải vác gạch nóng từ lò mà không có găng bảo vệ.” Cùng với hai bàn tay tôm luộc, người đàn ông-trẻ em này còn mang sẹo ở cổ tay vì bị xích và chân bị phỏng vì ông cai dí gạch còn cháy đỏ để phạt. Charles Dickens đâu rồi, có người cần ông đây! 

 

Ngay cả ở những xưởng thân thiện nhất ở Tàu thì công nhân thường bị căng thẳng và u buồn đến mức không chịu nổi vì phải sống với người lạ, xa gia đình, phải làm nhiều giờ, và công việc dây chuyền nhàm chán. Một người trong chúng tôi (Autry) đã được đi thăm xưởng Foxconn City ít ai biết đến ở Thâm Quyến. Đây là xưởng lớn nhất thế giới với 350,000 công nhân làm những sản phẩm như iPad cho Apple.

 

So với các xưởng khác ở Tàu thì xưởng Foxconn do người Đài Loan điều hành, tốt hơn nhiều. Trong chuyến viếng thăm, Autry đã thấy khu nhà trọ, nhà bếp, và nơi làm việc đều thuộc hạng nhất, tối thiểu theo tiêu chuẩn Tàu. Ngoài ra còn có phòng giải trí, phòng tập thể dục, và hồ bơi. Nhưng, có một thứ nơi đâu cũng thấy ở Foxconn, đó là lưới an toàn nhô ra từ lầu hai của mỗi tòa nhà. Những lưới này là để ngừa công nhân nhảy lầu tự tử. Đây là cách tiêu biểu đáng buồn của Tàu để giải quyết việc công nhân không chịu nổi điều kiện làm việc—không làm cho tốt hơn, mà chỉ làm người ta khó tự tử hơn. 

 

 

Đừng Mất Công Tìm Huy Hiệu Nghiệp Đoàn 

 

Dĩ nhiên, lý do chính khiến các công ty Tàu có thể bóc lột công nhân là việc tổ chức nghiêp đoàn “thật” ở “thiên đường công nhân” Tàu bị ngăn cấm. Trong khi đó, Nghiệp Đoàn Toàn Quốc của nhà nước vừa là bù nhìn của các công ty vừa là công cụ để ban quản đốc theo dõi và kiểm soát công nhân. 

 

Tình trạng lao động nô lệ ở Tàu còn bị làm cho tệ hơn vì những cố gắng thành lập nghiệp đoàn đều bị trù dập tàn bạo bởi công an hoặc bọn côn đồ đánh thuê—thường thì thuê bọn côn đồ đánh đập hăm dọa là cách thông dụng ở Tàu. 

 

Một trường hợp tiêu biểu là số phận của 2,000 công nhân xưởng KOK Machinery ở ngoại ô Thượng Hải. Họ đã táo bạo tổ chức một cuộc đình công để phản đối điều kiện không thể nào chịu nổi—phải làm việc với cao su nóng trong phòng 122 độ Fahrenheit. Một nữ công nhân tả sự việc khi cuộc phản đối của họ tràn xuống đường: “Công an đánh túi bụi bất kể ai. Họ đá, đạp lên mọi người, không cần biết nạn nhân là đàn bà hay đàn ông.” 

 

Ngay cả theo đúng điều lệ mà trình lên lời than phiền cũng bị trù dập. Chẳng hạn như Li Guohong, công nhân dầu hỏa ở Hà Nam (Henan), bị 18 tháng “Cải Tạo Lao Động” ở một trong những trại lao động khét tiếng của Tàu. Vì tội gì? “Tội” đệ đơn kiện vì bị đuổi việc. 

 

Dĩ nhiên lao động cưỡng bách không phải là loại lao động mà Li muốn. Nhưng giờ thì Li đã là thành viên của một hội lớn. 50 triệu công dân Tàu của hội này đã phải trải qua (hoặc chết trong) hơn 1,000 trại lao động khổ sai ở Tàu trong 50 năm qua. Những trại này ở Tàu với xú danh là Lao Cải (Laogai, Laojiao), hiện đang giam giữ khoảng 7 triệu công dân Tàu, nhiều người trong số họ chẳng có tội gì ngoài việc cố gắng thực hành vài quyền tự do căn bản như ngôn luận, thờ phượng, tụ tập, hay tổ chức hội đoàn. 

 

Và đây là điều sau cùng về quyền đình công ở Tàu: Nhà nước chỉ cho phép đình công khi những cuộc đình công này giúp công ty Tàu có lợi thế đối với công ty ngoại quốc. 

 

Tiêu biểu là một chuỗi những cuộc đình công ở các xưởng xe hơi Honda. Công an không giải tán đám đông như thường lệ mà chỉ đứng coi rồi bỏ đi. Kết quả là mức sản xuất của Honda bị giảm vài ngàn xe, và sau đó Honda phải điều đình trả lương công nhân Tàu cao hơn. Dĩ nhiên sức cạnh tranh của Honda Nhật bị yếu đi so với những hãng xe Tàu như Chery và Geely. 

 

Công An Tàu Khuất Phục Giáo Sĩ Tàu Như Thế Nào 

 

Sự liên tục tìm cách kiểm soát đời sống riêng tư nhất của công dân, tức là lương tâm của họ, và sự can thiệp vào nội bộ của Giáo Hội Công Giáo không có ích gì cho Tàu. Mà trái lại, đó là dấu hiệu của sự sợ hãi và yếu kém hơn là sức mạnh. 

—Communique of the Vatican Holy See 

 

Chủ thuyết Cộng Sản là một niềm tin thế tục không chấp nhận ý kiến khác biệt, và Đảng Cộng Sản Tàu cố gắng tối đa theo đúng sắc lệnh thủ tiêu tôn giáo của Marx. Để đạt mục đích, Đảng đòi hỏi tất cả mọi hoạt động tôn giáo phải qua những giáo hội do nhà nước chấp thuận. Những hoạt động tôn giáo ngoài luồng có thể phải chịu hình phạt rất nặng. 

 

Hãy xem trường hợp của Yang Xuan. Mục sư của nhà thờ Lâm Phần ở Phù San (Fushan) này bị bản án 3 năm tù vì xây nhà thờ bất hợp pháp. Yang Rongli, vợ ông, tổ chức phản đối việc chồng bị bắt thì bị đánh đập tàn nhẫn và sau đó bị kết án 7 năm tù. Khi bạn đọc sự mô tả về nhà thờ Lâm Phần dưới đây, hãy tưởng tượng như đó là nhà thờ trong khu phố nhà bạn: 

 

Vào sáng sớm chủ nhật 13 tháng 9, hội viên của nhà thờ Lâm Phần bị giật mình thức giấc bởi một đám gây náo loạn. Đám hỗn độn 400 mạng này gồm công an, viên chức địa phương, và côn đồ đánh thuê ào vào nhà thờ đang xây dở dang, đánh đập hội viên nhà thờ đang ngủ. Hơn 20 hội viên bị thương trầm trọng, chảy máu nhiều, và phải vào bệnh viện. Các viên chức địa phương chỉ thị bệnh viện không được tiếp máu cho các nạn nhân, bắt họ phải di chuyển đến bệnh viện vùng. 

 

Còn kinh sách thì chỉ được phép in ấn bản được chấp thuận bởi “Hội Đồng Ki Tô Giáo Tàu”; và số lượng bị giới hạn bởi nhà nước. Hơn nữa, in và phổ biến kinh sách Ki Tô Giáo mà không có phép cũng có thể bị bắt. 

 

Dĩ nhiên không phải chỉ chỉ có giáo hữu Ki Tô và “tín đồ Công Giáo chui” mới làm Đảng Cộng Sản Tàu nổi giận. Hội viên của những nhóm không hẳn là tôn giáo như Pháp Luân Công cũng thường bị Tàu dí dao. 

Ác cảm của Đảng Cộng Sản đối với Pháp Luân Công thật là khó hiểu. Người thực hành Pháp Luân Công theo triết lý ôn hòa dựa trên Phật Giáo và Lão Giáo, và họ tập những động tác thể dục dựa trên môn khí công cổ truyền của Tàu. Những phương pháp này không phải để lật đổ chế độ Cộng Sản Tàu mà là để hòa nhập hơi thở, thân, và ý làm một với các ý niệm Trung Thực, Nhân Từ, và Nhẫn Nhịn. 

 

Vào cuối thập niên 1990 giáo phái này phát triển nhanh chóng và vì vậy cơ quan an ninh Cộng Sản và hệ thống tuyên truyền vội vã gọi họ là “giáo phái nguy hiểm.” Phản ứng của họ, mà bây giờ nhìn lại thì là một sự sai lầm. Khi 10,000 hội viên tập trung tĩnh lặng ôn hòa để phản đối bên ngoài dinh của chủ tịch Giang Trạch Dân ở Trung Nam Hải (Zhongnanhai), Giang hoảng sợ và ra lệnh cho Đảng Cộng Sản phải cứng rắn dẹp tan. 

 

Trong những tháng sau đó, Phó Thủ Tướng Lý Lan Thanh cho biết hơn 35,000 hội viên Pháp Luân Công bị bắt; và từ đó Đảng Cộng Sản tiếp tục khủng bố hội viên Pháp Luân Công một cách tàn ác không thương xót. 

 

Dĩ nhiên sự phản ứng dữ dội của Đảng Cộng Sản đã bị một số phản ứng ngược khá mạnh. Pháp Luân Công phát động phong trào chống Cộng với báo chí và đài truyền hình phát đi khắp thế giới. Ở Tàu sự đàn áp tàn bạo giáo phái này vẫn tiếp tục; và nhiều ngàn hội viên đã bị đày đến những trại gulag Lao Cải để bị đánh đập và tra tấn. 

 

Những người thực hành Pháp Luân Công cũng thường bị giam trong những khu “tâm thần” của trại Lao Cải và ở đó họ bị tẩy não bằng đủ mọi cách. Theo lời chứng của Ethan Gutmann với Quốc Hội thì: “Từ 15 đến 20% các trại Lao Cải chứa toàn người Pháp Luân Công. Tức là khoảng nửa triệu đến một triệu người Pháp Luân Công bị giam, đây là một hành động lớn nhất của an ninh Tàu từ thời Mao.” 

 

Giống như những hình thức lao động nô lệ khác đã gây thiệt hại cho công nhân toàn thế giới, việc đàn áp Pháp Luân Công cũng có ảnh hưởng tương tự trên thị trường lao động toàn cầu. Chúng tôi kết thúc chương này bằng sự mô tả một ngày bình thường của một người tù Pháp Luân Công, trích từ Trung Tâm Dữ Liệu Pháp Luân (Falun Dafa Information Center) : 

 

Ông Wang Jiangping bị tàn tật nên không thể đan nhanh như những tù nhân khác. Bây giờ là 2 giờ sáng và những người tù của Đơn Vị Số Sáu đã đàm việc từ sẩm tối hôm trước. Họ phải làm cho đủ chỉ tiêu. Những bạn Pháp Luân Công của ông ngủ gật thì bị cai tù dùng kéo đâm. Ông Wang đã kiệt sức rồi. Cai tù ném gạch vào ngực ông. Trại Lao Động Changi phải giao đủ chỉ tiêu áo lạnh Kashmir cho công ty Tianshan Wooltex, nếu không thì đám cai tù không được thưởng. Những trại “cải tạo lao động” Tàu đã được tư nhân hóa. Những trại này là những cơ sở kinh doanh nhỏ ký hợp đồng với những công ty lớn để xuất cảng hàng hóa bán ở những trung tâm mua sắm ngoại quốc. 

 

Đó là nơi kẻ tra tấn người khác làm giàu, và là nơi người thực hành Pháp Luân Công lao động nô lệ để cai tù dùng tiền mua gậy điện đánh họ khi họ làm chậm. Đây là nơi khủng bố sinh lời. Đây là nơi thiếu ăn và thiếu ngủ, dơ dáy, hôi thối, trù dập, nóng nực, lạnh lẽo, và hơi độc là chuyện hàng ngày. Đây là nơi hàng xuất cảng được làm ra bởi sức lao động nô lệ của những tù nhân lương tâm: bác sĩ, giáo sư, và sinh viên bị bắt vì thực hành Pháp Luân Công. 

 

 

Kỳ tới: Chết Dưới Tay Kẻ Bênh Tàu: Fareed Zakaria Trôi Ra Chỗ Khác


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen