Donnerstag, 19. Juli 2012

CHUYỆN MỘT LAO NÔ VIỆT NAM TẠI ĐÔNG ĐỨC VƯỢT THOÁT



Erkner, ga chót của tàu điện ở cực đông của Đông Bá linh để chờ xe lửa đi tiếp về Fuerstenwalde, 4 giờ chiều chủ nhật ngày 5-8-90


Dortmund, Tây Đức: "Gia đình em là giới tay làm hàm nhai. Bản thân em năm 1975 mới học xong lớp năm trường tiểu học Văn Quốc Cường và đổi lên trường Chánh Hưng (sau này Việt cộng gọi là trường Phạm Thế Hiển). Sống dưới chế độ Cộng sản Việt nam, cha mẹ em trần thân không kiếm đủ cơm ăn. Còn em bị kêu đi nghĩa vụ quân sự. Nếu nước Việt nam mình bị nước khác xâm lăng thì đi nghĩa vụ chống giặc cũng được đi. Đây đi nghĩa vụ sang Cam bốt đánh nhau với người Cam bốt. Anh thấy kỳ cục không. Đã thế lại không đủ ăn, phải bắt gia đình nuôi nữa. Làm sao giờ. Em phải tìm đường sống thôi, anh ơi”.


Với giọng trầm trầm, Trần văn Huy kể tâm sự mình. Huy năm nay tuổi thực 28 tuổi, giấy tờ ghi xụt còn 24, sinh trưởng ở quận 8 Sàigòn, đi lao động sang Đông Đức vào đợt chót nhất, tháng 11-1989. Đến tháng 2-90 anh vượt sang Tây Đức. Hiện giờ anh đang tạm thời học Đức ngữ trong khi chờ được xét ở lại tị nạn.


Gia đình vừa gửi cho Huy một văn thư đề tháng 6 năm 1985, công an quận 8 thành Hồ đã xác nhận rằng "Bộ chỉ huy Quân sự thành phố đã phát lệnh truy nã anh Trần văn Huy" vì lý do "hai lần trốn nghĩa vụ quân sự mặc dù được địa phương nhiều lần giáo dục và động viên. Đặc biệt là lần nghĩa vụ quân sự thứ hai, anh... còn có thái độ chống lại lệnh thi hành nghĩa vụ quân sự và xách động một số anh em khác để chống đối lại với chính quyền địa phương".


Huy đặt hy vọng vào văn thư này như một bằng chứng để chính quyền Tây Đức có thể xét cho anh được hưởng quyền tị nạn chính trị.


Tuy nhiên, vì đang trực tiếp giải quyết quá trình thống nhất nước Đức một cách gay go, Tây Đức cũng đang bối rối trước hằng trăm ngàn dân từ các nước Đông Âu dồn qua xin tị nạn.


Là một trường hợp trong hằng nghìn người Việt nam tại Đông Âu chạy sang Tây Đức, cá nhân thanh niên Trần văn Huy đang bơ vơ lạc lõng với tâm trạng hồi hộp chờ đợi từng ngày trôi qua. Và cũng đã trên 4 tháng chờ đợi rồi


Một lý lịch phổ biểu tại Việt nam hiện giờ


“Cùi đâu ngại hủi nữa, anh" Trần văn Huy đã tuyên bố như thế khi được hỏi rằng có đồng ý cho viết về tâm sự thực của mình không.


- Cha: cán sự canh nông, sau 1975 làm thuê mướn đủ mọi nghề.

- Mẹ: y tá dạo trong xóm.

7 anh em gồm:

- Anh hai: tài xế xe đò.
- Anh ba: hên nhất, có vợ thuộc diện con lai, đang nằm chờ được bốc sang Hoa kỳ.
- rồi đến Huy.
- Em trai: có một thời phải đi thanh niên xung phong, bây giờ thành thợ máy tầu dầu chạy sông.
- Em gái: năm nay 20 tuổi, đã là công nhân của xí nghiệp nông sản xuất khẩu thành Hồ nhưng tên chủ nhiệm ẵm hết quỹ vượt biên rồi, xí nghiệp đóng cửa, đành thất nghiệp.
- Em trai: mới 14 tuổi (trên giấy tờ) vượt biển thành công, hiện đang ở trại Galang 2, Nam dương.
- Em gái út còn đang học tiểu học.

Năm 1981 Huy xuống quận Bình đại (Bến tre) vượt biển nhưng không thành. Nửa năm sau thoát trở về, lỡ trớn Huy bỏ học trung học luôn. Ở nhà phụ việc vặt, Huy bạ gì làm nấy: học nghề sửa chữa điện tử (6 tháng), rồi học chơi đàn guitar...


Ngày 15-8-84, phải trình diện đợt kêu nghĩa vụ quân sự, Huy bị đưa đi huấn luyện tại quân trường Long giao của Lữ đoàn 874 Việt cộng, nơi đóng quân của Sư đoàn 18 bộ binh Việt nam Cộng hòa trước 1975, tức tỉnh Long khánh (nay gọi là tỉnh Đồng nai). Huấn luyện được chừng hai tháng rưỡi, đâu tháng 11-1984, Huy cùng bốn bạn đồng khóa rủ nhau trốn về Sàigòn. Đó là lý do Huy bị truy nã.


Công nhân lao động Việt nam tại Đông Đức


Sống lén lút trong nơm nớp lo sợ, Huy phải làm công cho một tổ hợp sản xuất giấy của người Tàu Chợ lớn ở quận 5. Cùng với nhiều thợ nằm trong tình trạng bất hợp pháp như vậy, Huy được ăn ở luôn tại hãng và tha hồ bị chủ bóc lột. Mỗi tháng được lãnh trung bình 500 đồng tiền Việt cộng, không đủ mua thuốc lá hút. "Nhưng em thỉnh thoảng để dành mua chút quà cho các em... Chỉ lúc đó em mới hiểu công khó của cha mẹ và nghĩ đến hoàn cảnh cơ cực của gia đình". Trần văn Huy bùi ngùi hồi tưởng.


Cũng trong thời gian ấy, Huy lần mò tìm hiểu và biết được Tám Nho, trưởng phòng Lao động quận 8 chuyên ăn hối lộ, cải đổi giấy tờ để sắp xếp thanh niên cư ngụ trong quận vào danh sách làm công nhân lao động nước ngoài.


Với 5 chỉ vàng dành dụm, tháng 11-87, tên em được liệt vào danh sách đi ngay sau đó vài tháng. Với nửa cây, Huy chỉ mong được cấp giấy tờ giả để sống thoải mái tạm qua ngày thôi.


“Ai ngờ đâu, tháng 11-1989, tên em được liệt vào danh sách lao động bên Đông Đức. Dịp may bất chợt đến, em sững sờ luôn cả tuần" Huy diễn tả.


Tập họp cả thành phố đợt này đi lao động bên Đông Đức có đến 200 người một chuyến bay. Cứ mỗi 48 công nhân lao động lại có một đội trưởng và một thông dịch viên được chỉ định sẵn đến hướng dẫn và quản lý.


"Vừa bước chân xuống sân bay của tỉnh Gera (miền nam Đông Đức), chúng em bị
thu hết thẻ thông hành và được cấp ngay một giấy pass có dấu gia hạn tạm thời, dán ảnh (do cảnh sát Đông Đức địa phương chụp tại chỗ) như một căn cước tạm thời" Huy kể tiếp.

Hai trăm công nhân lao động mới này được đưa về chung cư: cứ 17 nam cộng với tên đội trưởng (đội 18 người của Huy có nữ đội trưởng) và một thông dịch viên sống ở từng một. Còn 31 nữ sống từng trên. Phòng ngủ nhỏ và luôn luôn chật chội, bao giờ cũng ở từ hai người đến bốn người, chỉ đủ để kê giường, chỗ để đồ đạc mà thôi. Còn bếp, phòng tắm giặt chung.


Họ chỉ được một tháng đầu học qua loa tiếng Đức, mặc dù theo hợp đồng chính thức thời gian này kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Ngay sau đó, họ bị đẩy vào thành thợ đứng máy của hãng dệt vải của tỉnh Gera, vừa học nói học nghề vừa làm luôn. Mỗi công nhân lao động luân phiên nhau một tuần làm ca sáng, một tuần ca chiều và một tuần ca đêm. Riêng ca sáng bao giờ công nhân lao động cũng được nghỉ hai giờ đầu để đi học Đức ngữ, còn các ca khác phải học ngoài giờ làm. Giờ học này được giải thích là bù lại thời gian học tiếng Đức còn thiếu trước đó.


Một tháng họ được lãnh 170 đồng tiền Đông Đức để ăn tiêu (sau khi đã trừ nghiến đi tiền chung cư, 25% thuế cho Đông Đức và từ 12% đến 25% gọi là đóng vào quỹ tái thiết đất nước Việt nam).


Huy cho biết thêm là những công nhân lao động Việt nam sang đấy trước anh hai ba năm, lương họ từ 500 đến 600 tiền Đông Đức, và cao nhất là 800 đồng (nhờ cộng thêm giờ làm phụ trội lẫn làm cả ngày nghỉ).


Tuy nhiên, vẫn theo Huy, giá sinh hoạt theo tiêu chuẩn, bán cho cả người địa phương tại căng tin, cũng rẻ. Chẳng hạn một con gà giá trung bình từ 5 đến 6 đồng Đông Đức, thịt heo 9 đồng một ký, thịt bò thì quá đắt, anh chưa mua bao giờ. Đặc biệt trái cây và rau tươi rất hiếm và đắt. Công nhân lao động thường mua khoai tây ăn thế cho rau trái.


Cộng Bắc, Cộng Nam, Cộng Hồ Chí Minh và Việt kiều!


“Sống và làm việc như thế, các anh chị từ miền Bắc sang lao động ở Đông Đức thường kháo nhau là
thiên đường. Tụi em từ miền Nam sang không nghĩ như vậy nhưng vẫn cảm thấy dễ thở hơn là quê nhà". Trần văn Huy tiết lộ.

Huy cho hay, trung bình công nhân lao động làm việc 5 ngày một tuần lễ. Hai ngày cuối tuần, công nhân lao động được cho ra ngoài chung cư chơi loanh quanh và mua bán trong khu vực vòng đai nửa cây số đường bán kính, nhưng các cửa hàng không mở cửa vào hai ngày cuối tuần nên công nhân lao động từ miền Bắc sang thường tranh thủ giờ nghỉ trong tuần lẻn ra phố vơ vét đồ dùng (thường là xe đạp, máy may, quần áo...) để gom lại dần gửi về cho thân nhân ở Việt nam. Công nhân lao động từ miền Nam, vì Đức ngữ chưa rành nên ngại tiếp xúc với người địa phương, lại thích những giờ nghỉ lẫn hai ngày cuối tuần tụ họp nhau uống bia tán chuyện hơn. “Bia Đức ngon hết xẩy!" Huy nhận xét. Từ đó, những vụ xích mích, cãi cọ, đánh nhau, rồi trai gái ăn nằm, rồi đau bệnh, rồi nạo thai... thường xảy ra hằng tuần cho công nhân lao động cả Nam lẫn Bắc.


Về sinh hoạt tập thể thì ngay khi mới đến Đông Đức, đội công nhân lao động nào cũng được thông báo rằng mỗi tuần đều có sinh hoạt đoàn đội thường xuyên định kỳ. “Trên nguyên tắc thì như vậy nhưng chả ai tham dự nên cũng bị bỏ lơ đi", Huy kể. Chỉ còn sinh hoạt bất định kỳ, gọi là đột xuất, trung bình 3 đến 4 lần mỗi tháng để phổ biến thông cáo, chỉ thị và phê bình kiểm thảo cá nhân.


Theo Huy cho biết, năm 1980 chính quyền Hànội chính thức ký kết hợp tác lao động xã hội chủ nghĩa với Đông Đức. Từ đó đến năm 1986, hầu hết người dân miền Bắc vào loại con ông cháu cha mới được làm công nhân lao động sang Đông Đức. Sau đó, bộ phận miền Nam bực tức phản đối ngay trên những "báo Đảng" nên từ 1986 mới có người miền Nam được chọn đi nhưng bao giờ cũng là thiểu số con cháu cán bộ gởi hay nhờ tiền vàng lo lót. Chẳng hạn đợt công nhân lao động Việt nam sang Đông Đức đợt cuối cùng, tháng 11-1989, có tất khoảng 700 người thì 200 người miền Nam lên máy bay từ Sàigòn, trong đó có cả Trần văn Huy.


Sang đến nơi, tiếp xúc với người địa phương, Huy mới được biết rằng dân Đông Đức lâu nay gọi người Việt nam đang làm việc và sống trên xứ của họ đều mở đầu bằng chữ “Cộng". Thí dụ: Cộng Nam, Cộng Nữ, ở lâu rồi gọi là Cộng Cũ, mới đến Cộng Mới. Từ miền Bắc Việt nam sang, bị gọi là Cộng Bắc, dân miền Nam sang, Cộng Nam. Riêng dân Sàigòn, bị gọi tất là Cộng Hồ Chí Minh. Đặc biệt người Việt kết hôn với người Đông Đức hay từ Âu Tây qua chơi, được gọi chung một danh từ là Việt Kiều!


Vẫn theo Huy tiết lộ, Cộng Hồ Chí Minh thường tỏ ra khôn ngoan nhất với phương châm "im lặng là vàng". Còn loại công nhân lao động Việt nam hay thắc mắc, khiếu nại, chửi đổng và phản ứng mạnh trong tập thể công nhân lao động lẫn người địa phương nhất là Cộng Bắc. Do đó gia đình thân nhân của Cộng Bắc ở Việt nam thường bị công an Cộng sản Việt nam làm khó dễ nhiều nhất. Và Cộng Bắc thường bị kiểm thảo ghi vào hồ sơ lưu, kỷ luật và đuổi về nhiều nhất.


Cuộc trốn đi "tiền hung hậu kiết"


- Bức tường Bá linh đổ đầu tháng 12-89, em biết không?


- Em có nghe nói, nhưng sau đó độ cả tuần lễ.


Trần văn Huy tâm sự rằng mục đích lo lót để đi làm công nhân lao động ở Đông Đức cũng là tạo điều kiện trốn sang các xứ Tây Âu. Tuy nhiên ngay từ lúc mới sang, Huy để tâm tìm hiểu thì thấy rằng trốn đi cũng không phải dễ dàng như ở Việt nam tưởng; giấy căn cước tạm chỉ có giá trị một tháng ở quanh khu vực tỉnh mà thôi. Đã trốn đi mà bị bắt lại, chắc chắn sẽ bị trả về nước tù tiếp.


Thêm một điểm nữa là ngay sau khi bức tường Bá linh đổ, hai bên Đông và Tây Bá linh tự do thông thương, rất nhiều công nhân lao động đã trốn đi thì đa số bị bắt lại chỉ vì họ đi vào hai ngày cuối tuần (thứ bảy và chủ nhật), và trốn vào toilette toa xe lửa bị công an Đông Đức phát giác.


Nghiên cứu cẩn thận xong, ngày thứ năm 15-2-1990, Trần văn Huy uống luôn bình sữa nửa lít đã để lâu ngày, khiến bụng anh luôn luôn kêu òng ọc suốt. Báo cáo cho thông dịch viên, Huy được phép đội trưởng cho đi khám bệnh và bác sĩ viết giấy cho nghỉ bệnh ba ngày tại chung cư.


Từ bệnh xá ra, thay vì trở về chung cư, Huy ra thẳng ga xe lửa của tỉnh lỵ Gera, chọn một cabine hạng nhất có người Đông Đức ngồi sẵn, Huy trình bày hoàn cảnh của mình. May sao người này chịu để cho anh chui xuống gầm ghế và lấy hành lý che lại còn cho ăn uống tử tế nữa. Tầu lửa này đi xuyên bang, chạy từ Gera lên Đông Bá linh và sang Tây Đức đến trạm cuối là Duesseldorf.


Nhưng khi tầu sắp đến địa phận tỉnh Dortmund, Huy bị nhân viên soát vé phát giác là hành khách lậu. Đến Dortmund, Huy bắt buộc phải rời xe lửa.


Đang ngớ ngẩn lang thang quanh nhà ga xe lửa Dortmund, Huy lại may mắn gặp anh Bùi văn Minh nhà ở tỉnh Selm (cách Dortmund 15 cây số phía tây nam) đi xe hơi chở gia đình lên Dortmund chơi. Hiểu ra hoàn cảnh, anh Minh sẵn sàng đưa ngay đến cơ quan giúp người tị nạn Việt nam ở Dortmund là cơ sở VIDI (Vietnamese in Deutschland Informationsdienst).


Ông Đỗ Đăng Đạo, giám đốc trung tâm VIDI đồng ý giúp nhưng ông trước hết dàn xếp với anh Minh để cho Huy về nhà anh tại Selm chơi thoải mái cuối tuần đã, vì trưa đó đã là thứ sáu, 16-2-90.


Sáng sớm thứ hai, 20-2-90 trước khi đi làm lại, Minh đã đưa Huy trở lại trung tâm VIDI. Ông Đạo tiếp tục chở Huy lên trình diện sở Ngoại kiều thành phố Dortmund.


Tại đấy, Trần văn Huy sơ khởi xin tị nạn, làm đơn và khai báo, nộp giấy căn cước (pass) của Đông Đức và được cấp một tấm pass khác để tạm thời sống tại Tây Đức. Trong khi đợi được chính thức nhận với tư cách tị nạn, hiện nay Huy được cấp mỗi tháng 396 Đức mã (khoảng 265 Mỹ kim) để ăn và chi tiêu, trừ tiền thuê nhà.




Bốn công nhân Việt làm xây dựng tại Wohnheim (Fuerstenwalde). Họ vốn đều là sĩ quan bộ đội Việt cộng trước đây. Hình chụp đêm chủ nhật 5-8-90

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen