Sonntag, 26. August 2012

Tư tưởng triết học Hy Lạp (3)


PARMÉNIDE (khoảng 520 – 450 TCN)

Về Parménide, ta có may mắn còn được một văn bản là một bài thơ giống như thơ đạo (kiểu Kinh Thánh) tương đối đầy đủ. Trái lại, từ Thalès đến Héraclite thì chỉ còn lại một vài câu rời rạc linh tinh do các nhà dã sử tùy hứng chép lại, thành ra việc xây dựng lại lý luận để trình bày bây giờ rất khó, phải ức đoán nhiều. Trong bài thơ của Parménide, có kể lại một giấc linh báo trong ấy ông được mấy cô nương con mặt trời đưa đến giới thiệu với một nữ thần chỉ huy trí tuệ. Bà này cho ông biết có 2 con đường: chân lý và dư luận (dư luận là những nhận xét linh tinh mơ hồ của người thường, dựa vào kinh nghiệm, trái lại chân lý không dựa vào kinh nghiệm mà là đúng trong bản chất). Parménide giới thiệu chân lý theo kiểu thi văn như sau:

«Ngày xưa nó không có, và sau này nó sẽ không có, vì bây giờ nó có toàn bộ. Nó là duy nhất, liên tục, làm sao tìm cho nó một ngày đẻ, từ đâu? Nhất định nó không thể nói hay nghĩ rằng nó không có. Vì làm sao nó xuất hiện được lúc này hơn là lúc khác. Nhất định nó phải là hoàn toàn có hay là hoàn toàn không có».

Trong đoạn này, Parménide một mặt nêu được một hình thức tất yếu của tư tưởng lý tính tức là theo quy luật bất mâu thuẫn: có là có, không có là không có. Nhưng vì tuyệt đối hóa hình thức ấy, nên Parménide kết luận: Chỉ có cái gì có, không có cái không có, vì không có thì nói làm gì nữa, mà nói đến tức là có rồi. Mà đã nói là nó có, thì bao giờ nó cũng phải có, vì nếu nói trước kia không có mà bây giờ có, thì cái có xuất phát từ cái không có. Như thế không thể được. Vì cái «không có» không thể đẻ ra cái «có» được. Vậy cái có bao giờ cũng phải có, không có dĩ vãng. tương lai, bất sinh, bất tử. Thực tại là đồng nhất, liên tục. Tức nó là một, không có hai; nếu có hai thì cái này không phải là cái kia, mà không phải là cái kia thì lại là «không có» chứ không phải là «có».Những lý luận này nói ra có vẻ luẩn quẩn, nhưng qua đấy lại xây dựng được hình thức lập luận chính xác, vì chính trong hình thức lập luận chính xác, toàn bộ hệ thống lập luận phải là một, liên tục, bất sinh bất tử. Nếu nó là chân lý, nó phải được trình bày bằng khái niệm, tức là dưới một hình thức bất sinh bất tử. Nhưng đây cũng vẫn là một hình thức xây dựng trên cuộc biến chuyển thực tế. Xây dựng như thế thì có căn cứ, vì trong sự biến chuyển thực tế có những hình thức nhất định tương đối bất dịch (trong một phạm vi nào đấy) mà chúng ta có thể quy định trong tư tưởng bằng những khái niệm nhất định.

Những quy luật khoa học phản ánh những quy luật thực tế của những hình thái vật chất biến chuyển. Tức là trong thực tế, quy luật nằm trong biến chuyển, nó là quy luật của biến chuyển. Nhưng xây dựng hệ thống khái niệm phản ánh thực tế trong tư tưởng, thì nhất định hệ thống ấy có hình thức tách rời biến chuyển, hình như là bất di bất dịch. Vì nó là một hệ thống đồng nhất và liên tục trong phạm vi trừu tượng của nó, vậy hình như không thay đổi được. Nhưng khi tìm ra được hình thức trừu tượng ấy, Parménide lại cho nó là một hình thức thực tế, nên ông kết luận rằng nó không thể chia sẻ được, vì nó là toàn bộ thống nhất không thể nào có cái gì đây đó, thêm bớt, mà thực không thiếu một cái gì, vì thiếu một cái là thiếu hết.

Thiếu một cái gì là thiếu thực tại. Nếu thực tại thiếu thực tại thì nó không phải là thực tại nữa. Chỗ này, Parménide đã nêu ra được một điểm quan trọng trong lý tính: đòi hỏi lý tưởng của lý tính là xây dựng một hệ thống lập luận toàn diện, thiếu một cái gì cũng không được. Đó là lý tưởng trừu tượng. Chính lý tưởng ấy quy định tính chất trừu tượng của hình thức lập luận. Nhưng nó cũng chỉ là hình thức thôi. Vì Parménide đã biến hình thức tư tưởng ấy thành thực tại, nên đi đến phủ định hết cả bản chất của thực tế là biến chuyển và mâu thuẫn. Đây là nguồn gốc siêu hình học. Siêu hình học biến hình thức lý luận trừu tượng thành thực thể trong thực tế, gạt bỏ tính chất mâu thuẫn và biến chuyển của thực tế, giành độc quyền thực tại cho hình thức lý luận thuần túy.

Qua đấy, tư tưởng Hy Lạp cũng có xây dựng được trong phạm vi lý luận những kiểu mẫu hình thức chính xác, đặc biệt là Toán học, Luận lý học và Triết học nữa.

Những khái niệm triết học duy lý duy tâm là hình thức, nhưng chính xác. Đấy là một đường lối xây dựng khoa học lý tính, qua đấy mà thực hiện được bước đột biến đi từ những nhận xét thực dụng, thực nghiệm lên đến hệ thống khái niệm lý tính. Nhưng đồng thời nó lại đặt vấn đề triết học là cái thực tại quy định bằng lý luận, tức là dưới hình thức hệ thống khái niệm bất di bất dịch, liên tục, đồng nhất, có quan hệ gì với cái thực tại thiết thực mà chúng ta thấy trong đời sống? Vì ai cũng biết rằng trong đời sống có biến chuyển, có mâu thuẫn. Nếu có bất di bất dịch mới là chân lý, thì chân lý đó ứng dụng làm sao? Mà chân lý của đời sống là thế nào?

Theo Parménide, nó chỉ là dư luận (thành kiến của người thường), nhưng không phải vì thế mà thủ tiêu được vấn đề. Ở đây, ta thấy nguồn gốc cơ sở thực tế và xã hội của khái niệm khoa học thuần túy. Sở dĩ vấn đề xuất hiện và được xây dựng với những khái niệm chính xác như thế, chính là vì quan hệ thống trị tức quan hệ chủ nô và nô lệ đã phát triển đến một mức điển hình trong lịch sử Hy Lạp. Qua những quan hệ ấy, hệ thống tổ chức - tức là hệ thống khái niệm quy định quá trình sản xuất - tách rời thực tế vật chất của sản xuất, do chỗ chủ nô tách rời nô lệ. Cuối cùng, vì chủ nô tách rời thực tế của sản xuất (phải tách rời để thống trị), nên hệ thống chân lý đạt được trong công cuộc tổ chức sản xuất cũng tách rời thực tế sản xuất, và chỉ có thể quan niệm được thực chất của chân lý ấy một cách siêu hình ngoài thực tế, tức là một thực tại tuyệt đối bất sinh bất tử. Thực tại tuyệt đối ấy cũng chỉ để thưởng ngoạn mà không dùng được vào việc gì cả.

Cuộc tranh luận giữa Héraclite và Parménide bề ngoài là cuộc tranh luận nội bộ trong giai cấp thống trị (hai ông đều là đại biểu cho tư sản quý tộc hóa), biểu hiện hai hướng đối lập trong bộ phận tan rã của giai cấp thống trị, nhưng hai hướng ấy lại phản ánh gián tiếp cuộc đấu tranh chung trong xã hội: đấu tranh giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Vì thế cuộc tranh luận có ý nghĩa chân chính của nó. Trong những xã hội có giai cấp, nhất là trong xã hội nô lệ (trong xã hội này, nô lệ không có quyền làm người, quyền tư tưởng), nhất định tư tưởng chỉ xây dựng được trong phạm vi ý thức hệ của giai cấp thống trị, nhưng chân lý của những mâu thuẫn nội bộ trong giai cấp thống trị là ở đấu tranh chung trong xã hội, và thông qua những mơ mộng hay những giới hạn hẹp hòi của ý thức hệ thống trị, thì nó biểu hiện hoặc về hình thức, hoặc về nội dung chân lý đạt được với phương thức sản xuất phát triển lúc bấy giờ trong lịch sử, tức là với công trình lao động và đấu tranh của nhân dân lúc đó.

Thành tích của Parménide là phân biệt hai đường: chân lý và dư luận. Giữa hai con đường có phần phân biệt chân chính (khoa học chính xác và ý tưởng kinh nghiệm chủ nghĩa), nhưng đồng thời cũng có phần phân biệt bất chính (giữa hình thức tư tưởng tuyệt đối hóa, bất di bất dịch và mơ hồ biến chuyển). Với quan niệm chân lý lý tưởng bất di bất dịch, chân lý khoa học thực ra trở thành mơ hồ, vì nó đối lập với thực tế. Nhưng triết học duy lý duy tâm lại cố sức củng cố tính chất mơ hồ, đối lập với thực tế ấy. Nó cố chứng minh rằng: chính như thế mới là thực tại, còn cái thực tế xuất phát trong kinh nghiệm thì không có thực tại, chỉ là «dư luận» thôi.

Parménide khẳng định như vậy. Về sau, truyền thống duy tâm lại tìm ra những hình thức bằng chứng phức tạp. Một người tìm ra bằng chứng nổi tiếng và được xem là người sáng lập ra «biện chứng pháp» là Zénon.

ZÉNON (khoảng 490 – 430 tr. CN)

Zénon là học trò của Parménide, sống vào giữa thế kỷ thứ V tr. CN, nổi tiếng vì 4 lập luận chứng minh rằng không có biến chuyển, các biến chuyển kinh nghiệm trước mắt chúng ta chỉ là mơ hồ. Bốn lập luận đó như sau:

1. Lập luận về cái sân vận động. Một người chạy thi là một ví dụ của biến chuyển. Zénon chứng minh rằng người ấy không bao giờ chạy hết được quãng đường mình phải chạy. Ví thử người đó muốn chạy từ A đến B thì phải qua điểm giữa của AB: điểm C; nhưng từ C đến B lại cũng phải qua điểm giữa của CB: điểm D; và từ D đến B lại vẫn phải qua điểm giữa của DB: điểm E; và cứ như thế mãi, không bao giờ người đó có thể đến được đích B. Vì trước khi đến đích, phải qua vô số điểm giữa, mà gần đích đến đâu thì vẫn còn điểm giữa.

A________________________C____________D______E______B

2. Lập luận Achille và con rùa. Achille trong anh hùng ca của Homère nổi tiếng là chạy nhanh, được mệnh danh là Achille chân nhanh. Mà con rùa là một điển hình đi chậm. Nhưng Zénon chứng minh rằng Achille không bao giờ đuổi kịp con rùa. Ví thử Achille ở A, Rùa ở R. Nếu Achille tới B thì rùa đã đi xa đi một tí: R’, tới R thì con rùa lại đã đến R’’, và cứ như thế thôi thành ra không bao giờ Achille đuổi kịp được.

3. Lập luận về tên bay mà không động. Zénon chứng minh rằng nếu bắn một cái tên, tên đó bay nhưng thực ra không chuyển động gì, ở bất kỳ một thời điểm nào. Trong khi bay thì tên ở một chỗ nhất định. Ví dụ như ở điểm D, D là 1 điểm trong không gian, tức là bất động, đo đó tên ở điểm ấy cũng là bất động nốt. Vậy bất kỳ ở một thời điểm nào trong lúc tên bay, tên ấy cũng bất động. Các điểm trong không gian bất động nên tên bay bất động.

4. Thời gian nửa bằng gấp đôi. Ví thử ta coi 2 người chạy theo hướng ngược nhau trên một sân vận động. Đến một lúc nào đấy, họ gặp nhau trước một đích. Ví dụ đích là một hòn đá có bề ngang bằng thân thể của mỗi người. Như thế khi hai người gặp nhau phải mất một thời gian để vượt nhau. Thời gian từ lúc bắt đầu gặp nhau đến lúc rời nhau là thời gian vượt nhau. Trong thời gian 2 anh vượt nhau ấy, thì mỗi người chỉ vượt được nửa hòn đá. Nếu biểu hiện thời gian bằng đường đi qua với một tốc độ nhất định, thì thời gian vượt hòn đá gấp hai thời gian 2 người vượt nhau.

Bình luận về những lập luận của Zénon:

Bốn lập luận của Zénon có tiếng vang lớn lao trong lịch sử triết học, nó tiêu biểu cho lập trường siêu hình học đối lập với lập trường biện chứng. Zénon chứng minh: Thực tại không thể biền chuyển.

Lý lẽ căn bản xuất hiện trong lập luận thứ 3: «cái tên bay mà không động» - mâu thuẫn ở đây là giữa vị trí của mũi tên ở mỗi chỗ và sự chuyển động của nó. Chính mâu thuẫn ấy quy định tính chất căn bản của sự vận động. Mâu thuẫn ấy chính là lực lượng áp dụng vào thực thể trong mỗi lúc. Công trình của Zénon là nêu ra một mâu thuẫn có thực; đáng lẽ mâu thuẫn ấy định nghĩa biến chuyển, nhưng ở đây lại được trình bày như đối lập với biến chuyển. Trong quan niệm của Zénon, cái có thì có, cái đã không có thì không có: một vật ở một vị trí thì không thể ở vị trí khác được; nghĩa là bao giờ cũng là bất động. Quan niệm này có phải là hoàn toàn giả tạo không? Tất nhiên, nó cũng phải có một cơ sở nào đó, vì lúc ta định nghĩa một vị trí thì nó là bất động, và lúc quy định một vật thể đang chuyển động ở một lúc nào đấy, thì ta quy định nó ở vị trí ấy. Nhưng trong thực tế, chính vị trí chúng ta quy định trong cuộc chuyển động và trên đường chuyển động là một lúc, và ở một vị trí của cuộc chuyển động. Một khi đã định nghĩa một lúc và một vị trí trong cuộc chuyển động, thì ta có thể tuyệt đối hóa và trừu tượng hóa nó; tách nó ra thành 1 lúc và 1 vị trí tuyệt đối. Chúng ta tách ra là đúng nhưng tuyệt đối hóa định nghĩa trừu tượng thì đi đến chỗ phủ định mâu thuẫn căn bản của chuyển động, thực tế của chuyền động. Đấy là phần thoái bộ khi tuyệt đối hóa một khái niệm trừu tượng; khái niệm được trừu tượng hóa là đúng, nhưng tuyệt đối hóa khái niệm trừu tượng là phủ định thực tế, tách rời cơ sở thực tế của khái niệm, do đấy mâu thuẫn thực tế là có thật lại bị sử dụng để phủ định thực tế. Công trình của Zénon là đã phân tích mâu thuẫn một cách sâu sắc, và ông được đề cao là người sáng lập ra «biện chứng pháp», tuy rằng lập trường của ông là siêu hình.

Nếu chúng ta phân tích 3 lập luận còn lại, chúng ta cũng thấy những nét tương tự: Zénon đã nêu ra những mâu thuẫn thực tế và căn bản. Ví dụ trong hai lập luận đầu tiên (lập luận sân vận động, Achille và con rùa), Zénon nêu mâu thuẫn giữa cuộc chuyển động và con đường chuyển động: chuyển động thì liên tục, nhưng con đường chuyển động thì bao giờ cũng có thể chia cắt vô hạn. Nhưng cái vô cùng của những đoạn mà ta có thể chia được lại mâu thuẫn với tính chất liên tục của cuộc chuyển động, và con đường chuyển động thì bao giờ cũng có thể chia cắt vô hạn. Nhưng cái vô cùng của những đoạn mà ta có thể chia được lại mâu thuẫn với tính chất liên tục của cuộc chuyển động. Chính mâu thuẫn ấy phát triển mẫu thuẫn căn bản: ở mỗi một vị trí, giữa vị trí và thực tế chuyển động, vật chuyển động vừa ở đây vừa không phải ở đây. Có thể nói: vật ấy đi con đường ấy, nhưng không phải là con đường ấy; thành ra chúng ta có thể chia con đường ấy, nhưng cuộc đi lại là liên tục. Về mặt khoa học, tất nhiên có thể tính một loạt vô cùng và chứng minh rằng: cộng loạt vô cùng ấy thì lại là một con số hữu hạn. Ví dụ a là bề dài của sân vận động, thì:

Nhưng vấn đề căn bản vẫn là: làm sao trải qua được một loạt vô cùng; không công nhận mâu thuẫn trong nội bộ sự việc thì không hiểu được.

Chuyển sang lập luận thứ 4: mâu thuẫn giữa các thời gian ở những vị trí khác nhau. Trước một hiện tượng chuyển động với một tốc độ nhất định thì thời gian là quy định theo từng vị trí khác nhau; để thống nhất thì phải thống nhất tất cả những thời gian, chứ không có 1 thời gian đặc quyền, đứng một chỗ mà quy định những thời gian khác. Thời gian là một hình thức tồn tại của vật chất, nó thống nhất những quan điểm khác nhau theo vị trí khác nhau.

Tại sao lại có hiện tượng đặc biệt là người xây dựng nên phương pháp mâu thuẫn - Zénon - lại tiêu biểu nhất cho chủ nghĩa siêu hình?

Chúng ta trở lại tình hình xã hội Hy Lạp giữa thế kỷ thứ V tr. CN. Lúc bấy giờ ở Hy Lạp có một cuộc đấu tranh giai cấp, biểu hiện trong hiện tượng bề ngoài là cuộc đấu tranh giữa quý tộc và dân chủ. Thực tế thì quý tộc đã tư sản hóa từ lâu, và nói chung sau khi Hy Lạp thắng Ba Tư, đời sống chính trị đã được dân chủ hóa. Tuy nhiên, những thành thị hoặc theo quý tộc, hoặc theo dân chủ, và trong mỗi thành thị cũng có hai phe như vậy. Ở Nam Ý và Sicile, phe quý tộc tư sản hóa còn giữ một tác dụng tích cực nào đấy - vì nó còn vai trò xây dựng - nhưng về căn bản là thoái bộ. Tính chất thoái bộ ở đây không thể xuất hiện dưới hình thức cựu truyền như tôn giáo, vì nói chung đời sống đã được dân chủ hóa, thành ra vấn đề ở đây không phải là trở lại trực tiếp tôn giáo, nhưng là biến khoa học thành một khoa siêu hình; biến những đòi hỏi chân chính của lý tính (đòi hỏi có một hệ thống khái niệm chính xác) thành thực thể đã có.

Nhưng trong lúc chứng minh thực thể ấy - mệnh đề siêu hình: thực tại là duy nhất bất động, không mâu thuẫn không biến chuyển -, thì những nhà siêu hình học đầu tiên cũng đã phải phân tích biến chuyển, phân tích thực tế, và do đấy cũng có phần tác dụng tích cực trong lịch sử triết học. Họ không giải quyết vấn đề, nhưng đã đặt ra vấn đề một cách chính xác hơn là những nhà triết học duy vật đầu tiên, vì tuy là truyền thống duy vật và biện chứng ở Ionie phản ánh thực tế khách quan một cách căn bản đúng đắn, nhưng lại phản ánh một cách chung chung, thiếu đi vào phân tích cụ thể.

Ví dụ Thalès nói chung chung rằng: thực chất của thực tại là «nước», hay Héraclite nói: mọi vật đều mâu thuẫn, đều biến chuyển... Nói như vậy chưa xây dựng được khái niệm có tác dụng cụ thể về thực chất biến chuyển, mâu thuẫn, v. v...

Công trình của phái Élée là quy định rõ ràng những điều kiện của vấn đề: nói đến thực chất thì về khái niệm dứt khoát nó là duy nhất, là vĩnh viễn, nhưng làm sao thực chất duy nhất vĩnh viễn ấy lại xuất hiện dưới mắt chúng ta bằng những hiện tượng khác nhau và luôn luôn biến chuyển? Ấy là vấn đề mà phe dân chủ sẽ phải giải quyết, và giải quyết trên đòi hỏi căn bản là phải đi từ thực chất vĩnh viễn và duy nhất, chứ không thể nói chung chung thực chất là «nước», là «khí».

Công trình của phái Élée là đề ra những điều kiện để xây dựng thế giới quan khoa học, điều kiện ấy phải như thế nào? Sau đấy, giữa thế kỷ thứ V tr. CN, phong trào dân chủ và duy vật phát triển trên cơ sở đó, tức là phải giải quyết vấn đề biến chuyển của hiện tượng trên cơ sở đồng nhất của thực chất, chứ không thể nói chung chung… vạn vật biến chuyển mà không giải quyết được gì.

EMPEDOCLE (khoảng 490 – 430 tr. CN)

Một danh nhân nổi tiếng theo hướng ấy là Empédocle, ở thành Agrigente thuộc đảo Sicile: học trong phái Élée, nhưng sau này trở thành một lãnh tụ của phe dân chủ (ức đoán theo truyền thuyết) [1], đồng thời là một nhà khoa học, một thầy phù thủy biết phép cứu hồn, dạy đạo Luân hồi (ông kể rằng: đời trước ông là vật này vật kia; trong một bài thơ, ông tự giới thiệu: «ta đây xuất hiện trước các người như một ông thần bất diệt»; theo truyền thuyết, cái chết của ông cũng đặc biệt: ông báo trước cho nhân dân biết là ông sẽ trở lại thần thánh, rồi mặc áo quần long trọng nhảy vào miệng núi lửa Etna).

Công trình của Empédocle là cố gắng xây dựng chủ nghĩa duy vật một cách tương đối chính xác hơn là truyền thống trước (thế kỷ thứ VI tr. CN), để thỏa mãn nhu cầu lý tính - hình thức lý luận mà phái Élée đã đề ra. Cái điểm mà Empédocle giữ lại của phái Élée là «thực chất của thực tại bất sinh bất tử»; nhưng làm sao đã bất sinh bất tử mà lại có biến chuyển? (cái có thì thực là có, và cái có sao lại không có được), Empédocle trả lời là: có những nhân tố khác nhau và có sự tổng hợp các nhân tố; sinh ra là vì có sự tổng hợp nhân tố một cách đặc biệt, và chết đi là vì nhân tố bị giải tán để thành khối khác; tức là về căn bản vẫn là bát sinh bất tử. Theo Empédocle, có 4 nhân tố: «lửa» - «khí» - «nước» - «đất», thực hiện 4 tính chất căn bản: nóng - lạnh - ướt - khô, và 2 nhân tố nữa là «yêu» và «ghét». Yêu thì hợp nhau, ghét thì xa nhau; do đấy, các nhân tố tổng hợp và giải tán tùy theo yêu và ghét. Yêu và ghét cũng tính là nhân tố, vì đó là 2 chất thêm vào 4 chất kia. Ở đây, có yếu tố duy tâm, nhưng về căn bản chúng ta thấy một cố gắng đầu tiên để xây dựng một hệ thống duy vật tương đối chính xác, có quy củ.

Empédocle có công tìm ra một số ý kiến mà mãi đến thời cận đại mới phát triển, ví dụ thuyết lựa chọn tự nhiên trong tiến hóa động vật. Empédocle cho rằng: các bộ phận của cơ thể lúc đầu từ mặt đất phun ra, rồi lắp lại với nhau thành những vật nhiều khi quái gở, vật nào không có điều kiện sống được thì chết đi, còn lại những vật có điều kiện sống là những vật chúng ta thấy bây giờ.

Đó là biểu hiện đầu tiên của thuyết lựa chọn tự nhiên mà sau này Darwin phát triển, giải thích tính chất tương đối điều hòa của các cơ thể bằng quy luật biến chuyển ngẫu nhiên và lựa chọn tự nhiên. Nhưng ngẫu nhiên không phải là hoàn toàn mà chỉ tương đối, hình dáng nào của sinh vật xuất hiện cũng theo quy luật vật chất, còn tính này hay hình nọ thì là ngẫu nhiên. Nhưng qua đời sống ngẫu nhiên, chỉ có vật nào phối hợp điều hòa mới có thể sống được (ví như mình người đầu bò thì không thể sống được).

Cũng theo hướng này, xây dựng một thế giới quan duy vật tương đối duy lý theo kiểu máy móc thỉ có Anaxagore.

ANAXAGORE (khoảng 500 – 428 tr. CN)

Ông sinh ở thành Clazomènes đất Ionie, đã phát triển truyền thống duy vật Ionie trên những điều kiện mới của thế kỷ thứ V tr. CN. Anaxagore tuy là người Clazomènes nhưng sống 30 năm ở Athènes, kết bạn với Périclès (lãnh tụ dân chủ Athènes trong giai đoạn vinh quang nhất, và đi lại ở nhà bà Aspasie - bà này làm nghề cô đầu [2] và là nhân tình của Périclès). Những người chung quanh Périclès là đại biểu trực tiếp cho giai cấp chủ công phú thương, phát triển kinh tế tiền tệ, do đấy một phần lớn thoát khỏi mê tín cựu truyền, còn đại bộ phận nhân dân vẫn duy trì tư tưởng này, vì vậy tư tưởng khoa học của Anaxagore bị phản đối mạnh mẽ. Ông bị tố cáo về tội vô thần, bị khiển trách vì đã dạy rằng: mặt trời và mặt trăng là những khối vật chất phản ánh ánh sáng, chứ không phải là thần thánh gì cả. Tư tưởng triết học, khoa học tiến bộ đại diện cho phê dân chủ, nhưng chưa được nhân dân trực tiếp ủng hộ, mặc dù về quyền lợi căn bản, nó dựa vào nhân dân, nhưng về căn bản thôi; lý do cũng rõ rệt là tuy đại diện quyền lợi cho nhân dân, nhưng phải thông qua giai cấp công thương chủ nô. Do đấy, nó đóng khung trong những giới hạn tương đối hẹp hòi, và mang tính chất trừu tượng. Trên con đường xây dựng thế giới quan duy vật, Anaxagore có tiến một bước so với Empédocle.

Về thực chất cơ sở biến chuyển: Anaxagore không hạn chế trong 4 nhân tố mà quan niệm mỗi vật có vô cùng nhân tố, do đấy mọi vật có thể chuyển thành bất kỳ vật gì khác. Ví dụ: ăn rau, rau biến thành thịt, tức là vật nọ biến thành vật kia; trong rau có nhân tố thịt, tức là tất cả mọi vật có trong tất cả mọi vật.

Về động cơ biến chuyển, Anaxagore cho là tinh thần, tức là hãy còn di tích duy tâm, nhưng đã là một bước tiến, vì theo Empédocle có 2 yếu tố tinh thần: yêu và ghét. Với Anaxagore chỉ có một yếu tố và hoạt động một cách tương đối đơn giản: tinh thần làm cho khối vật chất xoay tròn, trong khi xoay tròn phần nặng nhất tập trung lại ở giữa thành quả đất, xung quanh bắn ra một số vật thành hành tinh, định tinh, mặt trời, mặt trăng, v. v... Tinh thần đây chỉ có một hoạt động tối thiểu là gây chuyển động đầu tiên đơn giản nhất, từ đấy các vật thể xuất hiện một cách máy móc, tức là đã đạt được một hình thức tương đối duy lý, nhưng hãy còn giữ một số di tích duy tâm hoặc mơ mộng như khái niệm tinh thần động cơ, khái niệm nhân tố vô cùng.

Theo hướng ấy, bước cuối cùng là thuyết nguyên tử do Leucippe và Démocrite sáng tạo từ giữa đến cuối thế kỷ thứ V tr. CN. Thuyết nguyên tử hoàn thành những cố gắng qua chủ nghĩa duy vật để đáp lại những nhu cầu lý tính mà phái Élée đã đề ra, như phải quy định rõ ràng cơ sở biến chuyển bất sinh bất tử và động cơ biến chuyển. Cơ sở biến chuyển là bất sinh bất tử, vì khi nào cũng phải là có, nhưng hình dung nó thế nào. Nếu chỉ nói chung chung là chất này chất kia như lửa, đất, v. v... và những yếu tố vô cùng, v. v… thì không thành một cơ sở chính xác để giải thích biến chuyển.

LEUCIPPE (khoảng 460 – 370 tr. CN) và DEMOCRITE (khoảng 460 – 370)

Theo Leucippe và Démocrite, cơ sở biến chuyển bất sinh bất tử là nguyên tử. Nguyên tử là những thực thể rất nhỏ, nhưng vĩnh viễn không thể chia ra và diệt được, nó là nó, và chỉ phân biệt theo hình và theo khối, chứ không có tính chất cảm tính như lạnh, nóng, ướt, khô, v. v… Lần đầu tiên tư tưởng duy vật Hy Lạp đạt tới một khái niệm vật chất thoát khỏi cảm tính trực quan, quy định vật chất một cách khoa học, chính xác, bằng khối và hình.

Về động cơ biến chuyển cũng không phải cái gì ngoài thế giới vật chất, nó chỉ là hình thức vận động đơn giản nhất của vật chất: vận động xoay tròn. Trong lúc xoay tròn, một số nguyên tử nặng vào giữa, một số khác bật ra ngoài xây dựng ra vô số thế giới trong đó có thế giới chúng ta. Thế giới quan ấy có tính chất máy móc, nhưng nó hoàn thành được nhu cầu lý luận là thoát khỏi những mơ hồ duy tâm, cảm tính và do đó giải phóng con người, lần đầu tiên thực sự và hoàn toàn giải phóng từ tư tưởng khỏi tôn giáo. Tất cả những triết học mà chúng ta thấy trước đây dù là duy vật cũng còn dính ít nhiều tư tưởng thần thánh, nhưng với Leucippe và Démocrite, lần đầu tiên tư tưởng thần thánh hoàn toàn bị gạt bỏ.

Démocrite quan niệm thần thánh cũng là những khối nguyên tử đặc biệt, có thể to lớn hơn hoặc nhanh nhẩu hơn người thường, nhưng cũng chỉ là nguyên tử thôi. Đồng thời được nêu rõ ý nghĩa giải phóng, ý nghĩa luân lý của thế giới quan duy vật là nhờ thế giới quan ấy ta thoát khỏi mọi lo lắng sợ sệt viển vông về thần thánh, số mệnh, tình cảm, v. v... Đường lối giải phóng ấy, luân lý ấy phần nào đấy có tính chất tích cực, vì nó là khái niệm giải phóng thuần túy, không phải lo lắng cái gì nữa vì cái gì cũng chỉ là khối nguyên tử, nhưng đồng thời có tính chất tiêu cực là làm mất cả ý nghĩa đời sống; tức là theo hướng tiến bộ tương đối của nó trong những điều kiện xã hội bấy giờ, thì có ý nghĩa giải phóng thực sự và chân chính, vì với chế độ áp bức lúc ấy chưa có điều kiện thực tế để giải phóng nhân dân, thì lý tưởng giải phóng chỉ có thể là tư tưởng giải phóng cá nhân. Giải phóng cá nhân trong điều kiện ấy có phần chân chính, nhưng đồng thời lại tiêu cực, phải hy sinh phần tỉnh cảm mà chỉ có thể thực hiện trong đời sống tập thể. Nó là lý tưởng giải phóng cao nhất mà giai cấp công thương có thể đạt được trong giai đoạn tiến bộ, giai đoạn cách mạng của nó. Nhưng cũng ở thời ấy, bên cạnh lý tưởng giải phóng tuyệt đối bằng khoa học thuần túy, giai cấp công thương đang lên cũng có thực hiện được một số tư tưởng tiến bộ tương đối, đặt vấn đề giải phóng trong xã hội. Nó biểu hiện một cách tương đối đại chúng hơn những đòi hỏi luân lý của phe dân chủ. Hướng ấy là hướng của những người biện sĩ (sophistes).

Lúc đầu biện sĩ có ý nghĩa tiến bộ, nhưng về sau đi vào trụy lạc. Những nhà biện sĩ là những cá nhân theo cùng một hướng chung: phát triển tài năng cá nhân, đồng thời đề cao đời sống văn minh trong ấy những tài năng cá nhân có điều kiện để thực hiện nhu cầu của mình. Trong lịch sử chỉ còn lại những tên tiêu biểu: Protagoras, Gorgias, Prodicos, Antiphon, Hippias. Đó là những ông thày dạy nghề diễn thuyết (vì ở chế độ dân chủ, người nào diễn thuyết giỏi thì được bầu làm quan hoặc ra cãi lấy tiền ở tòa). Về căn bản, dạy ăn nói, nhưng trong đó cũng có dạy lý luận, tư tưởng, nhân sinh quan, v. v... Ngoài phần hùng biện, có phần chân chính !à tư tưởng đề cao kỹ thuật, đề cao đời sống xã hội ngoài khuôn khổ tôn giáo, quan hệ nhân đạo giữa người và người ngoài tổ chức tôn giáo. Ví dụ Protagoras cũng chỉ nói một câu nổi tiếng: «Người là thước đo mọi vật, đo cái có của những vật có, và cái không có của những vật không có». Nói như vậy có phần chủ quan. Về sau Platon phê phán rất nhiều, cho như thế là bỏ chân lý khách quan, nhưng theo chúng ta con người mà Protagoras nói chính là con người có sản xuất, có kỹ thuật, và sống trong xã hội. Câu nói của Protagoras có tính chất tiến bộ rõ ràng. Về vấn đề thần thánh, Protagoras không đặt ra, ông trả lời rằng: «Thần thánh có hay không có, thì không thể nói được vì hai lý do: một là khó quá, hai là đời người ngắn ngủi».

1] Theo truyền thuyết: Một hôm người la mời Empédocle đi ăn tiệc, nhưng phải chờ mãi để đợi ông chủ tiệc, sau chủ tiệc đến làm chủ tọa rất độc đoán, bắt mọi người uống rượu rất nhiều, ai không uổng thì đổ rượu lên đều; hôm sau, Empédocle triệu tập chủ tiệc và chủ nhà ra tòa án, đề nghi xử tử. Ý nghĩa câu chuyện là lúc bấy giờ có một cuộc đấu tranh gay go giữa 2 phe: phe độc đoán và phe dân chủ.

[2 ] Ở thời Cổ đại, nghề này có phần danh dự, vì dưới chế độ chủ nô Hy Lạp, gia đình còn truyền thống phụ quyền rất nặng. Đàn bà rất ít quyền, kết hôn căn bản là để có con và chuyển gia tài, vấn đề luyến ái tình cảm không có, nên phần tình cảm phát triển ngoài gia đình lại có vai trò văn hóa, xã hội.



Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen