Họ sống tại một trong những quốc gia nghèo nhất trên quả đất, nhưng họ lại lái xe bóng lộn, sống trong những dinh thự và khinh rẻ đồng bào đói khổ của mình. Andrew Marshall gặp gỡ con cái của giới ưu tú Cambodia.
"Tôi muốn chạy nhanh lên một tí, được không?"
Ở Cambodia có một nơi mà bạn có thể một tay cầm lon bia lạnh và tay kia cầm khẩu Kalashnikov ấm nóng, và Victor đang đưa tôi đến nơi ấy. Chúng tôi phóng xe dọc theo sân bay Phnom Penh với âm thanh của ban nhạc Oasis trong dàn loa từ chiếc Mercedes của cậu ta và súng ống đàng sau cốp xe đủ để bắn chìm tàu của bọn cướp biển Somali. Victor giàu có và cuộc đời thật hoàn hảo. Cha của cậu là tư lệnh lục quân Cambodia. Cậu đã được dành sẵn một chỗ tại Học viện Quân sự Đặc biệt Saint-Cyr ở Pháp (tương tự như Đại học Quân sự Hoàng gia Duntroon của Úc). Một gã đàn ông gầy ngồi lặng lẽ bên ghế trước với khẩu súng ngắn Trung Quốc: đó là cận vệ của cậu.
"Tên anh ấy là Klar," Victor nói. "Có nghĩa là hổ."
Victor chỉ mới 21, nhưng khi chúng tôi đến nơi - bãi tập bắn của lực lượng đặc biệt Cambodia - những người lính gác cổng đã giơ tay chào.
Bị tàn phá sau mấy thập niên nội chiến, Cambodia vẫn đang là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Một phần ba của dân số 13 triệu người sống dưới một đô-la mỗi ngày và 8 trong số 100 trẻ em qua đời trước khi được năm tuổi. Nhưng Victor - tên thật là Meas Sophearith - đã được nuôi nấng trong một Cambodia khác, nơi quyền lực và hàng tỉ đô-la tập trung trong tay của một giới tinh tuyển nhỏ bé. Những người này chỉ muốn nắm giữ tầm vóc và nguồn tiền bạc của họ - đốn gỗ lậu, buôn lậu, chiếm đất - nhưng con cái họ lại chỉ thích tiêu xài. Khmer Đỏ đã chết và Khmer Trọc phú đang khống chế Cambodia.
Tôi gặp Victor lần đầu tiên tại một nhà hàng sang trọng ở Pnom Penh tên là Café Metro. Bên ngoài những chiếc Porsche, Bentley và Humvee đang giành nhau chỗ đậu. Là con trai của vị tướng đầy quyền lực, tương lai của Victor đã được vạch sẵn. Cậu đi học tại Versailles, nói tiếng Pháp và tiếng Anh, và hiện đang theo học ngành chính trị tại Đại học Oklahoma. "Mẹ tôi muốn chúng tôi có được một nền giáo dục ngoại quốc để có thể trở về điều khiển đất nước," cậu nói. Bãi tập bắn là nơi Victor và bạn bè đến để thư giãn. "Tôi lớn lên với súng ống và quân lính chung quanh mình," cậu nói, bày kho vũ khi riêng của mình ra bàn: hai khẩu súng trường tự động, hai khẩu súng ngắn Glock, một khẩu súng bắn tỉa, và một chiếc iPhone.
Victor và thế hệ của cậu là tương lai của Cambodia. Liệu họ sẽ dùng vốn giáo dục và sự giàu có để đưa những đồng bào kém may mắn của mình ra khỏi nghèo đói? Hay họ chỉ tiếp tục cơn sốt chạy theo đồng tiền và quyền lực của cha mẹ mình? Bộ Phát triển Quốc tế của Anh (DFID) đã cung cấp khoảng 30 triệu Mỹ kim từ tiền thuế của dân cho quốc gia này trong năm tài khóa vừa qua, đã đưa ra một câu trả lời vào tháng Sáu, khi cơ quan này tuyên bố sẽ đóng cửa văn phòng tại Cambodia vào năm 2011. Lý do chính thức? "Chúng tôi cho rằng việc trợ của Anh Quốc có thể có ảnh hưởng lớn hơn.. nơi có nhiều người nghèo hơn và ít viện trợ quốc tế hơn," bản tuyên bố của DFID cho biết. Nhưng cơ quan phát triển hẳn cũng đã mệt mỏi vì đã quẳng tiền vào một quốc gia nơi mà sự nghèo đói có thể đổ lỗi cho giới tinh tuyển chính trị tham lam - và lớp con cái mê thích xa hoa của họ. (Nhưng rõ là Úc vẫn chưa thấy điều này: họ đã chuyển 61,4 triệu đô-la hỗ trợ phát triển cho Cambodia trong 2009-10).
Càng thất vọng hơn, những Đứa con Đại gia Khmer dường như không khác gì mấy so với giai cấp thực dân thống trị trước đây. Họ được giáo dục ở nước ngoài - một phần vì sự giàu có của gia đình thường biến họ là mục tiêu của bọn bắt cóc - và thường nói tiếng Anh rành hơn tiếng Khmer. Họ chi tiêu bằng Mỹ kim - chỉ có người nghèo mới xài tiền Riel - và sống trong những tòa biệt thự tân cổ điển mới xây, rộng đến nỗi nếu so với chúng thì khu phố kiến trúc Pháp xưa của thành phố trông giống như những khối nhà đồ chơi của Lego. Và họ dường như không có sự liên hệ nào đến đa số người dân Cambodia.
Sophy, 22 tuổi, là con gái của Phó Thủ tướng. Giàu có, giống như búp bê và tự kiêu, cô có thể là Paris Hilton của Cambodia. Cô nhập khẩu giày dạ hội từ Singapore, lấy hiệu là "Sophy & Sina" (Sina là tên của người chị dâu), rồi chưng bày tại cửa hàng nhiều tầng của mình. Cửa hàng có sáu nhân viên, không có khách hàng và khẩu hiệu là "Tất cả là vì tôi." Tên của Sophy được gắn bằng đá sáng lấp lánh ở phía sau chiếc xe của cô, đấy là một chiếc Mercedes được độ chế đến nỗi tôi phải hỏi cô hiệu của nó là gì. "Nó là chiếc Sophy!" cô trả lời.
Chúng tôi gặp nhau tại hiệu thẩm mỹ của cô, nơi cô đang giúp sửa soạn một người mẫu để chụp ảnh thời trang cho một tạp chí mà cô đang sắp ra mắt chung với người anh của mình là Sopheary, 28 tuổi và người anh họ là Noh Sar, 26 tuổi. Cả ba đều được đào tạo ở nước ngoài và đều chỉ muốn nói chuyện bằng tiếng Anh. Sopheary từng học tại tiểu bang New York, dường như thích thú và hơi xấu hổ vì sự giàu có và đặc quyền của mình. "Mình phải làm gì đây?" anh hỏi. "Cha mẹ mình cho mình những thứ này. Mình không thể từ chối. Nếu ai đấy cho mình bánh thì mình cứ ăn."
Khi nói chuyện với Sopheary và bạn của anh, quá khứ bi thương của Cambodia dường như đã xa lắm. Chế độ Khmer Đỏ từng phá hủy ngân hàng và loại bỏ tiền tệ trước khi bị đánh đổ khỏi quyền lực vào năm 1979. Sau đấy là Hiệp định Paris 1991, và quá trình cướp bóc tài nguyên thiên nhiên giàu có của Cambodia - rừng, thủy sản, đất đai - chính thức bắt đầu. Nền kinh tế chính thức của Cambodia đa số dựa vào vải sợi, xuất khẩu, nhưng lại có một nền kinh tế mờ ám khác lớn hơn trong đó chỉ có những kẻ tàn bạo và quen biết rộng mới sống sót và làm giàu. "Nếu anh muốn làm ăn, anh phải quen biết những người ở trên cao để bảo vệ mình," Victor nói.
Càng đến gần Hunsen, vị Thủ tướng chuyên quyền của Cambodia, thì càng có được ô dù tốt. Hun Sen đã dàn dựng một cuộc đảo chính đẫm máu năm 1997 và từ đó đã dùng bàn tay sắt để nắm lấy quyền lực. Những người chống đối đã bị bịt miệng trong khi những kẻ trung thành ngày càng giàu có. Những người này gồm có các bộ trưởng, khoảng chục đại gia và tướng lĩnh. Người dân Cambodia thường bị binh lính hoặc quân cảnh trục xuất khỏi đất đai của mình. Từng bị người Pháp sở hữu, Cambodia lại trở thành thuộc địa, lần này lại bởi những kẻ tinh tuyển tham lam của mình.
Nhưng những Trọc phú Khmer lại có một khó khăn. "Không ai trong họ có thể trả lời một câu hỏi đơn giản: những đồng tiền này từ đâu ra?" một nhà báo phương Tây ở Phnom Penh nói. Nếu hỏi những bộ trưởng Cambodia tại sao họ quá giàu so với đồng lương nhỏ bé của chính phủ, và họ đều trả lời, "Vợ tôi rất giỏi buôn bán."
Khi tôi hỏi Noh Sar, cha của anh là một viên chức quan thuế cao cấp, tại sao anh ta quá giàu, anh ta trả lời hơi khác một tí: "Mẹ tôi làm việc rất nhiều."
Mẹ của Victor cũng rất giỏi về buôn bán, theo báo cáo "Quốc gia được rao bán," điều tra về giới thượng lưu do tổ chức giám sát tham nhũng Global Witness ở London xuất bản tháng Hai, 2009. "Bà ta đóng vai trò chủ chốt tại RCAF (Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Cambodia), bảo trợ chính trị, có tiếng là dữ dằn đối với những cấp dưới của chồng mình vì liên tục đòi hỏi tiền bạc," bản báo cáo cho biết. "các nguồn tin từ RCAF đã báo với Global Witness rằng các sĩ quan quân đội đôi khi phải hối lộ bà để được tăng cơ hội với "những đầu mối thân cận" của bà với những đại gia buôn lậu gỗ."
(còn tiếp)
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen