Thoạt nhìn, viễn cảnh của Vikto Yanukovich nắm quyền tổng thống ở Ukraine trông giống như một điệp khúc ảm đạm của nền dân chủ trên thế giới. Ông Yanukovich là “kẻ xấu” trong cuộc Cách Mạng Cam ở Ukraine năm 2004. Ông ta được Nga hậu thuẫn và đã bị tố cáo là gian lận bầu cử. Phương Tây reo mừng khi ông bị người ta gạt sang bên và bầu cho nhân vật anh hùng và thân phương tây Viktor Yushchenko.
Nhưng giờ đây ông Yanukovich đã trở lại và lịch sử dường như đang xoay ngược.
Vào năm 2004, cuộc Cách mạng Cam của Ukraine - cùng với những cuộc cách mạng màu khác ở Georgia vào năm 2003 và Kyrgyzstan vào năm 2005 - trông giống như một kiểu mẫu mới nhất của cơn sóng dân chủ đã kéo dài trong trên thế giới trong suốt 30 năm: từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong những năm 1970 đến sự sụp đổ của khối Xô Viết, sự chấm dứt của chủ nghĩa Apartheid ở Nam Phi và sự sụp đổ của Suharto tại Indonesia. Một số người đã hy vọng rằng các cuộc cách mạng dân chủ trong khu vực Xô Viết cũ sẽ được nối tiếp bằng sự tái thiết lập những giá trị này vào chính nước Nga - và sự rút lui của chủ nghĩa Putin.
Nhưng điểm lại thì những cuộc cách mạng màu đã đại diện cho một dấu ấn lớn trong phong trào dân chủ thế giới. Không bao lâu sau, mọi việc bắt đầu đi chệch hướng. Freedom House, một tổ chức xã hội của Hoa Kỳ chuyên theo dõi dân quyền và chính trị trên khắp thế giới, đã phát hành một báo cáo thường niên vào tháng trước và đã lưu ý rằng: "Trong suốt bốn năm liên tục, sự suy giảm quyền tự do trên thế giới đã vượt qua mức tăng trưởng trong năm 2009. Đây là giai đoạn dài nhất của việc suy giảm tự do trên toàn địa cầu trong lịch sử nghiên cứu của 40 năm qua." Tổ chức này theo dõi sự suy giảm tự do của 40 quốc gia trên thế giới, so với chỉ 16 nước với tình hình có vẻ khả quan hơn.
Chỉ năm năm sau cuộc Cách mạng Tulip, Kyrgyzstan đã trượt lại vào chế độ độc tài và đã bị Freedom House liệt vào dạng "không tự do." Mặc dù (và có lẽ bởi vì) với cá tính dễ ưa của vị tổng thống thân tây phương Mikheil Saakashvili, Georgia vẫn bị xếp vào dạng "phần nào tự do" - và đang bị đe doạ bởi một nước Nga giận dữ. Ukraine là một trường hợp cá biệt - vẫn được Freedom House gọi là một quốc gia hoàn toàn "tự do." Nhưng nhiều người sẽ cho rằng việc nắm lại quyền lực của ông Yanukovich - con người thầm lặng đóng vai ác của 2004 - như là sự bắt đầu của hồi kết của nền dân chủ Ukraine.
Nhưng dù muốn đến đâu, nếu dùng cuộc bầu cử của Yanukovich như là nguyên nhân để đưa Ukraine ra khỏi danh sách của những quốc gia tự do và dân chủ sẽ là một sai lầm lười biếng. Đúng là đối thủ chính của ông là Yulia Tymoshenko đã khiếu nại kết quả bầu cử. Sẽ có thể xảy ra những cuộc biểu tình phản đối. Nhưng đa số những nhà quan sát ngoại quốc dường như đang cho rằng cơ bản đây là một cuộc bầu cử trong sạch. Rất đáng tin rằng Yanukovich đã thắng cử không phải là nhờ sự gian lận phiếu của người Nga mà dân Ukraine thật sự đã bầu cho ông. Tự do có rất nhiều nghĩa, bao gồm cả quyền tự do bầu cho một cựu tội phạm chuyên nói bậy (Yanukovich từng bị đi tù vì bạo lực khi còn trẻ và đã tạo nên những chuyện vui trong kỳ vận động bầu cử khi tuyên bố rằng một trong những mục tiêu của ông là đưa Ukraine vào Tổ chức Thương mại Thế giới - một việc đã xảy ra từ hai năm trước).
Những nhà quan sát Tây phương thường quá vội vã khi đặt ba khái niệm khác biệt ngang nhau, dù chúng thường liên quan với nhau: dân chủ, thân phương tây và quản lý chính quyền tốt. Trong sáu năm qua, dưới sự lãnh đạo của Yushchenko, Ukraine đã có dân chủ và gần với phương tây - nhưng lại được quản lý một cách kém cỏi. Những người thường dân Ukraine giờ đây mong muốn một chính quyền tốt hơn, và đấy chính là nguyên nhân của ác cảm dành cho nhân vật Yushchenko kém hiệu quả.
Sự kiện của việc thay đổi lãnh đạo một cách hoà bình lần thứ ba tại Ukraine kể từ 1991 cho thấy rằng nền dân chủ có thể sống sót trong thời đại của Yanukovich. Bản thân việc này đã làm một tiến bộ lớn.
Nhưng cũng có thể xảy ra trường hợp chính sách đối ngoại của Ukraine sẽ nghiêng nhiều về Nga. Cho dù Yanukovich muốn Ukraine tham gia Liên hiệp châu Âu, khả năng để quốc gia này chắc chắn tham gia vào cộng đồng châu Âu mở rộng đã bị yếu đi bởi cuộc bầu cử tuần qua - và khả năng để nó bị cuốn vào quĩ đạo của Nga ngày càng cao.
Nhưng thay vì cứ thở dài và tắt lưỡi tiếc nuối về sự tiêu tan của những hi vọng to lớn có được từ cuộc Cách mạng Cam, những nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu tốt hơn nên nhìn lại trách nhiệm của chính mình.
Ukraine đã gặp vận xui khi cuộc Cách mạng Cam xảy ra đúng vào lúc khối Liên hiệp châu Âu đang lâm vào tình trạng "mệt mỏi vì mở rộng" - theo sau cú sốc của sự tăng trưởng từ 12 thành viên năm 1995 đến 27 thành viên hiện nay. Kết quả là EU đã không có thái độ khuyến khích Ukraine, một hành động gần như là tội lỗi, khi quốc gia này đang đồng thời phải bảo đảm nền độc lập, nền dân chủ lẫn sự thịnh vượng của mình. Mọi người đều biết rằng việc chính thức tham gia khối Liên hiệp là một quá trình lâu dài và gian khó - vì phải liên quan đến việc thay đổi những luật lệ lẫn nền kinh tế của những quốc gia muốn tham gia. Nhưng EU chẳng tốn kém nhiều nếu đưa ra một khuyến khích cho Ukraine rằng họ sẽ trở thành một thành viên trong tương lai. Khi EU đã không thể làm ngay cả việc này, Ukraine và Georgia đã phải tìm cách tham gia khối NATO - dẫn đến việc chọc giận Nga.
Thay vì thầm lặng than khóc sự thắng cử của Yanukovich, EU tốt hơn nên khắc phục lỗi lầm lịch sử của mình và công nhận rằng cả Ukraine và Georgia đều có triển vọng trở thành thành viên của khối Liên hiệp. Đây chính là phương cách tốt nhất để bảo đảm rằng, ngay cả hiện tại, những thành quả của cuộc Cách mạng Cam sẽ không bị phí hoài.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen