Sonntag, 26. August 2012

Tư tưởng triết học Hy Lạp (5)






GHI CHÚ

1. TƯ TƯỞNG HY LẠP THẾ KỶ THỨ V TCN – BI KỊCH

Chủng tộc: nói chung là những tập thể đã chung sống lâu dài, do đấy có những nét sinh lý đặc biệt. Như thế, thị tộc, bộ tộc, dân tộc đều có thể xem là chủng tộc cả, nếu loại biệt tính của tập thể đó là có ảnh hưởng đến cơ thể. Một số người ở cùng với nhau một thời gian dài, có những nét phân biệt về sinh vật tính đối với các tập thể khác, và thành một đơn vị tương đối riêng biệt, đó là chủng tộc. Không có chủng tộc tuyệt đối, nó là sản phẩm của hoàn cảnh lịch sử, nhưng có loại biệt tính tương đối mạnh.

Bây giờ, xét đến những tập thể xây dựng theo tính chất của chế độ kinh tế thì hình thức thấp là thị tộc (clan). Thị tộc xuất hiện sau gia đình đồng huyết, có đặc tính là cấm giao cấu trong nội bộ. Quan hệ căn bản giữa các thị tộc với nhau là quan hệ chiến tranh, nếu có trao đổi hay liên minh thì có giao ước riêng, nhưng cũng là trên cơ sở chiến tranh. Liên minh các thị tộc thành bộ lạc. Bộ lạc là tập thể lớn nhất trong xã hội nguyên thủy. Khi tiến lên xã hội chiếm hữu nô lệ, bộ lạc (tribu) phát triển lên trình độ bộ tộc (nationalité). Trong xã hội chiếm hữu nô lệ và phong kiến, có nhiều bộ tộc nhưng nói chung chưa thống nhất trong căn bản, vì chưa có một thị trường chung, hay nếu có thì cũng chỉ hạn chế trong một tầng lớp nào thôi. Tới tư bản chủ nghĩa mới có thị trường thống nhất, và bộ tộc trở thành dân tộc, hoặc có những nước vì điều kiện đặc biệt chuyển thẳng lên xã hội chủ nghĩa mà không thông qua chế độ tư bản, thì đến xã hội chủ nghĩa hình thành dân tộc xã hội chủ nghĩa. Đó là những nét chung. Nhưng còn một vấn đề chưa rõ là những trường hợp chưa tiến lên trình độ tư bản chủ nghĩa mà đã có tính chất dân tộc đến một mức nào đấy. Trong vấn đề này, phải nghiên cứu hoàn cảnh cụ thể của từng nước, chứ không thể áp dụng phạm trù một cách máy móc được.

Giữa hai khái niệm bộ lạc và bộ tộc có sự phân biệt về căn bản, nhưng ranh giới cụ thể chưa dứt khoát lắm, vì có những bộ lạc tiên minh thành bộ tộc, cũng có những bộ tộc nhỏ liên minh thành bộ tộc lớn. Phương thức liên minh bộ lạc thành bộ tộc nói chung ở Đông phương thông qua những cuộc chiến tranh tàn khốc, trong đó bộ lạc chiến thắng kết nạp một số người của bộ lạc khác và làm nòng cốt cho bộ tộc thống trị. Đó là hình thức quân chủ độc đoán chủ nô. Khác với Đông phương, Hy Lạp theo một phương thức đặc biệt là liên minh lỏng lẻo trên cơ sở tự nguyện tự giác, trong đó có cạnh tranh chia rẽ, nhưng về tinh thần có một lý tưởng thống nhất, nhằm một mục đích chung. Sở dĩ không thông qua quân chủ độc đoán, mà lại có một tinh thần, lý tưởng chung, là vì nó có một cơ sở chung là kinh tế hàng hóa phát triển đòi hỏi một thị trường thống nhất, và tình hình đối lập chung của tập thể Hy Lạp chống với những bộ tộc và bộ lạc xung quanh, nhất là với Ba Tư. Do đó, chế độ chiếm hữu nô lệ Hy Lạp là trường hợp độc nhất của lịch sử không thông qua quân chủ độc đoán, mà phát triển theo hình thức cộng hòa dân chủ, phát triển được tự do bình đẳng tới một mức nhất định trong hàng ngũ nhân dân tự do; do đó nó phát triển được những tư tưởng tiến bộ trong phạm vi lý tưởng, nhưng cũng có một nội dung tiến bộ thực sự, cho nên hình thức này đã trở thành một kiểu mẫu đến một mức nào đó cho chế độ dân chủ sau này, đặc biệt là trong thời kỳ cách mạng tư sản.

Một trong những tác phẩm văn nghệ phản ánh được tinh thần liên minh lỏng lẻo đó là anh hùng ca của Homère. Tác phẩm này diễn ra một điển hình ở trình độ chiếm hữu nô lệ của một liên minh tự nguyện tự giác có thống nhất bằng lý tưởng, lý tưởng đây có cơ sở hẳn hoi của nó. Đối với chúng ta, vấn đề không phải là xem câu chuyện có thật hay không, hoặc có đúng như thế không. Nhiều nhà bác học cho rằng chưa có bằng chứng chính xác chứng tỏ có chiến tranh Troie, và dù có đi nữa thì cuộc chiến tranh đó cũng không giống như trong tác phẩm của Homère. Homère (hay những tác giả mà ta gọi chung dưới tên Homère, sống vào khoảng cuối thế kỷ VIII - đầu thế kỷ VII TCN) đã biểu hiện lý tưởng của mình qua một chuyện cổ tích. Ông đã xây dựng câu chuyện theo tư tưởng bấy giờ, nghĩa là lúc văn minh thành thị Hy Lạp bắt đầu phát triển, và những thành thị đi chiếm căn cứ địa ở Địa Trung Hải và Hắc Hải. Do đó Hellespont trở thành một trung tâm gặp gỡ của các thành thị Hy Lạp, và cần được bảo vệ chống với các bộ lạc và bộ tộc chung quanh như các bộ tộc ở Á đông. Tầm quan trọng của thành Troie có cơ sở là việc đi tìm căn cứ địa ở Địa Trung Hải và Hắc Hải. Anh hùng ca của Homère cũng là một lối khai thác vốn cũ, dùng một chuyện cổ tích để diễn đạt sự liên minh lý tưởng của các thành thị Hy Lạp cùng bảo vệ con đường đi vào Hắc Hải. Mâu thuẫn giữa Achille và Agamemnon phản ánh mâu thuẫn thực sự bấy giờ giữa các thành thị Hy Lạp, và anh hùng ca này là một bài học đoàn kết cho những người đương thời.

Trong đoạn đầu của văn minh Hy Lạp, vốn cũ được khai thác theo kiểu anh hùng ca. Đặc điểm của khái niệm anh hùng ca là trong đó khách quan và chủ quan là hoàn toàn thống nhất, có thể nói là lẫn lộn. Mỗi vai trò có tính chất hình như tự nhiên của nó, nó là nó thôi, không so sánh với một cái gì khác. Anh hùng là người đồng nhất với một vai trò nhất định, hết vai trò ấy là chết, không có vấn đề đấu tranh tư tưởng, thắc mắc. Ý nghĩa chủ quan của anh hùng hoàn toàn thống nhất với sự việc khách quan. Achille tức giận bỏ đi rồi lại trở về... tính ông như thế, không thể quan niệm là trong ấy có ưu điểm và khuyết điểm. Mỗi anh hùng là như thế, ta không thể quan niệm khác được. Tính chất anh hùng của Achille là tất cả những việc ông ta đã làm, chính là ông ta đấy. Trong anh hùng ca, có mâu thuẫn giữa các nhân vật, nhưng không có mâu thuẫn nội tâm trong một nhân vật. Ý nghĩa của vai trò đơn giản, một chiều, chỉ có thế, mà phải như thế thôi, không thể khác được. Ý nghĩa anh hùng này phản ánh bước đầu của chế độ thành thị Hy Lạp, tức là bước chuyển biến nguyên thủy từ chế độ bộ lạc lên chế độ thành thị, trong đó mỗi người anh hùng tiêu biểu cho một bộ lạc hay một số bộ lạc, và giữ tính chất cứng rắn của bộ lạc: người nào là người ấy, không phức tạp, không thắc mắc, không có vấn đề tư tưởng. Đó chính là giai đoạn cộng hòa quý tộc, trong đó mâu thuẫn nội bộ thành thị chưa phát triển (thực ra đã có rồi, nhưng được giải quyết một cách tạm thời nhờ phong trào lập căn cứ địa). Nhưng đến cuối thế kỷ VII TCN, trong thế kỷ VI TCN, và nhất là tới thế kỷ V TCN, mâu thuẫn giai cấp phát triển đưa lên chế độ cộng hòa dân chủ. Lúc này quyền thống trị của bọn quý tộc đã bị gạt bỏ, nhưng không vì thế mà những yếu tố của chế độ cũ mà nó là đại biểu đã hoàn toàn mất. Trái lại, trong chế độ dân chủ chủ nô, mâu thuẫn giai cấp mới được tạm thời giải quyết bằng cách phát triển công thương nghiệp, hợp lý hóa cách bóc lột nô lệ, do đó nâng đỡ được dân tự do nghèo, thực hiện được dân chủ trong hàng ngũ nhân dân tự do; nhưng mâu thuẫn cũ vốn còn (trước là giữa quý tộc và dân chủ, bây giờ là mâu thuẫn giữa bọn thượng lưu tức là quý tộc cũ và nhà giàu quý tộc hóa với phe dân chủ). Trong đó, bọn thượng lưu tiêu biểu cho cả truyền thống cũ, truyền thống này lại còn ảnh hưởng nhiều trong nhân dân. Nhân dân các thành thị thống nhất trong nội bộ thành thị với nhau là vì vẫn phải dựa trên cơ sở cũ của bộ lạc, chứ nếu chỉ dựa vào cơ sở công thương nghiệp thì các thành thị Hy Lạp đã không giữ được loại biệt tính và quyền độc lập riêng của mình, mà đã thống nhất thành một bộ tộc lớn. Như thế, chế độ dân chủ Hy Lạp là dựa trên sự thống nhất của các chủ nô ở mỗi thành thị để thống trị giai cấp nô lệ. Cho nên di tích cũ bề ngoài bị gạt bỏ vì kinh tế hàng hóa và chế độ dân chủ phát triển, nhưng bên trong còn được duy trì để làm cơ sơ bảo vệ quyền thống trị và sự thống nhất của công dân của mỗi thành thị riêng lẻ để đàn áp nô lệ.

Trong buổi đầu thế kỷ VIII và VII TCN, kinh tế hàng hóa đang phát triển, thành thị mới phát triển bước đầu, mâu thuẫn giữa các tầng lớp chủ nô chưa sâu sắc lắm, thì mâu thuẫn giữa di tích chế độ cũ (di tích bộ lạc) và lý tưởng phổ cập của chế độ mới (chế độ Nhà nước) chưa phát hiện rõ. Đến thế kỷ V TCN là giai đoạn cao nhất của chế độ chiếm hữu nô lệ Hy Lạp mà cũng là bước đầu suy vong, thì mâu thuẫn phát triển mạnh mẽ. Nó là mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức của chế độ chiếm hữu nô lệ. Về nội dung, nó dựa trên di tích bộ lạc: quan hệ chủ nô và nô lệ là quan hệ giữa bộ lạc thắng và bộ lạc thua, giữa người có quyền công dân và người hoàn toàn không có quyền, vì đối với bộ lạc không có con người nói chung, mà chỉ có con người của bộ lạc mình được bảo vệ quyền lợi, do đó con người bên bộ lạc thua bị phủ định hoàn toàn. Nhưng về hình thức, vì công thương nghiệp phát triển, nên hình thức dân chủ là bao quát cả mọi người, Nhà nước là một cơ quan hình thức phổ cập bảo vệ quyền lợi chung. Quan hệ bộ lạc còn những di tích trong truyền thống gia đình, trong lễ nghi gia đình, liên đới theo thuyết thống, trái lại Nhà nước là tiêu biểu lợi ích chung, liên đới đây không theo huyết thống mà theo luật pháp. Do đó, hai yếu tố có mâu thuẫn, và mâu thuẫn này được diễn tả trong văn nghệ của thế kỷ V TCN bằng thể văn bi kịch. Người anh hùng trước kia là một vai trò đơn thuần, một chiều vì chế độ chiếm hữu nô lệ bấy giờ chưa phát hiện mâu thuẫn nội bộ, đến bây giờ vai trò anh hùng mang một mâu thuẫn nội bộ, mâu thuẫn trong tư tưởng, muốn thế này nhưng lại phải làm thế khác. Do đó nó có tính chất bi quan.

Hai tác giả bi kịch lớn hồi này là Eschyle và Sophocle.

ESCHYLE (khoảng 525 – 456 TCN)

Eschyle già hơn và còn giữ nhiều yếu tố anh hùng ca hơn. Trong Eschyle, mâu thuẫn còn phần nào khách quan, thể hiện giữa các thần; với Sophocle, nó đã hoàn toàn nội tâm hóa. Một thí dụ về bi kịch của Eschyle là Tam kịch Orestie. Đây là một câu chuyện cổ tích truyền từ thời bộ lạc, qua anh hùng ca rồi thành bi kịch:

Trong lúc Agamenmon đánh Troie, vợ ở nhà là Clytemnestre đi lại với Egisthe; Agamemnon chiến thắng trở về, hai người kia âm mưu ám hại, rồi Clytemnestre tôn Egisthe lên làm vua. Con Agamemnon và Clytemnestre là Oreste bị đày xa, lúc lớn lên trở về giết mẹ và Egisthe để trả thù cho cha.

Thời bộ lạc tan rã, chuyện này cũng thông thường, vì việc tranh giành ngôi vua xảy ra luôn luôn. Trong anh hùng ca, lúc thành thị mới phát triển, phụ quyền thắng mẫu quyền, chuyện này tiêu biểu cho lòng độc ác của người đàn bà, và nhiệm vụ trả thù cho cha phản ánh việc phụ quyền thắng mẫu quyền. Đến thế kỷ V TCN, mâu thuẫn giữa mẫu quyền và phụ quyền trở thành tiêu biểu cho mâu thuẫn giữa gia đình và Nhà nước, hai bên đều thiêng liêng. Oreste giết mẹ là phạm tội ác lớn nhất không thể tha thứ được, lớn hơn cả tội Clytemnestre.

Theo truyền thống thị tộc, vợ giết chồng là có tội, nhưng không phạm đến thiêng liêng vì hai người không cùng huyết thống, nhưng con giết mẹ, dù là trả thù cho cha, cũng là phạm vào truyền thống thiêng liêng, phạm một tội ác lớn nhất. Nhưng xét theo luật Nhà nước thì ai giết người phải bị trừng trị không kể cùng huyết thống hay không, nên Oreste có tội nhưng cũng có phần chân chính.

Trong tam kịch Orestie của Eschyle, lúc Clytemnestre giết Agamemnon thì bị nhân dân oán ghét, và Oreste giết mẹ trả thù cho cha thì được nhân dân ủng hộ. Tức là công quyền đã về phía Oreste. Đáng lẽ Oreste được lên ngôi, nhưng bị những thần gia đình Erynnies [1] (là một thứ yêu chuyên môn trả thù những kẻ phạm vào lễ nghi gia đình) theo đuổi, nên phải bỏ chạy lông bông.

Cuối cùng, Oreste tới Athènes là tiêu biểu cho Nhà nước dân chủ chủ nô hoàn bị nhất, và kêu gọi bà Athéna xét xử. Nhưng bà này cũng thuộc hạng thần mới, bảo vệ Nhà nước và luật pháp mới, nên không dám xử mà để tòa án tộc biểu của Athènes xét xử và tự mình làm chủ tọa.

Các thần Erynnies tố cáo Oreste đã phạm tội ác lớn nhất, nặng hơn cả tội ác của Clytemnestre. Apollon bào chữa cho Oreste, cho rằng: tội đổ máu là tội đổ máu chứ không kể đến huyết thống, vì nếu chỉ theo lễ nghi gia đình, nghĩa là để cho người thuộc các gia đình khác nhau tự do giết nhau thì sẽ hỗn loạn không còn đời sống xã hội. Lúc đầu phiếu hai bên ngang nhau, nhưng Athéna bỏ phiếu cho Oreste, vậy Oreste được tha.

Eschyle đã khai thác truyện này theo ý mình và đặt vấn đề mới: gia đình và Nhà nước. Nhà nước mâu thuẫn với gia đình, vì không thể để lễ nghi gia đình hạn chế tính chất phổ cập của luật pháp Nhà nước, nhưng Eschyle vẫn thấy truyền thống gia đình có tính chất thiêng liêng của nó mà ông không giải thích được.

Sự thực là vì truyền thống gia đình bảo vệ sự thống nhất của mỗi thành thị Hy Lạp và bảo vệ giới hạn hẹp hòi của thành thị, làm cơ sở cho sự thống trị của giai cấp chủ nô trong mỗi thành thị đối với nô lệ. Người bấy giờ không thể thấy rõ điểm này.

Nhưng bên cạnh sự thiêng liêng của gia đình, còn có thiêng liêng của Nhà nước. Bấy giờ chế độ chiếm hữu nô lệ đang ở độ cao nhất của nó nên số phiếu hai bên ngang nhau, vì đều bảo vệ quyền lợi của chủ nô; hai bên tuy có mâu thuẫn nhưng có dung hòa.

Nhờ Athéna, luật pháp Nhà nước thắng, nhưng có nhân nhượng chứ không tiêu diệt bên kia: những thần Erynnies bị tước quyền theo đuổi những tội phạm gia đình, nhưng lại được thờ ở Athènes với tên mới là Euménides nghĩa là «thần tốt».

Vì sao tác phẩm của Eschyle có tính chất bi kịch? Vì mâu thuẫn xã hội ở đây thể hiện trong vai trò anh hùng. Vai trò này không đơn giản, một chiều như trong anh hùng ca mà nó có hai mặt: phải trả thù cho cha, muốn trả thù cho cha phải giết mẹ. Có sự đối lập giữa hai nhiệm vụ của gia đình và Nhà nước, giữa lễ nghi và luật pháp nên có bi quan. Bi quan không phải vì có người chết. Trong anh hùng ca, có nhiều người chết, nhưng không bi quan, vì mỗi vai trò chỉ có một ý nghĩa, vậy hoàn toàn đồng nhất với sự việc khách quan. Ở đây, vai trò có hai ý nghĩa, hai nhiệm vụ, đều thiêng liêng cả hai, mà lại không thể dung hòa được với nhau.

Tính chất bi quan này tiêu biểu cho mâu thuẫn không giải quyết được trong giai cấp chủ nô: một mặt phải coi nô lệ là một thứ người khác (theo truyền thống bộ lạc cho người ngoài là không có quyền gì), mặt khác lại phát triển kinh tế hàng hóa, do đó phát triển quan hệ phổ cập giữa người và người, mọi người công nhận lẫn nhau, thoát khỏi giới hạn hẹp hòi của chế độ huyết thống. Bước đầu tiêu biểu cho tư tưởng bình đẳng một phần nào ở đây là pháp luật Nhà nước: mọi người đều phải phục tùng luật pháp; chế độ dân chủ phát triển, đề cao con người, đề cao luật pháp bình đẳng (hình thức), nhưng hình thức ấy lại mâu thuẫn với quan hệ đàn áp giữa chủ nô và nô lệ, nên chế độ chiếm hữu nô lệ bắt buộc phải duy trì quan hệ huyết thống để bảo vệ sự liên đới giữa chủ nô với nhau. Do đó, chế độ chiếm hữu nô lệ càng phát triển càng mâu thuẫn với nhau.

Trong phạm vi ý thức, mâu thuẫn này được phản ánh trong hai quan hệ đều căn bản giữa chủ nô: gia đình (thượng lưu) và Nhà nước (dân chủ), gây ra những tấn bi kịch trong giai cấp thống trị. Lúc chế độ nô lệ còn lên, với Eschyle, bi kịch còn được giải quyết về hình thức. Oreste được tòa án Athènes tha (tòa này sau thành tòa Aréopage, xử tội trên cơ sở dung hòa hai truyền thống, dung hòa hai phe đối lập trong hàng ngũ thống trị là thượng lưu và dân chủ).

SOPHOCLE (khoảng 495 – 406 TCN)

Sau đó vài năm, tức là với lứa sau, bi kịch phát triển tính chất bi quan đến cao độ, và mâu thuẫn trở nên bế tắc trong tác phẩm của Sophocle, phản ánh mâu thuẫn trong giai cấp thống trị đã đến mức không giải quyết được.

Ví dụ bi kịch Oedipe: một mặt Oedipe cứu Thèbes, lên làm vua; mặt khác lại không biết mình là con vua cũ Laios, và đã giết ông này và lấy hoàng hậu tức là chính mẹ mình. Với luật pháp, người cứu nước làm vua là đúng, nhưng về mặt lễ nghi gia đình, Oedipe đã giết bố, lấy mẹ, và đẻ con là em của mình, thì vấn đề không thể giải quyết được.

Với Oreste, vấn đề là có nên giết mẹ hay không, Oreste nghe Apollon bảo giết mẹ rồi ông sẽ che chở cho, do đó vấn đề có thể được giải quyết bằng cách dung hòa. Trong Oedipe, vấn đề nằm trong sự việc, lúc làm việc đó Oedipe không biết tội của mình, nên lúc phát hiện ra thì không thể tha thứ và sửa chữa được.

Đây là bi kịch tuyệt đối, nên chỉ có thể đưa tới chỗ Jocaste tự tử, Oedipe tự chọc mắt và bỏ đi lang thang. Những bi kịch khác của Sophocle cũng có tính chất này. Với Antigone cũng vậy, tình hình ở đây cũng có tính chất siêu ý thức, vì nó đã bị quy định một cách tất yếu từ trước: Antigone không thể không làm ma cho anh, là điều mà cậu là Créon nghiêm cấm. Khi Créon biết thì Antigone bị trừng trị, nhưng Antigone chỉ có thể nhận tội thôi, không thể làm khác được, vấn đề không thể giải quyết được.

Trong anh hùng ca, chế độ chiếm hữu nô lệ mới lên, vai trò anh hùng là đơn thuần, là chiến thắng; tới bi kịch là lúc chế độ đã bộc lộ mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa thống trị và bị trị, không thể giải quyết được trong phạm vi ý thức hệ thống trị, vì chính cơ sở khách quan của nó phát triển thì lại dần dần phủ định quyền thống trị của nó, thì vai trò anh hùng trở nên phức tạp, bao hàm trong nội tâm một mâu thuẫn không giải quyết được, do đó tác phẩm toát ra một tính chất bi quan chua xót.

2. Thế nào là quan niệm biến chuyển có tính chất máy móc?

Một lập luận có tính chất máy móc khác lập luận biện chứng ở chỗ lập luận máy móc theo công thức của một quy luật máy móc, tức một phương thức của sự biến chuyển số lượng trong không gian, trong ấy trạng thái của những bộ phận trong không gian ở một lúc nhất định quy định trạng thái của nó lúc sau. Một ví dụ đơn giản: một vật ở một điểm nào đấy có một lực lượng nhất định, với một hướng nhất định; do trạng thái của nó ở mỗi một lúc nhất định, ta có thể quy đinh vị trí của nó lúc sau.

Chẳng hạn trong mỗi một đơn vị thời gian, vật ấy tiến được một đoạn nhất định: khi đi trong không khí chẳng hạn thì nó thắng phản lực của không khí. Lấy lực của vật ấy trừ phản lực của không khí, ta có thể biết vị trí của nó lúc sau.

Đó là quy luật của phương thức vận động máy móc.

Sàn xuất máy móc là có một số công cụ xếp đặt theo một hệ thống nhất định, với một số động tác nhất định, chế biến nguyên liệu thành sản phẩm theo một quá trình nhất định. «Máy móc» là có thể tính toán được với hệ thống công cụ ấy, và số động tác ấy, quá trình của sản phẩm, và số lượng sản phẩm làm ra. Trong công thức ấy, thời gian chỉ là số lượng, mất đặc tính lịch sử của nó. Trong phương thức sản xuất máy móc, biến chuyển căn bản là biến lượng; biến chất chỉ là đối với chủ quan chúng ta, chứ trong bộ máy thì ta chỉ định sự biến lượng.

Đến một lúc này đấy, muốn hay không, cũng sẽ có sự biến chất, nhưng trong phương thức sản xuất máy móc, người ta chỉ tính sự biến lượng. Tư tưởng máy móc là trừu tượng ở chỗ chỉ tính biến lượng thôi, chứ không tính biến chất, nhưng đó là một sự việc khách quan phải chịu đựng.

Phương pháp tư tưởng máy móc căn bản xuất phát từ tổ chức sản xuất hàng hóa. Tổ chức sản xuất hàng hóa khác tổ chức sản xuất tự nhiên (cộng đồng, gia đình) là ở chỗ tổ chức sản xuất tự nhiên là tiêu thụ trong phạm vi sản xuất: mình làm mình ăn («mình» là những người nội bộ một cơ sở sản xuất cộng đồng). Người sản xuất cũng là người sử dụng. Người ta làm để mà hưởng, nên chỉ nhằm điển hình chủ quan mà mình muốn, theo yêu cầu chủ quan của mình. Do đó, cách bố trí các bộ phận trong công trình sản xuất chưa cần phải được hợp lý hóa, chỉ cần theo điển hình cựu truyền trong gia đình, thị tộc, bộ lạc.

Đến lúc hoạt động trao đổi trở thành trao đổi hàng hóa (bước đầu là trao đổi sản phẩm, bước hai là trao đổi hàng hóa và cuối cùng là trao đổi hàng hóa bằng tiền tệ) [2], thì sản xuất nhằm trao đổi ấy phải hợp lý hóa. Lý do chủ yếu là không nhằm nhu cầu gia đình, thị tộc hay bộ lạc, mà nhằm một nhu cầu trừu tượng và rộng rãi, về hình thức là phổ cập, thông qua tiền tệ. Qua nhu cầu trừu tượng và rộng rãi ấy, sản xuất phải được hợp lý hóa. Nó phải là đại quy mô và nhằm lợi nhuận, về hình thức là vô hạn, như không nhằm thỏa mãn nhu cầu trực tiếp và hữu hạn của một cộng đồng nhất định.

Nhà tư sản tổ chức sản xuất nhằm làm sao bố trí các yếu tố sản xuất để với một vốn tối thiểu, trong thời gian tối thiểu, lại thu được lợi nhuận tối đa. Vì thế phải hệ thống hóa động tác, thống nhất quá trình sản xuất, để thu được nhiều lợi nhất.

Quá trình sản xuất hợp lý hóa ấy, thời cổ đại và phong kiến không hoàn thành được, mà chỉ hoàn thành được trong phương thức sản xuất tư bản, trong đó mọi yếu tố của phương thức sản xuất đều tính bằng tiền, kể cả nhân công. Trước kia, với nô lệ hoặc nông nô, công nghiệp hay thợ thủ công chưa thực sự tự do, thì nhân công chưa được tính bằng tiền. Trái lại, trong phương thức sản xuất tư bản, công nhân chỉ được tính theo mức lao động trừu tượng mà người ấy làm, tư bản mua. Trước thời tư bản, chưa có khái niệm nhân công tự do, cho nên chưa tính được một cách hợp lý quá trình sản xuất, nhưng cũng đã có thể tính một phần nào đấy, nên đã bắt đầu có tổ chức hợp lý đến một mức nhất định. Phần tổ chức đã hợp lý là tổ chức máy móc: bố trí công cụ, động tác để đạt được lợi nhuận tối đa, với số vốn tối thiểu, trong thời gian tối thiểu. Do đó, trên điển hình sản xuất hợp lý hóa như thế, xuất hiện tư tưởng lý tính, về nội dung có tính chất máy móc.

«Máy móc» vì nó chỉ nhằm chủ yếu những vị trí tiếp tục trong không gian, chứ không nhằm quá trình biến lượng trở thành biến chất. Do đấy, nó cũng không nhằm con người sản xuất.

Sản xuất hàng hóa là sản xuất cho lợi nhuận, chứ không nhằm người sản xuất. Tổ chức sản xuất, và do đó, phương pháp tư tưởng máy móc biến con người sản xuất thành một thứ máy móc. Tất cả những vấn đề nhân đạo, nhân sinh quan tập trung vào phía có của, phía hưởng thụ lợi nhuận, phía giai cấp thống trị. Cho nên vấn đề nhân sinh quan không thoát khỏi phạm vi con người hưởng thụ - giai cấp thống trị. Vấn đề đời sống của nhân dân vẫn có, nhưng bắt buộc phải thông qua hệ thống tư tưởng và quyền lợi của giai cấp thống trị. Vì có phần nội dung nhân dân ấy, nên những quan niệm tư tưởng thời ấy vẫn có một giá trị nào đó. Qua tư tưởng thống trị vẫn có những nhu cầu chân lý của người sản xuất. Cụ thể lúc triết học lý tính xuất hiện ở Hy Lạp, trong lúc có đấu tranh chống tôn giáo, nó phát triển được tính chất duy vật và một phần nào đấy tính chất biện chứng. Nhưng xét nội dung thực tế trong phạm vi nào nó tìm cách giải thích thực sự những hiện tượng trong thế giới, thì nhất định nó phải đi tìm những điển hình máy móc. Ví dụ: Anaximandre giải thích cuộc vận động của các hành tinh và định tinh, mặt trời, mặt trăng, bằng những vận động của những vòng lửa bọc trong bao khí có những lỗ thủng. Qua những lỗ thủng ta trông thấy lửa. Những điểm sáng ấy là mặt trời, mặt trăng, ngôi sao.

Giải thích ấy ngây thơ, nhưng về phương pháp tư tưởng thì nó duy lý vì không giải thích bằng thần thánh mà bằng những yếu tố vật chất. Phương pháp tư tưởng ấy theo những điển hình duy lý máy móc, xuất phát từ những kinh nghiệm sản xuất có tính chất máy móc.

Sau đó, Anaximène giải thích sự vật bằng khí, cho rằng khí đọng lại thành nước, thành đất. Lúc dãn ra thì đất thành nước, nước thành khí, khí thành lửa. Căn bản quan niệm ấy có tính chất duy lý theo kiểu máy móc, chỉ nhằm quá trình chuyển động trong không gian, chứ không hình dung được quá trình biến lượng trở thành biến chất. Đó là mức độ lý tính đạt được trong xã hội trước, do sự phát triển của kinh tế hàng hóa.

Đó là về căn bản. Nhưng trên căn bản ấy, trong lúc đấu tranh chống tôn giáo đã có những yếu tố biện chứng, vì chống tôn giáo là chống phương pháp giải thích bằng thần thánh, thì phải đề ra cách giải thích bằng quá trình biến chuyển vật chất. Trong cách giải thích ấy, có nắm được nội dung biện chứng nào đấy. Nhưng nội dung thực tế bao quát được lại có tính chất máy móc. Vì vậy, có rất nhiều vấn đề mà phương pháp tư tưởng ấy không giải quyết được: chủ yếu là vấn đề nhân sinh quan, vấn đề ý nghĩa đời sống con người.

Vì nếu tất cả chỉ là một cuộc vận động của những vật thể trong không gian, và theo điển hình đạt được cao nhất trong thời cổ đại tức là vận động của những nguyên tử trong không gian, thì không hiểu người ta còn làm gì ở đây? Đời sống còn có ý nghĩa gì nữa trong một thế giới hoàn toàn máy móc? Người ta chỉ có thể đạt được ý nghĩa đời sống một cách tiêu cực: trong một thế giới hoàn toàn máy móc, người ta thoát khỏi những mơ mộng, sợ sệt do mê tín gây ra. Đó là phương thức giải phóng cao nhất đạt được trong xã hội cũ. Nhưng đó cũng chỉ là một thứ giải phóng cá nhân tiêu cực, chỉ có thể thỏa mãn một phần nào đấy trong lúc giai cấp công thương đang lên, kinh tế hàng hóa thắng lợi.

Đến lúc giai cấp công thương xuống, trải qua một cuộc khủng hoảng, thì lúc bấy giờ vấn đề ý nghĩa đời sống lại được đặt ra một cách tích cực.

Sở dĩ giai cấp công thương trong giai đoạn đang lên giải quyết vấn đề đời sống một cách tiêu cực, là vì trong khái niệm lý tính trừu tượng nó đã hưởng thụ được quyền thống trị của nó, bằng cách trừu tượng hóa quá trình sản xuất, phủ định công trình lao động thực tế, phủ định con người sản xuất.

Cách hưởng thụ quyền thống trị ấy, giai cấp địa chủ quý tộc không thực hiện được, vì nó chỉ thống trị của tổ chức sản xuất tự nhiên (gia đình, cộng đồng), chứ nó không có công trình tổ chức hợp lý. Giai cấp địa chủ quý tộc hưởng quyền thống trị qua tôn giáo, xuất phát từ phương thức sản xuất tự nhiên, trong ấy quyền thống trị nhằm trực tiếp chiếm đoạt sản phẩm bằng mệnh lệnh. Tôn giáo là ý thức tư tưởng mệnh lệnh thuần túy. Thần nói một tiếng là thực hiện.

Nhưng giai đoạn đi lên của kinh tế hàng hóa là hữu hạn. Vì nó chỉ có thể phát triển với những thị trường rộng rãi, trên cơ sở những đơn vị công nghiệp địa phương tương đối hạn chế. Sự chênh lệch giữa nhu cầu của thị trường rộng rãi và khả năng sản xuất địa phương thúc đẩy mức sản xuất. Cụ thể như trong thời cổ đại Hy Lạp, những đơn vị văn minh đầu tiên chỉ là những thành thị nhỏ, thế mà thỏa mãn nhu cầu của Địa Trung Hải và Hắc Hải, còn ở trình độ dã man. Những thành thị Hy Lạp lớn lúc ấy, kể cả thôn quê xung quanh (tức là tỉnh), chỉ có độ mấy chục vạn người. Như thế mà họ đi buôn bán rất xa: từ Hy Lạp đến bờ biển Ý, Pháp, Y-pha-nho và trên bờ Hắc Hải. Nhưng lúc đi buôn như vậy, họ mang phương thức sản xuất mới đến những vị trí còn giữ độc quyền mãi được, mà mất độc quyền thì đi đến chỗ bế tắc.

Ở Hy Lạp, thế kỷ VIII TCN, phong trào phát triển thành thị trên cơ sở phát triển ngoại thương, phát triển căn cứ địa. Đến một lúc nào đó, căn cứ địa cũng sản xuất hàng hóa. Khủng hoảng, đấu tranh giai cấp trong thành thị phát triển. Đầu tiên thì bọn quý tộc tư sản hóa bỏ vốn ra buôn bán. Đến khi kinh tế hàng hóa phát triển, xuất hiện một số nhà giàu mới xuất phát từ nhân dân, và làm giàu bằng công thương nghiệp. Lúc xảy ra khủng hoảng thì phát triển mâu thuẫn giữa nhân dân lao động và giai cấp thống trị. Mâu thuẫn ấy được phản ánh trong mâu thuẫn giữa phe thống trị (tư tưởng và quý tộc tư sản hóa). Bọn tư sản mới dựa vào nhân dân, đề cao dân chủ, đòi công lý, pháp luật (trước kia quý tộc xử án theo những lễ nghi bí mật). Bây giờ đòi tuyên bố luật pháp, tăng cường vai trò của Hội nghị toàn dân (Ecclésia) và Hội đồng đại biểu nhân dân (Boulê). Hai tổ chức này thay thế cho hội đồng tộc trưởng cũ (ví dụ như ở Athènes thì hội đồng Aréopage dần dần bị tước quyền chính trị).

Đấy là tình hình thế kỷ VII - VI TCN. Song song với bước tiến bộ của chế độ dân chủ ấy, phát triển triết học duy vật với Thalès, Anaximandre, Anaximène, Héraclite, Empédocle, Anaxagore, kết thúc bằng thuyết nguyên tử (Leucippe và Démocrite).

Đến thế kỷ V TCN, chế độ dân chủ chuyển sang một bước mới vì kinh tế hàng hóa lại tạm thời giải quyết được những mâu thuẫn nôi bộ của nó, nổi bật nhất là sự cạnh tranh giữa các thành thị.

Đến thế kỷ V TCN, đa số thành thị buôn bán được liên kết dưới sự lãnh đạo của Athènes thành liên minh Délos, do đó, tạm thời giải quyết mâu thuẫn (chủ yếu là những thành thị Tây Tiểu Á, thành thị ở Hắc Hải và ở bán đảo Chalcidique).

Giải quyết được mâu thuẫn đến một mức nào đấy, Athènes lại phát triển chế độ dân chủ một người mới, thực hiện thực sự quyền dân chủ của Hội nghị toàn dân (Ecclésia) bằng hai phương pháp:

- Tất cả các chức vụ, các ủy ban đại biểu cho nhân dân được trả lương. Điểm này rất quan trọng, vì nếu không có lương thì dân nghèo không tham gia chính quyền được, do đó không dân chủ thực sự.

- Các chức vụ nói chung là do rút thăm. Không thể nào dân chủ hơn thế được. Nếu bầu thì, với hoàn cảnh bấy giờ, người giàu vẫn mua chuộc được người nghèo. Để tránh sự mua chuộc thì rút thăm giữa những người ứng cử. Trừ những trách nhiệm nào nặng quá như chỉ huy quân sự thì mới có bầu cử. Nền dân chủ này rộng rãi, nhưng cũng chỉ trong phạm vi công dân thôi. Nô lệ và kiều dân thì không có quyền.

Để hình dung chế độ ấy, ta chú ý tới dân số thành Athènes lúc bấy giờ: số công dân 4 vạn, kể cả đàn bà, trẻ con thì vào khoảng 14 vạn; kiều dân đàn ông thì độ 2 vạn, kể cả đàn bà trẻ con độ 7 vạn; về số nô lệ thì các tài liệu không thống nhất, nhưng ta có thể ức đoán độ 20 vạn. Vậy tất cả thành Athènes có độ 40 vạn người. Trong đó 4 vạn người có quyền công dân, tham gia chính quyền. Dân chủ tương đối rộng rãi so với chế độ thượng lưu hoặc quân chủ. Nhưng với toàn dân thì vẫn hạn chế rất nhiều (tỷ số 1/10).

Nhờ chế độ dân chủ ấy, tư tưởng tiến bộ lại phát triển lên một mức cao hơn, là đặt vấn đề đời sống, vấn đề nhân sinh quan trong phạm vi lý tính. Xây dựng một vũ trụ quan duy lý.

Đến lúc chế độ dân chủ phát triển tới mức thực sự cho phép toàn dân tự do (công dân) được tham gia chính quyền đến mức nào đấy, thì những cuộc tranh luận về giá trị con người, mục đích đời sống, v.v... phát triển. Do đó, phát triển nghề biện sĩ.

Có thể nói đó là chủ nghĩa nhân văn đầu tiên trong triết học, đề cao nhân sinh quan, đề cao xã hội văn minh, đề cao đời sống con người, kỹ thuật, khoa học và chống tôn giáo. Nhưng đồng thời nó cũng có những lệch lạc căn bản. Đặc biệt là sử dụng tài hùng biện để thắng thế trong những cuộc tranh luận; nói cho hay, lôi cuốn quần chúng, chứ không đếm xỉa đến cái mình nói là đúng hay sai.

Đó là mức cao nhất đạt được trong văn minh Hy Lạp, về phần nhân sinh quan.

Phần thứ hai của thế kỷ V TCN, chế độ dân chủ Hy Lạp bắt đầu đi đến bế tắc mà không có cách giải quyết. Mâu thuẫn giữa các thành thị phát triển. Athènes tuy có thống nhất được một số thành thị buôn bán, nhưng còn một số thì lại chịu quyền lãnh đạo của Sparte. Ở Sparte, bọn quý tộc, giàu có, đề cao chủ nghĩa thượng lưu (oligarchie) chống lại dân chủ.

Ngay trong lúc liên minh Délos dưới sự lãnh đạo của Athènes phát triển, thì đã có nhiều thành thị, đặc biệt ở bán đảo Péloponnèse chịu sự lãnh đạo của Sparte. Mâu thuẫn phát triển giữa liên minh Délos (dân chủ) và liên minh Péloponnèse (thượng lưu) gây ra chiến tranh Péloponnèse. Cuối cùng, Athènes thua vì Sparte lôi cuốn được một số thành thị ở bán đảo Sicile, nhất là Syracuse, và lợi dụng được hoàng đế Ba Tư. Do đó, ở Athènes, bọn thượng lưu thắng thế.

Đến năm 404 TCN, bọn này dâng tổ quốc cho Sparte, và chịu sự thống trị của Sparte. Sau đó, chế độ dân chủ lại khôi phục được, nhưng không mạnh như trước. Với cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng, không giải quyết được, thì chính trong giai cấp thống trị những phần tử lạc hậu ngày càng lên và đặt vấn đề nhân sinh quan trên một cơ sở mới, thoái bộ: làm sao cứu vớt được tổ chức bằng cách thủ tiêu chế độ dân chủ, thủ tiêu kinh tế hàng hóa?

Do đó, căn bản phải trở lại quan điểm duy tâm, với một hình thức tôn giáo nào đấy, nhưng cũng có tiếp thu những thành quả của khoa học và vẫn chống những hình thức mê tín cũ.


Cũng viết là Erinyes. PTL

[2] Trao đổi sản phẩm là trao đổi không có tỷ lệ, chỉ theo nhận xét chủ quan. Trao đổi hàng hóa trực tiếp là trao đổi theo tỷ lệ giữa các hàng hóa, nhưng chưa có đơn vị chung để làm kích thước đo lường. Trao đổi bằng tiền tệ tức là theo 1 thước đo chung là tiền tệ.




Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen