Montag, 20. August 2012

THẾ GIỚI MÀ MỸ TẠO RA - GẶP GEORGE BAILEY


GẶP GEORGE BAILEY:

MỸ TRONG “TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỸ” LÀ SAO?

 
     VÌ SAO LẠI GỌI NÓ là “trật tự thế giới Mỹ”? Hoa Kỳ chắc chắn đã không định hình môi trường quốc tế một mình. Nhiều dân tộc khác, cũng như các lực lượng lịch sử rộng lớn – sự tiến hóa của khoa học và công nghệ, những biến động về tính sẵn có của các tài nguyên thiên nhiên, các xu hướng kinh tế dài hạn, sự tăng dân số – cũng đã tạo ra thế giới ngày nay. Các dân tộc ở mọi lục địa đã làm việc và chịu đựng để đẩy mình ra khỏi nghèo nàn và sự tàn phá nhằm làm cho cuộc sống của bản thân họ và con cái họ tốt hơn. Thế giới là quá lớn để được định hình bởi riêng bất cứ một quốc gia nào. Tuy nhiên, trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào, các quốc gia mạnh nhất có để lại dấu ấn riêng của mình lên trật tự thế giới, giá mà chỉ vì trọng lượng tương đối của chúng trong hệ thống. Chúng xác lập nhiều “chuẩn mực” và quy tắc ứng xử quốc tế. Chúng định hình bản chất của các mối quan hệ kinh tế. Chúng thậm chí có thể ảnh hưởng đến các lĩnh vực tư tưởng và niềm tin, kể cả cách người dân thờ phượng các thần của mình và các hình thái chính quyền họ coi là hợp pháp. Suốt nhiều thế kỷ quyền lực hơn hẳn của Trung Quốc đã định hình cách mà hàng triệu người khắp Châu Á suy nghĩ, nói năng, thờ phượng, vẽ, và tiến hành thương mại của họ. Trong thế kỷ mười chín, các cường quốc Âu châu đã áp đặt các tiêu chuẩn ứng xử quốc tế và quốc nội không chỉ cho những người Âu châu, mà cho cả hàng triệu người khắp Châu Phi, Châu Á, và Châu Mỹ Latin. Đã có một trật tự Ai Cập, một trật tự La Mã, một trật tự Hy Lạp, một trật tự Islamic, một trật tự Mongul, một trật tự Ottoman, và nhiều trật tự khác, và không nghi ngờ gì các sử gia sẽ xem giai đoạn lịch sử từ sau Chiến tranh Thế giới II đến một thời điểm nào đó còn chưa xác định là một trật tự Mỹ.
Thế nhưng nó cũng đã là một trật tự Mỹ theo một nghĩa đặc thù hơn. Không chỉ rằng Hoa Kỳ đã là cường quốc có ảnh hưởng nhất trong hệ thống quốc tế. Các nét đặc trưng quan trọng nhất của thế giới ngày nay – sự lan rộng của dân chủ, sự thịnh vượng, hòa bình kéo dài giữa các cường quốc – đã phụ thuộc trực tiếp và gián tiếp vào sức mạnh và ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Không cường quốc nào khác đã có thể hay đã ảnh hưởng đến thế giới theo cách mà những người Mỹ đã ảnh hưởng, bởi vì không quốc gia khác nào có chung, hay đã từng có chung, sự kết hợp đặc biệt của họ về các tính chất này.
Một vài trong số các tính chất quan trọng này là hiển nhiên. Hoàn cảnh địa lý độc nhất của Mỹ, hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa của nó, hình thái chính quyền dân chủ của nó, và sức mạnh quân sự khổng lồ của nó cùng nhau đã định hình một loại đặc thù của trật tự quốc tế, mà trật tự ấy hẳn sẽ trông rất khác giả như một quốc gia khác với các đặc trưng khác đã có mức ảnh hưởng tương tự.
Không dễ nắm bắt, nhưng không kém quan trọng để hiểu bản chất của trật tự thế giới Mỹ, là đặc tính phức hợp của dân tộc Mỹ. Đấy không phải là bài hát ca tụng đơn giản về các đức hạnh siêu việt của những người Mỹ. Một số người miêu tả những người Mỹ như các nhà xây dựng nhìn xa trông rộng của các định chế quốc tế và những kết cấu của trật tự khai phóng, như “các nhà vận hành” và “các nhà quản lý” chín chắn của các hệ thống toàn cầu bao la.3
Nhưng ít người Mỹ, và ít người ngoài Mỹ, công nhận bức chân dung này. Trong hầu hết các khía cạnh, những người Mỹ giống bất cứ dân tộc khác nào, với một sự pha trộn của tính ích kỷ và tính hào phóng. Nhiều hơn hầu hết, họ là những người có những xung động mâu thuẫn và cách nhìn nước đôi nhất về vai trò, nếu có, mà họ phải đóng trên thế giới.
Họ là những người có đầy các huyền thoại dân tộc mạnh, mà chúng vừa tạo cảm hứng cho, vừa làm lạc lối họ. Bắt đầu với sự thực rằng một trong số các dân tộc hùng mạnh, ảnh hưởng và bành trướng nhất trong lịch sử vẫn nghĩ về mình như hờ hững, thụ động, tự kiềm chế, và nói chung thiên về chăm chú đến chuyện riêng của họ. Trong ít hơn hai thế kỷ, những người Mỹ đã biến đổi quốc gia của họ từ một mảnh thuộc địa bám vào một miền duyên hải thành một siêu cường bao quanh trái đất với sức mạnh và ảnh hưởng không ai sánh kịp trong lịch sử. Thế mà để nghe người Mỹ nói, họ là dân tộc kiểu Greta Garbo: họ chỉ muốn được để yên một mình. Trong huyền thoại dân tộc của họ, sự chính phục dài hai thế kỷ của lục địa Bắc Mỹ, một vùng nơi những người Tây Ban Nha, Pháp, Nga, cũng như toàn bộ dòng giống của những người bản địa đã sống, đã không phải là một sự xâm lấn mà là sự định cư yên bình của vùng biên cương không có người ở. Những người Mỹ đã không đi “ra nước ngoài tìm những con quái vật để tiêu diệt” là cách nói thường được trích dẫn của John Quincy Adams. Nếu ai đó chỉ ra cho họ rằng, quả thực, họ đã thường làm đúng điều đó, thì họ miêu tả mình như “các sheriff * bất đắc dĩ”, gác chân đi gầy ống lên bàn, đọc báo cho đến khi bọn khốn nào đó vào thị trấn và buộc họ lôi súng trường khỏi giá, dẫu là bọn đế quốc Nhật, Nazi, cộng sản Soviet, hay jihadis Hồi giáo. “Hợp chủng Quốc Mỹ đã chẳng bao giờ bắt đầu chiến tranh bởi vì chúng ta muốn”, một chính trị gia nổi tiếng đã nói vài năm trước. “Chúng ta chỉ bắt đầu chiến tranh bởi vì chúng ta buộc phải”.4
* sheriff là cảnh sát trưởng (được bầu) ở quận
Nhưng sự tự nhận thức này, dù thành thật, chẳng có quan hệ gì với thực tế. Từ cuối thế kỷ mười chín, khi Hoa Kỳ trở thành một cường quốc thế giới, những người Mỹ đã sử dụng vũ lực cả chục lần, và hiếm khi bởi vì họ đã chẳng có lựa chọn nào.5 Họ đã gửi quân đến Mexico và Trung Mỹ để hạ bệ các nhà lãnh đạo khó chịu; họ đã đánh những người Tây Ban Nha ở Cuba và những du kích có đầu óc độc lập ở Phillippine; họ đã chiến đấu với các lực lượng chống phương Tây ở Trung Quốc và những người cộng sản ở Việt Nam và Triều Tiên; họ đã gửi hàng triệu quân đến Châu Âu, hai lần; họ đã chiến đấu với các nhà độc tài và quân jihadis ở Trung Đông, Trung Á, và Châu Phi. Và họ đã làm vậy vì nhiều lý do: để bảo vệ chính họ khỏi các mối đe dọa xa, để duy trì các lợi ích kinh tế, để bảo vệ người dân khỏi sự tàn sát, để chống sự xâm lược, để dẹp chính thể chuyên chế, để ủng hộ dân chủ. Vượt xa bất cứ dân tộc dân chủ khác nào trên thế giới ngày nay, những người Mỹ coi chiến tranh như một công cụ hợp pháp, thậm chí cốt yếu, của chính sách đối ngoại.6 Ít quốc gia hiện đại, và không nền dân chủ hiện đại nào lại tôn sùng các anh hùng quân đội, cả quá khứ và hiện tại, của họ hơn (người Mỹ). Nhưng mỗi lần bắt đầu chiến tranh, những người Mỹ lại hứa với mình rằng họ sẽ chẳng bao giờ làm việc đó lần nữa.
Thậm chí họ còn thể hiện tính nước đôi về sự nghiệp dân chủ, mà họ đã luôn luôn đồng nhất  mình  một  cách mật  thiết  với. Những  người Mỹ,  ngay cả trong thời của Woodrow Willson, đã chẳng bao giờ có một kế hoạch tổng thể để cải biến thế giới theo quan niệm của họ. Họ thường phớt lờ các nhà độc tài giữa bọn họ, liên minh với chúng, giúp đỡ chúng, và kinh doanh với chúng. Họ không là các nhà truyền giáo. Nhưng họ cũng chẳng có khả năng thoát khỏi bản sắc dân chủ của họ, lương tâm dân chủ của họ, và niềm tin chắc của họ rằng sự nghiệp đặc biệt của họ, như Ben Franklin đã nói, là “sự nghiệp của toàn nhân loại”. Để là một người Mỹ, là đi tin vào và cam kết với cái mà những người Mỹ, và chỉ những người Mỹ, thích gọi là “cách sống của chúng ta”. Vì họ tin các nguyên tắc sáng lập của họ là phổ quát, họ đo tất cả những người khác theo cùng tiêu chuẩn cứng nhắc. Quan điểm hết sức mang ý thức hệ này về thế giới bảo họ rằng tất cả các chính phủ không dân chủ là không hợp pháp một cách cố hữu và vì thế là tạm thời. Ngay cả John Quincy Adams, trong cùng bài phát biểu mà ở đó ông cảnh báo chống lại việc đi tìm quái vật để tiêu diệt, ông đã thúc giục người dân Châu Âu noi theo tấm gương Mỹ và tiến hành các cuộc cách mạng chống lại các chế độ quân chủ già cỗi hàng thế kỷ: “Bắt đầu đi và làm giống như vậy!”
Thường những người Mỹ đã làm nhiều hơn việc hô hào. Họ đã đi ra ngoài để thủ tiêu những quái vật, và thường quái vật bị bất ngờ lắm. Một thế kỷ trước đã là José Santos Zelaya và  Victoriano  Huerta.  Những  năm gần  đây đã  là  Manuel  Noriega,  Slobodan  Milosevic, Mullah Omar, Saddam Hussein, và Muammar Qaddafi, những người mà sự cai trị của họ, và trong một vài trường hợp cuộc đời của họ, đã chấm dứt với sự giúp đỡ của lực lượng Mỹ. Thế mà sau khi lao vào hành động chống các nhà độc tài này, những người Mỹ lại thường bị phiền muộn bởi sự hoài nghi. Họ bực bội về các chi phí, cả vật chất lẫn đạo đức. Các cuộc chiến tranh là tốn kém, và sự chiếm đóng thậm chí còn tốn kém hơn. Họ đã lặp đi lặp lại tái phát hiện ra tình thế khó xử đạo đức không thể tránh khỏi về sử dụng sức mạnh. Giải phóng một dân tộc đòi hỏi cùng vũ lực tàn bạo như chính phục họ. Thậm chí các cuộc chiến tranh hợp đạo đức có những hệ quả trái đạo đức. Chẳng dân tộc nào hay quốc gia nào có thể sử dụng các công cụ chiến tranh và áp bức mà lại hy vọng giữ cho bàn tay mình sạch.
Những người Mỹ đã chẳng bao giờ yên tâm với những sự thật tàn bạo này của cuộc sống. Ý thức hệ sáng lập của họ chứa một sự căng thẳng không thể giải quyết nổi giữa chủ nghĩa phổ quát, niềm tin rằng mỗi con người phải được phép thực hiện các quyền cá nhân của mình, và chủ nghĩa cá nhân, niềm tin rằng giữa các quyền có quyền được yên (không dính vào). Điều này đã khiến họ trở nên nước đôi và hoài nghi về quyền lực, ngay cả quyền lực của chính họ, và tính nước đôi này thường gây tê liệt. Ngay sau khi họ xâm lược và chiếm đóng một nước họ bắt đầu tìm cách ra. Các nhà phê bình đã chỉ ra họ kém Đế chế Anh đến thế nào về khía cạnh này, vì hàng thế kỷ người Anh đã có ít, nếu có chút nào, sự day dứt đạo đức về cai trị những người khác. Những người Anh đã tin rằng họ có nghề cai trị. Họ đã duy trì lực lượng đế quốc chuyên nghiệp và bộ thuộc địa thường trực. Những người Mỹ có thể là “bọn đế quốc” trong con mắt của nhiều người, nhưng nếu như thế, họ là những kẻ đế quốc bất đắc dĩ, bị lương tâm cắn rứt, bị phân tâm, không tha thiết. Họ đã không muốn các thuộc địa, ngay cả những nơi họ chiếm và giữ hàng thập kỷ. Họ đã không có những cán bộ được đào tạo để tái thiết và quản lý các quốc gia bị họ xâm lược và chiếm đóng. Để cho họ những khả năng như vậy là ngang với việc thừa nhận rằng họ thực sự can thiệp và chiếm đóng nước ngoài. Những người Mỹ sẽ đóng quân ở nước ngoài hàng thập kỷ, miễn là đừng ai bảo họ trước họ nên làm gì.7 Nhưng họ chẳng bao giờ coi mình là nhiều hơn người dính líu tạm thời đến việc quản lý công việc của người khác, ngay cả khi họ giữ quân đội ở xứ nước ngoài nào đó suốt nửa thế kỷ hay dài hơn.
Căn cứ vào tất cả những thứ này, hầu như không ngạc nhiên rằng những người Mỹ đã luôn nước đôi về vai trò của họ như nhà lãnh đạo toàn cầu. Khi lần đầu bị thách thức để lĩnh trách nhiệm đó sau Chiến tranh Thế giới I, đa số những người Mỹ đã chùn lại. Chỉ sau Chiến tranh Thế giới II, với sự xấu hổ và nghi ngại nào đó vì sự lừng khừng toàn cầu của họ trong các năm 1930, họ mới miễn cưỡng chấp nhận phần không thông thường của trách nhiệm đối với tình trạng của thế giới. Nhưng đó đã là một gánh nặng gây hoảng sợ và, thoạt nhìn, khó chịu, được gánh vác không phải từ lòng hào hiệp mà chỉ như một phản ứng với một mối đe dọa cảm thấy từ Liên Xô. Henry Truman đã chứng minh nhiều khi ông tuyên bố đó “là trách nhiệm kinh khủng nhất mà bất cứ quốc gia nào từng đối mặt”.8
Thế nhưng, mặc dù tất cả những mối e ngại của họ, hầu hết những người Mỹ cũng bày tỏ một mức độ thỏa mãn về vai trò đặc biệt của họ. Trong những phút giải lao ở mỗi trận đấu trên Sân vận động Yankee, những người hâm mộ đứng dậy và dành “một phút cầu nguyện yên lặng cho tất cả những đứa con của tổ quốc đóng quân khắp thế giới” đang bảo vệ tự do và “cách sống của chúng ta”. Một cử chỉ để tỏ lòng tôn kính những người đang làm nghĩa vụ, đúng, nhưng với một ánh mắt tự hào không thể hiểu lầm được về vai trò của quốc gia trên “khắp thế giới”.
“Chúng ta là những người Mỹ: phần của cái gì đó lớn hơn bản thân chúng ta”, George H. W. Bush đã tuyên bố trước Chiến tranh Vùng Vịnh Thứ nhất. “Suốt hai thế kỷ chúng ta đã làm xong công việc khó khăn của tự do”. Thậm chí ngày nay, các tổng thống và các chính trị gia nói về “người lãnh đạo thế giới tự do” (Barack Obama), về “quốc gia không thể thiếu được” (Madeleine Albright) mà “thế giới tính đến” cho “sự lãnh đạo toàn cầu” (Hillary Clinton). Tất nhiên, ngay sau khi các từ này được phát ra, niềm tự hào nhạt phai đi và nảy sinh những mối lo ngại, thì cũng chính các nhà lãnh đạo này bắt đầu nói về nhu cầu phải tập trung vào “việc xây dựng quốc gia ở trong nước”.
Trong chính sách đối ngoại, những người Mỹ bị giằng kéo đến điểm tâm thần phân liệt. Họ miễn cưỡng, rồi táo bạo; ngủ khi đang gác, rồi mau chóng nắm lấy cò súng; hờ hững, rồi bị ám ảnh, rồi lại thờ ơ. Họ hành động theo một ý thức trách nhiệm và rồi bực bội và sợ gánh nặng trách nhiệm mà họ đã gánh vác. Tác động của họ lên thế giới, không ngạc nhiên, thường là ngược với cái họ dự định. Những người nói rằng họ muốn ổn định trên thế giới, nhưng họ thường là những kẻ gây bất ổn lớn nhất. Họ ca tụng đức hạnh của các luật và các định chế quốc tế, nhưng rồi lại vi phạm và bỏ qua chúng sau khi suy đi tính lại. Họ là cường quốc cách mạng, nhưng nghĩ mình là cường quốc [giữ] nguyên trạng. Họ muốn được để yên một mình, nhưng có vẻ lại không thể để bất kỳ ai khác yên một mình. Họ liên tục làm thế giới ngạc nhiên với ứng xử của họ, nhưng không nhiều đến mức như họ liên tục làm chính họ ngạc nhiên.
Khi Winston Churchill nhận xét rằng luôn luôn có thể tính đến những người Mỹ để làm những việc đúng, nhưng chỉ sau khi đã vét cạn tất cả các khả năng lựa chọn khác, đó là một lời khen thuộc loại mỉa mai, châm biếm. Trong suốt diễn tiến của nửa đầu thế kỷ hai mươi, ông đã thấy họ thử làm những việc sai nhiều lần. Ông đã thấy họ đứng ngoài Chiến tranh Thế giới I cho đến khi hầu như đã quá muộn để ngăn chặn chiến thắng của Đức. Trong các năm giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, ông đã thấy họ từ chối tham gia Hội Quốc Liên và rồi đã phải lo âu chờ đợi họ từ bỏ sự trung lập và dồn sức mạnh của họ chống lại Hitler, việc mà họ chỉ làm sau khi Trân Châu Cảng bị tấn công và chỉ khi đã hầu như lại quá muộn một lần nữa. Buổi đầu của Chiến tranh Lạnh ông đã thấy họ chú ý không đủ đến mối đe dọa của Liên Xô; rồi ông thấy họ không nhân nhượng một cách quá đáng. Ông đã biết những người Mỹ khi họ “chìm trong tính ích kỷ”, thế nhưng ông đã kinh ngạc trước “lòng vị tha của Mỹ, sự không vụ lợi cao thượng” của nó. Ông đã so sánh Hoa Kỳ với “nồi hơi khổng lồ” nào đó, yên lặng và lạnh cho đến khi “lửa được nhóm dưới nó”, và rồi “không có giới hạn nào đối với sức mạnh mà nó có thể tạo ra”.9 Trên hết, ông đã biết những người Mỹ là những con người, không phải ma quỷ cũng chẳng phải các thiên thần.
ĐÓ LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG để nhớ. Nó là một quốc gia bao gồm những con người định hình thế giới, không phải chúa hay các thần thánh. Đó là vì sao trật tự hiện hành, được định hình bởi những người Mỹ, với tất cả những tính khác thường và khiếm khuyết của nó, thường một cách vô thức lại càng phi thường hơn. Bậc thầy, nhà đạo diễn vĩ đại của sự thống nhất Đức, Otto von Bismarck được cho là đã nói rằng Chúa để ý đợi chờ những người say rượu, những kẻ ngu xuẩn, và Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ. Có lẽ điều đó mở rộng ra cho trật tự thế giới mà những người Mỹ đã xây dựng và duy trì, hầu như bất chấp bản thân họ.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen