Donnerstag, 30. August 2012

Hiến Chương 77 Của Tiệp Khắc


hy vọng rằng chúng ta có thể áp dụng bài học của Tiệp Khắc cho phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam.
Chủ Nghĩa Cộng Sản Ðã Chết Trên Ðất Tiệp Sau Mùa Xuân Năm 68:

Những người tranh đấu cho tự do dân chủ tại Tiệp Khắc đã khẳng định như vậy. Theo họ biến cố mùa xuân năm 68 đã chôn vùi chủ nghĩa cộng sản trong lòng của mỗi người dân Tiệp. Vào mùa xuân năm đó, do sự đấu đá giữa hai phe cải cách và bảo thủ, Trung ương Ðảng Cộng Sản Tiệp bị rơi vào tình trạng phân liệt trầm trọng và cuối cùng phe cải cách thắng thế trong việc loại bỏ Tổng Bí Thư thân Liên Xô là ông Antoni Novotny và đưa ông Alexander Dubcek lên thay. Là một người có khuynh hướng cải cách, ông Dubcek đã tiến hành hàng loạt cải tổ, mà quan trọng nhất là hủy bỏ sự kiểm duyệt của đảng trên các phương tiện truyền thông và diễn đàn quần chúng. Quyết định này đã mở ra một cơ hội cho những người tranh đấu khai thác các phương tiện truyền thông để công khai hóa một số đòi hỏi về tự do và dân chủ. Báo chí, truyền thanh, truyền hình đã có những bài bình luận, các cuộc tranh luận hay loan tải những tin tức theo chiều hướng có lợi cho những người đòi hỏi dân chủ. Các cuộc mít tinh, hội thảo do các đoàn thể ngoại vi của đảng cộng sản tổ chức lại biến thành những diễn đàn đòi hỏi đảng cộng sản phải cải tổ chính trị và tôn trọng dân chủ. Bên cạnh đó, các phong trào đòi tự do dân chủ bộc phát mạnh mẽ. Chỉ trong vòng vài tháng, từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1968, nhiều tổ chức, hiệp hội tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ ra đời, Giáo Hội Thiên Chúa Giáo cũng khai thác không khí cải cách này để đòi hỏi một cách công khai quyền tự do tôn giáo, mặc dù được thừa nhận trong Hiến Pháp, nhưng không bao giờ được áp dụng trong thực tế.


Trước những đòi hỏi dân chủ ngày càng cao, Trung ương Ðảng Cộng Sản Tiệp Khắc, vào tháng 4 năm 1968, đã phải công bố chủ trương mở rộng chính trị, theo đuổi một
"chủ nghĩa xã hội nhân bản" và chấp nhận rằng "đảng cộng sản không phải là lực lượng duy nhất lãnh đạo xã hội và chính sách của đảng không nhằm bóp nghẹt tự do nơi những người không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản" . Xu hướng mở rộng này của những người tiến bộ trong đảng cộng sản Tiệp đã mở đường cho những đòi hỏi cao hơn, kể cả việc lên án sự áp đặt chế độ độc tài cộng sản theo khuôn mẫu sắt máu của Stalin.

Cuộc cải cách mùa xuân 68 ở Tiệp ảnh hưởng đối với các quốc gia Ðông Âu khác và quan trọng hơn cả là ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Liên Xô, nên vào đêm 20 tháng 8 năm 1968, hơn 500 ngàn Hồng Quân Liên Xô và quân đội của bốn nước Ðông Âu trong khối Warsaw đã tràn vào Tiệp Khắc, lật đổ chế độ của Alexander Dubcek và dập tắt hy vọng dân chủ của người dân Tiệp.


Nhận định sơ khởi của chúng ta về cuộc cải cách mùa xuân 68 là nhóm lãnh đạo Alexander Dubcek tuy có tinh thần cải cách, nhưng không hẳn họ muốn cải cách triệt để đến mức chấp nhận đảng cộng sản mất quyền cai trị đất nước. Thật ra, Alexander Dubcek và những người tiến bộ trong đảng cộng sản Tiệp đã bị lôi kéo bởi tình thế và đã không cưỡng lại được. Bằng cớ là khi những người trí thức Tiệp Khắc công bố
Bản Tuyên Ngôn 2000 Chữ (Manifeste Des Deux Mille Mots) vào tháng 6 năm 1968 trong đó đưa ra những đòi hỏi dân chủ đa nguyên và đa đảng, Alexander Dubcek và những người lãnh đạo đảng cộng sản lúc bấy giờ đã lên án một cách kịch liệt và cảnh cáo rằng sẽ có biện pháp để chấm dứt những hành động chống lại sự lãnh đạo của đảng cộng sản.

Một nhận định khác là những người tranh đấu ở Tiệp đã khai thác một cách triệt để tình trạng phân liệt của đảng cộng sản. Một mặt họ ủng hộ khuynh hướng cải cách trong đảng, mặt khác họ khéo léo nâng cấp đòi hỏi để buộc khuynh hướng cải cách phải ngày một nhượng bộ và cuối cùng bị lôi kéo theo cao trào mở rộng dân chủ.


Sau cùng, tuy xe tăng của Hồng Quân Liên Xô đã thành công trong việc dập tắt cuộc cải cách mùa xuân 68, nhưng giải pháp quân sự này đã làm cho người dân Tiệp không còn mơ hồ gì về chủ nghĩa cộng sản và về
"tình anh em xã hội chủ nghĩa", nên họ đã mạnh dạn bước vào một cuộc đấu tranh mới, với những hình thức mới.

Cuộc Ðấu Tranh Của Những Người Ly Khai Và Sự Ra Ðời Của Hiến Chương 77:


Sự can thiệp của Liên Xô vào nội tình của Tiệp Khắc đã làm cho phần đông đảng viên cộng sản tỉnh ngộ và nhiều người đã bỏ đảng, trong số đó có những người quay lại chống đảng kịch liệt. Cho đến năm 1970, đã có hơn 450.000 đảng viên rời khỏi đảng cộng sản trên tổng số khoảng 1.700.000 đảng viên. Ðây là một con số khổng lồ và từ đó giới truyền thông Tây phương bắt đầu đề cập đến danh từ
"ly khai" (dissident) để chỉ những người có quá khứ cộng sản, nhưng nay quay lại chống chế độ.

Chủ trương xiết lại của đảng cộng sản và sự hiện diện của mấy chục sư đoàn Hồng Quân Liên Xô trên đất Tiệp đã khiến cho những người tranh đấu cho dân chủ ở Tiệp phải chọn những phương thức mới. Thay vì công khai đòi hỏi, họ đã gián tiếp vận động quần chúng bày tỏ sự bất mãn với chính sách độc tài của tập đoàn lãnh đạo. Quảng trường Venceslas, nơi người thanh niên Jan Palach đã châm lửa tự thiêu để phản đối sự can thiệp của Liên Xô vào tháng giêng năm 1969, đã trở thành một loại "thánh địa" của những người tranh đấu cho dân chủ. Hàng ngày, người dân Tiệp thuộc đủ mọi thành phần đã đến đặt hoa nơi quảng trường này như là một hành động biểu hiện cho sự chống đối của họ, mà chính quyền cộng sản không có cách nào ngăn cản hay đàn áp được. Giới văn nghệ sĩ cũng tìm cách biểu lộ sự chống đối của mình bằng những vở kịch, truyện ngắn, thơ văn, để bóng gió đả kích chế độ. Trong số những người này có kịch gia
Vaclav Havel, nữ ca sĩ Marta Kubisava, là những người tiên phong trong phong trào vận động giới văn nghệ sĩ ca ngợi sự thật và lên án sự giả dối. Tháng 4 năm 1975, Vaclav Havel gởi một lá bạch thư cho Tổng Bí Thư đảng cộng sản Tiệp tố cáo chế độ độc tài toàn trị đã và đang mang lại những hậu quả vô cùng tai hại cho người dân và đất nước. Ngoài ra, giới trí thức văn nghệ sĩ, với sự tiếp tay của thành phần ly khai chống đảng và Giáo Hội Công Giáo, đã thực hiện nhiều tờ báo ngầm với đủ mọi thể loại chính trị, văn hóa, tôn giáo, văn nghệ, giáo dục,... và họ có cả một hệ thống tinh vi để phân phối tới tay người đọc. Qua hệ thống báo ngầm này, những người tranh đấu cho dân chủ ở Tiệp đã thành công trong việc khai thác mọi sai lầm của chế độ, để vận động sự chống đối của người dân trên mọi phương diện, tạo ra một bối cảnh thuận lợi cho việc hình thành Hiến Chương 77.

Sự hình thành Hiến Chương 77 bắt nguồn từ nhiều lý do, trong đó, những thay đổi trong chính sách đối ngoại của các nước Ðông Âu đã đóng một vai trò quan trọng.


Do những khó khăn kinh tế, các nước cộng sản Ðông Âu đã bắt buộc phải mở cửa giao thương nhiều hơn với các quốc gia Tây Âu và quan trọng hơn cả là vào đầu thập niên 70, biên giới Ðông Âu đã được mở rộng hơn để cho du khách Tây Âu sang viếng thăm, du lịch, cũng như nhà nước cộng sản cũng bắt đầu chấp nhận cho người dân của họ được phép đi thăm thân nhân hay đi du học ở Tây Âu, mặc dù vẫn còn nhiều giới hạn. Theo nhận xét của sử gia Henry Bogdan, thì mặc dù du khách phương Tây đã mang đến ngoại tệ cho chế độ, nhưng họ cũng mang đến cho người dân những luồng gió mới về tư tưởng, về văn hóa. Ðặc biệt là sự chênh lệch về mức sống, về trình độ dân chủ giữa hai vùng Ðông và Tây đã tác động mạnh mẽ lên trên quần chúng ở các nước cộng sản.


Cho đến năm 1975, khi Hiệp ước Helsinki được ký, cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của các nước Ðông Âu bước sang một giai đoạn mới và hiệp ước này đã trở thành nền tảng lý luận của Hiến Chương 77 để tấn công chính quyền cộng sản về mặt pháp lý. Thật vậy, vào ngày 1 tháng 8 năm 1975 tại Helsinki (thủ đô của Phần Lan), tất cả các nước Âu Châu, kể cả các quốc gia cộng sản (trừ Albania) đã cùng với Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại tham dự Hội Nghị Về An Ninh và Hợp Tác tại Âu Châu. Hội Nghị này đã chung quyết hai văn kiện quan trọng đã được công bố từ năm 1968 đó là
Hiệp ước Quốc Tế Về Quyền Dân Sự Và Chính TrịHiệp ước Quốc Tế Về Quyền Kinh Tế, Xã Hội Và Văn Hóa , trong đó quy định một số nguyên tắc căn bản về nhân quyền và dân quyền mà các quốc gia ký kết phải tôn trọng.

Hiệp ước Helsinki đã trở thành điểm tựa cho những người tranh đấu cho dân chủ ở các nước Ðông Âu và đã cung cấp cho họ một vũ khí mới, đó là Nhân Quyền. Nhiều ủy ban bảo vệ nhân quyền đã công khai thành lập ở các nước Ðông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Roumanie, với nền tảng hoạt động là phát huy tinh thần của Hiệp ước Helsinki.


Tuy nhiên, có thể nói rằng nhóm nhạc trẻ
"Plastic People" đã là đầu dây mối nhợ dẫn đến việc hình thành Hiến Chương 77. Vào năm 1976, phong trào nhạc Rock rất thịnh hành trong giới trẻ tại Tiệp Khắc và vì sống trong một xã hội không có tương lai, nên phong trào này càng ngày càng trở nên cuồng động". Nhóm nhạc trẻ "Plastic People" được thành lập vào năm đó đã đặt những bài hát bị chế độ đánh giá là "thô tục" và "táo bạo", đi ngược lại với truyền thống đạo đức và văn hóa của Tiệp. Nên vào giữa năm 1976, cả nhóm này bị cấm hát và bị bắt. Khai thác sự kiện này, Vaclav Havel và những người đấu tranh cho dân chủ đã tập hợp lại để phát động một phong trào ủng hộ nhóm "Plastic People" . Họ thu thập được mấy chục ngàn chữ ký yêu cầu Nhà Nước phải trả tự do cho những thanh niên này và Vaclav Havel, nhân danh giới văn nghệ sĩ, đã gởi một lá bạch thư cho lãnh đạo đảng và chính quyền cộng sản Tiệp để phản đối những hành động chà đạp tự do của Nhà Nước.

Theo Vaclav Havel, qua cuộc vận động cho nhóm
"Plastic People", những người tranh đấu dân chủ Tiệp Khắc đã tạo dựng được một nhóm nồng cốt cho Hiến Chương 77 sau này. Ngày 10 tháng 12 năm 1976, cuộc thảo luận đầu tiên giữa những người này đã đi đến quyết định hình thành Hiến Chương 77 và soạn thảo một văn kiện để công bố sự ra đời của nhóm. Họ cũng quyết định là dùng Nhân Quyền làm vũ khí tấn công chế độ và phương pháp đấu tranh là "đối lập xây dựng" trong khuôn khổ của luật pháp.

Ngày 7 tháng 1 năm 1977, bản tuyên ngôn của Nhóm Hiến Chương 77 được công bố. Bản tuyên ngôn này được đặt tên là Hiến Chương 77, được 243 người Tiệp Khắc ở trong nước đồng ký tên và họ đề cử 3 người là phát ngôn viên của nhóm, đó là giáo sư Jan Patocka, kịch gia Vaclav Havel và ông Jiri Hajek (cựu ngoại trưởng của chính quyền cộng sản Tiệp Khắc).


Có hai điểm cần ghi nhận ở đây là kỹ thuật thu thập chữ ký của họ và phương pháp công bố. Theo những thành viên đầu tiên của Nhóm Hiến Chương 77 kể lại, sau khi Hiến Chương 77 được soạn thảo, họ sao thành nhiều bản và mỗi người trong nhóm chủ trương phụ trách đi vận động chữ ký một số người dựa trên sự liên hệ có sẵn, nguyên tắc vận động là
không cho biết đã có những ai đồng ý, để có thể bảo vệ những người chấp nhận ký tên . Thời gian vận động chưa tới 1 tháng để thu thập 243 chữ ký đầu tiên, gồm phần lớn những người tên tuổi và thuộc đủ mọi thành phần trí thức văn nghệ sĩ, đảng viên ly khai, tu sĩ, tín đồ các tôn giáo,...

Về
kỹ thuật công bố, nhóm Hiến Chương 77 đã khai thác tối đa truyền thông ngoại quốc để gây tiếng vang. Ngay trong ngày 7 tháng 1 năm 1977, họ đã đồng loạt gởi bản Hiến Chương 77 và danh sách những người ký tên cho các thông tín viên thường trực tại Praha của các cơ quan truyền thông quốc tế. Vì thế, chỉ trong ngày hôm đó, cả thế giới đều loan tin về Hiến Chương 77, với đầy đủ chi tiết.

Nội Dung Hiến Chương 77:


Vì muốn đặt mình trong khuôn khổ
"đối lập xây dựng" và hợp pháp, nên Nhóm Hiến Chương 77 đã soạn thảo một văn kiện với ngôn từ rất ôn hòa và căn bản là vấn đề nhân quyền tại Tiệp Khắc. Nội dung Hiến Chương 77 có thể tạm chia làm ba phần :

Phần thứ nhất
bày tỏ sự vui mừng khi nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Tiệp Khắc đã phê chuẩn hai Hiệp ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự - Chính Trị và về Quyền Kinh Tế - Xã Hội - Văn Hóa tại Hội Nghị Helsinki năm 1975 và trên nguyên tắc phải áp dụng kể từ ngày 23/3/1976. Lẽ ra kể từ ngày đó, mọi người công dân đều được hưởng những quyền căn bản quy định và nhà nước phải có bổn phận bảo đảm để những quyền đó được thực hiện, nhưng thực tế tại Tiệp Khắc cho thấy, tinh thần của hai Hiệp ước Quốc Tế nói trên vẫn không được tôn trọng và quyền làm người vẫn tiếp tục bị chà đạp.

Phần thứ hai
chứng minh là nhà nước Tiệp Khắc đã và đang vi phạm nhân quyền về mọi mặt: phân biệt đối xử với những người khác chính kiến, phân biệt đối xử giữa những thành phần trong xã hội, tự do ngôn luận bị trói chặt, tự do tôn giáo không hề được tôn trọng, tự do hội họp, tự do lập hội, quyền bình đẳng tham gia vào việc nước và quyền bình đẳng trước pháp luật đều không được thực thi vì sự khống chế của đảng cộng sản trên toàn bộ xã hội. Mỗi vi phạm đều được đối chiếu với một điều khoản trong hai bản Hiệp ước Quốc Tế.

Phần thứ ba
nói lên lý do hình thành nhóm Hiến Chương 77, mục tiêu theo đuổi và chỗ đứng của Hiến Chương 77 trong sinh hoạt chính trị tại Tiệp Khắc. Về lý do, Hiến Chương 77 được hình thành vì ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ nhân quyền và dân quyền, vì tin tưởng vào sự dấn thân của mọi tầng lớp quần chúng cho lý tưởng nhân quyền và dân quyền và vì nhu cầu tập hợp để tiếng nói ngày một lớn mạnh . Hiến Chương 77 không phải là một tổ chức nên không có nội quy, không có cơ cấu tổ chức và cũng không có hội viên chính thức, nhưng đây là một tập hợp mở rộng quy tụ những số người không phân biệt xuất xứ, chính kiến, tôn giáo và nghề nghiệp, có cùng chung mong muốn đấu tranh để nhân quyền và dân quyền được thực thi ở Tiệp và ở mọi nơi trên thế giới. Hiến Chương 77 chọn chỗ đứng trung lập, nhằm góp phần giải quyết những xung đột trong xã hội, qua đối thoại và chứng liệu, để tạo sự chú ý của các giới chức thẩm quyền về những trường hợp vi phạm các quyền căn bản của con người.

Ảnh Hưởng Của Hiến Chương 77 Và Phản Ứng Của Nhà Cầm Quyền Cộng Sản Tiệp:


Lược qua nội dung trên đây, chúng ta thấy bản Hiến Chương 77 không có gì là
"ghê gớm" , cũng không có gì là mới mẻ đối với những gì người Việt Nam đã nói, đã viết và đã làm trong thời gian qua, và có thể có người còn cho là "quá nhẹ" khi đứng từ góc nhìn của một người ở hải ngoại, trong thời buổi hiện nay. Nhưng nếu chúng ta đặt mình trong bối cảnh của một người đấu tranh cho dân chủ tại Tiệp Khắc, sống trong một chế độ công an trị, không chấp nhận đối lập, dù là "đối lập xây dựng" đến cỡ nào, và hàng chục sư đoàn Hồng Quân Liên Xô đóng dọc biên giới cũng như ở các thành phố lớn, sẵn sàng dập tắt mọi "mưu toan phản loạn", thì chúng ta sẽ nhận ra ngay tính chất "ghê gớm và mới mẻ" của Hiến Chương 77.

Nhờ như vậy, mà chỉ trong một thời gian ngắn, từ 241 người ký tên lúc đầu, con số này đã tăng gấp đôi và cho tới cuối năm 1977 đã có hơn 900 người ký. Ảnh hưởng của Hiến Chương 77 được thấy ngay ở những tháng đầu tiên của năm 1977. Tại Tiệp Khắc, ở đâu người ta cũng nói, cũng bàn về nội dung của bản Hiến Chương này, trong trường học, rạp hát, công sở và khơi dậy trong quần chúng một tinh thần tranh đấu mới, đó là tranh đấu đòi hỏi nhà cầm quyền phải tôn trọng những gì đã quy định trong luật pháp, cũng như những gì đã ký kết với quốc tế liên hệ đến nhân quyền và dân quyền. Phương pháp tranh đấu này của nhóm Hiến Chương 77 đã gây khó khăn không ít cho nhà cầm quyền cộng sản Tiệp Khắc lúc bấy giờ. Vì nhóm Hiến Chương 77 đã khẳng định họ
không phải là một tập hợp chính trị, không có ý định đối lập với chính quyền, mà chỉ hành xử vai trò công dân để đóng góp cho lợi ích chung , bằng tinh thần đối thoại xây dựng với chính quyền, nên càng làm cho nhà cầm quyền cộng sản Tiệp Khắc khó có cớ để đàn áp.

Ở bên ngoài, dư luận quốc tế rất quan tâm đến sự hình thành của nhóm Hiến Chương 77 và đã hết lòng ủng hộ. Chính quyền của các nước Tây Phương, kể cả Hoa Kỳ, đã lên tiếng cảnh giác ngay tức khắc nhà nước cộng sản Tiệp Khắc không nên có những hành động đàn áp những người đã ký tên vào Hiến Chương 77. Chỉ vài tuần lễ sau, một
Ủy Ban Quốc Tế Ủng Hộ Hiến Chương 77 ra đời, quy tụ nhiều nhân vật tên tuổi ở nhiều nước. Ủy Ban này mở một cuộc vận động chữ ký ủng hộ Hiến Chương 77 và nhiều thành viên của Ủy Ban nộp đơn xin chiếu khán vào Tiệp Khắc để gặp gỡ Nhóm Hiến Chương 77. Những biện pháp này cũng phần nào làm chùn bước nhà cầm quyền cộng sản Tiệp Khắc, nên họ đã không dám có phản ứng ngay tức khắc và mạnh bạo để đàn áp nhóm Hiến Chương 77.

Tuy nhiên, đánh giá được những ảnh hưởng nguy hiểm của nhóm Hiến Chương 77, nên đảng cộng sản Tiệp, trong giai đoạn đầu, đã tung ra một kế hoạch tuyên truyền nhằm bôi nhọ những người lãnh đạo nhóm Hiến Chương 77. Nhiều bài viết đăng tải trên các cơ quan truyền thông của Nhà Nước đã quy chụp nhóm Hiến Chương 77 là những kẻ tay sai của đế quốc và bản Hiến Chương 77 đã được chỉ đạo và soạn thảo bởi những thế lực bên ngoài. Vì khó có thể truy tố những người trong Nhóm Hiến Chương 77 chỉ vì họ đã ký tên vào đó, nên chế độ cộng sản quay sang biện pháp cố hữu là quy tội
"liên lạc với các nhóm phản động bên ngoài", "chuyển tin tức, tài liệu bất hợp pháp ra nước ngoài",...

Ngày 14/1/1977, Vaclav Havel bị bắt lần đầu tiên và được thả vài tháng sau đó, với lý do là
"liên lạc bất hợp pháp với nước ngoài". Ngày 3/3/1977, giáo sư Jan Patocka, một trong 3 phát ngôn viên của Hiến Chương 77 và là người lớn tuổi nhất (70 tuổi), bị lên cơn đau tim sau khi bị công an thẩm vấn liên tục trong vòng 11 giờ. Jan Patocka đã không chịu nổi đòn khủng bố tinh thần của công an chế độ bằng những cuộc thẩm vấn liên tục, nên bị xuất huyết não và qua đời ngày 13/3/1977. Cái chết của Jan Patocka đã gây sự phẫn nộ trong quần chúng và kích thích những người trong nhóm Hiến Chương 77 quyết liệt tranh đấu. Nên lúc đó, dù chế độ đã bắt đầu gia tăng đàn áp, nhưng nhóm Hiến Chương 77 không lùi bước và ngưng hoạt động, khi phát ngôn viên này bị bắt thì người khác lên thay thế và nội trong năm 1977, đã có 14 hồ sơ do Hiến Chương 77 phổ biến để vạch ra những bằng chứng về sự vi phạm luật lệ của nhà nước cộng sản Tiệp trên nhiều lãnh vực của xã hội. Ðến năm 1989, năm của cuộc cách mạng dân chủ, đã có trên 550 hồ sơ được nhóm Hiến Chương 77 công bố. Ðây là một bằng chứng cho thấy sự làm việc liên tục và có hiệu quả của nhóm này.

Tháng 4 năm 1978, một số người trong Nhóm Hiến Chương 77 thành lập
Ủy Ban Bảo Vệ Những Người Bị Trù Dập Bất Công (VONS). Ðây là một hiệp hội nhân đạo phi chính trị, mục tiêu hoạt động là điều tra và công bố những trường hợp trù dập bất công tại Tiệp Khắc. Hồ sơ công bố của Ủy Ban này đã được nhiều hiệp hội nhân quyền quốc tế sử dụng để làm bằng chứng tố cáo chính sách chà đạp nhân quyền tại Tiệp Khắc và tháng 12 năm 1979, Ủy Ban này được thừa nhận là một thành viên của Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế.

Mặc dù những người trong Nhóm Hiến Chương 77 và Ủy Ban Bảo Vệ Những Người Bị Trù Dập Bất Công luôn luôn bị chế độ đàn áp, nhưng những hoạt động của họ không vì thế mà thuyên giảm, ngược lại ngày càng mở rộng ra và trở thành đầu tàu cho cuộc cách mạng dân chủ tại Tiệp Khắc vào năm 1989.


Tạm Kết:


Bài học căn bản nhất mà chúng ta có thể rút ra ở đây là Nhóm Hiến Chương 77 đã thành công trong việc dung hòa được những khác biệt về tư tưởng và lập trường của nhiều nhóm khác nhau, giữa những người không cộng sản và những người từng giữ những chức vụ quan trọng trong đảng và nhà nước cộng sản Tiệp. Vaclav Havel , trong cuộc phỏng vấn vào năm 1986 với ký giả Karel Hvizdala, nói rằng
"Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định rõ với nhau đây là một tập hợp đa nguyên, tất cả đều bình đẳng và không nhóm nào, dù là mạnh nhất, có quyền áp đặt sự lãnh đạo của mình và lèo lái theo phương cách của mình" . Câu nói của Havel cho thấy ngay trong Nhóm Hiến Chương 77 có nhiều xu hướng chính trị khác nhau, nhưng vì mục tiêu chung, họ đã tương nhượng với nhau.

Sự thành công trong việc dung hòa những khác biệt một phần là do từng người trong nhóm đều ý thức được giá trị của
"hợp quần", phần khác là do sự chọn lựa một khuôn khổ hoạt động phù hợp với tính đa nguyên của nhóm. Những người chủ trương Hiến Chương 77 không quan niệm đây là một tập hợp chính trị, do đó không có cơ cấu tổ chức, không có cương lĩnh và điều lệ hoạt động. Do đó, mỗi thành viên của nhóm vẫn hoàn toàn độc lập trong hoạt động chính trị của mình. Nhờ tính chất kết hợp dựa trên sự đồng thuận về mặt tinh thần và hết sức lỏng lẻo về mặt tổ chức, nên nhóm Hiến Chương 77 đã dung hòa được những khác biệt nội bộ và có thể uyển chuyển theo tình thế để tiếp tục hoạt động và mở rộng.

Vaclav Havel và những người trong Nhóm Hiến Chương 77 đã chọn lựa một phương pháp đấu tranh rất phù hợp với hoàn cảnh của Tiệp Khắc và bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ. Chiến trường họ mở ra là một chiến trường mà trên đó tập đoàn cộng sản Tiệp Khắc không thể nào thắng được. Ðó là trận chiến cho đạo đức và quyền làm người. Hẳn nhiên, chế độ không thể thắng, nhưng liệu rằng Nhóm Hiến Chương 77 có thắng được hay không ? Ðiều này không quan trọng, theo lời của một thành viên Hiến Chương 77:
"Khi một người bị rơi xuống nước, người có lòng nhảy ngay xuống để tìm cách cứu và lúc đó không hề đặt câu hỏi là mình có khả năng cứu hay có thể bị cuốn theo. Cuộc đấu tranh của Nhóm Hiến Chương 77 cũng vậy, chúng tôi không đặt câu hỏi là mình có khả năng chấm dứt chế độ này hay không, vì vấn đề quan trọng không nằm ở chỗ đó, mà ở chỗ là lương tâm và đạo đức có cho phép mình quì gối trước chế độ này hay không?"

Sau cùng, họ đã thắng và người đứng đầu Hiến Chương 77 là ông Vaclav Havel đã trở thành vị tổng thống dân chủ đầu tiên ở Tiệp Khắc, sau cuộc cách mạng nhung lụa năm 1989.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen