Hugo Dixon * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Hãy bắt đầu từ nguyên tắc căn bản nhất: Không có phong trào nào có thể lật đổ nổi chế độ vững như bàn thạch trừ phi phong trào có chiến lược. Chiến lược này nhất thiết đòi hỏi phải phân tích một cách hệ thống những điểm yếu của đối phương, vạch ra kế hoạch làm đối phương suy yếu dần, đồng thời đoán trước cuộc đấu tranh có thể diễn ra theo chiều hướng nào. Để hình thành được chiến lược như thế, phong trào cần có sự lãnh đạo. Và để theo đuổi chiến lược như thế qua những thời kỳ khó khăn trong tương lai - khi những cuộc biểu tình bất bạo động có thể bị đáp lại bằng bạo lực - phong trào phải cần có sự đoàn kết.
*
Phải chăng có thể là những nhà lãnh đạo cuộc nổi dậy được đánh giá quá cao? Theo sau Mùa Xuân Ả Rập, phong trào Chiếm Phố Wall, và những cuộc vùng lên khác của dân chúng trên khắp thế giới chống lại các chế độ độc tài và thối nát, các nhà phân tích địa chính trị đang hỏi những câu hỏi cơ bản về ý nghĩa của sự lãnh đạo trong các cuộc đấu tranh như thế. Loại lãnh đạo nào cần thiết trong các cuộc nổi dậy bất bạo động? Và trong thời đại số này, phải chăng những cuộc nổi dậy cũng phải cần có người lãnh đạo?
Câu trả lời lãng mạn là các cuộc đấu tranh bất bạo động không còn cần đến nhà lãnh đạo có tầm thu hút lớn - những cuộc đấu tranh này có thể xuất hiện tức thời khi nhân dân bị áp bức đồng loạt nổi dậy và liên lạc với nhau qua Facebook và Twitter. Người ta cho rằng sự thiếu tổ chức hay thiếu tầng lớp lãnh đạo này rất thích hợp với các mục tiêu của những phong trào như thế. Nơi nào những người nổi dậy đấu tranh cho nền pháp trị dân chủ, nơi ấy chẳng ai nên sai bảo ai. Hơn nữa, cái được coi là thiếu sự lãnh đạo ấy còn có lợi ích phụ ở chỗ nhà cầm quyền không thể nào tiêu diệt được phong trào bằng cách vây bắt những người cầm đầu. Ta không thể chém bay đầu nếu không có đầu.
Cách đây một năm, theo sau chiến thắng nức lòng của cuộc cách mạng Ai Cập, cuộc cách mạng điển hình ấy đã có tiếng vang xa. Nhưng Mùa Xuân Ả Rập không trôi qua êm đềm. Libya phải trải qua cuộc đấu tranh dài và đẫm máu mới lật đổ được Đại tá Muammar Gaddafi, còn Syria càng ngày càng bị hút sâu vào cuộc nội chiến. Ngay cả Ai Cập cũng không còn là chiến thắng trọn vẹn đối với những nhà cách mạng Facebook: Huynh đệ Hồi giáo, vốn có tầng lớp lãnh đạo truyền thống hơn và tôn trọng tổ chức, hoàn toàn sẵn sàng giật lấy thành quả của phong trào dân chúng chiếm đóng Quảng trường Tahrir.
KHÔNG CÒN TỨC GIẬN SUÔNG NỮA
"Đây là cuộc chiến tranh bằng các phương tiện khác," Robert Helvey, cựu đại tá Mỹ chuyên nghiên cứu về đấu tranh bất bạo động và huấn luyện các nhà hoạt động dân chủ về những phương pháp đấu tranh bất bạo động, nói. "Nếu ta có ý định muốn tiến hành đấu tranh bất bạo động thì mọi người cần phải thống nhất với nhau." Những nhà phân tích sáng suốt nhất về các phong trào bất bạo động gần đây đều không bao giờ tin những phong trào này có nhiều cơ may thành công trừ phi họ có sự lãnh đạo, đoàn kết, và chiến lược.
Hãy bắt đầu từ nguyên tắc căn bản nhất: Không có phong trào nào có thể lật đổ nổi chế độ vững như bàn thạch trừ phi phong trào có chiến lược. Chiến lược này nhất thiết đòi hỏi phải phân tích một cách hệ thống những điểm yếu của đối phương, vạch ra kế hoạch làm đối phương suy yếu dần, đồng thời đoán trước cuộc đấu tranh có thể diễn ra theo chiều hướng nào. Để hình thành được chiến lược như thế, phong trào cần có sự lãnh đạo. Và để theo đuổi chiến lược như thế qua những thời kỳ khó khăn trong tương lai - khi những cuộc biểu tình bất bạo động có thể bị đáp lại bằng bạo lực - phong trào phải cần có sự đoàn kết. Srdja Popovic, lãnh đạo của Otpor, nhóm sinh viên Serbia đã góp phần lật đổ chế độ độc tài của Slobodan Milosevich vào năm 2000, bây giờ hướng dẫn các nhà hoạt động dân chủ cách thức tổ chức những phong trào tương tự. Ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đoàn kết, và cho họ biết một trong những lý do giúp Otpor thắng được Milosevic là nhờ Otpor thuyết phục các nhóm nhà chính trị không nên tranh cãi vặt với nhau nữa mà hãy đoàn kết lại để ủng hộ một ứng cử viên duy nhất.
Lãnh đạo phải vạch ra kế hoạch cho từng giai đoạn đấu tranh khác nhau. Helvey nói thường có ba giai đoạn: lật đổ chế độ; thành lập chính phủ dân chủ, hay có thể chính phủ lâm thời; và rồi bảo vệ chính phủ non trẻ chống lại các cuộc đảo chánh. Ông chỉ ra rằng tuy sinh viên Ai Cập lật đổ được Hosni Mubarak, nhưng họ không có kế hoạch tiếp theo ngay sau đó, cho nên Huynh Đệ Hồi Giáo nhảy vào nắm quyền. Sinh viên đã thắng trận chiến quan trọng, nhưng kẻ khác đã cướp lấy phần thưởng từ trên tay họ.
Vấn đề ở Ai Cập đã vượt quá giai đoạn thay đổi chế độ, nhưng đa số các phong trào thậm chí vẫn còn đấu tranh để đạt đến giai đoạn đầu tiên này. Một lần nữa, đó là thường do thiếu sự lãnh đạo tài ba. Gene Sharp, giáo sư đại học ở Boston đã nghiên cứu về đấu tranh bất bạo động trong hơn 60 năm qua, khẳng định thật là điên rồ khi cho rằng ta không cần những người lãnh đạo. Lịch sử chứng minh lập luận này; không có nhiều và có lẽ cũng chẳng có những cuộc đấu tranh bất bạo động nào không có người lãnh đạo mà lại thành công, theo lời Adam Roberts, giáo sư danh dự về quan hệ quốc tế ở đại học Oxford. Phong trào chiếm đóng phố Wall có thể là trường hợp minh họa điều này. Lúc đầu danh tiếng của phong trào nổi lên như cồn nhưng những người tham gia phong trào dường như không có bất kỳ chiến lược nào ngoài chuyện dựng lều ở những nơi công cộng, nên dần dần công chúng chẳng còn quan tâm đến. Cuộc cách mạng Syria đang diễn ra là trường hợp khác về những nguy hiểm của cuộc nổi dậy mà không có chiến lược tốt. Những nhà hoạt động dân chủ ở đấy dường như không có bất kỳ kế hoạch hành động nào khi chế độ của tổng thống Bashar al-Assad phản công lại bằng tra tấn, giam cầm, và thảm sát- mặc dù phản ứng tàn bạo của chế độ là điều có thể tiên đoán được.
Các nhà hoạt động dân chủ Syria đã phạm phải một sai lầm khác về chiến lược: lúc đầu họ quá nhấn mạnh đến các cuộc biểu tình chống chế độ, mặc dù những cuộc biểu tình công khai rất quan trọng trong các phong trào cách mạng, nhưng những người biểu tình trực diện như thế dễ bị trấn áp tàn bạo. Những chiến thuật thay thế biểu tình, như tẩy chay và đình công, có thể là phương cách tốt hơn để thách thức chế độ trong khi duy trì mức độ thương vong của ta thấp. Muốn như thế phải cần có lãnh đạo để phối hợp hoạt động dựa theo chiến lược đó. Công bằng mà nói, những nhà hoạt động dân chủ ở Syria không thể nào tổ chức hay thậm chí liên lạc được với bất kỳ nhóm nào lớn hơn những chi bộ nhỏ vì ngay khi họ liều lĩnh ra mặt đấu tranh, họ liền bị bắt, bị tra tấn hay bị sát hại. Sau hàng tháng trời bị chế độ đánh tơi tả, chính những nhà hoạt động dân chủ Syria ngày càng quay sang đấu tranh bằng bạo lực.
NHỮNG NHÀ TUYÊN TRUYỀN VÀ NHỮNG NHÀ CHIẾN LƯỢC
Loại lãnh đạo nào cần thiết để duy trì cuộc cách mạng bất bạo động? Vì những cuộc cách mạng các mạng xã hội không có người đứng đầu dường như chắc chắn bị thất bại, nên người ta dễ bị quyến rũ sang đối cực khác - nhà lãnh đạo phi thường có tầm thu hút lớn. Lịch sử dường như mĩm cười với chiến thuật này: phong trào độc lập ở Ấn Độ có Mohandas Gandhi; phong trào dân quyền ở Mỹ có Martin Luther King, phong trào chống Apartheid có Nelson Mandela. Gần đây hơn, Aung San Suu Kyi là khuôn mặt cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài ở Miến Điện, và Anna Hazare nhà lãnh đạo phong trào chống tham nhũng ở Ấn Độ. Toàn là những nhà lãnh đạo khích lệ.
"Khi ta tổ chức cuộc cách mạng, lãnh đạo lôi cuốn có ảnh hưởng rất thuận lợi đến sự thành công của phong trào," Helvey nói. Thật may mắn khi có nhà lãnh đạo mạnh biết tập hợp mọi người lại và biết làm cho mọi người quyết tâm hành động theo kế hoạch. "Ta không thể nào có dân chủ khi tiến hành chiến tranh," ông giải thích. "Một khi quyết định đã thông qua, mọi người phải thực hiện theo quyết định."
Tuy nhiên, thật sai lầm khi vội vàng kết luận rằng sự lãnh đạo thành công phải xuất phát từ nhân vật có ảnh hưởng nhất. Đội ngũ lãnh đạo có nhiều ưu thế hơn: phong trào vẫn tồn tại nếu bất kỳ nhà lãnh đạo nào bị bắt hay bị sát hại; phong trào có thể ngăn chặn nhà lãnh đạo trở nên quá tự phụ hay thậm chí biến thành nhà độc tài mới, và lãnh đạo tập thể ấy có thể nảy sinh ra nhiều ý tưởng mới lạ, vì những ý tưởng mới có thể không được lan truyền nếu có nhà lãnh đạo có quá nhiều quyền lực.
Vả lại, không phải tất cả những phong trào chúng ta nghĩ do những nhà lãnh đạo có tầm thu hút lớn đứng đầu đều đặt dưới sự lãnh đạo của một người duy nhất. Thường có vài nhà lãnh đạo khích lệ. Hãy nghĩ về sự kết hợp giữa Jawaharlal Nehru và Gandhi ở Ấn Độ ; hay Viktor Yushchenko và Yulia Tymoshenko trong cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine vào năm 2004-2005. Ngay cả khi có một nhà lãnh đạo mạnh duy nhất, người đó có lẽ không có tất cả những phẩm chất cần thiết để đưa cuộc đấu tranh đến kết thúc thắng lợi. Các phong trào cần cả các nhà tuyên truyền xuất sắc và những nhà chiến lược sáng suốt. Trong rất ít trường hợp - chẳng hạn như trường hợp của Gandhi, người vừa là nhà lãnh đạo có nhiệt huyết vừa là nhà chiến lược bẩm sinh - cả hai phẩm chất đều có ở một người.
Trường hợp ngược lại thì điển hình hơn. Ví dụ, tài diễn thuyết xuất sắc của Martin Luther King kết hợp với thiên tài chiến thuật của Bayard Rustin, theo ông Roberts. Rustin từng sang Ấn Độ vào năm 1948 để học những bài học tranh đấu của Gandhi, đã truyền đạt lại cho King nhiều điều hay về cuộc đấu tranh bất bạo động. (Một trong những lời khuyên của ông: Không bao giờ làm điều gì hai lần.)
MBA VỀ CÁCH MẠNG BẤT BẠO ĐỘNG?
Phải chăng có thể dạy người ta cách tổ chức cuộc cách mạng bất bạo động? Đối với chiến tranh truyền thống, có các trường võ bị- chẳng hạn West Point ở Hoa Kỳ và Sandhurst ở Anh- chuyên dạy các chiến lược tác chiến. Sau khi được đào tạo ở trường võ bị, các sĩ quan trẻ lúc đó được nhận vào tập sự để nghiên cứu các chiến dịch quân sự cho các chỉ huy cấp cao. Không có trường dạy bất bạo đông tương đương với Sandhurst, nhưng vẫn có những cố gắng để đào tạo những nhà lãnh đạo cho các cuộc đấu tranh bất bạo động. Trong suốt phong trào chống Apartheid, những nhà lãnh đạo trẻ được đào tạo ở Phoenix Settlement của Gandhi gần Durban. Viện nghiên cứu Albert Einstein của Sharp tổ chức những lớp học về đấu tranh phản kháng, cũng như Trung Tâm Ứng Dụng Bất Bạo Động (CANVAS) mới của Popovic đã đào tạo các nhà hoạt động dân chủ ở vài nước, trong đó có Ai Cập, Ukraine, và Georgia.
Cũng có một vài lớp ở đại học. Một lớp là chương trình sau đại học về chiến lược và phương pháp thay đổi xã hội bất bạo động do CANVAS lập ra ở Đại học Belgrade. Lớp khác là giáo dục cao cấp về xung đột bất bạo động của Fletcher Summer Institute thuộc đại học Tufts ở Boston.
Càng ngày cũng càng có nhiều giáo sư đại học nghiên cứu về lĩnh vực này. Sách và các bài viết của họ dần dần đang đến tay các nhà hoạt động dân chủ ở những nơi cuộc đấu tranh thực sự diễn ra, và những cuốn sách ấy đang nói với họ điều này: Để chiến thắng trong cuộc đấu tranh bất bạo động ta phải có sự lãnh đạo và chiến lược vững vàng. Theo thời gian những sáng kiến như thế sẽ đưa những kiến thức liên quan đến càng ngày càng nhiều các nhà lãnh đạo mới xuất hiện để giúp họ trở thành những chiến sĩ bất bạo động giỏi hơn. Cho nên sự chia sẻ kiến thức ấy có lẽ khiến cho cuộc nổi dậy bất bạo động kế tiếp sẽ không chỉ lật đổ nhà độc tài, mà sẽ thay thế y bằng chính quyền dân chủ khả thi.
Nguồn: Tạp chí Reuters Magazine ngày 29/6/2012
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen