Hàng tỷ thuộc về gia đình những quan chức lớn, và một chút cho mỗi người Hoa. Câu chuyện thần thoại về một đảng cộng sản theo đường lối chủ nghĩa tư bản.
Kỳ quan chính trị
Trung Hoa – kỳ quan kinh tế? Biết rồi khổ lắm nói mãi. Điều thú vị thực ra là: Trung Hoa là một kỳ quan chính trị. Một quốc gia vươn lên hàng thứ hai thế giới về sức mạnh kinh tế với những lãnh đạo không chịu trách nhiệm với bất cứ ai về chuyện họ làm, với thể chế què quặt, một đất nước mà luật pháp không được coi trọng bằng lời nói của một quan chức đảng cấp vùng. Một đảng, dù đã được dự báo là ngắc ngoải nhiều lần, gửi người bay vào quỹ đạo và đẩy thị trường chứng khoán thế giới lúc lên voi lúc xuống chó. Một đảng tự gọi là cộng sản đã khai phá chủ nghĩa tư bản theo kiểu mới.
Trung Hoa chưa từng bao giờ giàu có như bây giờ.
“Và Trung Hoa cũng chưa từng yếu như bây giờ.”
Câu này là của Đái Tình[1], một phụ nữ từng sinh trưởng giữa vòng bao bọc của quyền lực, người đã từng chung lớp mẫu giáo với một số lãnh đạo hiện nay.
“Nếu giờ ai mà hỏi tôi”, bà nói, “lựa chọn sau chót của tôi mới là kiếp sau sinh ra lại làm người Hoa.”
Đảng Cộng sản Trung Quốc. Được thành lập bởi một nhóm những nhà cách mạng trẻ vào tháng Bảy năm 1921 tại Thượng Hải. Đảng[2] hiện có 82 triệu thành viên – tương đương dân số nước Đức, nhưng có vẻ là mắn đẻ hơn: Trong vòng 10 năm qua đã có trên 26 triệu thành viên mới gia nhập. Đảng lèo lái đường đi nước bước của các công ty lớn, chỉ đạo quân đội lớn nhất hành tinh, dẫn dắt cả một đất nước – những hành động mà ta không thể nhận biết ngay được. Thoạt trông ta chỉ thấy các sếp tổng công ty, một bộ trưởng quốc phòng, một chính phủ. Vâng, Trung Hoa cũng có một chính phủ, chỉ có điều: chính phủ không điều hành. Đảng làm chuyện đó.
Đái Tình năm nay 71 tuổi. Bà từng là nhà báo nổi tiếng nhất nước. Cha bà thuộc đội ngũ những thành viên đầu tiên của Đảng. Cha bà mất trong cuộc chiến kháng Nhật, bà được người bạn của cha bà – nguyên soái Diệp Kiếm Anh[3], một đồng chí chiến đấu của Mao, nhận về làm con nuôi. Trong vai trò con ông cháu cha được bảo bọc, Đái Tình lớn lên trong khu Trung Nam Hải thuộc vườn thượng uyển cũ của Tử Cấm Thành, là nơi mà những ông quan thế hệ mới lưu trú cách biệt với quần chúng, ngay sau khi cách mạng thành công.
“Ở trong kia”, bà vừa nói vừa chỉ tay vào Tây Môn của Tử Cấm Thành, “đó là cái thư viện mà khi còn ở tuổi thiếu niên tôi thường ngồi trong đó cả ngày.” Thời còn là hồng vệ binh, bà tôn thờ Mao, thời là phóng viên trẻ bất mãn, bà tôn sùng Đặng Tiểu Bình và chính sách cải cách của ông ta. Sau ngày thảm sát Thiên An Môn, vào mùa thu năm 1989, bà tự ra khỏi Đảng.
Kể từ đó bà hầu như biến mất: Một người thuộc “nhóm thái tử”[4] – cách người ta thường gọi con cái các quan chức cấp cao của Đảng – đã trở thành kẻ phản kháng. Đái Tình từ đó không được phép xuất bản một dòng nào nữa ở Trung Hoa, một công an được cử túc trực ngày đêm canh chừng bà.
“Đảng như là Thánh”, một giáo sư thuộc trường Đại học Nhân dân Bắc Kinh từng nói. “Thánh hiện diện ở khắp nơi. Bạn chỉ không nhìn thấy Thánh thôi.”
Đang có một sự đổ vỡ
Vào thứ Năm tới, ngày 8 tháng 11 năm 2012, đảng này sẽ họp. Kỳ họp thứ 18 trong lịch sử của nó. Lần này chắc sẽ là một trong những lần quan trọng nhất, vì tính sống còn của nó. Người đàn ông quyền lực nhất Trung Hoa sẽ được bầu, đồng thời cũng là dịp để Đảng cho thấy liệu nó thực sự có đủ năng lực cải cách chính trị hay không. Từ ngoài nhìn vào thì quốc gia này có vẻ giàu có, mạnh mẽ và tự tin hơn bao giờ hết – nhưng chính người Hoa, dù trong hay ngoài Đảng, đang “cảm thấy một cuộc khủng hoảng sâu sắc”, tạp chí Học tập Thời báo của Đảng cho hay.
Kỳ họp Đảng này có ý nghĩa không nhỏ với cả Trung Hoa lẫn thế giới, dù rằng cho tới gần đây cả hai thậm chí chưa được biết ngày chính thức khởi họp là ngày mấy. Có vẻ như là chính Đảng còn đang bị mắc kẹt một chân ở dưới mặt đất. Và thực sự ai sẽ là người nắm trọng tâm quyền lực, thế giới sẽ chỉ được biết chắc chắn vào ngày cuối cùng. Khi đó, lúc cánh cửa Đại lễ đường Nhân dân mở ra và một nhóm lãnh đạo mới đi vào theo hàng một và đúng thứ tự quyền lực. Cảnh tượng này hơi giống ở đất nước của Giáo hoàng, khi khói trắng bay lên cao.[5]
Một lần, Đái Tình kể, người canh gác bà thắc mắc với vẻ ngạc nhiên vì sao một người có dòng dõi như bà lại không thâu tóm được nhiều của cải cho cá nhân mình. “Tụi con ông cháu cha bị khinh ghét trong dân chúng. Cũng đúng thôi”, Đái Tình nói. “Anh chỉ cần thốt lên một tiếng là được tất cả chẳng khó khăn gì. Vấn đề ở nước tôi là, các ông bố thậm chí không kiểm soát được con cái. Tôi đã từng chứng kiến ngay tại gia đình tôi, với người cha nuôi. Nguyên soái Diệp đã rất buồn rầu về những đứa con đã lợi dụng tên tuổi ông ấy để tạo dựng sự nghiệp hay đạt được quyền lợi. Đó là một phần của chế độ: Anh chỉ cần vơ vét thôi, quá dễ dàng. Anh nghĩ lý do vì sao mà hiện nay người ta còn vào Đảng? Vì họ tin vào chủ nghĩa cộng sản ư? Tôi chẳng còn biết ai như thế. Không: Vì họ sẽ được bổng lộc, và trên hết là: Tiền.”
Đối với Đảng, năm qua chẳng tốt đẹp gì. Trước hết là vụ bê bối xung quanh Bạc Hy Lai – người từng là ngôi sao chính trường, khi vợ ông ta tổ chức thủ tiêu một doanh nhân người Anh và gia đình ông ta thâu tóm tài sản trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ. Sau đó là vụ phanh phui khối tài sản lên tới hàng tỷ của gia đình một số quan chức lãnh đạo cao nhất: đầu tiên là gia đình của Tập Cận Bình, người trong kỳ họp Đảng sắp tới nhiều khả năng sẽ được bầu làm lãnh đạo mới của Trung Hoa, rồi đến gia đình của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Người Hoa có bất ngờ không? “Có lẽ tôi sẽ bất ngờ nếu như gia đình các ông ấy không tham nhũng”, Yang Lin[6] – một phụ nữ 34 tuổi làm trong ngành quảng cáo ở Bắc Kinh, nói. Dù vậy nhiều người vẫn bị sốc về mức độ và con số mà họ trước nay khó tưởng tượng nổi. Ngay cả Ôn Gia Bảo ư? Vị Thủ tướng mà người ta đồn rằng ông thực sự muốn cải cách. “Ông Ôn có lẽ trong sạch thật. Nhưng chính điều đó làm tôi mất hết hy vọng, bởi ông ta thậm chí không thể kiểm soát được gia đình mình.” Yang Lin trích dẫn một câu nói của vị Thủ tướng: “Sự ngay thẳng và công lý ngời sáng hơn mặt trời.” Rồi cô hỏi: “Các con ông ấy có cười thối mũi vào cha mình không nhỉ?”
Có thể nắm bắt được cảm giác thất vọng và chông chênh. Trong một cuộc trưng cầu của Hoàn cầu Thời báo – một tờ do Đảng kiểm soát, kết hợp với mạng Sina hai năm trước đây, 88% trong số 7000 người được hỏi cho rằng, họ mong nhất là có thể rời khỏi Trung Hoa.
Đang có một sự đổ vỡ.
Chính trị kiểu du kích
Hiệp ước mà Đảng ký với nhân dân sau sự kiện thảm sát Thiên An Môn là: “Tụi bay câm miệng lại, tụi tao đảm bảo rằng tụi bay sẽ ngày càng được sung sướng hơn” – cái này còn giá trị không? “Bên ngoài nhìn vào bạn thấy một cái cây lớn xanh tươi sum suê, nhưng rễ của nó đã mục. Một cơn gió mạnh là cây đổ.” Tuần trước, hai lần liền chúng ta được nghe các hình ảnh ẩn dụ này, và cả hai lần đều là phát ngôn của những đảng viên.
Nói đi cũng phải nói lại: Điều này đã từng được nghe rồi. Hai mươi năm trước đây. Năm 1989, Đảng cho xe tăng cán nhân dân của nó, Bức tường Berlin sụp đổ, rồi Liên Xô tan rã – Đảng Cộng sản Trung Quốc bị cô lập và coi thường, nó có vẻ yếu đuối như chưa từng thế. Nhưng nó đã không chỉ củng cố được quyền lực, mà bên cạnh đó còn chôn luôn chủ nghĩa cộng sản, cứ tám năm lại tăng gấp đôi sức mạnh kinh tế, quản trị cuộc đô thị hóa lớn nhất toàn cầu và kéo hàng triệu người Hoa ra khỏi nghèo đói.
Đảng này thật khôn ngoan, vô áy náy và uyển chuyển, một bậc sư phụ về sống sót. Tất nhiên nó tiếp tục dùng sự đe nẹt và ép buộc khi cần. Trong năm nay, chính phủ dành 110 tỷ đô la Mỹ từ ngân sách cho việc “ổn định xã hội”, có nghĩa: cảnh sát, công an, và tình báo – nhiều hơn 5 tỷ so với ngân sách dành cho quân đội.
Và tất nhiên kiểm duyệt cũng như tuyên truyền quyết định cái gì là sự thật ở Trung Hoa. Chúng xóa bỏ lịch sử: 40 triệu người chết đói mà Đảng liên đới trách nhiệm, thảm sát những người biểu tình ôn hòa. Và chúng khoác thêm tấm áo mới cho ngôn ngữ. Dân chủ? “Đó là chính phủ của Đảng Cộng sản vì dân”. Trên hết, những năm vừa qua Đảng chú trọng vào một giấc mơ về tầm vóc quốc gia và viễn cảnh can dự vào sự cường thịnh: Nhờ đó nó được sự ủng hộ của phần đông quần chúng. Cho tới nay.
Thực chất của đảng này là thế nào? Sẽ dễ hiểu hơn nếu ta quên đi những hình ảnh trước đây của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức và Đảng Cộng sản Liên Xô. Đảng của Trung Hoa là một thực thể khác hẳn, nhà chính trị học Sebastian Heilmann thuộc Đại học Trier – người nghiên cứu Đảng hàng chục năm nay và đã phỏng vấn hàng trăm cán bộ và kế hoạch gia trên toàn đất nước, cho biết. Không phải kiểu máy móc khô cứng. Một mạng lưới của những mạng lưới, hay của những bè phái, trong đó đổi chác và đàm phán đã thay thế chuỗi ra lệnh theo cấp bậc. “Một bộ máy rất uyển chuyển, kiểu như túi mật, biết cách thích nghi với dòng chảy cuồn cuộn của phát triển”. Đảng, Heilmann nói, không chỉ thành công vì nó vứt bỏ đi những gánh nặng cũ, mà chính vì còn giữ được thứ gì đó từ thời đấu tranh ngầm.
Học từ Mao ư, thật thế sao? Chính xác, Heilmann cho biết, bí quyết là: “Chính trị kiểu du kích”. Có nghĩa: Chuyển động như một con cá đang bơi, thích nghi liên tục, tận dụng mọi cơ hội củng cố quyền lực bằng mọi giá. Thử những đường lối không theo lệ thường ở các vùng. “Đảng dưới thời Mao đã làm cách mạng thành công bởi cuộc tìm kiếm phương cách luôn được thực hiện từ dưới lên”, Heilmann nói. “Điều này đã được ghi vào trong ADN[7] của Đảng.“
Cách này không chỉ dẫn đến việc thành lập nước Cộng hòa Nhân dân vào năm 1949, mà gần nửa thế kỷ sau còn là những đặc khu kinh tế và công ty tổ hợp, những doanh nhân sở hữu hàng tỷ tự hào nhận sổ đảng viên và những tập đoàn nhà nước niêm yết trên thị trường chứng khoán. Một quái vật kỳ dị nảy sinh: Cơ thể hệ thống cộng sản mọc ra những chân tay tư bản và những sức mạnh kinh tế mới. Một thứ chủ nghĩa tư bản cán bộ đã làm đất nước giàu lên, và các cán bộ của nó, tất nhiên.
Sự hình thành nên thực thể này đã từng là thành công vĩ đại nhất của chế độ, và giờ đây là nguy cơ lớn nhất. Bởi chất keo kết dính Đảng giờ đây là gì? “Đảng có cả hai: độc quyền quyền lực và thâu tóm những tài sản quan trọng nhất”, Sebastian Heilmann nói. “Điều này còn tồn tại một cách sáng tạo và bình ổn một khi quyền lực và kinh tế nhà nước kiếm được đủ lợi nhuận cho tất cả các bè phái và nhóm lợi ích.”
Thế khi những rạn nứt có thể nhìn thấy được như hiện nay? “Các tranh chấp sẽ diễn ra.”
Vơ vét rồi biến
Một vùng ngoại ô Bắc Kinh. Lẩu kiểu Trùng Khánh: thịt cừu, tôm, nấm trong nước lèo cay xé. Chủ xị bữa này, một người đàn ông nhỏ nhắn lanh lợi ngoại ngũ tuần, nâng cốc. Hãy gọi ông là Zeng Hong.
Zeng là một doanh nhân tư nhân, chuyên nhập khẩu khoáng sản từ Đông Nam Á cho nền kinh tế đói khát của Trung Hoa, nhưng chưa đầy mười năm trước, ông cũng từng là một phần của bộ máy, trong vai trò thư ký của một chủ tịch tỉnh. Ông nói, hồi đó sự xấu hổ còn đặt giới hạn cho những viên chức như ông. “Ừ thì chúng tôi cũng chấp nhận lời mời đi ăn những thứ cao lương mĩ vị đắt tiền, đi hát karaoke, tiêu khiển với gái”, ông kể. “Nhưng mà tất cả những tiền bạc có thể vơ vét được hiện giờ? Không thể tưởng tượng được.” Zeng châm một điếu thuốc lá. “Bạn bè tôi hồi đó giờ đều làm chủ tịch hay cái gì đó tương tự. Và tất cả họ đều giàu sụ. Biệt thự của các anh, đồng hồ Thụy Sĩ của các anh – các anh đều trả được bằng lương à, tôi thường hỏi họ thế.”
Ông liệt kê những gì đã xảy ra từ hồi đó: Bán số lượng lớn đất công, kèn cựa doanh nghiệp tư nhân, sự hồi sinh các xí nghiệp nhà nước trong vòng mười năm qua. “Giờ đây Tiền và Quyền đi đôi với nhau, khác với hồi xưa. Kinh tế trong tay cán bộ, đó là một mô hình thảm họa. Đúng, kinh tế nước tôi tăng trưởng, nhưng tiền có đến được với dân không? Khoảng cách giàu nghèo thật khủng khiếp. Nhân dân đã mất hết niềm tin. Và cũng vì những kẻ trục lợi biết rằng đang đứng trên cái nền chao đảo, nên chúng cố gắng vơ vét nốt càng nhiều càng nhanh càng tốt. Rồi biến.”
“Điều tồi tệ là ở Trung Hoa chưa có một kẻ quyền lực nào bị lãnh trách nhiệm cho việc làm sai trái của hắn”, Đái Tình – nhà phản kháng nói. “Nếu không phải vì anh vừa thua một cuộc chiến quyền lực, anh luôn vô tội.”
Một cuộc điều tra nội bộ trong Đảng cho thấy ở cấp huyện 48% tất cả các cán bộ đều tham nhũng, theo lời một thành viên của một viện nghiên cứu thân thiết với Đảng. Vậy là cứ hai người có một người tham nhũng.
Cải cách hay suy vong
Mùa hè vừa qua xuất hiện một văn bản tả chân đáng chú ý về tình hình xã hội: lạm dụng quyền lực, cướp đất, những phiên tòa thối nát không thể là chỗ dựa của nạn nhân, bạo lực chống lại người thỉnh nguyện, những viên chức chỉ chăm chú vào các cuộc trao đổi ngầm. Ngắn gọn: “Những nhóm lợi ích đầy quyền lực dập tắt mọi hình dung về công lý và đẩy xã hội tiếp tục về hướng một nhà nước mafia.” Ở một đoạn khác: “Nếu ngay cả sư sãi và giáo viên cũng đều tham nhũng, thì đất nước đã thối đến tận ruột rồi.” Trung Hoa trên đường tiến tới một nhà nước mafia? Văn bản này không được viết bởi một nhà bất đồng chính kiến, mà tác giả của nó là Tôn Lập Bình[8], một nhà xã hội học thuộc trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, và trên hết, ông từng là giáo sư hướng dẫn luận văn tiến sĩ của Tập Cận Bình – người đàn ông quyền lực mới của Trung Hoa.
Phải chăng ta có thể chờ mong gì ở vị hoàng tử nối ngôi này? Thậm chí là cải cách? Ông Ngô Tư[9]Wu Si, nhà văn và tổng biên tập của tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu[10] – ấn phẩm của một số thành viên kỳ cựu và mang tinh thần tự do thuộc Đảng, cho rằng không phải nhân sự làm ông thấy lạc quan, mà là thực trạng. “Chúng tôi đang đi tới một điểm mà cải cách là tất yếu.”
Những tháng qua xuất hiện một cơn lũ các bài luận, ngay cả của những người tiên phong thuộc Đảng, tất cả cùng đồng thanh hát một câu như nhau: Cải cách hay suy vong! Những nhà phân tích yêu cầu trước hết phải phá bỏ thế độc quyền. Và họ đòi hỏi thể chế nhà nước pháp quyền. Chống lại chuyên chế nhà nước, nhưng cũng là phương tiện duy nhất chống tham nhũng. Không hẳn là những người cầm đầu không thấy mối nguy hiểm từ tham nhũng. “Nó có nguy cơ làm xói mòn toàn bộ nền tảng chính trị”, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cảnh báo. “Hãy kiểm soát vợ chồng, con cái, họ hàng và bạn bè của các đồng chí”, hoàng tử nối ngôi Tập Cận Bình lưu ý.
Đợi chờ và hy vọng
Giáo sư người Bắc Kinh Hà Gia Hoằng[11] là một trong những luật gia nổi tiếng nhất Trung Hoa. Ông cũng viết cả tiểu thuyết trinh thám. Hai năm trước đây ông khởi xướng một “ngành học chống tham nhũng” tại trường Đại học Nhân dân Bắc Kinh. Bước thứ nhất của ngành đào tạo: Sinh viên không được phép mời các giảng viên đi ăn hay tặng quà. Ai lắng nghe người giáo sư dũng cảm sẽ hiểu được ngay giới hạn những cố gắng của ông. Vẫn còn tình trạng những thanh tra nội bộ Đảng giải quyết vấn đề với các đảng viên bị nghi vấn và tước đoạt quyền can dự của luật pháp. “Là một giáo sư luật, tôi rất buồn phiền về điều này”, ông Hà nói. “Tại đó, dưới sự bao che của Ủy ban Thanh tra Đảng, diễn ra rất nhiều điều bất hợp pháp. Đáng lẽ trong một nhà nước pháp quyền các công tố viên phải làm nhiệm vụ điều tra.”
Trong một nhà nước pháp quyền. Và tại Trung Hoa? Hà thở dài. “Ở Trung Hoa các công tố viên bị đặt dưới quyền kiểm soát của các quan chức cấp vùng. Họ phải lấy ý kiến từ bí thư Đảng trước khi thực thi công việc.” Làm gì bây giờ? “Chúng tôi đợi quyết định từ thế hệ lãnh đạo mới”, Hà nói. “Chúng tôi đợi.”
Tháng Mười vừa qua cả Trung Hoa vui Tết Trung thu. Ngay trước ngày hội có bài thơ sau được lan truyền trên mạng: “Hy vọng, hy vọng mãi / Thất vọng, thất vọng luôn / Ông Trăng trên nước Trung Hoa già cỗi / tròn rồi lại khuyết / khuyết rồi lại tròn / và rồi trong cái thất vọng lại mở ra hy vọng.”
Người ta có thể hy vọng gì? Nhiều người đồn đại rằng những tiết lộ động trời về khối tài sản hàng tỷ của gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo chỉ được phanh phui, vì ông và nhóm nhà cải cách của mình đã muốn động chạm đến khối tư bản cán bộ, vì muốn tăng sức ép cạnh tranh hay thậm chí là chia nhỏ những tập đoàn nhà nước quá lớn và đầy quyền lực. “Đó là một cuộc chơi lớn ở phía sau”, Sebastian Heilmann nói. “Sự phản đối cải cách rất mạnh mẽ.”
Kỳ họp thứ 18 của Đảng sẽ lên kế hoạch 5 năm chống tham nhũng. Tiếp tục như mọi khi. Và cái kế hoạch này cũng sẽ thất bại, khi nào mà Đảng còn tự thanh tra tham nhũng nội bộ. Cho tới nay nhà lãnh đạo mới nào, bất kể người ta gán cho ông ta những nỗ lực cải cách ra sao, cuối cùng đều trở thành tù nhân của hệ thống.
“Giá như họ dừng được”, Đái Tình nói, “đó sẽ là điều kỳ diệu vĩ đại nhất.“
Kai Strittmatter
Marcus Vũ dịch
Nguồn: Dịch từ nguyên bản tiếng Đức “Die letzten Kaiser” của tác giả Kai Strittmatter – nhật báo Süddeutsche Zeitung số ra ngày 2 tháng 11 năm 2012, trang 3. Toàn bộ chú thích của người dịch. Các tiêu đề đoạn do người dịch đặt.
Bản tiếng Việt © 2012 Marcus Vũ & pro&contra
[1] Dai Qing (戴晴)
[2] Đảng (viết hoa): “die Partei” hay “die KP” trong nguyên bản, chỉ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
[3]Ye Jianying (葉劍英)
[4] Nguyên văn tiếng Đức: “Prinzenclique”
[5] Tác giả liên hệ đến sự kiện bầu Giáo hoàng mới tại Vatican: Khi khói đen bốc lên từ ống khói của Vatican có nghĩa là chưa ngã ngũ, còn khi khói trắng là đã có một vị được bầu.
[6] Người dịch giữ nguyên tên phiên âm Latinh của các tên người trong bài viết, trừ trường hợp tên người đã có phiên âm tiếng Việt được đông đảo người đọc biết đến.
[7] Acid Deoxyribo Nucleic: phân tử mang thông tin di truyền mã hóa.
[8]Sun Liping (孙立平)
[9]Wu Si (吴思)
[10]Yanhuang Chunqiu (炎黄春秋)
[11]He Jiahong (何家弘)
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen