Samstag, 7. Juli 2012

Death By China-Chết bởi tay Tàu 13


Peter Navarro: Giáo sư kinh tế đại học UC Irvine

Greg Autry: Thương gia

(Người dịch: Vĩnh Nguyên)

 

(Tiếp theo)

 

Phần IV

Cẩm Nang Đi Tắt Đến Gulag Tàu

 

 

13. 

Chết Bởi Cuộc Tàn Sát Của Tàu: Khi Mao Gặp Orwell Và Đặng Tiểu Bình Ở Thiên An Môn 

 

 

Chủ nghĩa Cộng Sản không phải là tình yêu. Chủ nghĩa Cộng Sản là cái búa, để đập tan kẻ thù. 

—Mao Trạch Đông 

 

Trong “thiên đường công nhân” ở Tàu, quá nhiều “kẻ thù” của Đảng Cộng Sản là chính người Tàu. Những công dân-kẻ thù này là những người làm việc chăm chỉ trong Cộng Hòa “Nhân Dân,” họ muốn mức lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn, họ mong có nước sạch và không khí dễ thở, họ cố gắng để được quyền lợi y tế và hưu bổng, và họ ráo riết tìm quyền tự do phát biểu ý kiến chính trị và tôn giáo. 

 

Trong cuộc chinh phục các lãnh thổ như Tây Tạng, Nội Mông, và Tân Cương, những “kẻ thù” của Đảng Cộng Sản Tàu cũng là những người địa phương dám đòi quyền tự trị đối với Bắc Kinh, dám đòi chia xẻ thành quả kinh tế có được do sự khai thác tài nguyên thiên nhiên của chính họ, và dám phản đối việc Bắc Kinh đưa dân Hán ồ ạt tràn vào với mục đích phân tán và “tẩy sạch” gien (gene) của họ. 

 

Có ba tầng áp bức đối với nhiều trăm triệu nạn nhân của Cộng Hòa Nhân Dân Tàu: 

 

- Áp bức bởi sự phát triển kinh tế dựa trên lao động 50 xu và nhiều ô nhiễm. - Hệ thống thần quyền thô cứng dựa trên giai cấp của đảng Cộng Sản hạn chế sự thăng thưởng, và - Chế độ cực kỳ độc tài theo dõi mọi hành vi, hạn chế từng hơi thở, và hoàn toàn không khoan nhượng đối lập. 

 

Thật là mai mỉa, cái tên “Cộng Hòa Nhân Dân” hoàn toàn không có gì là cộng hòa vì chính phủ không do người dân thành lập và kiểm soát, và cũng chẳng có gì là nhân dân vì lãnh tụ không do người dân tự do bầu lên. Thay vào đó các cuộc họp và thể thức quyết định mọi việc của Đảng Cộng Sản Tàu rất mù mờ và được sàng lọc bởi cơ quan truyền thông nhà nước mà đảng kiểm soát với bàn tay sắt. 

 

 

Sự Dối Trá Vĩ Đại Bắt Đầu Với Tên Gọi Và Được Công Nhận Bởi Hiến Pháp 

 

Công dân của Cộng Hòa Nhân Dân Tàu được hưởng tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, thành lập hội, diễn hành, và biểu tình. 

—Điều 35 Hiến Pháp Tàu 

 

Giống như cái tên của Tàu—“Cộng Hòa Nhân Dân”—là một sự dối trá đầy mâu thuẫn, Hiến Pháp của Cộng Hòa Nhân Dân cũng là một trò chơi chữ lố bịch. Dù Điều 35 bảo đảm các quyền như tự do ngôn luận, thành lập hội, hội họp, và biểu tình, nhưng thực hành bất cứ quyền nào—đặc biệt là biểu tình—chắc chắn sẽ bị đánh đập tàn nhẫn hoặc bị bỏ tù, hoặc cả hai. 

 

Về tự do báo chí, điều tiên quyết cho một chế độ cảnh sát trị là khả năng kiểm soát thông tin mọi chiều và uốn nắn dư luận nội bộ cũng như bên ngoài. Phương pháp này gồm hai bước, hạn chế tin trung thực và thay thế bằng tin giả nhưng có sức thuyết phục. Tàu sử dụng báo chí và phương tiện điện tử để thực hiện điều này rất trơn tru. Vì vậy trong Bảng Xếp Hạng Tự Do Báo Chí do hội Phóng Viên Không Biên Giới công bố, Tàu đứng thứ 171 trong số 178, chỉ trên vài hố đen có chế độ kiểm duyệt gắt gao như Sudan, Bắc Hàn, và Iran. 

 

Điều 40 trong Hiến Pháp ghi, “Quyền tự do và quyền riêng tư trong giao dịch của công dân Cộng Hòa Nhân Dân được bảo vệ bởi luật pháp.” Cái này cũng thực là nực cười. Các email “riêng tư” của bạn sẽ phải đi qua “Vạn Lý Trường Thành Lửa” với hơn 50,000 công an mạng và kiểm duyệt viên. Chính chúng tôi đã thấy điều này xảy ra khi công an ở Thâm Quyến bắt giữ những nhân vật bất đồng chính kiến mà chúng tôi đã có hẹn qua email để gặp. 

 

Để thấy Vạn Lý Trường Thành Lửa của Tàu hoạt động, bạn có thể thử làm như sau: Đến một tiệm cà phê internet ở bất cứ thành phố nào bên Tàu và gõ vào máy tìm những chữ như “freedom of speech” (tự do ngôn luận) hay “Tiananmen Square demonstration” (cuộc biểu tình Thiên An Môn.) Các kết quả tìm kiếm sẽ bị chặn, và nếu thử thêm lần nữa máy của bạn sẽ bị tắt. Còn nếu cứ tiếp tục thử, bạn sẽ bị công an mạng đến hỏi thăm—hoặc bị một ai đó trên mạng chỉ điểm cho công an bắt bạn để lấy tiền thưởng. Chủ Tịch Nước Hồ Cẩm Đào đã cảnh cáo: 

 

[Chúng ta] phải cứng rắn và tăng cường kiểm soát mạng thông tin, tăng cường kiểm soát thế giới ảo, và hoàn thiện hệ thống hướng dẫn dư luận trên mạng. 

 

Cũng cần thêm rằng, như nhiều thứ ở Tàu, kiểm duyệt là một phần gắn bó của cuộc chiến kinh tế do Bắc Kinh chủ xướng để chống lại các đối tác và đối thủ cạnh tranh. Thí dụ, cấm phim của Hollywood không cho chiếu ở rạp với lý do văn hóa và đạo đức nhưng lại ngầm cho sao chép lậu bán đầy đường ở Thượng Hải. Đây rõ ràng là một rào cản vĩ đại nhắm vào một trong những kỹ nghệ lớn của Mỹ. 

 

Tương tự, ngăn chặn các công ty Mỹ như Google, YouTube, và Facebook không cho vào thị trường Tàu trong khi nuôi dưỡng những kẻ bắt chước nhái theo như Baidu, Youku, và RenRen. Như vậy rõ ràng là vi phạm các điều lệ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới bằng cách núp sau bức màn ngụy biện rằng kiểm duyệt là điều cần thiết. 

 

Và thêm một chuyện nữa vào hồ sơ mâu thuẫn: Sự việc nhiều người dân Tàu bị bắt bỏ tù vì họ muốn thực hành tự do theo Điều 35 và 40 cho thấy rằng công an Tàu không hề đếm xỉa gì đến Điều 37 của Hiến Pháp, đó là: 

 

Quyền tự do cá nhân của công dân của Cộng Hòa Nhân Dân Tàu không thể bị vi phạm. 

 

Ngày nay khoảng hai triệu công dân Tàu đang mòn mỏi trong khoảng 300 trại “Cải Tạo Lao Động” và vài chục ngàn người bị nhốt vì những tội như theo đạo Gia Tô mà không khai báo hoặc theo giáo phái Pháp Luân Công. Đây cũng là điều lạ lùng vì Điều 36 hiến pháp ghi rõ: 

 

Công dân của Cộng Hòa Nhân Dân Tàu được hưởng quyền tự do tôn giáo. 

 

Dĩ nhiên, khi người dân Tàu bình thường phải đối diện sự tương phản giữa những lời hoa mỹ của Hiến Pháp và thực tế hàng ngày là áp bức, họ sẽ bị hoang mang trầm trọng. Điều này dẫn đến câu hỏi là tại sao một quốc gia với dân chúng chăm chỉ và thông minh, có một nền văn hóa và kinh tế phong phú lâu dài lại bị tụt xuống địa ngục độc tài như ngày nay? Để trả lời câu hỏi này ta cần nhìn sơ qua vài khúc quanh lịch sử quan trọng. 

 

 

Đế Quốc Hùng Mạnh Rơi Xuống Hố Nghèo Cô Đơn 

 

Một đội thuyền rất đông của Tàu rời cảng năm 1414 đi về phía tây trong một cuộc hành trình vừa thám hiểm vừa buôn bán. Việc này vượt xa khả năng tưởng tượng của Kha Luân Bố. Đội này gồm ít nhất 62 thương thuyền Galilean vĩ đại, mỗi chiếc có thể chở được ba chiếc thuyền nhỏ của Kha Luân Bố. 

—The Emperor’s Giraffe 

 

Phần lớn sự sáng tạo sung mãn của Tàu phát sinh từ nhà Đường (600-900 A.D.) và nhà Minh (1370-1450). Trong hai thời này, Tàu đã có nhiều phát minh như la bàn, thuốc nổ, hỏa tiễn nhiều tầng, tiền giấy, xe đẩy, rượu, và cờ tướng. Vì vậy Tàu đã là nơi giàu có nhất, hùng mạnh nhất, yên bình nhất, và văn minh nhất địa cầu. 

 

Khi Âu Châu còn chìm đắm trong thời đại đen tối (dark ages), nhà Minh đã phát triển được một nền kinh tế tiêu thụ năng động với những sáng tạo kỹ thuật và là một đế quốc thương mại. Trong thời này hoàng đế nhà Minh đời thứ ba đã cho hạ thủy đội thuyền thám hiểm lớn nhất chưa từng có trong lịch sử thế giới, ngay cả cho đến bây giờ. 

 

Theo lời kể của Samuel Wilson trong quyển The Emperor’s Giraffe, đội thám hiểm hoàng gia Tàu gồm nhiều trăm thuyền vĩ đại chở báu vật. Những thuyền này cũng đưa vài chục ngàn thủy thủ Tàu đến Ấn Độ, Phi Châu, và Trung Đông, rồi trở về với quà tặng và đại sứ của các nơi xa xôi. Đem so sánh thì đội thuyền của Kha Luân Bố chỉ là vài chiếc xuồng nhỏ bé tội nghiệp. Với đội thuyền hoàng gia hùng hậu, Tàu đã ở vào vị thế để trở thành lực lượng tầm cỡ quốc tế, có thể đẩy Anh Quốc và Tây Ban Nha ra khỏi cuộc đua bá chủ thế giới. 

 

Nhưng giấc mơ của vua Tàu đã không thành. Năm 1433 các thái giám nhiều quyền lực trong triều đã đột ngột chấm dứt chương trình thám hiểm, phá hủy đội thuyền, và còn định tiêu hủy tài liệu về cuộc hành trình này. Sau đó là chính sách bế môn tỏa cảng tai hại khiến Tàu từ từ trôi vào thời đại đen tối của mình, còn Tây Phương thì vươn lên phát triển. 

 

Dù tự cô lập, vào những năm đầu thế kỷ 19, Tàu vẫn chiếm một phần ba tổng sản lượng thế giới so với ba phần trăm ít ỏi của Mỹ. Vậy mà ở khúc quanh lịch sử này, Tàu đã hoàn toàn khước từ cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ. 

 

Trong một cú gậy ông đập lưng ông vĩ đại của lịch sử, những kỹ thuật của Tàu như thuốc nổ và la bàn đã được các nước Tây Phương ứng dụng vào vũ khí để rồi sau đó bóc lột Đế Quốc Tàu một thời huy hoàng và kiêu hãnh. Người Tàu thường gọi quãng thời gian dài này là “sự sỉ nhục bởi ngoại bang.” Khi đó các nước Tây Phương mới nổi đến thành lập các vùng thuộc địa dọc bờ biển như Quảng Đông, Phúc Kiến, Phúc Châu, Chiết Giang (Zhejiang), và Thượng Hải. Những thực dân này khai thác tài nguyên của Tàu đem về Anh, Hòa Lan, và Bồ Đào Nha. 

 

Cũng trong chiều hướng đó, Anh Quốc đã tạo ra cuộc Chiến Tranh Nha Phiến, bắt Tàu phải nhận thuốc phiện nhập từ Ấn Độ để trừ vào số hàng hóa khổng lồ Anh mua của Tàu như bông vải, lụa, và trà. Đỉnh cao là cuộc nổi dậy của Thiên Địa Hội (Boxer Rebellion) nhưng đã bị diệt thê thảm bởi liên quân Âu Châu và Mỹ. Gót giầy của những đội quân ngoại quốc tiến vào Cấm Thành qua lăng của các vua nhà Minh đã giẫm nát phẩm giá, sự kiên nhẫn, và quan trọng nhất là sự đoàn kết của người dân Tàu. 

 

Trước việc bị sỉ nhục bởi ngoại bang, Tàu dần dần tan rã vào một cuộc cách mạng toàn diện. Sau một thoáng hy vọng cho một nền cộng hòa chủ trương bởi Tôn Dật Tiên năm 1912, Tàu chìm đắm trong một cuộc nội chiến đẫm máu nhiều phe phái giữa quốc gia, cộng sản, và các lãnh chúa. Sự hỗn loạn tạo cơ hội cho Nhật xâm chiếm tàn bạo và kết thúc với sự trỗi dậy của Mao Trạch Đông, thành lập Cộng Hòa Nhân Dân năm 1949, và đẩy Quốc Dân Đảng Tàu dạt qua Đài Loan. 

 

Mao Đã Làm Gì Trong Thời Woodstock 

 

Nam Kinh (Nanjing) là một thành phố lớn với 500,000 dân…số người bị xử tử ở Nam Kinh quá ít, đúng ra nhiều người đã phải bị giết hơn. 

—Chỉ thị của Mao Trạch Đông để đàn áp những người chống đối ở Nam Kinh và Thượng Hải 

 

Kể ra thì Mao Trạch Đông đã có công thống nhất nước Tàu dưới quyền cai trị của người Hán, đuổi được người ngoại quốc, và phục hồi danh dự cho người Tàu. Nhưng cái giá người dân Tàu phải trả bằng máu, mồ hôi, nước mắt, lao động khổ sai, tù đày, và sự hoang tưởng về một cuộc giải phóng kiểu cộng sản là một giá quá đắt. 

 

Hitler đã giết khoảng 12 triệu dân thường, Stalin giết khoảng 23 triệu người trong các trận đói và những cuộc thanh trừng, và số người bị Mao giết ở vào khoảng từ 49 đến 78 triệu. Vậy Mao là kẻ giết người tàn ác nhất trong mọi thời đại—tối thiểu thì đó là theo Piero Scaruffi, người đã làm thống kê các cuộc diệt chủng ghê tởm nhất trong lịch sử. 

 

Trong hơn hai thập niên cai trị, khi Mao không bận bơi giải trí qua sông Dương Tử, ngài Chủ Tịch nhảy từ kế hoạch điên cuồng này đến kế hoạch điên cuồng khác. 

 

Thí dụ, trong cuộc “Đại Nhẩy Vọt” tất cả kim loại trong nước đã bị phí phạm trong những lò tự chế vô dụng khắp nơi, và chim sẻ bị tận diệt. Cứ sau mỗi cuộc cải cách điên rồ của Mao là lại có thảm họa kinh tế và nhiều triệu dân chết đói. 

 

Cũng thê thảm tương tự—và kinh hoàng—là các cuộc thanh trừng định kỳ của Mao nhắm vào những thành phần phản động, trí thức, và cả những đảng viên mà ông ta cho là “có khuynh hướng tư bản” (capitalist roader). “Cuộc Cách Mạng Văn Hóa” ở những năm 1960 đã rất tàn bạo khiến những ai trải qua mà còn sống sót đều sợ hãi. 

 

Cũng trong thời gian Cuộc Cách Mạng Văn Hóa xảy ra ở Tàu, khi ban nhạc Rolling Stones và Beattles xuất hiện ở Vương Quốc Anh làm chấn động thế giới, và những người trẻ trong phong trào hippies đòi hỏi hòa bình và tình yêu ở Woodstock, thì bên Tàu Vệ Binh Đỏ hung hăng tràn ra đường truy lùng nạn nhân. Thành phần thương nhân, trí thức, và giáo sư bị kết tội thủ phạm cho tất cả mọi sự xấu xa của Tàu rồi bị bắt đi lao động tay chân, còn thường dân nếu không tỏ ra hăng hái tham gia cách mạng cũng bị bắt, bị xỉ nhục trước đám đông, bị đánh đập, rồi bị đày vào các trại lao động khổ sai nhiều năm. Người dân Tàu đã phải nói dối để sống còn và tuân phục để tiến thân trong khi kinh tế Tàu suy thoái dần đến mức ngưng trệ. Tấm vải liệm Orwellian phủ lên Cộng Hòa Nhân Dân vẫn còn là di sản lâu nhất của Mao.  

 

Kinh Tế Quốc Doanh Vươn Lên Từ Tro Tàn Của Nhà Nước Cộng Sản 

 

Mèo trắng mèo đen cũng không sao, miễn là bắt được chuột. 

—Đặng Tiểu Bình 

 

Người đưa nước Tàu ra khỏi vũng lầy kinh tế của Mao là Đặng Tiểu Bình. Ông đã theo cách mạng và đã bị thanh trừng, bị đưa đi lao động ở xưởng máy cày trong Cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Sau khi người con trai của ông bị Vệ Binh Đỏ đánh đập rồi ném qua cửa sổ từ lầu bốn, ông được tha về dưới sự giám sát của Hoa Quốc Phong (Hua Guofeng), người được coi là sẽ kế vị Mao. 

 

Sau khi Mao chết, Đặng lập mưu loại vợ Mao cùng phe cánh là Tứ Nhân Bang, và cũng loại luôn người đã cứu ông. Dù không có chức vị chính thức, Đặng thực sự nắm quyền và mọi người đều biết ông ta điều khiển mọi việc ở hậu trường. 

 

Đặng Tiểu Bình thực sự là nhân vật quan trọng nhất của nước Tàu ngày nay vì ít ra là hai lý do. Đầu tiên, trong khi Thủ Tướng Liên Sô Mikhail Gorbachev nhượng bộ phe chống đối và để Liên Bang Sô Viết tan rã thì Đặng ra lệnh cho quân đội Tàu tàn sát những người biểu tình ở Công Trường Thiên An Môn năm 1989 để bảo vệ chế độ Cộng Sản Tàu hà khắc và tàn ác. 

 

Cũng quan trọng như vậy, Đặng là người đẩy mạnh hình thái kinh tế tư bản có chỉ đạo mà trong đó chủ lực là công ty quốc doanh. Đây là dấu ấn của nền kinh tế Tàu với chủ trương “biến hàng xóm thành kẻ ăn xin” ngày nay. Đặng đã mở những đặc khu kinh tế cho Tây Phương và đã xả ồ ạt nguồn nhân công vào thị trường thế giới với những vũ khí hủy diệt việc làm như việc trợ giá hàng xuất cảng và ma-nớp hối xuất. 

 

Nước Tàu ngày nay được hình thành do Mao và Đặng, là một nước đối xử thô bạo với dân của mình và không ngay thẳng với những đối tác thương mại. Trong chương kế tiếp chúng ta sẽ bàn đến sự đàn áp và tàn bạo của cái Chết Dưới Tay Tàu trên đất Tàu thê lương. Khi đó bạn sẽ thấy hai di sản của Chủ Tịch Mao và Đặng Tiểu Bình vẫn còn tồn tại trong cái xứ độc tài càng ngày càng tàn ác này. 

 

 

Kỳ tới: Chết Dưới Tay Tàu Trên Đất Tàu: Dụ Dỗ Giống Tốt Và Những Chuyện Thực Tế Khác


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen